Tàu ngầm hạ tàu sân bay: Từ Santa Barbara đến Los Angeles

HỮU NGHỊ 26/04/2012 22:04 GMT+7

TTCT - Từ sau Thế chiến thứ nhì, nhất là các trận Trân Châu Cảng và Midway mà vai trò chủ công là của các tàu sân bay, tin tức về các tàu ngầm, cho dù là hạt nhân, vẫn không “đinh tai nhức óc” bằng tàu sân bay.

Thật ra tàu ngầm vẫn luôn là một sát thủ thầm lặng rất đáng sợ, ngay cả đối với tàu sân bay.

Tàu sân bay Kitty Hawk - Ảnh: navy.memorieshop


Ngày 15-9-1942, hai tàu sân bay USS Wasp và USS Hornet cùng chục tàu chiến khác đang hộ tống đoàn quân vận hạm chuyên chở trung đoàn 7 thủy quân lục chiến Mỹ đến tăng cường cho đảo Guadalcanal. Đến 14g20, chiếc Wasp tung tám máy bay Wildcat và 18 máy bay Dauntlesses lên trời, nghĩa là “trên đầu” hải đội tàu sân bay Mỹ đang có đến 26 máy bay chiến đấu hộ tống. 

Từ Wasp đến Kitty Hawk: Mỹ ê mặt!


Không đầy ba năm sau vụ tàu sân bay Kitty Hawk, một tàu ngầm khác của Trung Quốc lại “dằn mặt” tàu khu trục USS John McCain của hải quân Mỹ.

Ấy vậy mà vào lúc 14g44, một loạt sáu quả thủy lôi rẽ sóng lao vào tàu sân bay Wasp. Ba quả đánh trúng mục tiêu: một quả chọc thủng mạn sườn ngay trên mép nước, hai quả khác đâm vào bồn chứa nhiên liệu và kho vũ khí. Hai quả khác trượt qua mũi chiếc Wasp song lại đâm vào khu trục hạm O’Brein. Quả thứ sáu đánh trúng khu trục hạm North Carolina.

“Tác giả” của sáu quả thủy lôi đó là chiếc tàu ngầm mang số hiệu I-19 của Nhật. Chiếc Wasp chìm lúc 9g tối ở tọa độ 12°24'58" Nam, 164°8'0" Đông, 193 thủy thủ thiệt mạng (1). Trận hải chiến ngày 15-9-1942 này cho thấy tác hại “vô biên” của tàu ngầm: chỉ một loạt sáu quả thủy lôi phóng đi cũng đã đánh chìm được một tàu sân bay và hai khu trục hạm!

64 năm sau, một tàu ngầm Trung Quốc bất ngờ “vẫy tay chào” tàu sân bay Kitty Hawk hôm 26-10-2006. Hơn nửa tháng sau, tờ Washington Times (2) là tờ báo đầu tiên tiết lộ: “Theo các quan chức Bộ Quốc phòng, chiếc tàu ngầm tấn công chạy động cơ diesel của Trung Quốc đã bám sát chiếc Kitty Hawk mà không bị phát hiện rồi trồi lên chỉ trong khoảng cách 5 hải lý hôm 26-10 vừa qua.

Chiếc tàu ngầm đơn độc của Trung Quốc đã lượn qua ít nhất một tá tàu chiến Mỹ. Vậy mà cả hệ thống phòng thủ đắt tiền đó, trong đó có ít nhất hai tàu ngầm theo đúng thông lệ, lại bất lực không phát hiện chiếc tàu ngầm đơn thương độc mã kia. Mãi đến khi một máy bay thám thính của tàu sân bay Kitty Hawk phát hiện tàu ngầm quái ác này cách tàu mẹ không đầy 5 hải lý, còi báo động mới được huýt lên. Sau này mới biết đó là một tàu ngầm của Trung Quốc lớp Song.

Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Mỹ Bryan Whitman thừa nhận rằng lúc đó chiếc Kitty Hawk đang thao diễn gần đảo Okinawa” (3).

Làm thế nào mà cả chiếc Kitty Hawk lẫn đoàn tàu hộ tống đều “điếc” không “nghe thấy” tàu ngầm đối phương đang đeo bám mình trong chừng đó thời gian?!

Thường thì để tàng hình, tàu ngầm phải “rón rén” mở máy chạy từ nguồn điện ăcquy, đàng này chiếc tàu ngầm nọ đã “ung dung” rượt theo chiếc Kitty Hawk trong chừng ấy thời gian mà không bị phát hiện. Nếu là chiến tranh thật sự, không chỉ chiếc Kitty Hawk mà còn cả vài chiếc tàu hộ tống khác cũng đã bị cho “đi mò tôm”, y hệt vụ tàu sân bay Wasp năm 1942!

Khu trục hạm USS John McCain - Ảnh: wikimedia

Khu trục hạm USS John Mccain bị "vuốt râu"

Sau sự cố trên, Richard Fisher, một chuyên gia của Trung tâm Lượng giá chiến lược quốc tế (IASC), cảnh báo: “Trò này sẽ còn tái diễn. Đơn giản là 40-50 hạm trưởng tàu ngầm Trung Quốc đều muốn thử tài với hạm đội 7”. 

Lời cảnh báo này không sai: không đầy ba năm sau vụ tàu sân bay Kitty Hawk, một tàu ngầm khác của Trung Quốc lại “dằn mặt” tàu khu trục USS John McCain của hải quân Mỹ.

Thông tin từ hải quân Mỹ (4) cho biết hôm 10-6-2009, một chiếc tàu ngầm “lạ” đã lượn phía sau tàu khu trục Mỹ, thậm chí đụng ngay vào dàn sonar dò tàu ngầm của tàu này đang thả phía sau đuôi tàu cách khoảng 1 hải lý, khiến dàn sonar bị hư, sau đó tàu ngầm này ung dung bỏ đi. May mà “tàu lạ” nọ đã không thèm cắt cáp dàn sonar của khu trục hạm USS John McCain! Địa điểm “dằn mặt” chỉ cách vịnh Subic của Philippines khoảng 144 hải lý về phía nam, tức trên vùng biển quốc tế.

Sau sự cố, phía Trung Quốc nhìn nhận đó là tàu ngầm của mình, còn phía Mỹ giải thích rằng đây là một “va chạm tình cờ không chủ ý” do cả hai bên đều “mù”.

Vụ thử sức trên xảy ra chỉ ba tháng sau vụ ngư dân Trung Quốc trên mấy chiếc tàu cá bao vây một tàu tuần tra của Mỹ, chiếc USS Impeccable, hôm 10-3 cùng năm 2009, lấy gậy gộc “đánh đuổi” ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế của họ, cho dù địa điểm bao vây vẫn cách đảo Hải Nam những 120km, tức ngoài hải phận Trung Quốc.

Các vụ “nắn gân nhau” này y hệt vụ hai chiếc máy bay chiến đấu J-8 của Trung Quốc hôm 1-4-2001 “chặn đầu” một máy bay thám thính EP-3 của Mỹ cách đảo Hải Nam khoảng 70 dặm. Hai vòng bay chặn đầu đầu tiên không sao, đến lần thứ ba thì chiếc EP-3 bốn chong chóng to xác hơn đã ủi thẳng vào một chiếc J-8 vốn bé tí.

Bầu rađa dưới bụng chiếc EP-3 bị văng do va chạm với buồng lái của chiếc J-8 khiến buồng lái vỡ tan, viên phi công chiếc J-8 hi sinh và mất xác. Mảnh đuôi của chiếc J-8 văng trúng một động cơ chiếc EP-3 khiến chiếc này hai lần chúc mũi rơi tự do, may mà trung úy phi công Shane Osborn cả hai lần đều kéo cần lái ngóc đầu máy bay lên kịp thời, lần cuối cùng mới gượng lấy lại thăng bằng nhưng buộc phải hạ cánh xuống đảo Hải Nam sau đó.

Vụ va chạm máy bay gần đảo Hải Nam và các vụ tàu ngầm rượt đuổi kia cho thấy Trung Quốc muốn biểu thị bằng mọi hình thức: “chớ héo lánh vùng đặc quyền kinh tế của ta” cho dù vùng đó chồng lấn với những vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác, mà theo Công ước quốc tế về luật biển, tàu bè các nước, kể cả tàu chiến, đều có quyền tự do đi lại.

Huấn luyện "như thiệt"

Đề cập đến vụ tàu Kitty Hawk bó tay trước tàu ngầm Trung Quốc, phó đề đốc Stephen Saunders của hải quân Anh, chủ bút của tạp chí quốc phòng Jane’s Defense, giải thích: “Từ sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ ít quan tâm đến hình thái tác chiến bằng tàu ngầm” (5). Hậu quả là hải quân Mỹ “lụt nghề” chống tàu ngầm như đã thấy, không chỉ với Trung Quốc.

Tháng 9-2003, ba tàu ngầm hải quân Úc thuộc lớp Collins (cũ kỹ chạy bằng động cơ diesel) đã “hủy diệt” hai tàu ngầm cùng một tàu sân bay của hải quân Mỹ trong khuôn khổ các cuộc tập trận hải quân Mỹ - Úc ngoài khơi nước Úc (6). 

Chỉ huy lực lượng tàu ngầm Úc, phó đề đốc Mike Deeks, cho biết các tàu ngầm “giẻ rách” của ông “trong mỗi cuộc tập trận có khi kéo dài đến ba tuần đều đã đè bẹp các tàu “đối phương” (Mỹ) siêu hiện đại, và rồi đến khi kết thúc cuộc tập trận, người Mỹ mới mở mắt ra mà nhìn nhận rằng có một lực lượng hải quân khác (là Úc) cũng biết thao tác tàu ngầm”.

Đúng là hải quân Mỹ “công tử bột” trong lĩnh vực chống tàu ngầm, như nhận xét của phó đề đốc Mike Deeks của hải quân Úc. Thường thì hải quân các nước rèn luyện qua những cuộc tập trận hỗn hợp giữa các lực lượng hải quân đồng minh. Song hải quân một số nước lại hay tìm cách “cọ xát” đối phương cho dù bất cứ sơ sẩy hay quá đà nào cũng có thể không chỉ gây nguy hiểm cho sinh mạng của cả con tàu, mà còn tạo ra một cuộc khủng hoảng.

Tháng 11-2004, hải quân Nhật báo động sau khi một tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc xâm nhập lảng vảng gần một khu mỏ khí đốt của Nhật gần nhóm đảo Sakishima trong suốt ba giờ, ở một vị trí cách đảo Okinawa chừng 180 hải lý về phía tây nam (7).

Nếu nhớ rằng Okinawa chính là nơi đặt căn cứ lớn nhất của Mỹ trên Thái Bình Dương thì sẽ thấy đây không còn là một bài tập huấn luyện đơn thuần nữa, mà là một bài tập “thử sức” trong điều kiện “như thật”.

Hải quân Hàn Quốc hân hạnh được thường xuyên “tập trận” với hải quân Bắc Triều Tiên trong điều kiện như thật. Tháng 9-2011, một bản phúc trình của Bộ tổng tham mưu cùng cơ quan tình báo quân đội Hàn Quốc cho biết tàu ngầm Bắc Triều Tiên ngày càng tăng diễn tập xâm nhập trong biển Tây của Hàn Quốc. Năm 2008, tàu ngầm Bắc Triều Tiên chỉ xâm nhập có hai lần từ tháng 1 đến tháng 8, thì qua năm 2009 cũng trong quãng thời gian đó đã xâm nhập những năm lần; đến năm 2010 xâm nhập 28 lần; năm 2011 những 50 lần cũng từ tháng 1 đến tháng 8!

Còn trên biển Đông của Hàn Quốc, tàu ngầm Bắc Triều Tiên đã xâm nhập 39 lần năm 2011, so với 25 lần năm 2010. Đáng tiếc là hải quân Hàn Quốc chỉ phát hiện được có 28% lượt tàu ngầm Bắc Triều Tiên “diễn tập” xâm nhập mà thôi. Vụ tàu Cheonan của hải quân Hàn Quốc trúng một quả thủy lôi phóng đi từ một tàu ngầm “bỏ túi” hôm 26-3-2010 khiến 46 thủy thủ bỏ mạng là một thí dụ đau thương cho thấy tàu ngầm vẫn cứ là sát thủ thầm lặng.

__________

(1) USS Wasp (CV-7), from Wikipedia

(2) http://www.washingtontimes.com/news/2006/nov/13/20061113-121539-3317r/?page=all#pagebreak

(3), (5) http://www.dailymail.co.uk/news/article-492804/The-uninvited-guest-Chinese-sub-pops-middle-U-S-Navy-exercise-leaving-military-chiefs-red-faced.html

(4) http://www.navytimes.com/news/2009/06/navy_mccain_china_061909w/

(6) http://www.theage.com.au/articles/2003/09/23/1064082993693.html

(7) http://www.washtimes.com/national/20040716-123134-8152r.htm

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận