TTCT - Trước khi cố gắng xác định xuất xứ một sản phẩm, tức nói sản phẩm đó “made in” ở nước nào, có lẽ phải trả lời câu hỏi xác định như thế để làm gì. Đầu tiên là vì lợi ích người tiêu dùngỞ các nước châu Âu hay Mỹ, xác định xuất xứ trước hết nhằm bảo vệ người tiêu dùng. Vô siêu thị, người tiêu dùng phải biết con tôm đông lạnh họ sắp mua là từ nước nào, trái cam đang bày bán là từ California hay Mexico, chiếc quần kia có đúng là may ở Bangladesh.Dù ghi xuất xứ là do chủ hàng thực hiện, việc hậu kiểm rất chặt chẽ với nhiều mức phạt nếu không ghi hoặc ghi sai. Lúc đó, xuất xứ của hàng hóa chủ yếu dựa vào các quy tắc thương mại của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và luật lệ từng nước, miễn sao khai cho đúng.Nhưng khi mục đích là dùng để áp dụng cho mua sắm chính phủ hay bảo vệ thương hiệu quốc gia, xác định xuất xứ sẽ có những quy định chặt chẽ hơn bội phần.Lấy ví dụ, một chiếc đồng hồ đâu dễ gắn nhãn hiệu “Swiss made” (sản xuất tại Thụy Sĩ), nó trước hết phải đáp ứng nhiều tiêu chí nghiêm ngặt như máy phải làm ở Thụy Sĩ, đóng vỏ ở Thụy Sĩ và việc kiểm tra sau cùng phải thực hiện ở Thụy Sĩ...“Made in USA” là nhãn đâu phải ai muốn dán lên sản phẩm đều được. Nhiều doanh nghiệp Trung Quốc mở nhà máy lắp ráp ở Mỹ, nhưng sản phẩm làm ra nếu không đáp ứng các tiêu chí do Ủy ban Thương mại liên bang (FTC) đặt ra thì đành chịu, không được dùng nhãn “Made in USA”.Các tiêu chí này rất chặt, ghi rõ rằng “tất cả hay hầu như tất cả (all or virtually all) các phần của sản phẩm phải được làm từ Hoa Kỳ”, có nghĩa không có linh kiện quan trọng nào nhập từ nước ngoài.FTC cho hai ví dụ minh họa: một lò nướng với toàn bộ linh kiện làm ở Mỹ trừ nút xoay điều chỉnh ngọn lửa sẽ được dán nhãn “Made in USA”, vì nút xoay không phải là bộ phận quan trọng. Ngược lại, một chiếc đèn để bàn, mọi bộ phận cũng làm ở Mỹ trừ cái đế đèn, FTC không cho dán nhãn vì họ bảo đế đèn là thành phần quan trọng.FTC có cả một trang web để giải thích cặn kẽ các quy định. Họ đưa ra ví dụ, một sản phẩm được phát minh ở Seatle (Mỹ) nhưng đem qua Bangladesh sản xuất, nếu ghi nhãn là “Created in USA” sẽ bị xem là lừa đảo, bởi người tiêu dùng sẽ hiểu nhầm “created” (sáng tạo) thành “Made in”.Ở đây, ngay cả các cụm từ “assembled in” (lắp ráp tại) cũng không phải được tự do dùng. FTC lại ví dụ: toàn bộ linh kiện của một chiếc máy tính, kể cả bo mạch và ổ cứng được sản xuất ở nước ngoài đem vào Mỹ lắp ráp đơn giản theo kiểu dây chuyền bắt vít thì cũng không cho dán nhãn “assembled in USA”.Ở đây có một chi tiết thú vị: nếu mục tiêu là mua sắm chính phủ thì định nghĩa “Made in USA” được nới lỏng, chỉ cần 50% linh kiện trở lên làm ở Mỹ là đáp ứng yêu cầu.Khi xuất xứ làm tăng giá trị hàng hóaỞ các nước đang phát triển, dán nhãn “Made in...” là để hưởng ưu đãi thuế quan, ưu đãi hạn ngạch với sản phẩm xuất khẩu, hay làm tăng hoặc giảm giá trị hàng hóa nhờ ảnh hưởng của nhãn xuất xứ đối với hàng nhập khẩu.Chính vì thế, người ta thường hay nói về hai loại quy tắc xuất xứ chính: “quy tắc xuất xứ ưu đãi” nhằm mục đích được hưởng thuế quan ưu đãi tại thị trường nhập khẩu và “quy tắc xuất xứ không ưu đãi”. Mục đích là giúp doanh nghiệp hưởng ưu đãi thuế, nên nước xuất xứ thường cố gắng tận dụng quy định để doanh nghiệp mình có lợi thế, nước nhập khẩu thì siết kỹ việc kiểm tra để khỏi thất thu thuế.Đây là lĩnh vực phức tạp với nhiều quy định dài dòng, chi li và phức tạp. Cũng may là các hiệp định thương mại tự do viết rõ về các trường hợp này, các nước cứ áp theo nội dung hiệp định để thực hiện.Như vậy chỉ còn một khía cạnh “xuất xứ làm tăng hay giảm giá trị hàng hóa” là chưa được đề cập, trùng hợp thay, đây cũng là khía cạnh đang gây tranh cãi. Điện thoại Samsung lắp ráp ở Việt Nam có được gọi là sản phẩm “Made in Vietnam” được chăng? Mua toàn bộ linh kiện ở Trung Quốc về lắp ráp đơn giản ở Việt Nam sao lại nói là hàng Việt Nam chất lượng cao?Hay nếu sau này Chính phủ có quy định mua sắm công phải dùng hàng Việt Nam thì liệu một xe hơi lắp ráp ở đây, nhưng máy móc linh kiện đều nhập của nước ngoài có đáp ứng đủ tiêu chí?Ở góc độ xác định xuất xứ cho mục đích thương mại quốc tế thì luật lệ Việt Nam có đầy đủ và cũng theo thông lệ, nhưng chỉ để áp dụng cho hàng xuất khẩu hay nhập khẩu. Còn khi nó là hàng tiêu dùng trong nước, thì quy định cụ thể tiêu chí nào để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam là chưa có.Nói cách khác, dường như luật lệ về quy tắc xuất xứ là vì lợi ích của nhà sản xuất, chứ chưa tính đến lợi ích của người tiêu dùng. Cụ thể, ví dụ một doanh nghiệp nhập linh kiện đủ để làm nên một chiếc máy thu hình từ nước ngoài về lắp ráp ở Việt Nam, sau đó xuất khẩu thì luật Việt Nam có đầy đủ để xác định xuất xứ của nó từ nhiều năm nay.Gần đây nhất là nghị định 31/2018 của Chính phủ và thông tư 05/2018 của Bộ Công thương đều về xuất xứ hàng hóa. Ở đây có những quy định rõ ràng, chẳng hạn nguyên tắc chung để xác định xuất xứ hàng hóa là “nơi thực hiện quy trình sản xuất cuối cùng làm thay đổi cơ bản hàng hóa đó”, cũng tương tự khái niệm “substantial transformation” của thế giới.Không những thế, kèm thông tư này, Bộ Công thương đưa ra hẳn một danh mục quy tắc cụ thể các mặt hàng dài hơn 250 trang và việc thay đổi cơ bản hàng hóa đó được xác định qua hai tiêu chí: hoặc là làm thay đổi mã số hàng hóa được sử dụng cho việc phân loại hàng hóa trên phạm vi toàn cầu hoặc tỉ lệ phần trăm giá trị nội địa hóa, mà thường là 30%.Sản phẩm bóng đèn Điện Quang "made in Vietnam". Ảnh: Trần Tiến DũngLỗ hỏng khi bán hàng trong nướcThế nhưng cũng doanh nghiệp đó, cũng nhập linh kiện đó về làm máy thu hình nhưng để bán trên thị trường nội địa thì chịu, có ai đòi doanh nghiệp này đi xin cấp chứng nhận xuất xứ đâu? Nói cách khác, ví dụ Samsung đem linh kiện qua Mỹ lắp ráp điện thoại, chắc chắn FTC sẽ không cho Samsung dán nhãn “Made in USA” vì không đáp ứng yêu cầu “tất cả hay hầu như tất cả các phần của sản phẩm phải được làm từ Hoa Kỳ”.Nhưng ở Việt Nam, nhãn “Made in Vietnam” trên các điện thoại Samsung tùy thuộc vào quy định của các nước nhập khẩu cũng như các hiệp định thương mại nước nhập khẩu cụ thể đó đã ký với Việt Nam. Samsung đáp ứng thì Việt Nam cấp chứng nhận xuất xứ cho hãng này.Còn khi bán ở thị trường nội địa, ai cũng biết đó là điện thoại “chủ yếu” của Samsung và cái nhãn “Made in Vietnam” không làm ai phiền, cũng không làm giá trị chiếc điện thoại ấy tăng hay giảm bao nhiêu cả.Nếu nhìn vấn đề “Made in….” từ góc độ làm tăng hay giảm giá trị hàng hóa sẽ thấy không có gì khó hiểu, khi người ta sáng tạo đủ kiểu ghi nhãn. Một chiếc ví xách tay có nhãn “Made in Italy” sẽ có giá bán cao gấp nhiều lần chiếc ví y như thế nhưng nhãn ghi “Made in Indonesia”.Chênh lệch giá trị như thế đẩy người ta vào chỗ gian dối, nhẹ hơn là “biến báo” cách ghi kiểu như “Thiết kế ở Ý”, “Mẫu mã sáng tạo ở Ý”….Nếu “Made in China” làm người mua hàng e dè, cầm lên đặt xuống chưa muốn mua sản phẩm có đính dòng chữ này, nhà sản xuất sẽ nghĩ cách làm nhẹ đi tác dụng tiêu cực này. Như Apple ghi “Designed by Apple in California. Assembled in China” sau lưng chiếc iPad để nhấn mạnh sản phẩm này được chính họ thiết kế ở Mỹ.Trong trường hợp của Asanzo, do hàng bán ở thị trường nội địa nên hầu như không có ai dùng xuất xứ để kiểm tra xem doanh nghiệp này có lừa dối người tiêu dùng hay không. Giả thử Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao trước khi để người tiêu dùng bình chọn đòi các doanh nghiệp phải nộp giấy chứng nhận xuất xứ cho sản phẩm đem ra bình chọn, ắt sẽ không có chuyện nhầm rồi phải rút danh hiệu.Bởi chỉ cần áp dụng nghị định và thông tư nói trên, hàng Asanzo ắt không đạt vì văn bản có hẳn các quy định về chuyện gia công chế biến đơn giản như tháo dỡ lắp ghép, dán lên sản phẩm thì không được tính. Mức độ nội địa hóa, theo báo chí, cũng khó lòng đạt 30%.Nói rộng hơn, nếu hội quả chỉ định để người tiêu dùng bình chọn các sản phẩm thật sự “Made in Vietnam”, thì ít nhất cũng cần một tiêu chí chặt như nghị định và thông tư mới là thật sự ủng hộ hàng nội địa.Hi vọng vụ Asanzo và các tranh cãi quanh chuyện “made in...” sẽ làm các nhà hoạch định chính sách bổ sung vào mục đích xác định xuất xứ sản phẩm thêm chuyện bảo vệ người tiêu dùng và mua sắm công.Giả thử sau này muốn bán xe cho các cơ quan của Chính phủ làm xe công, nơi bán xe phải nộp chứng nhận xuất xứ sản phẩm để bảo đảm chính sách chỉ dùng hàng Việt Nam, ắt việc tranh cãi sẽ giảm, việc xét duyệt dễ dàng hơn và việc vận động hành lang khó hơn nhiều. ■ Tags: Made in VietnamXuất xứ hàng hóaGiá trịLỗ hỏng
Nhà yêu nước Phạm Hồng Thái (1894-1924): Tài liệu mới về sự kiện Tiếng bom Sa Diện VIỆT ANH 04/09/2024 2185 từ
Hà Nội: Sập nhà trên phố Khâm Thiên, cây đa cổ thụ gần hồ Hoàn Kiếm gãy đổ PHẠM TUẤN 07/09/2024 Chiều 7-9, trước khi bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp tới Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã khuyến cáo, kêu gọi người dân TP không ra khỏi nhà để tránh rủi ro, thiệt hại về người.
4 người chết, 78 người bị thương do bão số 3 DANH TRỌNG 07/09/2024 Tính đến 17h chiều 7-9, bão số 3 đã làm người 4 người chết (Quảng Ninh 3 người và Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương.
Bão số 3 đổ bộ Quảng Ninh gây cảnh tượng chưa từng thấy: Cột điện, cây xanh gãy đổ la liệt CHÍ TUỆ 07/09/2024 Dọc tuyến đường nối giữa thành phố Cẩm Phả và huyện Vân Đồn (Quảng Ninh), hàng loạt cột điện, cây xanh gãy đổ ngổn ngang.
Trực tiếp: Bão Yagi càn quét, gió rít liên hồi, xe lật, cây ngã, tàu chìm, cột điện gãy gục 07/09/2024 Bão Yagi càn quét, quật ngã cây cối, nhấn chìm tàu thuyền. Tâm bão đổ vào Quảng Ninh - Hải Phòng với sức gió 149 km/h, cấp 13.