TTCT - “Trong cái sự lộn xộn của đủ thể loại kiến trúc này, Hà Nội vẫn đáng yêu chứ. Thật ra là Hà Nội vô ngã. Không cần cố đi tìm đặc tính của nó làm gì”. Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh - Ảnh: Minh TríKiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh, người từng nhiều lần nhận xét về “sự lộn xộn đã thành bản sắc” của các đô thị Việt Nam, đã nói với TTCT như vậy. * Giữa Hà Nội của 10-10-1954 và Hà Nội của 10-10-2014, sự thay đổi lớn nhất theo anh là gì?- Tất nhiên là mật độ. Điều khiến tôi lo lắng nhất về Hà Nội qua thời gian là mật độ xây dựng và quản lý mật độ xây dựng. Chúng ta được chuẩn bị gì để quản lý một đô thị 3 triệu dân, 7 triệu dân và sẽ lên hơn 10 triệu? Đơn cử, hạ tầng đã đủ tải được lượng rác thải, khí thải, nước thải chưa?* Chẳng phải là người ta đã quyết định mở rộng Hà Nội hay sao? Đó có phải là một nỗ lực sửa sai hay không?- Các đô thị sẽ phình to một cách tự nhiên. Quá trình đô thị hóa là không thể tránh được. Nhưng ép nó phình to bằng một mệnh lệnh hành chính, một cách cưỡng bức khác với chuyện quyết định dựa trên sự nghiên cứu các lực hút trong đô thị.Ví dụ, Hòa Lạc không có một lực hút gì về văn hóa, kinh tế hay gì khác mà cả Hà Nội phải nhìn, phải chạy về đấy. Như thế là không tự nhiên, đâm ra không giãn được dân. Đáng lẽ cái cầu Nhật Tân phải làm trước để giãn dân ở hồ Tây, ở phố cổ sang, giảm áp lực cho trung tâm, thì đến tận năm 2010 mới khởi công. Đấy chỉ là vài ví dụ.* Mật độ cao tạo ra những vấn đề gì trong kiến trúc?- Tạo ra một ngõ cụt mà trong đó chất lượng sống trong không gian kiến trúc rất tồi tệ. Đầu tiên là một quan niệm thẩm mỹ sai lầm được tạo ra: thành phố lý tưởng bây giờ cứ phải được mô tả trên những cái apphich, trong các báo cáo với hàng đống những tòa nhà chọc trời.Sự “cao” lại trở thành “đẹp” dù “cao” không đảm bảo được cái gì cho chất lượng sống cả. Nhà cao là một tiêu chí đánh giá chất lượng sống thấp.Không gian sống lý tưởng phải là những tòa nhà thấp tầng, nhiều không gian mở. Người Hà Nội bây giờ lúc nào cũng thèm nhớ những vườn hoa Con cóc, vườn hoa Pasteur, Gandhi... nằm giữa những tòa nhà thấp, xen kẽ các quảng trường, điều mà người Pháp để lại. Nhưng cứ có đất là họ sẽ xây kín đặc. Nếu có tí vườn thì cũng làm cái hàng rào cao ngất bên ngoài thành một khối.* Xây kín đặc đúng là một vấn đề. Hà Nội bây giờ đầy những cái ngõ mà mỗi nhà đua ra một tí, ánh mặt trời không chiếu xuống được đến đất, nhà nào cũng tối tăm ẩm thấp. Ai cũng tưởng lợi mà ai cũng thiệt. Nhưng đấy không phải là trách nhiệm của các kiến trúc sư các anh hay sao? Chật hay rộng, đáp ứng được nhu cầu sử dụng hay không, sử dụng bao nhiêu quỹ đất là do thiết kế bên trong căn nhà.- Vẫn là vai trò của nhà quy hoạch. Chúng ta thiếu một nhạc trưởng để thuyết phục mỗi nhà lùi vào một tí, cho họ thấy được cái lợi của việc tạo ra không gian mở. Ở nhiều nước, người ta có cả luật quy định cấm xây kín đất, phải giữ đất để làm không gian mở.Nếu tôi bớt 10% đất làm sân thì giá trị cái nhà của tôi có tăng 20% không? Chẳng ai thuyết phục được người dân điều đó cả. Nhà bên cạnh lấn thì tôi cũng phải lấn chứ. Không thể trông chờ vào từng thiết kế đơn lẻ được.* Anh đang nói đến những đô thị châu Âu lý tưởng, những tòa nhà thấp nằm chen giữa các quảng trường, vườn hoa. Nhưng cái Hà Nội kiểu Pháp đấy có phải là giá trị duy nhất đáng ngưỡng vọng không? Nhiều nước phát triển cũng xây kín đặc và cái sự cao cuối cùng trở thành giá trị thẩm mỹ. Ai nói đến Hong Kong mà chẳng nhớ đến khung cảnh vịnh Victoria với những tòa nhà đẹp đẽ cao vút bên kia bờ vịnh? Biểu tượng kiến trúc của họ là cái tháp Bank of China đấy còn gì?- Tôi đang nói đến chất lượng sống. Có ai bảo Hong Kong với Bangkok là tốt đâu? Chất lượng sống rất tồi.Hong Kong thật ra là một mô hình tồi tệ, bị làng kiến trúc thế giới đánh giá là một điểm xấu. Họ phải sống trong những không gian chật chội, cao ngất ngưởng, giữa trưa không thấy ánh mặt trời. May mà còn nằm sát biển nên có cái lá phổi. Chứ Tokyo thì tôi kinh hãi luôn. Tôi rất sợ Tokyo.* Tôi muốn trở lại vai trò của các kiến trúc sư, với hình thái kiến trúc của từng ngôi nhà. Các anh đã tham gia quá trình thay đổi Hà Nội trong 60 năm qua thế nào, tạo ra những giá trị tiêu cực hay tích cực?- Không tiêu cực hay tích cực, mà là bị động. Quy hoạch là tổ chức không gian sống, và khi mà chính những người sống trong đó không được tham gia quá trình quy hoạch thì mọi thứ đều là bị động. Các kiến trúc sư cũng không tham gia quá trình quy hoạch này, vì đó là chuyện của “ai đó ở trên”.* Thế các kiến trúc sư làm gì trong bối cảnh này?- Ai thích làm gì thì làm. Có người coi công trình của họ là một tượng đài cho bản thân, có người thì đề cao không gian sống của chủ nhân, có người thì chủ nhà thích gì họ cho cái đấy, một ngôi nhà giả cổ kiểu Pháp có mái chóp kiểu Đông La Mã cũng có.* Không có một ngôn ngữ chung nào cho hình thái kiến trúc của Hà Nội để làm kim chỉ nam cho các kiến trúc sư hay sao? Một loại bản sắc nào đó?- Bản sắc của Hà Nội chính là sự lộn xộn. Người Việt Nam rất dễ tính, rất dễ tha thứ và dễ chấp nhận cái mới. Nhưng rốt cục thì nhờ sự dễ tính này, chúng ta có đủ mọi loại kiến trúc. “Chiết trung” là bản sắc kiến trúc của thành phố này.* Tôi tưởng cũng có một vài khái niệm chủ lưu, kiểu “kiến trúc thuộc địa” chẳng hạn, nó có thể coi là bản sắc không? Chúng ta có thể xây mới Hà Nội theo một ngôn ngữ đó để giữ “bản sắc”?- Kiến trúc thuộc địa là một phong trào thương mại thì đúng hơn. Các nhà thiết kế bán cho khách hàng thứ mà họ đã biết, bởi vì họ không đưa được ra thứ gì mới, nghĩ mãi không ra. Còn khách hàng thì dễ chấp nhận thứ đó. Cuộc mua bán rất an toàn.Tôi không cho rằng món giả cổ này là ổn. Người ta vẫn sẽ xây giả cổ, rồi xây cả kiến trúc hiện đại, xen lẫn nhau. Sự lộn xộn cuối cùng vẫn là bản sắc.Một diện mạo của Hà Nội trên đường Lương Văn Can, quận Hoàn Kiếm - Ảnh: Xuân BìnhChúng ta có thể làm theo kiểu khác* Hội An, “đóng băng” khu phố Pháp này và phát triển kiểu Hong Kong ra bên ngoài chăng?- Phá xong rồi còn đâu mà đóng băng. Anh nhìn ra ngoài kia, ngay quận Hoàn Kiếm đã thấy đủ loại kiến trúc không ai giống ai rồi. Tôi cho rằng không còn gì mà bảo tồn cả.* Nếu nó vẫn lộn xộn như thế từ xưa đến nay thì ý anh là “Chúng ta làm gì có Hà Nội mà giữ”?- Ngược lại. Tôi cho rằng Hà Nội vẫn là Hà Nội. Người ta vẫn sẽ xây nó kiểu lộn xộn và thứ đó vẫn sẽ là tính cách của nó. Tôi rất thích cách một ông Tây mô tả về Hà Nội, là “ugly nice” - “xấu xí một cách đáng yêu”. Trong cái sự lộn xộn của đủ thể loại kiến trúc này, Hà Nội vẫn đáng yêu chứ.Thật ra là Hà Nội vô ngã. Không cần cố đi tìm đặc tính của nó làm gì.Tức là ở đây chúng ta có hai vấn đề: công năng, hay cụ thể hơn là chất lượng sống thì theo anh là tồi đi, nhưng hình thái kiến trúc thì vẫn thế, xấu xí đáng yêu. Anh không cảm thấy có vấn đề gì?- Đúng thế. Một ông khách du lịch Tây đến đây chụp ảnh những khu phố cổ nhấp nhô và những căn nhà tập thể lằng nhằng dây điện, có sướng không? Sướng chứ. Đẹp chứ. Nhưng cho ông ấy sống trong đó thì ông ấy có sống không?Tôi rất thích cái ý về sự xấu xí đáng yêu. Tôi cứ tưởng tượng ra một cuộc hôn nhân mà trong đó anh yêu vợ anh, dù chất lượng sống của anh rất tồi, vợ anh không đẹp, hai người cãi nhau suốt ngày và anh bị hút dần sinh lực trong cuộc hôn nhân đó. Nhưng anh vẫn sống thế, quen rồi.- Yêu mà. Anh mà nói với cô nào rằng anh yêu em vì lý do cụ thể A, vì lý do cụ thể B thì khả năng ăn tát là rất cao. Tôi sẽ không quay lưng lại với thành phố của mình đâu. Tôi vẫn sẽ yêu nó vì sự ngây ngô.* Anh đang mô tả Hà Nội như một cái tháp Babel, mỗi người nói một ngôn ngữ, chẳng ai cần hiểu ai. Nhưng kể cả anh có yêu, anh có chấp nhận sự xấu xí ấy thì sẽ đến lúc chúng ta phải trả cái giá nào đó như Chúa trời trừng phạt tháp Babel chứ?- Tất nhiên là phải trả rồi. Bây giờ kiểm tra chất lượng không khí ở Hà Nội chắc chẳng kém Bắc Kinh là bao nhiêu. Cái ngày mà Hà Nội “mịt mù khói tỏa ngàn sương” như Bắc Kinh chắc không xa nữa. Rồi thiên nhiên cũng bày ra nhiều trò hay lắm. Lụt lội chỉ là một ví dụ.* Giải pháp nào cho cái tháp Babel này? Anh có đề xuất một mô hình nào không?- Chẳng có giải pháp nào cả. Chúng ta vẫn sẽ phải phát triển theo mô hình kiểu Hong Kong, vẫn sẽ phải xây nhà chọc trời chen chúc. Chúng ta chỉ còn một con đường đó để đi thôi. Bây giờ chỉ có thể làm điều đỡ tồi tệ nhất.Hình thái kiến trúc thật ra không quan trọng đâu anh ạ. Cái vẻ bên ngoài hoàn toàn có thể sửa được. Tôi chỉ lo hạ tầng thôi, lo cáp, lo cống, lo đường có đủ cho xe cứu hỏa đi vào hay không, hay là cứ xây lên, cháy một phát là “đi” tất.* Cảm ơn anh. Tags: Hà Nội
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.