TTCT - Theo lộ trình, nhiệm vụ tổng kết thi hành bản Hiến pháp 1992 sẽ về đích trong tháng 2 này, sau đó Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ xem xét và tiến hành các bước tiếp theo của quy trình sửa đổi hiến pháp. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trao đổi với ông Đinh Xuân Thảo - viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ông Đinh Xuân Thảo - Ảnh: Nguyễn Khánh* Thưa ông, Hiến pháp 1992 quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, thực tiễn vừa qua cho thấy pháp luật về đất đai đang có những bất cập, hạn chế cần được tháo gỡ. Theo đó, nhiều chuyên gia cho rằng nên thừa nhận đa sở hữu hóa đất đai, trong đó có sở hữu tư nhân đối với đất nông nghiệp và đất ở?- Khái niệm sở hữu toàn dân trong Hiến pháp 1992 là không rõ nội hàm và không xác định chủ thể cụ thể trong quản lý, vì vậy lần này nên chuyển khái niệm sở hữu toàn dân sang sở hữu quốc gia hay sở hữu nhà nước để Nhà nước là chủ thể trực tiếp quản lý những tài sản mà pháp luật quy định là của Nhà nước. Có ý kiến đặt vấn đề là các loại tài sản khác nhau đều đã có đa sở hữu, tại sao đất đai lại chỉ có sở hữu toàn dân, vì vậy nên quy định đa sở hữu đất đai. Văn kiện Đại hội XI của Đảng đã nêu chủ trương đổi mới, hoàn thiện luật pháp, cơ chế, chính sách về sở hữu đối với đất đai để quản lý, sử dụng có hiệu quả, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí. Trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, chế độ sở hữu đối với đất đai là một trong những vấn đề nhận được nhiều ý kiến khác nhau, chắc rằng Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp sẽ xem xét cụ thể, sau đó trình cấp có thẩm quyền.Đối với đất ở là loại đất được giao ổn định, lâu dài, được quyền thừa kế từ đời này sang đời khác thì đúng là có khá nhiều ý kiến cho rằng nên thừa nhận thuộc sở hữu tư nhân. Tuy nhiên, đối với đất nông nghiệp lại là vấn đề khác.* Ý kiến cá nhân của ông về vấn đề này như thế nào?- Theo tôi, đối với đất ở thì có thể xem xét việc sở hữu tư nhân, tuy nhiên đất nông nghiệp thì nên nghiên cứu giao cho nông dân sử dụng ổn định theo hướng tạo điều kiện cho tích tụ ruộng đất, phát triển sản xuất nông nghiệp.* Một trong những quan điểm sửa đổi, bổ sung hiến pháp lần này là tôn trọng và bảo đảm quyền con người, ông có thể cho biết rõ hơn vấn đề này?- Nhiều ý kiến cho rằng hiến pháp hiện hành quy định về quyền con người chưa rõ, có khi còn được hiểu đồng nhất với quyền công dân, trong đó nói đến quyền con người là nói đến những quyền tự nhiên như quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc, không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm..., dù Nhà nước có quy định hay không thì những quyền đó là tất yếu, là tự nhiên. Đơn cử như người nước ngoài đến Việt Nam thì không được hưởng quyền công dân như công dân Việt Nam, nhưng dĩ nhiên họ có quyền con người và quyền con người này được thể hiện ở các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam có tham gia. Lần này cần thiết nghiên cứu để có quy định về vấn đề nêu trên thành một điều hoặc một số điều trong chương Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.* Hiến pháp 1992 đã quy định công dân có quyền lập hội, biểu tình nhưng thực tế chưa có đạo luật nào về các vấn đề này, vì vậy người dân rất khó thực hiện các quyền đó trong thực tế?- Vấn đề này cũng được đề cập trong quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp 1992, theo đó nhiều ý kiến cho rằng hiến pháp không phải là tuyên ngôn mà phải biến thành thực tế, nghĩa là có tính khả thi. Khi đã quy định quyền công dân trong hiến pháp thì cần xác định luôn cơ chế thực hiện. Lần này mở ra một hướng tiếp cận là những quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân khi đã được quy định trong hiến pháp thì có thể được áp dụng trực tiếp, quy định trong hiến pháp rồi là có giá trị thực hiện mà không cần phải chờ luật. Hiến pháp hiện hành quy định “công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí; có quyền được thông tin; có quyền hội họp, lập hội, biểu tình theo quy định của pháp luật”, nay có ý kiến đề nghị nên bỏ cái đuôi “theo quy định của pháp luật”, hoặc ghi rõ là “theo quy định của luật” bởi vì “pháp luật” thì được hiểu là còn có các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư… * Vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng (Hải Phòng) cho thấy lực lượng quân đội của Ban chỉ huy quân sự huyện Tiên Lãng đã được huy động không đúng pháp luật. Đại tướng Lê Đức Anh phát biểu trên báo chí là “quân đội phải bảo vệ dân, giúp dân… chứ không phải đi tham gia cưỡng chế”. Hiến pháp 1992 có quy định về các lực lượng vũ trang, từ vụ việc nêu trên thì theo ông quy định này có cần được xác định cụ thể, rõ ràng hơn về nhiệm vụ của quân đội?- Điều 45 của Hiến pháp 1992 quy định “các lực lượng vũ trang nhân dân phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc và nhân dân, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ chế độ XHCN và những thành quả của cách mạng, cùng toàn dân xây dựng đất nước”. Nói đến các lực lượng vũ trang thì chúng ta hiểu là bao gồm cả quân đội và công an, những nhiệm vụ trong quy định nêu trên đều phù hợp, riêng nhiệm vụ “trật tự, an toàn xã hội” thì quân đội có nên tham gia không, nếu có thì tham gia đến đâu là vấn đề cần được làm rõ hơn. Thông thường việc thực thi nhiệm vụ giữ gìn trật tự xã hội nên để cho lực lượng công an. Nổi lên ba nhóm vấn đề Qua quá trình tổng kết thi hành Hiến pháp 1992 chính thức bắt đầu từ tháng 9-2011 đến nay và từ thực tiễn cuộc sống nhận thấy bản hiến pháp hiện hành cần được sửa đổi đồng bộ, trong đó nổi lên ba nhóm vấn đề cơ bản nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất. Thứ nhất là chủ quyền nhân dân, có thể hiểu là mọi quyền lực trong quốc gia có nguồn gốc từ nhân dân, hiến pháp được thiết lập bởi nhân dân. Điều 2 của Hiến pháp 1992 đã ghi là “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” và ở điều 6 quy định “nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua Quốc hội và HĐND”. Như vậy, ở đây cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của người dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện (cơ quan quyền lực nhà nước). Văn kiện Đại hội XI của Đảng bên cạnh việc nêu rõ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nền dân chủ XHCN, bảo đảm tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã đề ra “có cơ chế cụ thể để nhân dân thực hiện trên thực tế quyền làm chủ trực tiếp”. Có thể thấy trong Hiến pháp 1992 chưa thể hiện rõ điều này, vì vậy nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi hiến pháp cần làm rõ cách thức sử dụng quyền lực nhà nước của nhân dân, không những thông qua cơ chế dân chủ đại diện mà còn cả cơ chế dân chủ trực tiếp. Quyền dân chủ trực tiếp được thể hiện ở các hoạt động như bầu cử, ứng cử, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước (thông qua trưng cầu ý dân)... Một vấn đề cũng được đặt ra là việc thông qua bản hiến pháp lần này cần phải có sự phúc quyết của người dân hay không, nghĩa là trưng cầu ý kiến người dân đối với bản hiến pháp sau khi Quốc hội đã sửa đổi xong. Thứ hai là tổ chức quyền lực. Theo đó quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp... nhưng vấn đề đặt ra là phải phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, cơ chế phối hợp và kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp trong hiến pháp. Hiện nay chỉ có Quốc hội được xác định rõ trong Hiến pháp 1992 là cơ quan lập pháp, còn quyền hành pháp thì không nói rõ là giao cho Chính phủ, cũng như tư pháp không nói rõ giao cho tòa án và cơ quan nào khác... Một điểm mới lần này là vấn đề “kiểm soát quyền lực”, như vậy cần phải xây dựng cơ chế hết sức cụ thể, không chỉ là kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan nhà nước mà cao hơn là người dân kiểm soát quyền lực nhà nước như thế nào. Có ý kiến đề nghị muốn đảm bảo tính nghiêm minh, tối thượng của hiến pháp phải xây dựng cơ chế bảo hiến, có thể bằng việc lập tòa án hiến pháp, ủy ban bảo vệ hiến pháp hoặc giao công việc này cho tòa án tối cao. Thứ ba là chế độ kinh tế. Có ý kiến đề nghị không nên quy định về các thành phần kinh tế trong hiến pháp. Hiện nay chúng ta đã khẳng định xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đã là kinh tế thị trường thì các thành phần kinh tế phải bình đẳng với nhau, nếu cứ quy định các thành phần kinh tế nghĩa là thành phần này được coi trọng hơn thành phần kia, dẫn đến phân biệt đối xử ngay từ trong đạo luật “gốc” là hiến pháp. Tags: Cưỡng chếTiên LãngHiến pháp 1992Đinh Xuân ThảoSửa Hiến pháp
PGS.TS.BS Nguyễn Thị Bay: Cần làm sáng tỏ y học cổ truyền bằng nghiên cứu khoa học bài bản NGUYỄN THỊ NGỌC HẢI (THỰC HIỆN) 11/12/2024 2207 từ
Bạn đọc Tuổi Trẻ đề cử các gương mặt tiêu biểu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày thống nhất đất nước HOÀI PHƯƠNG 14/12/2024 Độc giả báo Tuổi Trẻ nhiệt tình đề cử nhiều gương mặt tiêu biểu trong xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn từ năm 1975 - 2025. Trong thời gian ngắn đã có hơn 70 đề cử, trong đó có nhiều nghệ sĩ.
Tìm thấy thi thể nạn nhân đưa về nhà xác trong vụ ô tô tông sập lan can cầu Đồng Nai rơi xuống sông A LỘC 14/12/2024 Đến 23h, lực lượng cứu nạn cứu hộ đã đưa thi thể nạn nhân lên bờ và chuyển về nhà xác để điều tra.
Người đàn ông ở Quảng Nam cứu 3 học sinh bị nước cuốn trôi LÊ TRUNG 14/12/2024 Một người đàn ông nghe tiếng kêu cứu đã vội ra ứng cứu 3 em học sinh ở huyện Duy Xuyên, Quảng Nam.
Video: Thủ môn Malaysia mắc sai lầm, 'tặng' bàn thắng duy nhất cho tuyển Thái Lan THANH ĐỊNH 14/12/2024 Thủ môn Haziq Nadzli của Malaysia mắc sai lầm tai hại khiến đội chủ nhà thua sát nút trước tuyển Thái Lan.