TTCT - LTS: Theo dự kiến, ngày 9-9 này sẽ là cột mốc quan trọng trong cuộc khủng hoảng Syria khi Hạ viện Mỹ biểu quyết về việc không kích Syria. TTCT dành chuyên đề số này cho vấn đề quốc tế đang được độc giả quan tâm theo dõi. Những người biểu tình phản đối Mỹ triển khai hoạt động quân sự chống Syria tại quảng trường Thời đại ở New York ngày 31-8Sự kiện vũ khí hóa học bị sử dụng ngày 21-8 khiến hơn 1.400 người thiệt mạng đang làm nóng lên không khí chiến tranh tại Syria. Nếu theo sát diễn biến lập trường của phía Mỹ có thể thấy những do dự, đắn đo dường như chỉ để dọa nạt hoặc không thể lảng tránh thì rồi sẽ “đánh cho có”!“Khúc xương” không hấp dẫnTrong suốt diễn biến của cuộc khủng hoảng Syria, chính quyền Obama vẫn nhất quán lập trường thiên vị phe đối lập. Nhưng sự thiên vị ấy chỉ trong phạm vi chính trị và cứu trợ nhân đạo. Từ tháng 4-2013 Mỹ mới quyết định viện trợ “quân sự” cho phe đối lập, cũng chỉ là “các phương tiện chiến tranh phi sát thương”. Người Ả Rập giải thích thái độ “lạnh nhạt” của Mỹ với Syria bởi nước này không có dầu lửa hay tài nguyên gì đáng kể (như Iraq, Libya, Kuwait) để có thể “thanh toán các hóa đơn chiến tranh” cho Mỹ.Mối lo lớn nhất của Mỹ tại Syria là sự hiện diện đông đảo và không thể kiểm soát được của các nhóm Hồi giáo cực đoan theo hệ tư tưởng “thánh chiến”, trong đó có nhóm Mặt trận Nusra mà Mỹ đã liệt vào danh sách khủng bố từ cuối năm 2012. Nếu Mỹ cung cấp vũ khí cho phe đối lập hoặc phát động chiến tranh nhắm vào chế độ al-Assad, chắc chắn các nhóm “thánh chiến” cũng tận dụng được tình thế có lợi cho họ!Tình huống “mức trần” của chiến tranh do Mỹ phát động là dẫn đến sụp đổ chế độ al-Assad, trong khi Syria có thể rơi ngay vào hỗn loạn bởi tổ chức lớn nhất của phe đối lập - Liên minh các lực lượng đối lập và cách mạng Syria - cũng chưa đủ tầm để “lấp khoảng trống” chính quyền. Các nhóm đối lập đủ màu sắc đang làm chủ những khu vực khác nhau sẽ mặc nhiên trở thành các lãnh chúa như hiện tượng đang diễn ra tại Libya.Đó là “kịch bản tệ nhất” mà Mỹ và Nga đều không muốn, và vì thế lợi ích của hai cường quốc đối nghịch nhau tại Syria tìm được điểm tương đồng.Sự đổi chác Mỹ - Nga?Các phương tiện truyền thông quốc tế làm nổi bật khía cạnh đối nghịch rõ ràng giữa lập trường của Mỹ và Nga tại Syria. Nhưng có những diễn biến khác được các cơ quan truyền thông Ả Rập (aawsat.com, alarabiya.net, aljazeera.net, alhayat.com...) đề cập tới. Đó là việc Nga đáp lại những biểu hiện do dự, chần chừ của chính quyền Obama vào những ngày cuối tháng 8 bằng những quyết định hủy bỏ hoặc trì hoãn thực hiện các hợp đồng vũ khí hạng nặng đã ký với Syria.Alarabiya.net ngày 1-9 đưa tin báo Kommersant của Nga dẫn một nguồn giấu tên từ công ty xuất khẩu vũ khí liên bang tiết lộ rằng nước này quyết định hoãn việc chuyển giao 12 máy bay chiến đấu và tên lửa S300 cho Syria. Hợp đồng bán tên lửa đất - đất tầm trung và tầm xa cũng bị hủy.Lý do được nêu ra là “tài chính và kỹ thuật”. Mạng alhayat.com cùng ngày còn đưa tin bãi bỏ hợp đồng bán 36 máy bay huấn luyện Yak130 ký năm 2011 mà Syria mới trả tiền được sáu chiếc.Theo truyền thông Ả Rập, mặc dù những âm thanh cổ vũ chiến tranh vẫn ồn ã nổi lên, nhưng cả Mỹ và Nga đều tái đề cập tiến trình Geneva-2 - một hội nghị quốc tế do Nga đề xướng để buộc đôi bên Syria thù nghịch nhau phải ngồi vào thương lượng và chấp nhận một giải pháp chính trị. Ameee’r Taheri, cây bút bình luận có tiếng của aawsat.com, viết ngày 30-8 cho rằng Mỹ đã “ăn ý” với Nga ở mục tiêu lớn nhất của hành động quân sự (nếu có) là “đánh để buộc phải đến Geneva-2”!Ông này giải thích: “Tốt nhất là ông Obama cứ diễn thuyết rất kêu, đe dọa rất dữ mà không làm gì đủ để lệch cán cân lực lượng về phía đối lập, thì rồi cả Obama và Putin sẽ cùng nhau gây áp lực để phe đối lập phải đến Geneva-2. Kịch bản này sẽ được Mỹ và Nga phối hợp ngay tại khóa họp hằng năm Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9”.Thông tin phương Tây vẫn theo hướng chính quyền Mỹ không tránh khỏi “phải có một hành động quân sự” để trừng phạt việc chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học. Tuy nhiên, người Ả Rập cho rằng điều đó sẽ chẳng đem lại thay đổi nào trên thực địa chiến trường.Theo alarabiya.net ngày 1-9, chủ tịch hội đồng tổng tham mưu trưởng quân đội tự do (đối lập), thiếu tướng Saleem Idrees, cho rằng chiến dịch quân sự của Mỹ (nếu có) không quyết định tình thế chiến trường, mà “chính người Syria phải tự mình quyết định”.----------------------------Trao đổi với TTCT, tiến sĩ xã hội học Jan Oberg, giám đốc Quỹ nghiên cứu tương lai và hòa bình xuyên quốc gia (Transnational Foundation for Peace and Future Research - TFF - , trụ sở tại Thụy Điển), cho rằng bất cứ cuộc tấn công nào vào Syria đều là “phản tác dụng và bất hợp pháp”.Được sự đồng ý của ông Jan Oberg, TTCT giới thiệu quan điểm của ông và giáo sư Richard Falk (thành viên của TFF, giáo sư luật quốc tế Đại học Princeton) về những khía cạnh của cuộc xung đột Syria.Ông Richard Falk* Cho đến nay, bằng chứng cho rằng chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học chống lại thường dân ở Ghouta đã được Mỹ công bố ngày 30-8 trong một báo cáo bốn trang, và tiến sĩ Jan Oberg cho rằng báo cáo này không thuyết phục?- Tiến sĩ Jan Oberg: Báo cáo này dùng những từ như “Chúng tôi ước định”, “đánh giá”, “chúng tôi phán đoán” cũng như những nội dung đại loại như“...Chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm thông tin bổ sung để lấp đầy khoảng trống về việc gì đã diễn ra”... rồi rút ra kết luận chung về mọi thứ ngoại trừ cái có thể gọi là bằng chứng. Điều này nhắc tôi nhớ tới phát biểu dài 72 phút của Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell trước Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc trước khi Mỹ đánh Iraq. Bạn hãy đọc bốn trang báo cáo này đi (xem link 1). Và bạn có được thuyết phục không?* Cộng đồng thế giới vẫn đang nóng lòng chờ kết quả kiểm tra ai là người tấn công hóa học vào Ghouta. Thế nhưng ngay sau khi Tổng thống Al Assad chấp nhận cho các quan sát viên Liên Hiệp Quốc vào thanh tra, Washington lại tuyên bố là “đã quá trễ”. Tại sao Washington thiếu kiên nhẫn?- Tiến sĩ Jan Oberg: Vì việc đồng tình cho thanh sát của ông Assad chẳng khác gì chướng ngại cho kế hoạch chiến tranh của Mỹ. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry từng bảo các bằng chứng đã mạnh mẽ nói rằng chính nhà cầm quyền Syria vi phạm, và cáo buộc Syria che đậy việc tấn công bằng vũ khí hóa học. Rằng “lằn ranh đỏ” đã bị vượt qua. Nhưng báo cáo của Mỹ về vụ tấn công hóa học, như tôi đã nói ở trên, là không thuyết phục và Lầu Năm Góc thực tế đã chuẩn bị cuộc tấn công quân sự này từ lâu trước khi công bố báo cáo.Washington có vẻ đang rơi vào bẫy của chính mình bằng cách này hay cách khác, bất kể những thủ thuật mới nhất của Tổng thống Obama.* Nhưng vì sao Mỹ nhất định phải tấn công Syria, kể cả khi đồng minh thân thiết là Anh không tham chiến và Đức thì trì hoãn? Đâu là những lý do căn bản?- Giáo sư Richard Falk: Lập luận của Mỹ là sự tín nhiệm đối với Mỹ đang bị đe dọa sau khi “lằn ranh đỏ” bị vượt qua bởi cuộc tấn công hóa học, nếu Mỹ không làm gì thì vị trí thống lĩnh toàn cầu của Washington sẽ bị đe dọa. Tiếp đó, niềm tin vào Mỹ sẽ bị suy suyển bởi sự thụ động trước tội ác do chế độ Assad thực hiện...Một cuộc tấn công trừng phạt sẽ ngăn ngừa việc sử dụng vũ khí hóa học bởi Syria và những phía khác trong tương lai, dạy cho các nước những hậu quả nghiêm túc về việc không chịu lắng nghe cảnh báo của tổng thống Mỹ về “lằn ranh đỏ”.Và ngay cả khi cuộc tấn công không thay đổi cán cân lực lượng Syria có lợi cho phe nổi dậy thì cũng sẽ khôi phục ý chí chính trị của phe đối lập để họ tiếp tục cuộc chiến lật đổ Assad, và có thể cuộc tấn công sẽ làm tăng triển vọng của những nhượng bộ ngoại giao, cho phép tái nhóm hội nghị Geneva-2...* Và tại sao những lý do căn bản này lại không đủ thuyết phục?- Giáo sư Richard Falk: Là bởi chúng không tính đến việc cuộc tấn công trừng phạt mà Washington lên kế hoạch này thiếu bất cứ cơ sở luật quốc tế nào. Nó không phải được thực hiện để tự phòng vệ, cũng không được Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc cho phép, cũng không được bào chữa như một cuộc can thiệp nhân đạo (bởi trên thực tế thường dân vô tội Syria chắc chắn sẽ nằm trong số các nạn nhân chiến tranh).Tiếp đó, nó giả định trước rằng Chính phủ Mỹ thực hiện một cách đúng đắn quyền cảnh sát trên sân khấu toàn cầu, và bằng một quyết định đơn phương có thể tạo tính hợp pháp cho một hành động được thực hiện bất hợp pháp...Và cuộc tấn công trừng phạt này có thể mang tới những hậu quả tai hại: làm suy yếu các kênh đối ngoại, kéo theo hậu quả từ Libăng, Thổ Nhĩ Kỳ, làm phức tạp quan hệ với Iran và Nga, gây ra những trả đũa khiến mở rộng vùng chiến, tạo ra một làn sóng chống Mỹ rộng khắp toàn cầu...* Về phía công pháp quốc tế, một cuộc tấn công của Mỹ vào Syria sẽ được nhìn nhận thế nào?- Tiến sĩ Jan Oberg: Bất cứ một cuộc tấn công nào vào Syria sẽ được xem là sự vi phạm không thể tranh cãi luật quốc tế, cuộc tấn công vào một quốc gia có chủ quyền mà (quốc gia ấy) không hề xâm lấn nước nào khác.Cuộc tấn công vào Syria... là bất chấp điều 1 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc quy định hòa bình phải được thiết lập bằng các phương tiện hòa bình và chỉ khi nào tất cả cách thức dân sự đã được thử qua mà vô ích, khi đó mới có thể có hành động quân sự quốc tế, nhưng phải là dưới sự chỉ huy của chính Liên Hiệp Quốc.Ở đây, với trường hợp Syria, tôi muốn nói thêm hành động quân sự (của Mỹ) có thể xem là việc cố ý coi thường những cơ hội giải quyết xung đột đã kéo dài suốt hai năm qua, và nói riêng là coi thường kế hoạch hòa bình sáu điểm của đặc sứ Kofi Annan, trong đó có bao gồm một thỏa thuận ngưng bắn...Ông Jan ObergMỹ “rút kinh nghiệm” khi can thiệp quân sự vào Syria, theo biếm họa của Washington Post* Tác giả Edward N. Luttwak viết trên báo NY Times “Ở Syria, Mỹ sẽ thua nếu bất cứ phe nào thắng” (2), phân tích điều tốt nhất cho Mỹ và Israel hiện nay là nội chiến tiếp tục hơn là dứt dạt thắng lợi về một phía nào đó. Nếu vậy sao Tổng thống Obama cứ nhất quyết phải không kích Syria?- Tiến sĩ Jan Oberg: Thứ nhất, Syria là đồng minh quan trọng nhất của Iran mà Mỹ thì luôn muốn giữ Iran ở thế chẳng vui vẻ gì và cùng đường (bằng cách cấm vận hoặc đe dọa...). Thứ hai: Nga có căn cứ quân sự ở Syria và cũng là một kiểu đồng minh. Nhưng tất cả những điều này dường như cũng không quan trọng lắm.Tôi nghĩ chính sự tự phụ, tự thổi phồng và phát biểu không khôn khéo của Tổng thống Obama về việc sử dụng vũ khí hóa học chính là (vượt) “lằn ranh đỏ”, và thế, khi bạn đã nói điều gì đó thì bạn phải làm. Cuối cùng thì có vẻ như chế độ Syria đang giành thắng lợi so với phe đối lập vũ trang nên sẽ là thất bại lớn cho phương Tây nếu phe đối lập “của họ” bị đánh bại bởi Al Assad. Bạn đừng quên rằng đến nay Israel vẫn ứng xử lặng lẽ, kín đáo như thế nào.Trong một bài viết của mình, giáo sư Richard Falk nói “cần phải nhắc Tổng thống Obama và Ngoại trưởng John Kerry rằng sự tín nhiệm và tôn trọng luật pháp quốc tế cần phải bắt đầu từ nhà và kết thúc tại Liên Hiệp Quốc”.- Giáo sư Richard Falk: Vấn đề hiện nay là liệu một nền dân chủ có nên trao quyền cho những lãnh đạo được bầu lên để đưa đất nước đi vào chiến tranh mà không cần sự cho phép đặc biệt của ngành lập pháp? Sự tương phản trong cách tiếp cận của Anh và Mỹ với vấn đề này thật sáng rõ.Ông David Cameron, với tư cách thủ tướng, cùng ngoại trưởng William Hague của mình, tuy ủng hộ mạnh mẽ việc cùng với Mỹ tham gia cuộc tấn công trừng phạt chống Syria, nhưng trước đó đã tổ chức một cuộc tranh luận và bỏ phiếu trong quốc hội, và việc ông David Cameron tuân thủ lời từ chối đáng ngạc nhiên của nghị viện đã chỉ ra tính độc lập của quốc hội vốn chưa từng thấy ở đất nước này từ cuối thế kỷ 18.Dĩ nhiên, căn cứ vào kết quả thăm dò với chỉ 11% dân Anh ủng hộ tấn công Syria, ông Cameron có thể thở phào nhẹ nhõm rằng lá phiếu cuối cùng đã nói lên được điều đó.So với cách thức của ông Obama hiện nay: các diễn văn thông báo với đất nước về việc vì sao cần trừng phạt chế độ Assad là để giữ gìn lợi ích an ninh quốc gia Mỹ, để tôn trọng luật pháp quốc tế và những tham vấn với các lãnh đạo quốc hội... Cái thiếu trong các bài thuyết trình của ông ấy là từ “cho phép” và “một sự tôn trọng đúng mực ý kiến” của nhân loại...Theo tôi, chính việc toàn quyền của tổng thống đơn phương khởi chiến, thiếu sự ủy nhiệm của Liên Hiệp Quốc, đang tạo ra một cuộc khủng hoảng sâu sắc về luật pháp không chỉ ở Mỹ mà cho tất cả các chính phủ nói mình là dân chủ nhưng lại tiến hành chiến tranh bằng quyết định của người lãnh đạo tối cao, như Pháp và Thổ Nhĩ Kỳ sắp đang hành động. Đã đến lúc đối mặt với cuộc khủng hoảng này. Kế hoạch hòa bình sáu điểm của đặc sứ Liên Hiệp Quốc Kofi Annan, khởi động từ tháng 2-2012, được xem là nỗ lực quốc tế nghiêm túc nhất để giải quyết cuộc nội chiến Syria bằng con đường ngoại giao.Cuộc họp tại Geneva vào ngày 30-6-2012 của các bên liên quan (còn gọi là Geneva-1) đã kêu gọi thực hiện kế hoạch này, bao gồm một cuộc ngừng bắn trong năm 2012, thế nhưng sau cuộc thảm sát Houla (mà kết luận cuối cùng ai là kẻ gây thảm sát đến nay vẫn không chắc chắn) rồi tiếp đó là tối hậu thư của Quân giải phóng Syria (FSA) ngưng bắn bị phá hoại cũng trong năm 2012.FSA bắt đầu những cuộc tấn công vào quân chính phủ và Tổng thống Assad thề sẽ đập tan những cuộc nổi dậy này. Ông Kofi Annan từ chức đặc sứ hôm 2-8-2012. Ngày 17-8-2012, Lakhdar Brahimi được bổ nhiệm làm đặc sứ Liên Hiệp Quốc tại Syria, thay ông Annan.(Wikipedia)(1): http://www.aljazeera.com/news/middleeast/2013/08/2013 8301874953563.html(2): http://www.nytimes.com/2013 /08/25/opinion/sunday/in-syria-america-loses-if-either-side-wins.html?_r=0-----------------------Tiếng trống trận đơn thân độc mã vừa nổi lên tại Washington tuần qua chẳng qua là hậu quả của một thói quen mới từ sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất năm 1991, ngay sau Liên Xô và Đông Âu tan rã.Tự tin rằng thế giới từng đứng sau lưng mình sau nghị quyết ngày 21-11-1990 của Liên Hiệp Quốc cho phép sử dụng vũ lực đưa lực lượng Iraq ra khỏi Kuwait nếu như Iraq không rút đi trước ngày 15-1-1991, Tổng thống Georges Bush “bố” trong một “cảnh cáo nhân lễ Giáng sinh” tháng 1-1993 đã nhắn Tổng thống Slobodan Milosevic rằng cuộc xâm chiếm Kosovo của lực lượng Serbia sẽ dẫn đến việc Mỹ đơn phương đáp trả bằng quân sự.Tổng thống kế nhiệm Bill Clinton sau đó đã ủy nhiệm cho NATO không kích phe Serbia ở Bosnia các năm 1994 và 1995. Tình hình xung đột tại Kosovo ngày càng trầm trọng do một bên muốn ly khai độc lập và bên kia nhất quyết giữ lại. Đến ngày 30-9-1998, Ngoại trưởng Madeleine Albright đưa vấn đề không quân Mỹ sẽ đích thân không kích Serbia ra trước Quốc hội Mỹ, song gặp phải phản đối nên nhấn mạnh thêm rằng sẽ không gửi bộ binh sang Kosovo, cho dù để gìn giữ hòa bình.Cuộc bầu cử giữa kỳ tháng 11-1998, Đảng Dân chủ giành thêm được một số ghế, làm giảm nhẹ sức nặng của Đảng Cộng hòa trong quốc hội, tuy rằng đảng này vẫn giữ đa số mong manh. Ngày 24-3-1999, chính quyền Clinton ra lệnh không kích vào Kosovo.Cuộc khủng hoảng Kosovo trên bề nổi là do cuộc đụng độ vì sự tan rã của Liên bang Nam Tư, còn đằng sau đó là cuộc tranh chấp giữa một nước Nga khánh tận nhưng vẫn kế thừa Liên Xô cũ và một nước Mỹ nổi lên như siêu cường duy nhất. Do yếu thế về kinh tế tài chính, chính phủ Boris Yeltsin đành phải chịu lép vế.Hai tháng trước cuộc tấn công của Mỹ, ngày 27-1-1999 Bộ trưởng Ngoại giao Nga Igor Ivanov còn ra một thông cáo chung với Ngoại trưởng Mỹ Albright về Kosovo. Thế nhưng, Mỹ ở thế thượng phong vẫn thản nhiên ra tay tấn công vào ngày 24-3.Chiến dịch không kích Kosovo năm 1999 đã biến thành bệ phóng cho một cuộc chiến đơn phương khác, lớn hơn nhiều của chính phủ Georges Bush “con” năm 2003, dựa trên những bằng chứng sau này được công khai nhìn nhận là ngụy tạo.Mark Thompson của tuần báo Time viết: “Nay khi chúng ta đã rút ra khỏi Iraq, CIA cũng mới tự tẩy rửa chuyện họ đã ngụy tạo vụ vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam Hussein như thế nào. Lập luận của CIA như sau: Saddam thường hay “nổ” là có vũ khí hủy diệt hàng loạt nên chúng tôi cứ tin thế. Bất hạnh thay, nước Mỹ đã lâm chiến chủ yếu dựa trên mớ tình báo dỏm đó. Và 4.686 binh sĩ Mỹ, 318 binh sĩ đồng minh cùng cả ngàn người Iraq phải chết vì chiến tranh”.Đó là chưa kể chi phí chiến tranh Iraq lên đến 814 tỉ USD (tính đến ngày 2-9-2013).Vậy mà nay Ngoại trưởng John Kerry tiếp tục suy nghĩ theo kiểu “đơn phương”: “Chúng ta, Hoa Kỳ, tin nơi Liên Hiệp Quốc… Song Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki Moon đã lặp đi lặp lại rằng cuộc điều tra của Liên Hiệp Quốc sẽ không khẳng định ai đã sử dụng số vũ khí hóa học đó, mà chỉ xác nhận xem các vũ khí có được sử dụng hay không... (Thành ra...) Tổng thống Obama sẽ đảm bảo sao cho Hoa Kỳ tự quyết định về thời điểm do chúng ta ấn định dựa trên các giá trị và lợi ích của chúng ta”.1) Xung đột bắt nguồn từ đâu?Đỉnh điểm của làn sóng xung đột hiện nay bắt đầu từ những cuộc biểu tình vào cuối tháng 2-2011 của phe đối lập, dưới các khẩu hiệu đòi thay đổi hiến pháp và bãi bỏ chế độ độc đảng, khi chính quyền Syria thuộc về Đảng Baath do Tổng thống Bashar Al Assad lãnh đạo. Một tháng sau đó, phe đối lập yêu cầu ông Assad từ chức.Tổng thống Bashar Al AssadNguyên nhân sự bất bình là việc ngày càng nhiều chức vụ lãnh đạo được trao cho các đại diện tôn giáo Alawite (một nhánh của dòng Hồi giáo Shiite) của ông Assad (trong khi phe đối lập bao gồm đa số người Ả Rập Sunni - cũng là cộng đồng lớn nhất Syria). Sự ra đi của ông Assad trở thành điều kiện chính để phe đối lập chịu ngồi vào bàn đàm phán để ổn định tình hình.2) Người trong cuộc nói gì?Ông Fahd Al MasriNgười phát ngôn của Quân giải phóng Syria (FSA) - cánh vũ trang của phe đối lập Syria - Fahd Al Masri nói: “Chúng tôi cần sự giúp đỡ để lật đổ chính quyền hiện nay và thoát khỏi những phe nhóm cực đoan. Chúng tôi chống chủ nghĩa khủng bố, chống bắt bớ hàng loạt. Chúng tôi không muốn giết những người ủng hộ chính quyền, bởi vì họ cũng là người Syria.Chúng tôi cho rằng những phần tử cực đoan không có chỗ trong đất nước này. Syria sẽ không có chỗ cho các tín đồ Hồi giáo cực đoan khi chế độ Assad sụp đổ”. FSA hình thành từ các cựu binh và sĩ quan đào ngũ từ quân đội Syria, những người tuyên bố mục tiêu là cùng với người biểu tình lật đổ chế độ Assad.Tuy nhiên, Tổng thống Al Assad cho rằng chính quyền Damascus đang đấu tranh với các nhóm khủng bố quốc tế được sự ủng hộ từ bên ngoài: “Tất cả những chuyện mà chúng tôi đang gặp phải đều gắn với những vấn đề an ninh mà chúng chỉ có thể được giải quyết khi chiến thắng chủ nghĩa khủng bố. Vì thế nếu chúng tôi thắng trong cuộc chiến tranh nhân dân này thì Syria có thể giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay chỉ trong vài tháng”.3) Cộng đồng thế giới chia rẽ thế nào trước vấn đề Syria?Đại tá đào ngũ Riad Mousa al-Asaad, một trong những chỉ huy của FSATháng 11-2012, phe đối lập Syria đã liên kết lập ra “Liên minh quốc gia các lực lượng đối lập và cách mạng Syria” (National Coalition for Syrian Revolutionary and Opposition Forces, viết tắt là SNC). Các đại diện của SNC đã được mời ngồi vào ghế Syria tại Liên đoàn Ả Rập ngày 28-3-2013 và những đại diện này đã được một số nước trên thế giới công nhận là “đại diện duy nhất của nhân dân Syria”.Đó là Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ, Pháp, Anh, nhiều nước EU, Saudi Arabia, Qatar và nhiều nước Ả Rập của vùng Vịnh. Đây cũng là những nước giúp đỡ vật chất, kỹ thuật cho phe đối lập và quy kết trách nhiệm xung đột hiện nay, theo các đánh giá của Liên Hiệp Quốc là đã làm thiệt mạng hơn 100.000 thường dân, cho chính quyền Damascus.Chống lại việc thay đổi chính quyền Syria bằng bạo lực và muốn giải quyết tình hình Syria bằng con đường thương lượng hòa bình có các nước Nga, Trung Quốc, Ấn Độ, Nam Phi, Iran và một số nước Mỹ Latin.Tổng thống Obama phát biểu: “Chúng tôi cố hành động trong khuôn khổ luật pháp quốc tế để làm tất cả cho sự ra đi của Assad”.Ngoại trưởng Nga S. Lavrov thì nói: “Nếu ai đó nghĩ rằng đánh bom cơ sở hạ tầng Syria và rời khỏi chiến trường sau khi những kẻ chống đối chế độ thắng lợi, và rồi tất cả sẽ kết thúc thì sẽ là ảo tưởng. Thậm chí kể cả khi thắng lợi đó diễn ra, nội chiến vẫn sẽ tiếp tục. Chỉ có điều những ai đại diện phe chính phủ sẽ trở thành phe đối lập. Chúng ta đã thấy những hậu quả nặng nề của những cuộc can thiệp trước đây vào các cuộc xung đột ở khu vực này rồi”. Tags: MỹBiểu tìnhChiến tranhSyria
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Thiếu phôi bằng lái, xe 'trùm mền' HÀ MI 22/11/2024 Tình trạng thiếu phôi bằng lái đang lan ra nhiều tỉnh thành cả nước. Hệ lụy của thực trạng này là hàng chục ngàn người dân bị "treo bằng" dù thi đậu, có địa phương phải loay hoay đi mượn phôi hoặc bất đắc dĩ tạm dừng kỳ sát hạch.
Chợ Bến Thành là di tích cấp thành phố, ban quản lý cam kết bảo tồn hiệu quả HOÀI PHƯƠNG 22/11/2024 Năm di tích được công bố xếp hạng di tích cấp thành phố gồm trụ sở Cục Hải quan TP.HCM, trụ sở UBND quận 1, chợ Bến Thành, đền thờ Đức Thánh Trần Hưng Đạo và mộ ông Binh Bộ Kiểm duyệt Ty - Thừa vụ lang họ Trần.