Tái hiện một đám rước cung đình hoành tráng

MINH TỰ 16/05/2004 01:05 GMT+7

TTCN - Tại Festival Huế 2004 sắp diễn ra tới đây, lễ hội Nam Giao là một trong số vài chương trình mới được xem là đặc sắc và độc đáo nhất.

Phóng to
Đàn Nam Giao

Gần 500 diễn viên cùng với voi, ngựa và một số lượng đồ sộ phẩm phục, nghi trượng, cờ, nhạc khí... sẽ được huy động để tạo nên một đám rước cung đình hoành tráng mà lâu nay chỉ thấy trong sử sách.

Ông Nguyễn Xuân Hoa, giám đốc Sở Văn hóa - thông tin Thừa Thiên - Huế, phó ban trực ban tổ chức Festival Huế 2004, trưởng bộ phận tư vấn lễ hội Nam Giao, cho biết: - Ý tưởng khôi phục lễ hội này xuất phát từ mong muốn tạo nên một sắc thái độc đáo, khác lạ hơn với các kỳ festival trước, nhưng vẫn tiếp tục khai thác yếu tố truyền thống của văn hóa Huế.

Trước hết, chúng tôi muốn khôi phục một nét đặc sắc của lễ hội cung đình Việt Nam dưới hình thức một lễ rước; qua đó để khôi phục một giá trị nhân văn trong lễ hội cung đình xưa. Đặc biệt là tập trung khai thác ý tưởng về khát vọng cầu cho quốc thái dân an, phong hòa vũ thuận vốn là khát vọng của ngàn đời. Cũng qua đó tái hiện vẻ đẹp hoành tráng của văn hóa nghi lễ, phục trang, lễ hội; đặc biệt là không gian diễn xướng cho nhã nhạc. Lâu nay nhã nhạc chỉ được tái hiện để phục vụ du khách trong nhà hát, còn ở đây đúng là không gian của một lễ hội. Vì vậy, dù đầu tư hơi nặng nhưng chúng tôi vẫn mạnh dạn làm; tất nhiên không vượt quá không gian chính trị, kinh tế của hiện tại.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân - thành viên ban tư vấn lễ hội Nam Giao:

“Lễ tế Nam Giao ngày xưa đang được tái hiện trong hoàn cảnh đã khác trước: vua không còn, bộ máy của triều đình không còn nữa. Nên trước mắt không thể tái hiện nghi lễ tế trời, cũng như trong đoàn ngự đạo không có vua ngồi trên ngự liễn. (Trung Quốc không còn tế Nam Giao từ 1911, ở Việt Nam thực chất lễ này đã chấm dứt từ năm 1942). Vì vậy, chúng ta sẽ làm với tinh thần chọn lọc những gì tinh hoa để tái hiện và phải tuân thủ tính chính xác với lịch sử. Chẳng hạn về phẩm phục, nghi trượng, cờ xí phải làm theo đúng nguyên gốc của triều Nguyễn. Đặc biệt là nhã nhạc trong lễ này sẽ được tái hiện rất kỹ. Về một số bộ phận của đám rước với số lượng quá lớn, chỉ tái hiện với tính chất tượng trưng nhưng phải theo đúng con số của phong thủy, và dứt khoát không làm mới bất kỳ một chi tiết nào”.

* Nhiều người Huế đang băn khoăn “lễ hội Nam Giao” có khác với “lễ tế Nam Giao” trong lịch sử không?

- Hiện chúng tôi đang có tư liệu của lễ Nam Giao năm 1936, 1939, 1942, 1945, và thậm chí cả lễ phục dựng vào năm 1972. Không có lễ nào giống lễ nào cả. Từ đó, chúng tôi rút ra một yếu tính bất biến của lễ tế Nam Giao. Chúng tôi chưa gọi cái mình sẽ làm tới đây là “lễ tế Nam Giao” vì chưa khôi phục được phần lễ tế mà chỉ khôi phục phần lễ rước, và gọi tên là “lễ hội Nam Giao”.

Đám rước cũng chọn theo phương án không có vua. Vì lễ tế Nam Giao có ba phần: chuẩn bị, tế lễ mang tính tâm linh, thần bí, thể hiện quyền lực của chế độ quân chủ, chưa thật phù hợp với hiện nay nên chỉ khôi phục phần lễ thành, rước về cung, nó mang tính rộn ràng, hoan hỉ. Con số cụ thể của đoàn ngự đạo là 488 người, tái hiện theo đúng mô hình của đoàn ngự đạo ngày xưa với tiền đạo, trung đạo và hậu đạo, từ quan đô thống, thống chế, văn võ bá quan, các nghi trượng, phẩm phục, cờ quạt, nhạc khí... đúng như một đám rước cung đình xưa.

* Nhưng thưa ông, quan điểm lịch sử được thể hiện như thế nào trong việc tái hiện, dù chỉ là một phần của lễ hội ấy?

- Chúng tôi đặt ra nguyên tắc là cố gắng tái hiện cho được những yếu tố lịch sử vốn có, nhưng phải tái hiện đúng với yếu tính của lễ hội Nam Giao. Cần biết rằng trong lịch sử, lễ Nam Giao đã từng bị cải biên. Vấn đề của chúng ta không phải là phải làm lại như cái nó đã có mà làm lại như cái yếu tính của nó. Tức là không đặt thêm, không làm méo mó nó đi, thậm chí trong một số trường hợp phải điều chỉnh. Chúng tôi có tư liệu ảnh cho thấy đã từng có lễ tế Nam Giao đi bằng xe xích lô, xe kéo và xe bánh lốp, đó là do ảnh hưởng của thời Pháp thuộc. Hay lễ tế năm 1945, vua Bảo Đại đi bằng ôtô. Chúng tôi không tái hiện cái đã cách tân như thế.

* Có một số nghi lễ triều đình đến thời các vua Khải Định, Bảo Đại đã được lược bỏ hoặc biến đổi như thế. Vì vậy phải đặt ra tiêu chí để chọn: lễ Nam Giao dưới thời vua nào của nhà Nguyễn?

- Nếu chọn thời điểm xa quá thì không đủ tài liệu. Chúng tôi dựa theo tư liệu thư tịch có được cùng với 200 hình ảnh, các luận văn nghiên cứu về lễ tế Nam Giao... Vấn đề là nếu chỉ đám rước với đoàn ngự đạo có cờ, trống, phẩm phục thôi thì chưa đủ, mà qua đó còn phải thể hiện mối quan hệ giữa con người và đất trời thiên nhiên, đặc biệt là nghi thức âm nhạc, văn hóa lễ nghi...

Vì vậy, chúng tôi cố gắng phục hồi đầy đủ các nghi thức, chẳng hạn phường trống ngũ lôi trong tiến đạo, từ sau 1945 đến nay chưa hề được đưa ra biểu diễn. Ban nhã nhạc sẽ được tái hiện theo đúng nguyên mẫu về nhạc khí, trang phục, bài bản; ban đại nhạc với qui mô 22 nhạc công (nguyên mẫu 44 nhạc công - PV); đội múa bát dật đúng 64 vũ công... Vấn đề là chúng ta tái hiện trong điều kiện khác xưa, mặc dù theo đúng lộ trình từ trai cung về Đại nội, nhưng đường sá đã không giống như trước, xe cộ sầm uất, và voi ngựa lâu lắm rồi mới xuất hiện trên đường phố Huế...

* Vâng, voi và ngựa cho đến giờ này vẫn chưa quen lắm với đám đông và âm thanh lễ hội huyên náo. Rất có thể xảy ra những tình huống xấu... Lượng định và xử lý thế nào?

- Chúng tôi đã tính hết những tình huống xấu đó. Đã có phương án bố trí người bắn thuốc mê hoặc xích chân nếu voi lồng lên. Nhưng nói thật vẫn chưa ai hình dung được thuốc mê đó có tác dụng cụ thể như thế nào vì mọi việc chưa xảy ra. Và nhiều tình huống nhạy cảm, bất ngờ khác nữa. Gian nan nhất là voi và ngựa. Voi mới chết một con, ngựa mua từ Macau vẫn chưa về. Cũng may người điều khiển ngựa là diễn viên xiếc từ Hà Nội. Tóm lại, chúng tôi sẽ cố gắng đến mức tối đa cho lễ hội này.

Phóng to
Ban Nhạc trong đoàn ngự đạo lễ tế Nam Giao
* Còn vấn đề nữa: đám rước hồi cung này sẽ đi qua đường sắt, trong khi các chuyến tàu không thể dừng lại cho đoàn ngự đạo đi qua?

- Trong kịch bản thì theo đúng giờ giấc xưa, tức là khởi hành hồi cung lúc 6g10 sáng, nhưng đi giờ này sẽ gặp tàu lửa nên chúng tôi phải lùi giờ xuất phát khoảng 7 giờ sáng để tránh các đoàn tàu.

* Để tái hiện đám rước này còn phải có một khối lượng lớn nghi trượng, phẩm phục, cờ, nhạc khí... Đến nay các công việc này đã được chuẩn bị như thế nào?

- Chúng tôi đã thành lập 14 tiểu ban riêng cho lễ hội này. Trong đó phẩm phục (áo quần, mũ nón), nghi trượng (các vật dụng cho đám rước), cờ, hoa đăng, nhạc khí... đều có một tiểu ban riêng với sự phân công rất chi tiết. Chúng tôi cũng đã huy động nhiều nghệ nhân lành nghề cũng như người trong hoàng tộc có hiểu biết nhiều công việc này tham gia, như nghệ nhân Trần Kích lo tiểu ban âm nhạc, các anh Nguyễn Phước Hải Trung, Vĩnh Khánh tham gia tiểu ban phẩm phục, nghi trượng, nhà nghiên cứu Vĩnh Cao tham gia ban tư vấn... Diễn viên các đoàn nghệ thuật đóng vai văn võ bá quan. Võ sinh của các võ đường lo việc cầm cờ. Gánh ngự liễn thì phải thuê những âm cung chuyên làm việc này, không thể dùng diễn viên nghiệp dư được.

* Đến lúc này chỉ còn hơn một tháng nữa là khai hội, trong khi lễ hội qui mô này có một khối công việc rất lớn phải làm, liệu có kịp?

- Các tiểu ban, bộ phận đều đã triển khai công việc của mình. Chẳng hạn đưa voi đi theo lộ trình dự kiến để quen dần với sinh hoạt trên đường phố. Các ban nhạc, đội múa cũng đang luyện tập. Phẩm phục, nghi trượng, cờ quạt đã đặt làm... Sau đó, tổng đạo diễn Phạm Thị Thành sẽ vào và ráp nối các bộ phận lại. Mọi việc đang diễn ra trôi chảy, hi vọng sẽ có một lễ hội Nam Giao như mong muốn.

Đoàn ngự đạo hồi cung có 488 người, chia thành ba đạo: tiền - trung - hậu đạo

Tiền đạo với 114 viên binh +2 voi + 3 ngựa, đi giữa là quan đô thống cưỡi ngựa cầm loa đồng. Theo hầu hai bên có các lính gánh chiêng, trống, cầm lọng. Sau quan đô thống là đội cấm lỗ bộ 20 người, phường trống ngũ lôi 8 người, bốn hàng lính với 28 người cầm cờ nhị thập bát tú, 20 lính lính ngự lâm cầm phan và 10 lính cầm kiếm.

Trung đạo với 231 viên binh + 7 ngựa, đi giữa là cỗ xe tứ mã chở quan thống chế, hầu hai bên là hai võ quan cưỡi ngựa, tiếp sau là đoàn lính gánh phúc tửu long đình, tiếp sau đó là đội đại nhạc 22 người, và một đoàn lính cầm cờ tứ phương, tàng cửu long vàng, gánh ghế ngự. Tiếp theo mấy hàng lính cầm cờ đội cấm lỗ bộ là ngự liễn (kiệu vua ngồi) với 32 lính gánh, quan phù liễn đại thần đi sau ngự liễn, cùng với đội nhã nhạc 19 nhạc công. Sau đội nhạc là đội múa bát dật với 64 vũ công vừa đi vừa múa. Cùng với đội đại nhạc và nhã nhạc vừa đi vừa tấu nhạc rộn rã.

Hậu đạo với 143 viên binh và hai voi rước theo long đình trên đó có đặt tượng đồng nhân, cùng với đội lỗ bộ, đội chiêng trống, hoa đăng. Sau cùng là đội lính cầm náp cùng với hai voi hộ tống.
Phẩm phục (áo mão) cho đoàn ngự đạo bao gồm 488 bộ, với đủ loại theo từng chức quan, loại lính. Đặc biệt đám rước rực rỡ với 92 cây cờ thuộc 11 loại cờ, bao gồm: cờ tứ phương, ngũ hành, nhị thập bát tú, thập nhị thời thần, phong vân lôi vũ, bắc đẩu, tinh tú, nhật nguyệt, long phượng, cờ cảnh, cờ tất...

Dọc hai bên đi là những hương án chào mừng đoàn ngự đạo của dân các làng xã, phường được trang trí rực rỡ.

* Xem tất cả những tin bài về Festival Huế 2004
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận