Thà vụng về hơn lạnh lẽo

TTCT - Một cô nhân viên tại một cửa hàng quà tặng kể có lần cô kỳ công thực hiện một gói quà thật đẹp và sau đó ngạc nhiên vô cùng khi khách hàng đề nghị cô lấy giấy báo gói lại để “Đừng ai thấy!”.

Có khi cô phải tìm bằng được một bao xốp thật to nhưng phải là “màu đen và đục” (không được trong suốt) cũng vì lý do khách hàng không muốn để ai nhận diện được đó là món quà! Hỏi ra mới biết khách hàng chẳng phải giữ bí mật gì mà vì họ sợ bị chọc quê, bị cho là sến!

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

“Sến” hay “ăn cơm Tây”?

Tương tự như vậy, một phụ nữ là chủ một tiệm hoa tươi cho biết không ít quý ông rất ngại cầm bó hoa to đùng đi đón vợ hay người yêu, có ông nhất định đòi bằng được một “cái bao gì xấu xấu” để “bọc nó lại”. Đem chuyện này kể với chồng, chồng chị phán một câu xanh rờn: “Đúng rồi! Chỉ có mấy thằng giao hoa của cửa hàng mình là vui vẻ cầm hoa chạy lung tung thôi!”.

Chúng ta cũng chẳng lạ gì cảnh tặng hoa trong các dịp hội nghị, thường xảy ra sau hàng loạt lời... động viên hoặc ép buộc của mọi người, cứ như thể bày tỏ tình cảm là một sự hi sinh hay là điều đáng xấu hổ vậy!

Đừng sợ một cái ôm có thể khiến chúng ta gắn bó thêm với người khác hay nặng thêm gánh trách nhiệm, đừng ngại một vòng tay có thể làm con cái coi thường mình vì tình yêu thương chẳng bao giờ mâu thuẫn với sự nghiêm khắc, đừng so đo tính toán một cái nắm tay là đủ hay chưa vì tình yêu chẳng biết bao nhiêu là thừa hay thiếu...

Một cô công nhân tự nhận mình là thực tế và điềm tĩnh nhưng vẫn ấm ức vì bị người yêu bảo là ăn cơm Tây, là ảnh hưởng phim ảnh nước ngoài khi cô cho biết rất thích được cầm tay mỗi khi cả hai đi bên nhau. Đáng ấm ức hơn là cả cha mẹ cô cũng tán đồng chàng rể tương lai về việc này.

Ít ai mạnh miệng nói rằng mình chẳng cần ai bày tỏ tình cảm với mình, suy ra việc mong chờ những tín hiệu tình cảm từ những người thân yêu là một nhu cầu tự nhiên của con người, nhờ đó chúng ta có sự kết nối và phân định được quan hệ của bản thân với mọi người xung quanh.

Thật kỳ lạ là dù thừa nhận sự tích cực của việc bày tỏ tình cảm nhưng vẫn còn nhiều người chối bỏ nhu cầu này; có lẽ do thói quen tự “ức chế”, tâm lý sợ thua cuộc, sợ trêu chọc và cả sự vụng về nên việc bày tỏ tình cảm chưa được xem là một hành vi đáng thực hiện trong cuộc sống của chúng ta.

Thông điệp kết nối

Ra chiến trường khi con còn ẵm ngửa, người cha nhớ mãi cảm giác ấm áp khi bế sinh linh bé bỏng thân thương trên tay, vì thế lá thư nào của anh cũng tái bút bằng lời hứa sẽ ôm con thật nhiều khi về nhà. Chiến tranh qua đi, anh trở về với đôi tay cụt, lóng ngóng vì không ôm được con, vợ nhắc lại chuyện mấy lá thư, con gái thỏ thẻ hỏi bố ôm con chứ rồi kiễng chân vòng tay ôm lấy cổ anh.

Anh bảo con cứ ôm chặt vào, rồi siết con bằng phần còn lại của cánh tay, cứ thế anh từ từ đứng lên nâng bổng con khỏi mặt đất, con gái cười sung sướng và hét to: “Bố ôm con được rồi, bố ôm con được rồi”. Chẳng gì có thể ngăn cản anh thực hiện lời hứa của mình khi anh thật lòng muốn thế.

Những ngày miền Trung bão lũ, hình ảnh cứu hộ tràn ngập trên bản tin thời sự, người xem không trực tiếp ở hiện trường nhưng ai cũng thấy ấm lòng trước cảnh các chiến sĩ cõng các cụ già, em thơ ra khỏi vùng nguy hiểm. Những bàn tay mạnh khỏe nắm chặt những bàn tay khẳng khiu, nhỏ bé, bợt bạt vì nước, tái xanh vì lạnh, vậy mà sao ta lại cảm thấy yên lòng biết bao vì tin chắc đang có sự chia sẻ và gắn bó ở đó.

Những cái ôm ấp đó, những cái nắm tay đó là tình yêu và cũng là trách nhiệm. Để ôm con gái bằng tất cả khả năng mình, người cha chắc chắn hiểu rằng điều đó thật khó khăn nhưng anh phải làm được để giữ con không ngã. Khi nắm tay đưa người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, người lính hiểu rằng anh đang giữ sinh mạng của người khác và anh có trách nhiệm phải hoàn thành công việc đó.

Nếu chúng ta nghĩ rằng bày tỏ tình yêu chỉ để yêu thì chưa đủ, nó đòi hỏi cả sự gắn bó và mang vác cả những gì liên quan đến mối quan hệ của chúng ta. Bày tỏ tình yêu bằng ngôn từ, bằng quà tặng, bằng cử chỉ, bằng hành động, bằng việc làm đều cần thiết nhưng hãy nhớ sẽ chẳng có gì thiết thực hơn, xúc động hơn khi chúng ta được chạm vào nhau.

Trong cơn sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản hồi tháng 3-2011, những người xa lạ đã ôm nhau khóc như những người thân quen, đó là cách - có thể nói là duy nhất - để họ được kết nối với nhau trong cơn bi kịch của mình.

Vì thế hãy bày tỏ tình yêu. Vì sự tỏ bày không hạn chế tuổi tác, không có hạn sử dụng, không phân định thành phần xuất thân, chẳng là độc quyền của người giàu có hay từ chối người cùng khổ.

Đừng sợ một cái ôm có thể khiến chúng ta gắn bó thêm với người khác hay nặng thêm gánh trách nhiệm, đừng ngại một vòng tay có thể làm con cái coi thường mình vì tình yêu thương chẳng bao giờ mâu thuẫn với sự nghiêm khắc, đừng so đo tính toán một cái nắm tay là đủ hay chưa vì tình yêu chẳng biết bao nhiêu là thừa hay thiếu, đừng phân vân liệu bày tỏ như thế này hay thế kia mới là “chuẩn” vì sự vụng về vẫn đáng yêu hơn là sự lạnh lẽo...

1. Rồi một ngày bạn đến tìm tôi: “Bạn ơi, mình mệt quá, bạn cho mình tựa đỡ một tí nhé”. Những người quanh bạn không chìa vai cho bạn khi bạn cần. Mọi người đã quá quen với việc tựa vào bạn. Chồng bạn quen với những ly cà phê sáng do bạn pha, con bạn đã quen với việc mẹ dọn phòng, bạn gái bạn đã quen gọi điện nhờ bạn tư vấn... Mọi người quen với việc được bạn “cõng” mà không nghĩ rằng bạn cũng cần được “cõng”.

Bạn sụt sịt: “Mình sai ở chỗ nào hả bạn? Mình sống cho mọi người, sống vì mọi người nhưng sao mọi người không quan tâm đến mình. Họ chỉ tìm mình khi họ có việc, họ đến để mình lau nước mắt và mỉm cười đi tới, vậy sao lúc mình cần người lau nước mắt thì không thấy ai?”. Bạn day dứt: “Mình nên như thế nào đây? Mình sẽ co cụm lại, sẽ không quan tâm đến người khác nữa? Sẽ ích kỷ chăng? Nếu như thế mình sẽ nhẹ lòng hơn và không phải đau khổ vì bị thờ ơ, thiếu quan tâm nữa”... Rồi bạn tự phản biện: “Không được, như thế là không được. Mình không thể sống như thế được”...

Những giọt nước mắt đã rơi giữa hai người bạn gái. Tôi nói với bạn: “Lau nước mắt đi và làm lại từ đầu, xem mình đã sai ở đâu!”.

2. Cõng người khác không có gì là sai. Chìa một bờ vai cho người khác để có được hạnh phúc của người được cho là một hạnh phúc lớn lao. Nhưng hạnh phúc ấy đôi khi cũng nhuốm buồn da diết, bởi vì sâu thẳm trong lòng mình ta cũng cần ai đó đáp đền tình cảm của mình. Và khi không được đáp đền ta sẽ buồn, buồn lắm và nếu sự hi sinh là liên tục và sự thờ ơ là liên tục thì sẽ có những lúc ngã lòng.

Thế thì hãy cứ cõng cuộc đời nhưng cũng yêu cầu cuộc đời cõng lại. Hãy bày tỏ mong muốn đó với những người xung quanh, đừng cắm mặt cõng ai đó khi mình cũng cần ngơi nghỉ. Sự cân bằng - sách vở và các nhà tâm lý đã nói cả triệu lần về điều đó. Cân bằng giữa cho và nhận, cân bằng giữa ích kỷ và vị tha, cân bằng giữa mình và người... Những người thích “cõng” luôn hiểu và lập luận rằng: “Không thể trao thế giới vào tay những kẻ ích kỷ” và vì thế, thay vì chỉ biết cõng không thôi, họ cũng cần yêu cầu những người được cõng thành người cõng người khác.

3. Cô bạn tôi đã nín khóc và ra về. Cô ấy nói với chồng là cô muốn được cùng anh uống cà phê sáng với cà phê do anh pha, cô nói với bạn gái rằng tớ cũng có những lúc mệt mỏi, nên bạn hãy lắng nghe tớ nhé, cô ấy nói với đồng nghiệp là cô cũng cần chia sẻ... Cứ thế, cô mở lòng và bày tỏ ước nguyện “được cõng” của mình, bên cạnh đó cô cũng sẵn lòng “cõng” người khác khi họ cần... Cô đã vui hơn và hạnh phúc hơn, không còn khóc vì “tình đời đen bạc” nữa...

Khi chúng ta nhắc nhau về tình yêu thương và sự chia sẻ, chúng ta cũng nhắc cả bản thân mình về điều đó. Hãy yêu nhau đi và hãy yêu bản thân mình đi, để giải phóng trái tim ta khỏi những nỗi buồn vì bị ngó lơ, bị bỏ rơi và không được cõng...

Tôi luôn mỉm cười chia sẻ và cảm thấy lòng mềm đi khi nhìn ai đó cõng người khác. Tôi cũng muốn cõng và được cõng ai đó trong từng chặng của cuộc đời mình...

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận