TTCT - Pete Souza, nay đã thôi chức, kể về việc ông đã được chọn vào vị trí nhiếp ảnh gia Nhà Trắng cho cựu tổng thống Barack Obama như thế nào... Pete Souza (phải) đã kề vai sát cánh bên tổng thống Obama suốt hơn 10 năm ròng -bostonmagazine.com Ông cũng đồng thời kể về những kỹ năng và sự hi sinh buộc phải có khi ở vị trí đó, và sự khác biệt của nghề nhiếp ảnh trong thời buổi truyền thông xã hội. Trong suốt 8 năm, Souza mang đến cho thế giới nhiều góc nhìn đặc sắc về người đàn ông quyền lực nhất hành tinh, nhưng đồng thời cũng là một người cha, người chồng và người bạn. Phải cam đoan với Tổng thống những bức ảnh sẽ không bị chỉnh sửa * Làm thế nào ông được chọn vào vị trí nhiếp ảnh gia Nhà Trắng? Ông đã tiếp cận công việc như thế nào? - Mối thâm tình giữa tôi và tổng thống Barack Obama bắt đầu từ tháng 11-2004 khi ông vừa được bầu vào nghị viện. Lúc đó tôi đang là nhiếp ảnh gia cho tờ Chicago Tribune, tôi với một phóng viên khác nảy ra ý tưởng thực hiện một chuỗi dài kỳ về năm đầu tiên của nghị sĩ Obama. Chicago Tribune đồng ý, thế là ngay lập tức tôi liên hệ với cấp dưới của ông Obama. Hầu hết chính trị gia có lẽ đều e ngại khi một tay phóng viên cứ lẽo đẽo theo sau họ, nên tôi thật may mắn khi ông ấy đồng ý. Khi đó tôi đã là một nhiếp ảnh gia thành danh, từng là nhiếp ảnh gia chính thức của tổng thống (Ronald) Reagan, nhưng tôi không nghĩ ông Obama biết điều đó. Với tôi, điều quan trọng là được ông ấy tin tưởng. Từ đầu, tôi cam đoan những bức ảnh sẽ không bị chỉnh sửa nhiều và tôi không sử dụng đèn flash. Theo thời gian, chúng tôi dần hiểu nhau hơn. Ông ấy hiểu cách tôi tác nghiệp và tôi nhận ra mục tiêu chính ghi lại hành trình của ông. Loạt bài cùng hình ảnh xuất hiện trên tờ Chicago Tribune được tán thưởng, nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã rơi vào quên lãng. Đơn thương độc mã, tôi tiếp tục chụp ảnh ông và theo gia đình ông trong một chuyến đi châu Phi tháng 8-2006. Tôi nhận ra Obama có thể trở thành một chủ đề nhiếp ảnh tuyệt vời - có thể dự báo được rằng ông sẽ trở thành một thế lực đáng gờm trên trường chính trị căn cứ vào cách công chúng đối xử với ông. Đầu năm 2007, đã chắc chắn ông sắp ra tranh cử tổng thống, Tribune tiếp tục cử tôi theo ông. Tuy nhiên, do tình hình báo chí ảm đạm ở Mỹ, tôi nhận lời làm trợ giảng ở khoa truyền thông thị giác ĐH Ohio. Nhưng suốt năm 2008, tôi thường bắt gặp ông Obama xuất hiện trong vùng, đôi khi tôi vẫn đi theo ông để chụp suốt chặng đường ứng cử trong vai trò người chụp tự do. Rồi đầu tháng 1-2009, tôi nhận được lời mời trở thành nhiếp ảnh gia chính thức cho tổng thống từ Nhà Trắng. Tôi nói để làm việc đó, tôi cần được quyền tiếp cận tất cả. Khi Gibbs cam đoan rằng tổng thống hiểu rõ việc tôi làm, tôi chấp thuận. * Làm thế nào để ông ghi nhận tổng thống Obama cũng như một người thường? - Dù tôi đã chụp ảnh ông rất nhiều trước đó, chụp Obama tổng thống là một điều hoàn toàn khác biệt. Tuy nhiên, tổng thống Obama luôn rất thoải mái, và tôi cho rằng mình góp phần làm quá trình ấy dễ dàng hơn, sau chừng 3 hay 6 tháng, chúng tôi đã hiểu được cách làm việc của nhau. Vai trò chủ yếu của nhiếp ảnh gia Nhà Trắng là ghi lại hành trình của tổng thống. Do đó, điều quan trọng là phải chớp được những nét riêng tư và nét đại chúng của ông, vốn thường quyện lẫn vào nhau. Ví dụ, tôi chụp ảnh ông chơi đùa với hai cô con gái ở phòng Bầu dục hay khi ông đấm tay với người lau dọn. Ông vẫn là tổng thống trong những khoảnh khắc ấy, nhưng đồng thời cũng là một con người thật bình thường. * Ông đã chụp hình tổng thống Reagan trước tổng thống Obama. Sự khác biệt lớn nhất giữa thời đại trước Internet, điện thoại thông minh và ảnh selfie với hiện giờ là gì? Ông có cần học thêm kỹ năng gì không? - Những gì tôi làm trong hai nhiệm kỳ tổng thống về cơ bản là giống nhau - ghi lại lịch sử của tổng thống bằng hình ảnh. Tuy nhiên, truyền thông xã hội, cụ thể là Instagram, trở thành cách để tôi công bố hình ảnh với công chúng ngay lập tức. Instagram đã không tồn tại cho đến năm 2011, và điều này đã thay đổi đáng kể vai trò của một nhiếp ảnh gia Nhà Trắng. Tôi luôn cho rằng thay đổi là tích cực vì nó giúp công chúng có cái nhìn của người trong cuộc về một nhiệm kỳ tổng thống. Một số bức ảnh tôi chụp thời Reagan không được chia sẻ cho công chúng tới tận 10 hay 30 năm sau. Khi tôi mở tài khoản (Instagram) năm 2012, tôi vẫn còn chưa biết cách dùng cho thuần thục. Bạn tôi, nhiếp ảnh gia thể thao Brad Mangin, rất năng nổ trên Instagram và xem ông thao tác đã thuyết phục tôi bắt đầu chia sẻ ảnh về Nhà Trắng. Phản hồi thật đáng kinh ngạc. Mỗi khi có một câu chuyện bên lề nào đó, tôi sẽ kèm thêm ảnh. Tôi thường đăng ảnh từ camera DSLR của mình, và các nhiếp ảnh gia sẽ hỏi đủ các thông số kỹ thuật, như tốc độ dập máy hay loại ống tôi sử dụng. Thật thú vị khi chứng kiến những điều đó, và tôi không ngừng học hỏi thêm những điều mới mẻ nhờ tương tác với người theo dõi mình. Cố gắng hớp nước từ một vòi cứu hỏa cứ phun mãi mãi * Ông nhìn thấy những điều đặc biệt gần như suốt ngày. Làm thế nào ông có thể về nhà vào buổi tối, dẹp hết máy móc và kết nối lại với gia đình, bạn bè? - Thú thật, đó chính là điều khó khăn nhất trong công việc này, vì tôi phải luôn túc trực suốt năm. Gia đình và đời sống cá nhân chịu ảnh hưởng một cách tiêu cực, nhưng tôi biết rõ mình đã chọn làm công việc gì. Có người từng nói: “Làm việc trong tòa Bạch Ốc giống như cố gắng hớp nước từ một vòi cứu hỏa cứ phun mãi mãi”. Khi có dịp, tôi đến phòng gym trước khi tới văn phòng, và đường về nhà là quãng thời gian để tư lự. * Làm thế nào để ông duy trì được thể lực khi đi qua nhiều múi giờ khác nhau, hay tham gia vào những cuộc gặp căng thẳng, các vấn đề về an ninh, những đám đông khổng lồ, và ánh sáng nữa? - Đó là một thách thức cả thể chất lẫn tinh thần. Sự khác biệt múi giờ, khó chịu khi ngủ trên máy bay, phải lao vào một ngày làm việc 15 tiếng ngay khi đặt chân xuống sân bay, và cả những vấn đề an ninh rất nghiêm cẩn... Cách tiếp cận của tôi là lẻn vào những căn phòng mà tôi không được phép vào và giả vờ phớt tỉnh. Không phải lần nào cũng thành công, nhưng với tôi, điều đó trở thành một trò chơi. Vui một cái là trong những năm cuối nhiệm kỳ, tôi ra vào dễ dàng hơn vì những người giữ cửa có theo dõi tài khoản Instagram của tôi và họ hiểu tầm quan trọng của việc tôi đang làm. * Xin ông mô tả về tấm ảnh chia tay của Obama khi ông ấy bước lên trực thăng? - Nhìn vào những tấm hình trước kia của tổng thống Obama rời đi trên trực thăng, chị sẽ thường thấy Đồi Capitol nằm phía ngoài, do vậy đó là cú bấm máy mà tôi đã hình dung sẵn trong đầu. Tôi cũng hình dung tất cả sẽ ở trên cao và vì thế sẽ không nhìn thấy được tòa Bạch Ốc. Tuy nhiên, chúng tôi hóa ra lại không bay quanh Đồi Capitol, do vậy bức ảnh tôi chụp có tòa Bạch Ốc phía sau. Tôi không nghĩ là từng có một góc chụp như thế, do đó nó rất đặc biệt. Về mặt kỹ thuật, ánh sáng bên trong trực thăng tương phản mạnh với ánh sáng bên ngoài, do vậy tôi dùng Adobe Camera Raw để điều chỉnh mật độ màu. Thật hữu ích khi có thể sửa màu trên tập tin thô trước khi mở bằng photoshop. * Ông có lời khuyên nào với những nhiếp ảnh gia muốn thành danh và trở thành nhiếp ảnh gia tòa Bạch Ốc? - Bên cạnh tài năng phải có, còn rất nhiều may mắn nữa. Chính trị chính là những người chúng ta biết. Ta có thể là nhiếp ảnh gia giỏi nhất thế giới, nhưng nếu một thượng nghị sĩ mới nổi đã có chút quen biết với một nhiếp ảnh gia nào đó mà họ ưa thích, khả năng cao là khi quyết định tranh cử tổng thống, họ sẽ chọn tay nhiếp ảnh kia. Con đường của tôi bắt đầu từ báo chí, nhưng mỗi người cần tìm cho mình con đường riêng. Không có một con đường duy nhất trong nhiếp ảnh hay kể cả nhiếp ảnh báo chí. Mục tiêu cuối cùng của các bạn không bao giờ nên là trở thành nhiếp ảnh gia tòa Bạch Ốc, vì cơ may rất hiếm hoi. Có hàng tá nhiếp ảnh gia ở Mỹ giỏi giang hơn tôi, nhưng tôi tin rằng mình là người phù hợp với vị trí này vì cách tôi làm việc với tổng thống Obama, kinh nghiệm trước đây trong Nhà Trắng, và tôi biết rõ làm thế nào để thực hiện công việc này. Pete Souza: Người chụp không nhất thiết phải là bạn bè của vị tổng thống, nhưng nhất định phải có mối quan hệ cá nhân mật thiết... Trung bình, tôi đã chụp từ 500 đến 2.000 tấm một ngày tùy tình huống diễn ra! Tags: Barack ObamaChicago TribunePete SouzaChụp ảnh tòa Bạch Ốc
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Quân đội Mỹ tuyên bố sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân TRẦN PHƯƠNG 21/11/2024 Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ (STRATCOM) nói Washington sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân nếu cần nhưng chỉ trong tình hình 'có thể chấp nhận được'.
Chi tiết sáp nhập phường của TP.HCM áp dụng từ ngày 1-1-2025 THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký ban hành nghị quyết về việc sáp nhập đơn vị cấp xã của TP.HCM giai đoạn 2023 - 2025.
Chi tiết sáp nhập xã, phường của Hà Nội: Giảm 53 xã, phường THÀNH CHUNG 21/11/2024 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã ký nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sáp nhập phường, xã của Hà Nội giai đoạn 2023 - 2025.
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.