Thái Bình Dương: Kỷ sở bất dục...

DANH ĐỨC 22/07/2010 22:07 GMT+7

TTCT - China Daily ngày 12-7 đăng một bài xã luận chỉ trích cuộc tập trận hải quân tới đây của Mỹ và Hàn Quốc trong vùng biển Hoàng Hải. Trước đó không lâu, cũng China Daily đưa tin về cuộc tập trận của hải quân Trung Quốc trong vùng biển Hoa Đông.

Các cuộc “va chạm” này không mới mẻ, cho thấy cục diện Thái Bình Dương ngày nay khác xa so với cách đây 45 năm.

Tàu sân bay Kitty Hawk của Mỹ từng đụng độ với tàu ngầm Trung Quốc vào tháng 10-1994 - Ảnh: strategypage.com

Thật vậy, năm 1965 Vương Quốc Quyền, đại sứ Trung Quốc tại Ba Lan, còn phải “khiếu nại” trong vô vọng về những việc xảy ra trên quần đảo Hoàng Sa với đại sứ Mỹ tại Ba Lan John Cabot. Trong điện tín gửi Bộ Ngoại giao Mỹ, đại sứ Mỹ Cabot báo cáo về cuộc gặp kéo dài 2 giờ 35 phút với đại sứ Trung Quốc Vương Quốc Quyền như sau:

“Nội dung cuộc gặp cũng tương đối như thường, ngoại trừ vài lúc nóng bỏng ăn nói cứng rắn và không mềm mỏng của Vương. Vương mở đầu bằng cách lên án Hoa Kỳ “chiếm đóng” Đài Loan, sử dụng Đài Loan như là một “hàng không mẫu hạm không bao giờ chìm” từ đó tấn công lục địa, rằng Hoa Kỳ âm mưu tạo ra hai nước Trung Quốc...

Vương nói mình được chỉ thị phản đối mạnh mẽ lệnh của tổng thống, theo đó quần đảo Hoàng Sa (Hoàng Sa) nằm trong vùng (biển) chiến sự, rằng quần đảo Hoàng Sa là của Trung Quốc... Tôi trả lời bằng cách bác bỏ mạnh mẽ luận cứ của Vương về việc Hoa Kỳ xâm lược Đài Loan. Tôi cũng bác bỏ khiếu nại của Trung Hoa cộng sản về quần đảo Hoàng Sa, theo đúng văn bản chỉ thị của Bộ Ngoại giao... Vương lại nhắc tới nhắc lui khiếu nại của Trung Quốc về quần đảo Hoàng Sa”. (1)

Có thể thấy qua “văn phong” của đại sứ Mỹ Cabot trong tài liệu trên rằng vào năm 1965, thái độ phản đối của Trung Quốc, qua đại sứ Vương là “bằng mồm” (verbal) một cách cầm chừng, và rằng việc “quần đảo Hoàng Sa nằm trong vùng chiến sự” có nghĩa là khu vực quần đảo Hoàng Sa lúc ấy được hiểu là của Việt Nam, nên cũng bị nằm trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Và đấy là một thực tế hiển nhiên từ trước.

45 năm sau

Ấy thế mà 45 năm sau, Ủy ban Cải cách và phát triển nhà nước Trung Quốc lại thản nhiên thông qua cái gọi là “Cương yếu quy hoạch xây dựng và phát triển đảo du lịch quốc tế Hải Nam 2010-2020”. Theo đó, sẽ tăng cường mở tuyến du lịch đường không và đường biển ra quần đảo Hoàng Sa, đồng thời khuyến khích việc đăng ký quyền sử dụng đối với các đảo không người ở...

Hành động này trái với tinh thần Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông (DOC) mà Trung Quốc đã cùng các nước ASEAN ký kết năm 2002, theo đó “Các bên cam kết đảm bảo tự kiềm chế, không áp dụng các hành động mở rộng, làm phức tạp hóa tranh chấp, ảnh hưởng đến hòa bình và ổn định, bao gồm không áp dụng hành động cư trú trên các đảo, đá ngầm, bãi cát hoặc kết cấu tự nhiên khác hiện không có người cư trú và xử lý các tranh chấp đó bằng phương thức mang tính xây dựng”.

Trước đó, ngày 16-5, Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá từ ngày 16-5 đến 1-8-2010 từ vĩ tuyến 12 độ vĩ Bắc của quần đảo Trường Sa lên khu vực đảo Hải Nam. Hành động này so với DOC cho thấy ngày nay lời nói và chữ ký của Trung Quốc không còn là “tứ mã nan truy” và rằng “quân tử nhất ngôn” là quân tử dại.

“Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân"

Xem biển của người khác như là biển của mình, song nhà bình luận Lý Kiệt của China Daily lại la làng trong bài xã luận mang tựa đề “Tập trận hải quân gây lo ngại” rằng “đàm phán, thay vì diễu võ giương oai, là cách tốt nhất để giải quyết những tranh cãi giữa các cường quốc then chốt của thế giới”! (2)

“Văn phong” của nhà bình luận Lý Kiệt qua câu nói trên nghe qua vẫn cầm chừng bằng mồm như “văn phong” của đại sứ Vương 45 năm trước ở Ba Lan, cho dù Lý Kiệt có cố tình tự nhận hay giương oai rằng Trung Quốc cũng là “cường quốc then chốt của thế giới” (nguyên văn: key global power).

Lý Kiệt tự hào: “Trung Quốc ngày nay không còn là Trung Quốc cách đây một thế kỷ không biết chặn đế quốc xâm lược bằng cách gì. Trung Quốc đã trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới và làm chủ một hệ thống quân sự hiện đại có thể đáp ứng mọi sứ mạng tự vệ nào”.

Lý Kiệt nhân danh dân chúng Trung Quốc để la làng: “Nếu Mỹ và Hàn Quốc tiếp tục chủ ý duy trì cuộc tập trận này, điều đó sẽ gây ra một thách thức đối với sự an toàn của Trung Quốc và khiến nhân dân Trung Quốc phản ứng dữ dội”. Cho rằng một mình đứng tên nói chuyện với Mỹ chưa đủ, Lý Kiệt bèn đưa ra “kiến nghị tập thể”: “Một cuộc tập trận hỗn hợp giữa Mỹ và Hàn Quốc ở Hoàng Hải làm tăng mối quan ngại nơi các nước Đông Á, đặc biệt là Trung Quốc, đối với hòa bình và ổn định khu vực”.

Đáng tiếc là Lý Kiệt không nêu rõ tên những nước Đông Á nào cùng quan ngại đến mức như Trung Quốc trước cuộc tập trận này. Cũng đáng tiếc là Lý Kiệt không cho biết thiên hạ có lo ngại và lo ngại đến đâu trước cuộc tập trận vừa kết thúc của Trung Quốc trên biển Hoa Đông, chếch về phía Nhật Bản.

Không khác gì đại sứ Vương 45 năm trước, Lý Kiệt la làng: “Việc tàu sân bay George Washington tham gia tập trận là một động thái thù địch với Trung Quốc”.

Vụ chạm trán năm 1994

Lý Kiệt nhắc lại lịch sử “thù địch” đó bắt đầu từ năm 1994 khi một hải đội dẫn đầu bởi tàu sân bay Kitty Hawk “xâm nhập vùng biển dọc đường ranh giới trên biển của Trung Quốc... thậm chí còn rượt một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc lúc đó mới vừa chấm dứt một hải trình dài”. Theo Lý Kiệt, “động thái được bày mưu tính kế sai lầm này đã đưa hai nước vào tình trạng đối đầu trong một thời gian”.

Vụ chạm trán diễn ra trong những ngày 27 đến 29-10-1994, bắt đầu bởi việc hạm trưởng tàu sân bay Kitty Hawk sau khi thấy dấu hiệu bị một tàu ngầm theo dõi đã ra lệnh cho một máy bay S-3 tuần tiễu chống tàu ngầm cất cánh theo dõi chiếc tàu ngầm nọ. Đây là một tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc. Thấy vậy, Trung Quốc tung máy bay chiến đấu lên “nghênh tiếp”. Mỹ cũng cho máy bay chiến đấu lên “dàn chào”.

Máy bay Trung Quốc giải tán, tàu ngầm Trung Quốc cũng rút về căn cứ ở Quỳnh Đảo. Hải đội do tàu sân bay Kitty Hawk dẫn đầu cũng ra khỏi khu vực. Sau vụ đó, Trung Quốc gửi tùy viên quân sự Mỹ ở Bắc Kinh một công hàm cảnh cáo rằng nếu tình huống đó xảy ra nữa, Trung Quốc sẽ ra lệnh bắn hạ. (3)

Tất nhiên, vị trí “chạm trán” nằm (xa) trong hải phận quốc tế. Chuyện tập trận là việc thường xảy ra. Theo thói đời, tập trận trong vùng biển quốc tế chính là chơi trò “Tom và Jerry” trên biển, rủ thiên hạ đến cùng chơi cút bắt cho quân thêm tinh nhuệ. Cuộc tập trận của Trung Quốc vừa kết thúc ở biển Hoa Đông, chếch về phía Nhật Bản cũng được Nhật và Mỹ “đeo bám” thỏa thích mà không “la làng”.

Yukie Yoshikawa, một học giả Nhật, cho biết Chính phủ Nhật vẫn im lặng trước cuộc tập trận này dù cả chính phủ và dân chúng Nhật đều quan ngại và sự quan ngại đó là rất lớn: “Chính phủ Nhật xem cuộc tập trận đó như là nối dài của một loạt sự cố liên quan đến việc tàu bè của Trung Quốc xâm nhập vùng kinh tế độc quyền của Nhật hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua. Chính phủ Nhật hiểu rằng Trung Quốc muốn kiểm soát Thái Bình Dương càng nhiều càng tốt”. (4)

Ngài Khổng Tử dạy: “Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân”. Để Thái Bình Dương thái bình, không thể cứ “kỷ sở bất dục” mà lại... vất đi chữ “vật” (không) trong cụm từ “vật thi ư nhân”, để rồi “điều gì ta không thích... thì cứ làm cho người”.

__________

(1) Foreign Relations of the United States, 1964-1968- Volume XXX, China, Document 91. Telegram From the Embassy in Poland to the Department of State11. Source: Department of State, Central Files, POLCHICOM-US. Confidential; Priority; Limit Distribution. Repeated to Hong Kong, Taipei, Geneva, Moscow, and Stockholm. Warsaw, June 30, 1965, 1900Z.(2) Navy drill cause for concern, China Daily 2010-07-12(3) http://www.usvetdsp.com/story50.htm(4) China flexes its naval muscle, Asia Times Jul 9, 2010

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận