TTCT - "Cậu có biết SVB là cái quái quỷ gì không?" Đó là nội dung một người bạn của tôi ở Úc gửi tin nhắn qua Whatsapp cho một nhóm chat bạn học cũ, đa số là dân làm trong ngành kinh tế - tài chính, vào tối Ngày Quốc tế phụ nữ 8-3 ở Anh. Bấy giờ là buổi sáng sớm ở Úc, nhưng bạn tôi nói cả Hong Kong, Thượng Hải đều đã nghe đồn về "một ngân hàng Mỹ có thể sụp đổ". Tới 10-3, hóa ra cái "ngân hàng quái quỷ" đó chính là Silicon Valley Bank (SVB) đình đám vừa bị cơ quan bảo hiểm tiền gửi liên bang FDIC của Mỹ đóng cửa.Ảnh: Đồ họa TTCTĐây là vụ phá sản ngân hàng lớn nhất của Mỹ kể từ khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008. Nhưng SVB chỉ là một ngân hàng xếp thứ 16 ở Mỹ, với giá trị thị trường dưới 1 tỉ USD và tổng tài sản dưới 1% tổng tài sản hệ thống ngân hàng Mỹ.Một ngân hàng ít người biếtĐiều mà truyền thông ít đề cập là SVB chỉ có vỏn vẹn bảy nhà phân tích thị trường cổ phiếu theo dõi và cập nhật báo cáo phân tích trong suốt năm 2022, theo dữ liệu của Eikon-Refinitiv - bộ dữ liệu mà nhiều quỹ đầu tư hay dùng cho thấy. Nhiều người trong giới đầu tư tài chính không quan tâm đến những ngân hàng Mỹ có giá trị thị trường thấp như SVB. Điều tôi có thể nhớ được là ai đó đã gửi cho tôi một bảng 15 ngân hàng có cổ phiếu bị bán khống nhiều nhất nước Mỹ vào cuối tháng 2, trong đó có SVB. Với giới đầu tư tài chính, ngân hàng này không có gì nổi bật.Vậy tại sao nó phá sản lại được quan tâm ở phạm vi toàn cầu như vậy?Đó là vì nó có khả năng tạo ra phản ứng lây lan dây chuyền ra toàn hệ thống ngân hàng địa phương tầm trung và nhỏ của Mỹ. Theo Bloomberg, tính đến cuối năm 2022, Mỹ có hơn 2.000 ngân hàng với 19,8 nghìn tỉ USD tài sản trong nước. Trong đó, 10 ngân hàng lớn nhất có tài sản khoảng 10,5 nghìn tỉ USD, tương đương 53% tổng tài sản hệ thống ngân hàng, và bị kiểm soát chặt.Số còn lại thì được cho làm ăn thoải mái hơn nhiều. SVB, ngân hàng lớn thứ 16 với tổng tài sản dưới 200 tỉ USD và vốn hóa dưới 1 tỉ USD, không có tên trong "danh sách VIP" thuộc diện kiểm soát đặc biệt nêu trên. Và chúng ta biết điều gì xảy ra với cái sự thoải mái đó rồi. Trong số 2.000 ngân hàng tầm trung và nhỏ, bao nhiêu đang có rủi ro như SVB khi họ cũng đang được/bị giám sát lỏng hơn các ngân hàng có tài sản lớn?Cái mà các cơ quan quản lý của Mỹ sợ là sự hoảng loạn lây lan trên diện rộng và người gửi tiền đổ xô rút tiền ở các ngân hàng thì ai cũng có thể sụp. Chỉ hai ngày sau khi SVB sụp đổ, một ngân hàng khác là Signature Bank ở New York cũng bị như vậy. Kết quả là các cơ quan quản lý của Mỹ phải ra tay can thiệp khẩn cấp.Nguồn cơnVì sao SVB thua lỗ và rồi sụp đổ? Muốn hiểu chuyện này thì phải nói lại về mô hình kinh doanh của ngân hàng này. Đây là ngân hàng chuyên làm ăn với giới công nghệ của Mỹ. Dan Davies, một cựu chuyên gia phân tích ngành ngân hàng, kể với Bloomberg: "Vợ tôi từng làm việc với các công ty khởi nghiệp công nghệ ở New York và cô ấy nói ở mọi sự kiện huy động vốn, nơi các công ty khởi nghiệp sẽ nhận tiền từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, luôn chỉ có đại diện từ SVB. Họ đến để chỉ cho mọi người cách mở một tài khoản như thế nào ngay lập tức. Và đó gần như là một phần cơ hữu của tiến trình huy động vốn mạo hiểm". Nói cách khác, SVB thuộc về "hệ sinh thái" khởi nghiệp - đóng vai trò ngân hàng chuyên dụng của giới công nghệ.Trong hai năm 2020 và 2021, giới công nghệ ăn nên làm ra và gửi nhiều tiền vào ngân hàng này. Thế nên tài sản của ngân hàng tăng nhanh, từ 60 tỉ USD cuối 2020 lên tới gần 200 tỉ USD vào đầu 2022. Nhiều tiền quá nên họ lấy tiền đi đầu tư (bên cạnh cho vay), và mua rất nhiều trái phiếu thế chấp bằng các khoản vay cầm cố bất động sản (MBS), cũng khá an toàn.Nhưng các tài sản đó chỉ an toàn chừng nào lãi suất còn ổn định. Khi Cục Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất USD lên với tốc độ rất nhanh - từ mức gần 0% lên trên 4,5%, lợi suất trái phiếu tăng theo. Về nguyên tắc, trái phiếu sẽ giảm giá (do quan hệ tỉ lệ nghịch giữa lợi suất và giá trái phiếu), nghĩa là SVB bắt đầu có lỗ chưa hiện thực hóa (chừng nào họ chưa bán trái phiếu thì chưa phải ghi nhận lỗ).Thế nhưng xui rủi lại tới. Cũng vì Fed tăng lãi suất, thị trường tài chính đột ngột chuyển từ trạng thái tiền rẻ sang tiền đắt trong có mấy tháng. Các công ty công nghệ lâm vào khó khăn, không huy động được vốn mới. 2022 là một năm khó khăn với giới quỹ đầu tư mạo hiểm và công ty khởi nghiệp - những khách hàng chính của SVB. Hệ quả là tiền chảy vào các quỹ mạo hiểm giảm mạnh trong năm 2022, chỉ còn 1/4 so với cùng kỳ 2021. Một số công ty và quỹ mạo hiểm phải rút tiền khỏi SVB để sống qua ngày.Để có tiền trả cho khách, SVB phải bán trái phiếu ra và bắt đầu ghi nhận lỗ. Ngày 8-3, SVB cho biết họ đã bán một lượng lớn trái phiếu, chịu lỗ khoảng 1,8 tỉ USD sau thuế. Do vậy, họ tuyên bố đặt ra mục tiêu huy động khoảng 2,25 tỉ USD để bù đắp thiếu hụt vốn. Giá cổ phiếu SVB lập tức sụt giảm gần 60% ngay trong ngày 9-3, và đến 10-3 thì họ bị đóng cửa.Để hạn chế tác động, Fed đã mở cơ chế cho vay đặc biệt để các ngân hàng Mỹ có thể cầm cố lại trái phiếu đang thua lỗ, thay vì phải bán ra thị trường và hiện thực hóa các khoản lỗ, một cách giúp các ngân hàng gặp khó khăn không phải bán tháo tài sản. Mặt khác, Fed cùng cơ quan bảo hiểm tiền gửi và Bộ Tài chính cũng tuyên bố sử dụng nhiều cơ chế khẩn cấp và ngoại lệ, chấp nhận bảo đảm cho tất cả các khoản tiền gửi ở SVB, kể cả các khoản vượt mức bảo hiểm tối đa 250.000 USD/tài khoản.Nói cách khác, các cơ quan quản lý của Mỹ trấn an người gửi tiền ở hai phương diện: (1) ngân hàng không cần phải bán lỗ trái phiếu nữa, ít nhất là trong ngắn hạn; và (2) nếu có rủi ro thì tiền gửi vẫn an toàn. Mục tiêu cuối cùng là để trấn an người gửi tiền, không để họ đổ xô đi rút tiền. Nếu xảy ra tình trạng đó thì ngân hàng lớn cỡ nào chắc cũng sập, chứ không cứ SVB.Sóng ở đáy sôngTuy có vẻ mọi sự đã lắng dịu vào ngày 15-3, nhưng rõ ràng việc Fed tăng lãi suất nhanh để chống lạm phát đã tạo ra tổn thất. Và đây chỉ mới là với ngành ngân hàng. Lãi suất tăng nhanh và duy trì ở mức cao thời gian dài sẽ làm tổn hại rất nhiều thị trường tài sản, từ bất động sản tới trái phiếu, cũng như hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nói chung.Đáng lo nhất là hệ thống "ngân hàng ngầm" - tức các tổ chức tài chính phi ngân hàng nhưng cũng tham gia hoạt động cho vay, như chi nhánh của quỹ đầu tư, công ty bảo hiểm, thậm chí cả công ty công nghệ. Đây có thể ví như một thế giới không ai biết ở sâu dưới lòng một con sông lớn, chịu rất ít giám sát của các cơ quan quản lý. Mạch nước ngầm bên dưới đang chảy ra sao không ai biết và cũng ít ai có thể biết được liệu có còn đợt sóng thần nào tiềm ẩn ở đáy sông hay không! ■ Tags: Ngành kinh tếKhủng hoảng tài chínhNgân hàng lớn nhấtNgân hàng MỹHệ thống ngân hàngĐầu tư tài chínhNgành ngân hàngThị trường tài chínhBảo hiểm tiền gửiNgười gửi tiềnTổ chức tài chínhSvb
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Cờ đỏ sao vàng, mũ cối và tình cảm dành cho Bác Hồ tại Cộng hòa Dominica DUY LINH 22/11/2024 Người dân Cộng hòa Dominica, với những chiếc mũ cối cùng cờ đỏ sao vàng, đã xuất hiện tại công viên Hồ Chí Minh để chào đón các vị khách quý ngày 21-11.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Tin tức sáng 22-11: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu TUỔI TRẺ ONLINE 22/11/2024 Tin tức đáng chú ý: Vợ và con gái sếp ngân hàng VIB bỏ hàng trăm tỉ mua cổ phiếu; Quốc hội thảo luận 2 dự luật thuế quan trọng; Năm 2025, ngành y tế TP.HCM ưu tiên nâng cấp và xây mới ba bệnh viện xuống cấp...