Tản mạn Sài Gòn - Paris

DU LONG 15/05/2004 21:05 GMT+7

TTCN - Khởi hành từ Tân Sơn Nhất buổi sáng, đến Paris buổi chiều, những chuyến bay trực tiếp Sài Gòn - Paris đã có khác.

Phóng to
Một bến đỗ trong trạm métro Saint - Michel
TTCN - Khởi hành từ Tân Sơn Nhất buổi sáng, đến Paris buổi chiều, những chuyến bay trực tiếp Sài Gòn - Paris đã có khác.

1.“Nóc nhà của thế giới” hiện ra qua cửa sổ chiếc Airbus A-340, trắng xóa những tuyết và tuyết. Thật không hô danh Hi Mã Lạp Sơn! Bay ban ngày có khác, thoát khỏi cảnh bay đêm. Bay qua khỏi Hi Mã Lạp Sơn vẫn còn cảm giác lâng lâng. Cảm xúc cứ dâng lên từ trong lòng. Không phải là cảm giác đi xa hay sốt ruột mong chóng đến. Sao lạ vậy?

Bữa ăn trưa này là do Công ty Dịch vụ hàng không của Việt Nam cung cấp chứ không còn là của Thái nữa. Không còn phải ghé sân bay Don Muang của Bangkok, điểm dừng bắt buộc từ mấy mươi năm qua. Hóa ra do không còn phải tức bực trong lòng khi thấy nhân viên các công ty dịch vụ hàng không của Thái lên máy bay quét dọn vệ sinh, cung cấp thức ăn cho các chuyến bay này. Không phải là bài ngoại, song nay khi công ty của ta giành được các dịch vụ này không thể không vui.

Thật vậy, từ tháng tư vừa qua lần đầu tiên kể từ khi có đường bay Sài Gòn - Paris vào đầu những năm 1930, Air France bay trực tiếp từ Việt Nam sang Pháp và ngược lại. Tất nhiên, trước đó Vietnam Airlines đã mở đường bay trực tiếp này.

Song, việc máy bay Air France từ nay thôi ghé Bangkok như đã luôn phải ghé từ bao năm qua, bay thẳng đến Sài Gòn hoặc Hà Nội chính là một bằng chứng cho thấy Việt Nam là một điểm đến, một lộ trình chính thức trên bản đồ bay quốc tế của hãng hàng không này. Tân Sơn Nhất hay Nội Bài không còn là “ga xép” của Air France mà đường hoàng trở thành “ga chính”. Tất nhiên, chọn lựa này là do tính toán lợi ích của Air France, song nguồn gốc của sự chọn lựa này là do Việt Nam đã phát triển kinh tế xã hội đủ để hãng này tin chắc rằng sẽ đầy hành khách trên các chuyến bay.

2. Ozoir la Ferrière có gì lạ không em?

- Có, cô em gái trả lời. Từ nay anh sẽ không phải đi xe lửa nữa, mà là đi RER (tàu tốc hành khu vực).

Thở phào. Mới năm ngoái, mỗi lần từ thị trấn ngoại ô bé tí xíu này lên Paris phải đợi nửa giờ mới có một chuyên xe lửa. Chuyến tàu chợ cứ phải ghé từng ga nhỏ. 30km đường cũng mất hơn nửa giờ. Thật cơ khổ! Năm nay đã có RER với tần suất nhộn nhịp và tốc độ nhanh, số ga nhỏ bỏ bớt (nhường lại cho tàu chợ), quãng đường rút ngắn phân nửa thời gian. Cộng tất cả là rút ngắn được nửa giờ mỗi chuyến đi và về. Mỗi ngày vị chi tiết kiệm được một giờ vàng ngọc, mỗi tuần tiết kiệm năm giờ là rất lớn tại một đất nước mà số giờ lao động hằng tuần nay chỉ còn 35 giờ, đến 1g trưa thứ sáu đã nghỉ cuối tuần rồi..

Hóa ra hệ thống tàu tốc hành khu vực có từ hơn 30 năm qua nay đã bành trướng quá nhanh chóng, mới năm ngoái nay đã vươn thêm đến mấy chục thành phố nhỏ khác, đưa người dân ngoại ô buổi sáng đến “gần” chỗ làm hơn, buổi tối đưa họ trở về nhà sớm hơn cho dù khoảng cách tính bằng kilômet vẫn thế. Bước lên những chuyến tàu tốc hành RER hai tầng đầy nghẹt người vào giờ cao điểm so với những tàu chợ một tầng trước kia, càng thấy rõ ý nghĩa của việc mở rộng tuyến tàu tốc hành khu vực: người dân từ nay có tìm nơi mua, mướn nhà, sẽ chỉ tìm đến những thị trấn có RER. Không dừng ở đó, việc RER không dừng ở các thành phố ngoại ô nhỏ, “cổ lỗ” còn thúc đẩy người dân từ bỏ những ngôi nhà cũ kỹ của họ, tìm đến những thị trấn mới. Như Val d’Europe, xa hơn về mặt khoảng cách song gần hơn nhờ RER. Từ đó dẫn đến việc phát triển nhanh các đô thị vệ tinh mới trên khắp vùng Ile De France gồm Paris và bảy tỉnh lân cận.

Té ra người ta không phát triển đô thị vệ tinh bằng mệnh lệnh hành chính, bằng giải tỏa cưỡng bách, bằng những qui hoạch treo, mà khôn khéo “dồn dân lập thị trấn” mới bằng các tuyến tàu tốc hành.

Mua carte orange zone 5 (vé tuần đi đến khu vực 5) giá 28,9 euro là có thể tha hồ du lịch suốt từ đầu này ngoại ô Paris đến đầu kia trong đường bán kính hơn 30km bằng mọi phương tiện từ RER đến metro, xe buýt nội thành, ngoại thành… tuốt tuột. So với mức lương tối thiểu khoảng 1.100 euro/35 giờ tháng, nếu mua vé tháng 95,5 euro thì không phải là một chi phí lớn, chưa đầy 9% lương. Nhất là khi giá thực phẩm không đắt lắm: 1 kg thịt gà khoảng 2,5 euro. Đắt đỏ là khi vào restaurant kia kìa, hệ số giá bán thức ăn chế biến/giá thực phẩm chưa chế biến là 4,7, tức một vốn gần gấp năm lời. Đắt đỏ là giá xăng, là tiền nhà, là du hí…

Người lao động cứ tính toán thời khóa biểu xe buýt ngoại thành đưa ra ga, thời khóa biểu RER, thời gian đáp và đổi chuyến xe điện ngầm, là có thể như cái máy thức dậy, ra trạm xe buýt vào lúc mấy giờ, mấy phút mỗi sáng, chiều mấy giờ về đến nhà trên chiếc xe buýt đưa từ ga về đến khu phố. Như cái máy bằng không sẽ trễ chuyến, sẽ mất ngày công lao động, còn nếu dậy sớm vô ích, ra trạm xe buýt đợi tốn thời giờ lạnh lẽo thiệt thân. Tác phong công nghiệp bắt đầu bằng việc tính từng phút di chuyển.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận