Thầy B, cô T và chuyện dạy thêm văn

PHÙNG HI 14/11/2015 03:11 GMT+7

TTCT- Dạy văn mà có công thức hẳn hoi. Thu nhập của thầy bao nhiêu không biết, chỉ biết mỗi tháng thầy đóng cho trường 20 triệu đồng, gọi là phí quản lí... Học sinh nườm nượp "học cua" nơi nhà thầy.

Minh họa: Sa Lem
Minh họa: Sa Lem

1 Tôi quen thầy B. dạy văn trường chuyên ở phố, thầy vừa xong tại chức thạc sĩ, nổi tiếng dạy thêm. Tôi tò mò hỏi thầy dạy thêm văn thì dạy thêm cái gì nhỉ? Thầy nhướng mắt đánh cằm nhìn tôi ra điều ngạc nhiên nói: “Môn học nào cũng dạy thêm được, anh có chịu dạy, được dạy, và có tìm cách để dạy thêm hay không thôi. Hãy hình dung tôi dạy thêm văn như dạy toán vậy”.

Rồi như một cách quảng cáo, thầy B. “bật mí” chuyện dạy thêm: “Tôi dạy như mấy tay viết sách văn mẫu là một cách. Cách nữa, tôi công thức hóa các kiểu văn, ông người ngoại đạo nói sợ không hiểu. Ví dụ viết một đoạn văn vài trăm từ, gọi là đề mở đấy, rằng hãy sống thật thà để cảm hóa người xung quanh, chẳng hạn.

Tôi gọi A là đức tính thật thà gồm những tiêu chuẩn X gì và để thực hiện được A cần liệt kê danh sách Y công việc phải làm. Sau khi được A, ta có những cái lợi Z thế nào... Tóm lại ta có công thức X + Y = A => Z.

Liệt kê đủ ý như thang điểm bộ đề ra coi như đạt yêu cầu, đạt điểm tối đa. Đó, không học thêm văn thì làm sao biết cách làm bài”. Thầy B. tuyên bố chắc nịch.

Học trò nghe kinh nghiệm từ lớp anh chị đi trước cũng kết luận: “Muốn thi đậu đại học khối C, D phải học thêm thầy B.”. Một phụ huynh có con học trường tư thục hạng bét trong tỉnh, nói: “Tôi muốn con mình được học thầy B. nhưng thầy không nhận vì sợ cháu học dở làm mất danh thầy. Tôi phải chở con tới năn nỉ thầy năm lần bảy lượt nhận dạy cho cháu thầy mới chịu nhận”.

Cả tầng lầu nhà thầy chật kín kẻ “tầm sư”, ghế bàn phòng ốc hơn tiêu chuẩn quy định của bộ. Mỗi cua cả trăm người, thầy dạy phải nói qua micrô. Hỏi thầy thu nhập thêm bao nhiêu một tháng, sợ nói trực tiếp con số làm thiên hạ ngợp, thầy nói sang hướng khác: “Tôi dạy tại nhà nhưng dưới danh nghĩa dạy thêm do trường tổ chức, trường thu của tôi 10% phí quản lý, mỗi tháng tôi đóng cho trường 20 triệu đồng”.

Thầy B. giàu to, thói thường sau giàu lại muốn kiếm danh, phải là danh chữ nghĩa. Thi thoảng tôi thấy tên thầy B. trên hộp thư bạn đọc của mấy tờ báo, cả nhật báo lẫn tập san chuyên ngành. Tôi không ngợp vì số thu nhập của thầy B. đâu, mà tôi ngợp vì sự thui chột của những đứa trẻ học thêm môn văn của thầy B..

2 Cô T., thạc sĩ văn chương, dạy văn trường huyện vùng cao. T. tuổi 30, gương mặt thơ trẻ của tỉnh nhà, là hội viên hội văn học nghệ thuật. Tôi hỏi T. có dạy thêm cho trò không, T. nói: “Môn văn thì dạy thêm thế nào anh. Dạy cho các em yêu tiếng Việt, yêu con người, khơi dậy cảm thụ văn chương, đánh thức tiềm năng, trân trọng tri thức... thì chỉ giờ văn trên lớp là đủ. Văn là vẻ đẹp, dạy thêm giống như đàn bà trang điểm lòe loẹt chỉ làm cho nó xấu đi”.

Cô T. tâm sự thêm: “Nói nghe hay vậy đó chứ dạy học trò vùng núi này cũng hơi tủi anh ạ. Có em cứ tới giờ của tôi là trốn học. Báo với phụ huynh họ chẳng quan tâm. Năm rồi một nữ sinh giỏi văn của tôi đủ điểm đậu đại học sư phạm nhưng ở nhà cưới chồng. Tôi tới hỏi gia đình, ông bố bảo: “Học chi cho lắm cô, học tốn kém rồi phía chồng nó nhờ chứ nhà tôi được gì”. Ôi, nghĩ đến chuyện tôi làm cô giáo dạy văn tiền lương chỉ đủ nuôi con chứ đâu lo được gì cho cha mẹ thấy ông phụ huynh nói đúng quá, chuẩn không cần chỉnh, nhưng nghe tức cười, ngẫm nghĩ thêm chút thì thấy phũ phàng”.

Cô T. có thơ truyện và nhiều bài viết đăng trên các báo, cô viết quanh cái nghề dạy học của mình, đọc thấy quý tấm lòng của cô. Tôi dè dặt hỏi cô T. thu nhập từ nhuận bút có khá không, nghe hỏi thế cô vui lắm, mắt cô sáng lên, nói: “Không có rõ ràng gì cả nhưng tính trung bình thì mỗi tháng chắc gần triệu đồng, có tiền cho con uống sữa”.

Mới đây tập truyện dài của cô T. được hội văn nghệ trao giải B, giải 5 năm xét một lần, phần thưởng 10 triệu đồng. Cô mừng vì có tiền mua cái máy giặt, còn giới văn nghệ tỉnh nhà luôn khen tặng: “Không dễ kiếm cô giáo dạy văn yêu nghề, yêu văn chương và có tài như cô T.”.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận