Sứ mệnh giáo dục bình đẳng

TIM KENNEDY 28/10/2017 21:10 GMT+7

TTCT - Tim Kennedy tốt nghiệp cử nhân báo chí Đại học New York, có hai năm làm tình nguyện viên, giảng dạy môn văn học cho tổ chức thiện nguyện Teach For America ở một trong những vùng nghèo khó nhất nước Mỹ. Anh kể lại trải nghiệm của mình với sứ mệnh tìm kiếm sự bình đẳng trong các cơ hội giáo dục.

Bình đẳng trong cơ hội giáo dục có ý nghĩa quyết định với bình đẳng về thu nhập và kinh tế sau này.-Ảnh: fee.org

Ở Mỹ, như ở nhiều nước khác, việc tiếp cận giáo dục chất lượng cao không được phân bổ bình đẳng. Ở những vùng giàu có trong nước - nhất là vùng ngoại ô xung quanh các thành phố phồn thịnh như New York, Chicago, San Francisco... - các trường công lập miễn phí và vào loại tốt nhất thế giới.

Những nơi khác, trường công có chất lượng thấp tới mức những gia đình có tiền thường chọn cho con cái học trường tư, đôi khi có chi phí hàng chục nghìn đôla mỗi năm.

Trong khi đó, trẻ em ở các gia đình nghèo bị bỏ mặc vật lộn ở các trường công, với những lớp học quá tải và nguồn lực không đủ. Thật đáng buồn, nhưng có lẽ không có gì ngạc nhiên, nhiều học trò này rốt cuộc tụt lại nhiều năm so với năng lực học thuật mà lẽ ra các em đạt được.

30 năm trước, người ta vẫn cho rằng các học trò này chẳng còn hi vọng gì. Tư duy thông thường là học trò có xuất thân nghèo khó hơn không thể học tốt như những trẻ nhà giàu cùng trang lứa.

Những nỗ lực giảm bất bình đẳng ở Mỹ chủ yếu tập trung vào lĩnh vực kinh tế, chứ không phải giáo dục. Nói cách khác, “sửa chữa” tình trạng nghèo đói được coi là cách thức “sửa chữa” các trường học chất lượng thấp - chứ không phải ngược lại.

Từ một niềm tin

Tổ chức Dạy học vì nước Mỹ (Teach for America - TFA), một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập năm 1989, lại nghĩ khác. Người sáng lập tổ chức này, một sinh viên tốt nghiệp Đại học Princeton tên là Wendy Kopp, tin rằng học trò xuất thân nghèo khó cũng có thể học giỏi như ai, nếu các em được tiếp cận với các giáo viên và sự hỗ trợ giáo dục chất lượng cao.

Mô hình của TFA dựa trên các chương trình “đoàn giáo viên” tương tự ở nhiều nước, nhắm tới việc chiêu mộ sinh viên tốt nghiệp những trường hàng đầu trong nước đi làm giáo viên ít nhất hai năm ở các trường công khó khăn nhất.

“Học thuyết tạo ra thay đổi” của TFA là ngay cả nếu các giáo viên đó không tiếp tục giảng dạy sau hai năm, họ vẫn sẽ sử dụng hiểu biết trực tiếp của họ về tình trạng nghèo đói của Mỹ để đấu tranh cho thay đổi trong mọi lĩnh vực: luật pháp, y tế, chính trị, truyền thông...

25 năm sau, TFA là một trong những tổ chức phi lợi nhuận lớn nhất ở Mỹ. Khoảng 50.000 người Mỹ từng làm giáo viên cho TFA, và con số đó tăng lên hàng nghìn người mỗi năm khi TFA chấp thuận những thành viên mới cho “đoàn giáo viên” và phân bổ họ vào các trường học trên cả nước.

Tôi là một trong 50.000 giáo viên từng làm việc cho TFA. Như tôi đã viết trong một bài trước kia cho TTCT, tôi dạy ở trường cấp III tại một thị trấn nhỏ thuộc bang Arkansas từ năm 2011-2013 (xem TTCT số ra ngày 3-9-2017 ).

Tôi gia nhập TFA vì nhiều lý do, chủ yếu vì tôi biết từ những trải nghiệm của mình rằng hệ thống này là bất công. Tôi lớn lên trong một gia đình trung lưu và được học các trường công rất tốt suốt những năm tháng còn đi học.

Khi tôi vào đại học ở thành phố New York, tôi bắt đầu tình nguyện giảng dạy cho trẻ em người Mexico - Mỹ có thu nhập thấp ở Brooklyn. Tôi nhanh chóng nhận ra trường của các em không hề giống những trường tôi đã học.

Tôi biết rằng giảng dạy hai năm sẽ không đủ để thay đổi hoàn toàn hệ thống, nhưng tôi cảm thấy trách nhiệm phải sử dụng nền giáo dục chất lượng cao mà mình đã được nhận để giúp đỡ người khác không có cơ hội như thế. Tôi cũng biết rằng bất bình đẳng giáo dục là một vấn đề phức tạp và tôi muốn hiểu nó sâu sắc hơn, thay vì chỉ đọc lại những thống kê trên tin tức.

Khó hơn thi sư phạm

Bằng cách nào TFA có thể chuẩn bị cho các giáo viên mới của họ, hầu hết không có nền tảng trong lĩnh vực sư phạm, đi giảng dạy ở một số trường khó khăn nhất nước Mỹ? Quy trình này bắt đầu với đơn xin gia nhập TFA.

Mọi ứng viên điền vào một mẫu đơn đơn giản, nộp lý lịch công việc, bảng điểm ở trường đại học, thư giới thiệu và bài luận giải thích tại sao họ muốn trở thành giáo viên. Những ứng viên được chọn sau đó sẽ vào vòng hai, một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.

Một số người sau đó sẽ được vào vòng ba, một buổi kiểm tra trọn ngày, trực tiếp bao gồm dạy một bài mẫu, hoàn tất các bài tập đóng vai, và trải qua một cuộc phỏng vấn một đối một đầy thách thức.

Các ứng viên được hỏi về việc họ sẽ duy trì tính tổ chức dưới áp lực ra sao, kinh nghiệm của họ với các học trò và gia đình nghèo, cách họ sử dụng dữ liệu trong lớp để cải thiện bài giảng sau này... Rốt cuộc, chỉ khoảng 10% các ứng viên sẽ được nhận.

Không phải ngẫu nhiên mà TFA hỏi các giáo viên về dữ liệu và việc đánh giá lớp học thậm chí trước khi những người này được nhận. Một trong những yếu tố quan trọng nhất trong cách tiếp cận của TFA là sự nhấn mạnh sử dụng dữ liệu thành tích của học trò để liên tục thích nghi và cải thiện thành tích đứng lớp của giáo viên.

Không thể có một giải pháp chung cho mọi trường học vốn phải phục vụ các nhu cầu rất khác nhau của học trò. (Trong lớp của tôi ở Arkansas chẳng hạn, tôi từng dạy các học trò có trình độ đọc với biên độ từ lớp 1 tới lớp 12, dù các em có độ tuổi sàn sàn như nhau).

Trong 6 tuần khóa huấn luyện mùa hè mà TFA tổ chức mỗi năm cho các giáo viên mới, những người được nhận sẽ học cách sử dụng các kết quả kiểm tra khảo sát nhằm xác định nhu cầu cá nhân của học trò, thay vì chỉ dạy đại khái “ở mức chung chung cho tất cả”.

Trên thực tế thì việc “giảng dạy dựa vào dữ liệu” là như thế nào? Trong tuần lễ đi dạy đầu tiên của tôi, tôi yêu cầu tất cả học trò làm một bài trắc nghiệm đọc hiểu Gates-MacGinitie - một kiểu bài kiểm tra được chuẩn hóa để đánh giá khả năng từ vựng và đọc hiểu.

Kết quả của bài kiểm tra là sự đánh giá trình độ đọc hiểu của từng học trò theo thang các lớp của chương trình phổ thông, từ lớp 1 tới lớp 12. Nhưng những điểm số này, dù là dưới hay trên chuẩn, mới chỉ là khởi đầu.

Tôi thách các học trò của mình làm sao các em đạt được trình độ hai lớp trong vòng một năm vào cuối năm học, và tôi lại tiến hành kiểm tra Gates-MacGinitie ba lần nữa trong năm học đó để theo dõi sự tiến bộ của các em.

Ở Mỹ, các bài trắc nghiệm tiêu chuẩn như SAT (hay Gates-MacGinitie) nhìn chung không được sử dụng để đánh giá học trò phổ thông. Thay vì thế, các em thường nhận điểm theo thang chữ cái - A, B, C, D, hay F - dựa trên số lượng tiêu chí mà các giáo viên lựa chọn.

Trong lớp của tôi, tôi chấm điểm thang chữ cái dựa trên sự kết hợp giữa thời gian lên lớp, bài tập về nhà, tiến bộ trong đọc hiểu độc lập của từng em (theo dõi số lượng sách mà các em đọc khi không lên lớp và độ khó của chúng), bài luận, các dự án theo nhóm và những yếu tố khác.

Trong khi phương pháp đánh giá này thiếu khách quan hơn là dựa vào một bài kiểm tra chuẩn hóa toàn quốc, nó cho phép giáo viên đánh giá các kỹ năng toàn diện của học trò, mà một số kỹ năng các bài kiểm tra tiêu chuẩn có thể không thể phản ánh hết.

Lấy ví dụ, nhiều học trò của tôi vất vả với các bài trắc nghiệm. Các em làm bài không tốt khi chịu áp lực cao, và thứ ngôn ngữ rắc rối được dùng trong nhiều bài trắc nghiệm rất khó hiểu với các em.

Tôi cố giúp các học trò đấy hiểu tại sao những bài kiểm tra tiêu chuẩn là quan trọng - và giúp các em tìm hiểu những chiến lược làm bài thi và làm các bài tập giúp tăng sự tự tin và cải thiện điểm số cho các em - nhưng tôi cũng tạo ra những cơ hội khác để cho thấy các em đã học được gì.

Một học trò nữ rất bẽn lẽn của tôi vốn kém khi làm bài kiểm tra (chúng khiến em lo lắng quá đỗi), nhưng cũng học trò đó có thể viết những bài luận hay nhất mà tôi từng được đọc, về việc người ta có thể thực sự thay đổi được tính cách của mình hay không. (Đề tài bài luận lấy cảm hứng từ truyện ngắn của Flannery O’Connor, A Good Man is Hard to Find (Người tử tế thật khó tìm) mà chúng tôi từng đọc trong lớp).

 Tôi cảm thấy trách nhiệm phải sử dụng nền giáo dục chất lượng cao mà mình đã được nhận để giúp đỡ người khác không có cơ hội như thế”.

(Tim Kennedy)

Sứ mệnh của cả xã hội

TFA và cách tiếp cận của chương trình này với việc giảng dạy đã được ca ngợi khắp nơi trong 25 năm qua, bởi các tổng thống Mỹ, những doanh nhân lớn, những nhà thiện nguyện và các bậc phụ huynh.

Nhưng nó cũng gây ra sự chỉ trích từ những nhóm như công đoàn các giáo viên, những người cho rằng một giáo viên mới, dù sáng láng tới đâu, cũng không thể sánh với một nhà giáo dục dày dạn kinh nghiệm đã giảng dạy lâu năm.

Tôi nghĩ lập luận đó là công bằng và vai trò của TFA ở những thành phố lớn chẳng thiếu giáo viên thực sự cần được cân nhắc kỹ. Nhưng ở những vùng nông thôn, như nơi tôi giảng dạy, thường số giáo viên là không đủ.

Trong tình thế đó, lựa chọn thường là giữa một giáo viên TFA hay một giáo viên dài hạn không bằng cấp (trong 53 vùng mà TFA cử giáo viên tới, khoảng 1/5 được coi là nông thôn). Với tôi, đây có vẻ là bối cảnh lý tưởng cho mô hình TFA.

Chương trình mang tới những tài năng mới, trẻ trung cho những vùng đất nước đang cần nhất. Hầu hết các giáo viên đó không ở lại vĩnh viễn - như tôi chẳng hạn - nhưng đó không chỉ là vấn đề của lĩnh vực giáo dục; vùng nông thôn Mỹ đang mất người cho thành thị đã hàng thế hệ rồi. Là bất công, phi thực tế và phản tác dụng nếu giáo viên phải chịu một tiêu chuẩn khác so với tiêu chuẩn chung của xã hội.

TFA đã không thể giải quyết vấn đề bất bình đẳng trong giáo dục ở Mỹ. Các học trò xuất thân nghèo khó vẫn phải học các trường chất lượng thấp hơn so với các học trò nhà giàu, và điểm số của các em thường thấp hơn nhiều so với mức bình quân cả nước.

Tuy nhiên, trong 25 năm qua, tư duy thông thường về các học trò nghèo đã thay đổi. Trước kia, trong khi người ta nói chung tin rằng cần sửa chữa tình trạng nghèo khổ để sửa chữa các trường công, thì bây giờ có bằng chứng ngày càng rõ ràng cho thấy học trò nghèo có thể học giỏi như học trò giàu, miễn là các em có quyền bình đẳng về cơ hội.

Các giáo viên TFA, cùng nhiều tổ chức thúc đẩy giáo dục khác, đã giúp thay đổi kiểu tư duy ở Mỹ. Câu hỏi bây giờ là liệu nước Mỹ có sẵn sàng đầu tư nguồn lực, thời gian và nỗ lực cần thiết để đảm bảo rằng mọi học trò đều nhận được nền giáo dục chất lượng cao mà các em xứng đáng.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận