Sông cũ đổi dòng

TTCN - 1.Sông chảy đến đấy thì đổi dòng. Nhưng con nước còn chưa ngủ hẳn, mấy trăm năm vẫn một sắc trôi lờ đờ. Nơi hai đầu hồ, bây giờ người ta gọi sông như thế, còn sót lại hai con lạch nhỏ. Bên chảy vào, bên chảy ra. Khoảng đất là đầm lầy trước kia đã thành bãi bồi.

Phóng to
Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần
TTCN - 1.Sông chảy đến đấy thì đổi dòng. Nhưng con nước còn chưa ngủ hẳn, mấy trăm năm vẫn một sắc trôi lờ đờ. Nơi hai đầu hồ, bây giờ người ta gọi sông như thế, còn sót lại hai con lạch nhỏ. Bên chảy vào, bên chảy ra. Khoảng đất là đầm lầy trước kia đã thành bãi bồi.

Đất tốt. Làng mọc lên ở đó, chen giữa lách lau. Nghe đồn trong hồ vẫn có cả thuồng luồng. Dấu chân chúng cứ sáng ra còn lướt trên mặt bùn. Các cụ bảo cứ ra đấy mà ỡm ờ, thần lôi xuống thủy cung cả nút. Thanh niên bảo con gái thủy tề vật nhau với ai mà khiếp quá. Còn trẻ nít từ chặp tối đã đòi tè trong nhà. Chuyện ấy từ hồi lão còn trẻ...

2.Tàu thủy ngang sông, còi chiều vọng về hút hút. Lũ trẻ ôm bóng từ bãi về gào lộng:

- Ông dở ơi, về đi!

Lão choàng mắt, lụi cụi ra mé nước vớt cái giỏ lên. Đáy giỏ bám vài con ốc vặn. Ống bơ thính đã cạn. Trong hộp mồi, lũ giun bò đi đâu hết. Lão thu cần, nhìn mặt nước lần nữa, thấy có vài cánh chim lướt ngang nền trời xám.

Đứa cháu gái dựng xe trước ngõ, te tái chạy vào:

- Gầm giường còn khoai không ông?

Lão đáp, mắt vẫn nhắm:

- Còn.

Đứa cháu gái bảo:

- Mai ông qua nhà ăn cơm. Hai ngày ăn khoai phải một ngày ăn cơm.

Lão chẳng đáp, chừng như đã ngủ. Đứa cháu gái dắt xe. Thoáng đã nghe tiếng líp xè xè ngoài ngõ.

Căn nhà đầy muỗi. Lão lại bàn, vớ cây đóm, bật lửa. Nạm thuốc lào đã nhồi vào nõ, nghĩ sao lão lại quẹt ngang cho cây đóm tắt.

3.Lão đi cày thuê cho nhà hàng xóm. Cách cái rào tre, bên kia giàu, bên này nghèo. Gặp hôm đang tì tũm bám mông trâu thì cô về ngang. Mặt lão cứ dán xuống bùn. Cô qua, cố ý dừng lại mé ruộng:

- Chào anh giáo! Ây quên anh sáo!

Lão cắn răng:

- Không dám, chào cô!

Đấy là cô cố ý, gọi anh sáo thành anh giáo để chọc chơi. Một chữ bẻ đôi lão không biết, nhưng nhà có nuôi con sáo, cái lồng treo trước cửa. Suốt ngày sáo nói: Cáo cáo. Có lẽ nó lẫn giữa hai âm, cào cào, thứ vẫn ăn hằng bữa, và sáo sáo, thứ lão vẫn gọi hằng ngày.

Cô đẹp, ra đến chợ huyện vẫn nghe đồn. Đuôi mắt dài quết tóc mai. Tóc mai dài quết cái cằm trắng nuốt.

Phiên chợ huyện. Lão xách cái lồng có con sáo đứng đón ngay gốc gạo giữa đồng. Cô về ngang. Lão cầm cái lồng chắn giữa lối:

- Ấy hãy lấy tôi!

Cô nhìn cái lồng có con sáo nhảy lách chách, cáo cáo:

- Anh cầu hôn tôi bằng con... cáo này ý hả?

Mắt lão nháng lửa, nhưng vẫn gật:

- Vâng!

Cô bảo:

- Tôi không cần cáo, cũng chẳng cần sáo. Anh có ra hồ câu được con cá chép vàng nặng mười cân, hôm trước đem đến nhà tôi, hôm sau tôi về nhà anh!

Lão gật, cầm cái lồng lùi lũi bước đi. Được mấy bước, đột nhiên quay lại bảo:

- Tôi sẽ có cá. Nhưng gì thì gì, đừng có mà khinh con sáo của tôi!

- Ừ - cô gật.

Lão bước đi. Được vài bước, lại lần nữa giật nhoàng người, quay lại:

- Cơ mà cô phải thề!

- Thề cái gì?

- Thề trước cây gạo này. Nếu tôi câu được con cá chép, cô phải giữ lời!

Cô ngước mắt nhìn cây gạo:

- Ừ thề!

- Thề trước cây gạo.

- Ừ thề trước cây gạo. Nếu anh đây câu được con cá chép vàng nặng mười cân, tôi sẽ về nhà anh ấy.

4.Lão ra hồ buông câu, dưới gốc sung. Bỏ hẳn việc cày bừa. Ban đầu làng lạ lắm. Về sau miệng cô không giữ nổi. Thế là cả làng biết. Người lớn bụm miệng cười. Bọn trẻ kéo bè núp sau bụi lau, thi thoảng ném cục đất ùm một cái. Lão tức chửi um thiên địa, nhưng vẫn kiên quyết không bỏ cần đuổi theo bọn chúng. Được thể, chúng tha hồ ném. Ném đến khi lão không còn chửi rủa nữa. Chán. Bỏ trò chơi.

Còn lại bóng lão ven hồ. Gió thổi qua hình hài trong suốt những chiều đông u uất. Có người thương, bảo:

- Anh ngồi thế này, khéo khi câu được cá, cô ấy tay ẵm tay bồng rồi cũng nên!

Lão rút soạt cái thuổng dùng đào giun, kê ngang cổ người ấy:

- Mày nói nữa, ông chém!

Từ đấy, chẳng còn ai để ý.

Người em trai lấy vợ. Hôm đón dâu về nhà lão cũng mặc. Hai vợ chồng mang nghĩa vụ nuôi cả ông anh gàn dở. Bữa ngô bữa khoai. Vẫn đủ sức cho lão buông cần.

5.Hôm ấy, lão buông cần đến tối. Tâm trạng cả ngày như ngồi trên đống lửa. Mắt nhìn xuyên qua làn nước, lão thấy rõ bóng con cá vàng. Đúng là nó, lão không thể nào hoa mắt được. Những đốm vảy to bằng chiếc lá mít, màu vàng cam, ánh ngời qua làn nước. Cái đầu u lên, hai mép ve vẩy hai sợi râu đỏ quạch.

Lão khoát nước rửa mặt mấy lần, vẫn thấy nó trôi chầm chậm qua làn nước trong veo. Chiều buông vàng. Đêm xuống. Trăng lên. Lão điên dại ghì cần câu bằng cả hai tay. Con cá vẫn trêu ngươi. Cái phao trắng sáng lên dưới ánh trăng chẳng buồn động đậy. Sương sa đầm mặt cỏ, lũ dế lật đất ruộng lên mà gáy. Tịch mịch đồng khuya.

Bỗng lão giật nhoàng mình. Cái phao, cái phao nó nhún. Một đầu thụt xuống, rồi lại bềnh lên. Giống cá chép ăn sâu. Rỉa mồi theo kiểu nhấp nhả. Cái phao phải mấp máy ba bốn lần, đến khi quả thực bị lôi đi thì mới giật. Và gì thế kia, nó, cái phao, cái phao đang bị lôi đi thật! Đầu cần trúc cong vòng, nhùng nhùng quẫy động. Lão ghì chặt hai tay. Một sức nặng khủng khiếp vít đầu cần câu xuống. Con cá chép vọt lên khỏi mặt nước. Mình nhễ nhại ánh trăng. Những chiếc vảy vàng như tự phát sáng. Nó không phải chỉ mười cân. Phải hai mươi cân. Hay ba mươi cân. Hay còn hơn thế nữa! Máu dồn lên mặt lão. Đất thụt sâu đến gối. Con cá tung mình thêm lần nữa. Bỗng rắc, chiếc cần gục ngang. Một nửa nằm trên tay lão. Nửa kia lao vào mặt nước. Lão còn kịp nhìn thấy một vệt sáng thút sâu xuống đáy thủy cung. Và lão lao theo.

6.Cô đi lấy chồng. Chẳng đâu xa. Người ngay cùng xóm. Lão ôm cây gạo giữa đồng. Bấu chặt mười ngón tay vào những mấu gai. Thân cây gạo đỏ ròng ròng. Máu lão. Máu cây. Máu của mối tình đơn phương u uất.

7.Tiếng máy về đầu xóm. Trẻ nít bu đen. Xe đất đi, xe đá đến. Lũ choai choai về ngang:

- Ông dở ơi, máy xúc ông đi đổ kia kìa!

Lão mặc. Râu tóc lơ phơ.

Đêm, người em xách sang nhà anh cút rượu:

- Hôm nay anh phải uống với em.

Lão chẳng nói gì. Người em lặng lẽ rót rượu ra chén:

- Đất quanh hồ qui hoạch rồi anh ạ. Chẳng mấy thì bứng cả gốc sung chỗ anh ngồi. Anh nên về nhà nằm nghỉ.

Lão bưng chén rượu lên. Vẫn râu tóc lơ phơ. Rượu hết. Người em lảo đảo ra về. Tiếng chó sủa xen tiếng truyền hình phát muộn.

8.Lão vẫn ra hồ. Máy xúc đến sát mông đành dừng lại. Một người mặc comlê đến, nhìn rồi đi. Ba người mặc đồng phục đến, nhìn rồi đi. Cuối cùng “cô” đến. Chính cô của ngày xưa:

- Anh phải về thôi!

- Tôi vẫn nhìn thấy nó.

- Anh thấy gì cơ?

- Con cá chép.

“Cô” rùng mình. Quay sang mọi người xung quanh:

- Tôi chịu!

9.Máy đi. Làng quê yên ả lại. Nhưng những cái cọc trắng đã mọc lên. Đường xe chạy sau lưng lão. Gốc sung vẫn còn. Lão vẫn còn.

Một bức tường xây, quây quanh ba mặt, mặt còn lại là hồ, bỏ trống. Hằng ngày lão xách giỏ leo tường vào. Sân sau lát gạch đến sát gốc sung đành dừng lại.

Người chủ lô đất dọn về nhà mới. Họ mở cổng trước cho lão vào mỗi ngày. Người vợ ban đầu còn thấy là lạ, lão ngồi đấy cũng giống bức tượng ngư ông trang trí, sau đâm chán. Chó không dám thả. Người không dám vắng nhà.

- Anh này, có lẽ mai ta phải đuổi ông ấy đi!

Lũ con hùa theo:

- Đúng đấy bố. Con thấy chán ông này quá rồi!

Bố lũ trẻ lắc đầu:

- Thôi kệ cụ. Cũng chẳng còn bao lâu...

Cảnh làng quê. Không khí như trong truyện cổ, cho đến khi người em trai xuất hiện và nói một câu: “Đất quanh hồ qui hoạch rồi anh ạ”. Chữ “qui hoạch” lập tức đưa người đọc trở về với thì hiện tại.

Một mối tình đơn phương, theo thời gian càng chứng tỏ là mối tình tuyệt vọng, chứng tỏ sự kiên định (hay là lẩm cẩm) của nhân vật chính, chứng tỏ sự trớ trêu của tình duyên. Có khi cả sự độc ác của tình duyên không biết chừng: câu thách cưới của cô gái: “Anh có ra hồ câu được con cá chép vàng nặng mười cân, hôm trước đem đến nhà tôi, hôm sau tôi về nhà anh!” cũng là một cách nói dân gian: “Bao giờ chạch đẻ ngọn đa, sáo đẻ dưới nước thì ta lấy mình”...

Thách cưới, thoạt nghe tưởng như đùa, mà là đùa ác với một đời người, ngẫm lại có khi cũng là niềm tin của cô gái. Tin vào cái phi thường, để rồi một đời chính cô có lẽ cũng thất vọng, đâu phải chỉ có người đàn ông thất vọng.

Khoảnh đất mà người ta chừa lại cho người đàn ông ngồi biết đâu là sự chấp nhận tạm thời chút bóng dáng quá khứ còn dùng dằng chưa chịu ra đi. Dưới ngòi bút mang tính biểu tượng dồn nén của Nguyễn Danh Lam thì bóng dáng ông già ngồi kia đã trở thành quá vãng ngay trong thời hiện tại.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận