TTCN - Tính “ngầm” là đặc trưng khá phổ biến của nền kinh tế nước ta nói chung và của doanh nghiệp tư nhân VN nói riêng. Kinh tế ngầm ở ta ước tính chiếm khoảng hơn 50% GDP chính thức; và kinh tế ngầm có xu hướng tăng lên từ khoảng 30% năm 1997 lên 51% năm 2001(*). Phóng to Hội chợ Thương hiệu VN hội nhập quốc tế tại TPHCMTTCN - Tính “ngầm” là đặc trưng khá phổ biến của nền kinh tế nước ta nói chung và của doanh nghiệp tư nhân VN nói riêng. Kinh tế ngầm ở ta ước tính chiếm khoảng hơn 50% GDP chính thức; và kinh tế ngầm có xu hướng tăng lên từ khoảng 30% năm 1997 lên 51% năm 2001(*). Kinh tế ngầm qui mô lớn chứa đựng hàng loạt bất lợi cho chính bản thân các doanh nghiệp và nền kinh tế: - Hạn chế cơ hội và qui mô kinh doanh do mối quan hệ góp vốn chủ yếu dựa trên quan hệ gia đình, họ hàng, thân quen, không thể phát triển đến qui mô lớn để tận dụng được lợi thế qui mô. - Tạo ra dư địa lớn cho công chức nhà nước sách nhiễu, đòi hối lộ và lạm dụng quyền lực phục vụ ý đồ, lợi ích cá nhân. Kinh tế ngầm tác động bất lợi đến môi trường kinh doanh: - Tạo ra môi trường kinh doanh không bình đẳng, không đáng tin cậy, bất lợi cho người kinh doanh trung thực, bất lợi cho khu vực chính qui. - Tạo nên những yếu tố bất ổn, không lường hết rủi ro khi quyết định đầu tư. - Không khuyến khích và thúc đẩy tính sáng tạo, không khuyến khích đầu tư dài hạn, đầu tư qui mô lớn, đầu tư phát triển nguồn nhân lực... Diện mạo kinh tế ngầm khá đa dạng: - Những hộ kinh doanh nhỏ, thu nhập thấp không phải đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật. - Các hộ kinh doanh cá thể không đăng ký kinh doanh. Số này chiếm khá lớn, có ước tính đến hơn một nửa số hộ kinh doanh cá thể hiện nay không đăng ký kinh doanh theo qui định của pháp luật. Taxi “dù”, xe khách “dù” là trường hợp điển hình của loại này. - Có đăng ký kinh doanh, nhưng hoạt động kinh doanh không đúng theo qui định của pháp luật. Loại này cũng có nhiều dạng như: (1) kinh doanh các ngành, nghề ngoài ngành, nghề đăng ký kinh doanh; (2) không ghi chép và báo cáo tất cả các hoạt động kinh doanh, giấu doanh thu, lợi tức; (3) có thuê lao động nhưng không hợp đồng lao động, không đăng ký lao động; (4) kinh doanh các ngành, nghề phải có giấy phép mà không xin phép... - Kinh doanh các ngành, nghề tư nhân không được quyền kinh doanh.Kinh doanh ngầm với qui mô lớn và phổ biến làm cho các doanh nhân không dám lên tiếng phản đối, tố cáo công chức nhà nước vi phạm luật pháp; không dám phê bình, phản đối chính sách bất hợp lý, lối làm việc thiếu trách nhiệm, thậm chí phi pháp của công chức nhà nước. Điều đó đến lượt nó tiếp tục dung túng, nuôi dưỡng ý thức “nhờn” luật pháp, coi thường luật pháp, coi thường kỷ cương phép nước từ cả hai phía cơ quan nhà nước và doanh nghiệp. Kinh tế ngầm sẽ không cung cấp thông tin đầy đủ và chính xác để hoạch định các chính sách vĩ mô hợp lý; hiệu lực của các chính sách, hiệu lực quản lý nhà nước, hiệu lực luật pháp cũng hết sức hạn chế, thậm chí bị chệch hướng, vô hiệu hóa. Kinh tế ngầm sẽ làm cho doanh nghiệp và sản phẩm giảm năng lực cạnh tranh cả ở tầm quốc gia, khó có thể hội nhập được với các hoạt động thương mại quốc tế để tận dụng hết được các cơ hội có được nhờ hội nhập, và rất dễ bị ra khỏi dòng vận động của kinh tế quốc tế, trở thành “ngoại vi” của nó. Một nền kinh tế như vậy có nguy cơ đẩy nước ta càng tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước khác, kể cả các nước trong khu vực. Lý giải Ngoài trình độ phát triển thấp của nền kinh tế, tính tự cung tự cấp và di sản của kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu trước đây, còn có một số nguyên nhân đáng lưu ý: - Tâm lý xã hội nhìn chung vẫn chưa thiện cảm với người giàu. Vì vậy thói quen che giấu sự giàu có, che giấu thu nhập còn khá phổ biến. - Sự giàu lên một cách nhanh chóng đều bị đánh giá chính thức hay không chính thức là phi pháp, hoặc là do chiếm đoạt của công, hoặc do buôn lậu, trốn thuế... Vấn đề là tại sao doanh nghiệp vẫn có xu hướng phi chính thức, ngay cả những doanh nghiệp đăng ký kinh doanh, đăng ký mã số thuế và mã số hải quan. Nói cách khác, cả các doanh nghiệp “chính thức” cũng cố giấu một phần không nhỏ doanh thu và lợi nhuận. Các điều tra nghiên cứu gần đây của Ngân hàng Thế giới cho thấy luật lệ quá nhiều, quá phức tạp, không rõ ràng, được lý giải không thống nhất và nhất quán của các cơ quan nhà nước đã là nguyên nhân trước hết của tình trạng ngầm khá phổ biến và ở qui mô lớn trong hoạt động kinh doanh. Cái sự ngầm còn do thuế. Thật ra thuế suất các loại ở nước ta không cao hơn nhiều so với nhiều nước khác, nhưng mức thuế thực tế phải nộp thì thường rất cao, và người nộp thuế không dự tính được số thuế thực tế phải nộp. Trên thực tế, cán bộ thuế quyết định các khoản chi, mức chi hợp lý, hợp lệ và cả giá tính thuế để khấu trừ mức thu nhập chịu thuế. Trong không ít các trường hợp cán bộ thuế ấn định mức thuế các loại phải nộp ngay từ đầu kỳ và cuối kỳ chỉ làm các thủ tục giấy tờ “hợp thức hóa” số thuế đã nộp mà thôi. Nên và không nên Trước hết, cần thay đổi tư duy và quan điểm “bên trọng, bên khinh”. Các loại hình doanh nghiệp khác nhau trong nền kinh tế có những điểm mạnh, yếu khác nhau bổ sung cho nhau. Thị trường phát triển ngày càng cao và đa dạng thì sự luân chuyển nguồn lực, hàng hóa các loại ngày càng hiệu quả và linh hoạt. Liệu có nên tiếp tục sử dụng khái niệm “thành phần kinh tế” trong hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và luật pháp? Câu hỏi đặt ra ở đây là phân chia các doanh nghiệp theo thành phần kinh tế để làm gì, khi các doanh nghiệp có sở hữu khác nhau đều có địa vị pháp lý ngang bằng nhau, đều được đối xử công bằng và như nhau? Còn phân biệt thành phần kinh tế có nghĩa là còn phân biệt đối xử trên quan điểm và đường lối; và từ đó, phân biệt đối xử trong chính sách, luật pháp, nhất là trong phương thức và tâm lý làm việc của bộ máy nhà nước. Các khái niệm “công bằng”, “bình đẳng”, “không phân biệt đối xử” sẽ thiếu sức sống thực tế. Nên mở rộng tối đa, khuyến khích và hỗ trợ quyền kinh doanh của người dân. Xây dựng và áp dụng thống nhất một hệ thống luật pháp đối với tất cả các loại hình doanh nghiệp, không phân biệt Nhà nước với tư nhân, không phân biệt trong nước với ngoài nước. Thực hiện công bằng và bình đẳng về quyền kinh doanh: xóa bỏ hết các dư địa hay khu vực mà ở đó chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới được quyền kinh doanh; xóa bỏ hết các hạn chế và tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân thực hiện được quyền kinh doanh, mà lâu nay chưa thực hiện được (ví dụ quyền liên doanh với nhà đầu tư nước ngoài). Thực hiện công bằng và bình đẳng về quyền tài sản, xóa bỏ các hạn chế đối với doanh nghiệp tư nhân trong tiếp cận đến các quyền về tài sản mà hiện chỉ doanh nghiệp nhà nước mới có. Thực hiện công bằng và bình đẳng về chính sách, chế độ ưu đãi; xem xét và bãi bỏ hết các “bao cấp” hiện đang dành cho doanh nghiệp nhà nước; (trường hợp còn chế độ bao cấp theo mục tiêu thì áp dụng chung cho các doanh nghiệp không phân biệt chế độ sở hữu). Luật pháp phải được xây dựng trên nguyên tắc bảo vệ lợi ích của đa số nhân dân và phải dựa trên niềm tin về tính trung thực, tự giác và sẵn sàng thực thi đúng pháp luật của người dân, của người chủ sở hữu và quản lý doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp của tư nhân. Luật pháp phải được xây dựng và thực hiện theo nguyên tắc doanh nghiệp tuân thủ đúng luật pháp thì được luật pháp bảo hộ và được bảo đảm quyền lợi tốt hơn, nhiều hơn so với doanh nghiệp không tuân thủ đúng luật pháp. Trong điều kiện trình độ văn hóa và nhận thức pháp luật của người dân chưa cao, luật pháp càng phải đơn giản, rõ ràng và dễ hiểu, dễ thực hiện. Trường hợp có qui định pháp luật bị người dân bỏ qua, hoặc “lách qua” thì phải xem xét và thay đổi nó theo đúng tâm lý và thói quen ứng xử hằng ngày của người dân về vấn đề đó; chứ không phải “bồi đắp” thêm qui định mới ép buộc người dân, hoặc ngăn chặn việc “lách luật” của người dân. Bởi vì, làm như vậy sẽ tạo ra hệ thống pháp luật ngày càng phức tạp, càng ít “thân thiện” với dân, càng xa rời và xa lạ với cuộc sống thực tế của người dân, càng tốn kém và ít hiệu lực. Hậu quả là hệ thống pháp luật đó không thúc đẩy và tạo điều kiện thực hiện giao dịch giữa các chủ thể tham gia thị trường với số lượng ngày càng cao, qui mô ngày càng lớn; hiệu quả ngày càng cao và càng được an toàn. Nên thực hiện nguyên tắc “Chính phủ nhỏ, xã hội lớn” trong quản lý nhà nước; giảm tối đa quyền của cơ quan và công chức nhà nước từ trung ương đến địa phương, nhất là quyền “thẩm định”, “phê duyệt”, “chấp thuận”, quyền cho phép và cấp phép kinh doanh..., đồng thời phải “cá thể hóa” được trách nhiệm của công chức trong thi hành công vụ. Đối với công chức và cơ quan nhà nước, pháp luật phải qui định không chỉ họ được “làm gì”, “làm ở đâu”, mà cả làm “như thế nào”; đồng thời phải có cơ chế và thể chế thường xuyên giám sát và đánh giá công việc của họ. _____________________________________ (*) IFC, WB, MPDF: Government, Networks and Market: Creating the conditions for Private Sector-led growth in Vietnam: 2003
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tổng Bí thư Tô Lâm: Việt Nam và Malaysia chia sẻ những lợi ích chiến lược trong thế giới biến động THANH HIỀN 22/11/2024 Sáng 22-11, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đến thăm và phát biểu tại trường đại học lâu đời và danh tiếng nhất của Malaysia.
Rộ tin tướng cấp cao Triều Tiên bị thương do tên lửa Storm Shadow UYÊN PHƯƠNG 22/11/2024 Các quan chức phương Tây cho biết một tướng cấp cao Triều Tiên đã bị thương trong cuộc tấn công của quân đội Ukraine tại vùng Kursk.
Độc lạ Đồng Nai: Treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm A LỘC 22/11/2024 Một gia đình ở Đồng Nai treo ô tô cũ trước cổng nhà làm kỷ niệm khiến cộng đồng mạng xôn xao.
Đại biểu Quốc hội: Điều hòa dân nghèo cũng sử dụng, sao xem là xa xỉ để áp thuế tiêu thụ đặc biệt TIẾN LONG 22/11/2024 Người lao động nghèo ở nhà trọ cũng lắp máy điều hòa, không hiểu sao lại đưa mặt hàng này vào hàng hóa xa xỉ để đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.