TTCT - “Đây là nhà của tôi. Mời vào! Mời vào!” - ông Ishikawa đon đả chạy ra bậc thang đón tôi, rạng rỡ như đón một người thân đi xa về. Tận lúc ấy, tôi vẫn chưa tin là đến được nhà của Ishikawa Bunyo - phóng viên chiến trường nổi tiếng Nhật Bản. Ông Ishikawa Bunyo - Ảnh: fujino.jcpweb.net Đó là vào những ngày xuân, cuối tháng 5-2014. Gặp ông lần đầu vào năm 1997, từ đó tôi rong ruổi cùng ông đi khắp Việt Nam mỗi lần ông sang Việt Nam dự lễ, chụp ảnh: Điện Biên, Cần Thơ, Tây Ninh... Trả lời các phóng viên Nhật Bản lẫn Việt Nam khi được hỏi nghĩ gì về Ishikawa Bunyo, tôi luôn đáp: “Tôi kính trọng ông như một người thầy”. Ông không hề học đại học, không phải giáo sư, tiến sĩ nhưng tôi vẫn học được rất nhiều điều từ ông: sự can đảm khi xông pha trong chiến tranh, sự trung thực, tấm lòng nhân ái hướng về các nạn nhân chiến tranh ở Việt Nam. Toshiki Makino, một phóng viên “lão làng” của Kyodo News, cũng là bạn của Ishikawa, có lần còn hỏi: “Bà không thấy lạ khi ông ấy lúc nào cũng mỉm cười hay sao?”. Tôi đáp: “Tôi đã thấy Ishikawa rơi nước mắt mà!”. Đó là lần đưa tôi đi xem những hình ảnh, hiện vật nói về hậu quả Chiến tranh thế giới thứ hai ở Okinawa, ông ứa nước mắt khi đứng trước những tấm bia đá màu đen, có 38 tên người mang họ Ishikawa đã chết. Nhưng đúng là điều đó thật khó tin, vì Ishikawa là một người đàn ông luôn bình tĩnh, gan dạ, không chỉ trong thời chiến mà cả thời bình, khi phải đối diện với những hậu quả nặng nề, khốc liệt của chiến tranh ở Việt Nam. Tuổi thơ của ông nhọc nhằn. Ông phải đi học bổ túc văn hóa ban đêm, rồi làm thợ chụp ảnh và bắt đầu công việc của phóng viên chiến trường từ chiếc máy ảnh Nikon, từ bộ đồng phục cỡ nhỏ nhất (vì ông rất thấp bé). Cho đến giờ, dù đã nổi tiếng, đã đi khắp thế giới để chụp ảnh, ông vẫn sử dụng tiếng Anh chủ yếu để nghe - nói chứ không hề được học đọc - viết một cách bài bản. Những “thầy giáo” tiếng Anh đầu tiên của Ishikawa chính là những người lính Mỹ tham chiến ở Việt Nam từ năm 1964 mà ông đã chụp ảnh. Bảy lần bị thương suýt chết ở chiến trường Nam Việt Nam (Tây Ninh, Củ Chi, Bình Định...) không làm ông chùn bước. Những bức ảnh chụp ở chiến trường lúc bấy giờ đã trở thành một thứ “giấy giới thiệu” hết sức hữu hiệu để ông có thể đặt chân lên cả miền Bắc Việt Nam, chụp những hình ảnh của chiến tranh phá hoại do không quân và hải quân Mỹ thực hiện. Ông là một trong rất ít phóng viên trên thế giới làm được điều ấy. Và còn sống cho đến ngày nay! Ishikawa tác nghiệp trong vùng rừng u Minh năm 1967 - Ảnh nhân vật cung cấp Người ta có thể hình dung Ishikawa rất giàu có vì ông đã đi khắp thế giới để chụp ảnh, đã viết nhiều sách, được mời giảng dạy ở các trường đại học, mời diễn thuyết về chiến tranh... Nhưng có tận mắt nhìn thấy ngôi nhà gỗ nhỏ xíu, xinh xắn, đơn sơ của ông mới thấy ông sống rất giản dị, thanh bạch. Nhà ông chỉ giàu mỗi một thứ: sách! Từ phòng khách đến phòng ngủ, nhà kho, sách ở khắp nơi. Và phim âm bản! Bà Kei - vợ ông - dù đã ra sức số hóa nhiều ảnh ông chụp, lưu trữ bằng đĩa, ông vẫn quý những tấm phim đã đồng hành với mình suốt 50 năm qua, đặc biệt là về Việt Nam. Bên cạnh cảnh chiến sự, cảnh hành quân của lính Mỹ, lính Hàn Quốc ở miền Nam Việt Nam, ông còn ghi lại nỗi đau thương của người dân Việt Nam chạy loạn, bị mất người thân, bị bắt bớ, tra tấn... Nhưng khi Việt Nam thanh bình, chính ông đã đi tìm lại những “nhân vật” của các bức ảnh chiến tranh xưa, chụp lại cuộc sống của họ ngày nay, dù nghèo khó hay khá giả, vẫn với nụ cười trên môi... Những nụ cười bình dị, hồn nhiên của người dân Việt Nam từ vùng cao đến đồng bằng thành một đề tài lớn cho ông về sau. Ngôi nhà nhỏ của ông nằm trên núi ở Nagano, mùa này tràn ngập hoa, đẹp như tranh vẽ. Ông dắt tôi lên núi, đến cái chòi ông vẫn hay ngồi uống rượu với bạn bè. Sinh ra ở Okinawa nên ông uống rượu rất giỏi, chưa bao giờ thua ai. Và ông thích rượu Lúa mới của Việt Nam, thích rau muống xào tỏi chấm nước mắm sống. Ở Nagano mà ông luôn uống cà phê Việt Nam. Ông vờ không nói được tiếng Việt, nhưng khi không muốn vợ nghe thấy thì ông đã “thì thầm” với một nụ cười: “Con gái Việt Nam đẹp lắm!” bằng tiếng Việt với đầy đủ dấu thanh. Hầu như năm nào ông cũng sang Việt Nam chụp ảnh, chỉ sau đợt đau tim năm 2005 ông mới chịu “dưỡng sức”, nhưng không quên bắt tôi hứa năm 2015, khi ông sang Việt Nam, tôi sẽ đưa ông đi thăm Côn Đảo. Sẽ khó quên cảm giác hạnh phúc, ấm áp khi được ngồi bệt xuống sàn nhà Ishikawa, uống sữa do chính tay ông rót. Và thấy được trong ngôi nhà nhỏ đơn sơ ấy một trái tim lớn của Ishikawa Bunyo - người bạn Nhật thủy chung của Việt Nam suốt hơn nửa thế kỷ qua... Tags: Nhà báoIshikawa BunyoPhóng viên chiến trườngPhóng viên Nhật Bản
Ông Lý Hiển Long từ chức lãnh đạo đảng cầm quyền DUY LINH 24/11/2024 Chia sẻ ý định đề cử Thủ tướng Lawrence Wong làm người kế nhiệm, ông Lý Hiển Long nhấn mạnh điều này sẽ hoàn tất quá trình chuyển giao quyền lực sang thế hệ lãnh đạo thứ tư của Singapore.
Nguy cơ lãng phí vì sân bay Long Thành phải chờ... đường A LỘC 24/11/2024 Trong khi sân bay Long Thành và các đơn vị cung cấp hậu cần đang tăng tốc về đích, các tuyến cao tốc kết nối với sân bay lại ì ạch.
Thông điệp '4 không' từ tên lửa Oreshnik của Nga LỤC MINH TUẤN 24/11/2024 Cuộc tấn công bằng tên lửa Oreshnik của Nga đã truyền tải chuỗi thông điệp răn đe mới đến toàn thể Liên minh châu Âu (EU).
Trình Chính phủ dự án vành đai 4 TP.HCM, mở kỷ nguyên mới từ con đường lớn nhất Đông Nam Bộ ĐỨC PHÚ 24/11/2024 Ngày 23-11, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi Thủ tướng và Bộ Kế hoạch và Đầu tư về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 TP.HCM.