Thể thao Nga “tứ diện thọ địch”

HUY ĐĂNG 16/03/2022 17:00 GMT+7

TTCT - Bị loại khỏi các giải đấu của FIFA và UEFA, bị cấm cả hệ thống Olympic và Paralympic, bị hàng loạt liên đoàn thể thao khác tẩy chay… Nhưng cơn dông bão của thể thao Nga không chỉ có vậy.

Nửa thế kỷ trước, Nga (nói chính xác là Liên Xô) là cường quốc thể thao số 1 thế giới và những xung đột chính trị không thể đe dọa họ, nhưng tình hình năm 2022 này có vẻ rất khác.

Không sợ tẩy chay

Bằng chứng là vào kỳ Olympic 1980 được đăng cai tại Matxcơva, Mỹ và nhiều nước đồng minh đã tẩy chay, không cử đoàn thể thao sang tham dự. 

 
 Olympic Sochi 2014 bị xem là kỳ Thế vận hội lãng phí nhất lịch sử. Ảnh: AP

Số lượng quốc gia tham dự Olympic Matxcơva 1980 chỉ là 80, giảm mạnh so với những kỳ Olympic trước đó. Nhưng “vắng mợ thì chợ vẫn đông”. Số lượng các bộ môn thi đấu tại Matxcơva 1980 vẫn tăng so với Montreal 1976 (từ 198 lên 203 - con số kỷ lục lúc đó). 

Đến Los Angeles 1984, phe Liên Xô trả đũa và tình cảnh cũng không khác 4 năm trước là bao. Kỳ Thế vận hội lần thứ 3 trên đất Mỹ thành công rực rỡ dù vắng cường quốc thể thao số 1 lúc bấy giờ. Suốt hơn 30 năm kể từ Olympic 1952, Mỹ và Liên Xô không ngừng cạnh tranh nhau ngôi vị số 1 ở Olympic. 

Cuộc Chiến tranh lạnh giữa hai siêu cường quốc càng khiến cuộc đua thể thao thêm khốc liệt. Tại Olympic, khi đoàn thể thao này đứng hạng nhì, tức đoàn kia sẽ hạng nhất. Tính trong những kỳ Thế vận hội mùa hè mà cả hai cùng xuất hiện, Nga dẫn trước Mỹ với tỉ số 5-3.

Thậm chí sau khi Liên Xô sụp đổ, Nga vẫn giữ được vị thế số 1 của mình. Họ thi đấu dưới màu cờ trung lập ở Barcelona 1992, bị chia sớt một số VĐV sang các đoàn thể thao Estonia, Latvia và Lithuania, nhưng vẫn đánh bại Mỹ trong cuộc đua huy chương. 

Sự sa sút của Nga bắt đầu từ Atlanta 1996, khi họ bị Trung Quốc đẩy xuống vị trí thứ 3. Từ đó, thể thao Nga trượt dần và đến nay đã bị cả Anh lẫn Nhật qua mặt trong cuộc đua huy chương ở Olympic.

Chính trị cũng là một yếu tố khiến thể thao Nga sa sút. Liên Xô tan rã khiến Nga mất đi một số VĐV ưu tú. Nhưng đó không phải nguyên nhân chính, bởi sau đó họ vẫn luôn là đoàn thể thao đông VĐV bậc nhất ở các kỳ Olympic. 

Các trung tâm đào tạo của họ vẫn là niềm mơ ước với hầu hết các nền thể thao hàng đầu. Thể thao Nga sa sút vì một vấn nạn khác…

Doping - Vết nhơ muôn thuở

Khi chúng ta tìm kiếm về doping trong thể thao trên Google, mọi kết quả đều chỉ về Nga. Trước khi vụ bê bối chấn động nổ ra vào năm 2014, thể thao Nga đã luôn nằm trong danh sách đen của Cơ quan Phòng chống doping thế giới (WADA).

Matxcơva 1980 là kỳ Thế vận hội mùa hè không có một VĐV nào bị phát hiện dương tính với doping (trước đó, việc VĐV bị tước huy chương vì dương tính với chất cấm đã có tiền lệ từ Olympic 1968). 

Nhưng các mẫu nước tiểu của các VĐV đã được Manfred Donike - một thành viên trong Ủy ban y tế của Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) - xét nghiệm không chính thức, qua đó phát hiện đến 20% số VĐV đoạt HCV của kỳ Olympic này dương tính với các chất cấm. Matxcơva 1980, vì vậy, bị chế nhạo là “Thế vận hội hóa học”!

Từ đó, các VĐV Nga liên tục xuất hiện trong danh sách những VĐV bị phát hiện dương tính với doping ở các kỳ Olympic, nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Ở Athens 2004, Nga có 5 VĐV dương tính. Con số này tăng lên thành 26 ở Bắc Kinh 2008, rồi 43 ở London 2012. 

Đến 2014, Đài truyền hình Đức ARD tung ra một phóng sự điều tra động trời mang tên “Bí mật doping: Nga đã tạo ra những nhà vô địch như thế nào” với tư liệu được họ thu thập suốt nhiều năm. 

Nhiều VĐV người Nga được mời ra làm chứng đã tiết lộ việc các quan chức thể thao để VĐV sử dụng doping một cách có hệ thống như thế nào. Từ điều tra của ARD, WADA cùng IOC vào cuộc và nhanh chóng xác nhận vụ bê bối doping rộng lớn nhất, tồi tệ nhất lịch sử.

Năm 2019, WADA trừng phạt Nga với án cấm thi đấu trong mọi sự kiện thể thao. Những VĐV được xác định là trong sạch của Nga chỉ có thể tham dự các giải đấu quốc tế dưới màu cờ trung lập.

Nhưng kể cả như vậy, bóng ma doping vẫn cứ lởn vởn với thể thao Nga. Ở Rio de Janeiro 2016, Nga có 2 VĐV bị phát hiện dương tính (vẫn nhiều nhất), và 1 người ở Tokyo 2020. 

Mới đây, nữ VĐV trượt băng 15 tuổi Kamila Valieva cũng bị thông báo dương tính chất cấm ngay khi đang tham dự Olympic mùa đông Bắc Kinh 2022.

Khi việc kiểm soát doping ngày càng siết chặt, thành tích của thể thao Nga cũng dần đi xuống.

Quá nhiều bê bối

Bị nghi ngờ trên sân đấu, thể thao Nga cũng hoen ố cả hình ảnh thượng tầng. Hai năm trước, Nga và Qatar là hai quốc gia liên đới trực tiếp khi bê bối tham nhũng của FIFA bị phanh phui. 

Hàng loạt quan chức FIFA bị kết tội đã nhận hối lộ từ Nga để bỏ phiếu cho quốc gia này trong quá trình chạy đua đăng cai World Cup 2018. Chủ tịch UEFA Michel Platini khi đó còn bị tố đã nhận quà hối lộ là một bức tranh Picasso.

Khi mới đây FIFA ra án đình chỉ bóng đá Nga, họ bị người hâm mộ thế giới mỉa mai về khẩu hiệu “bóng đá phi chính trị”. 

Nhưng trước đó, FIFA từng “ngó lơ” cho bóng đá Nga khi chấp nhận việc bộ trưởng thể thao nước này, ông Vitaly Mutko, ngồi ghế chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Nga giai đoạn 2015 - 2017 - điều trái với lập trường phi chính trị của FIFA.

Những kỳ Olympic mà Nga tổ chức cũng nhiều bê bối. Nếu Thế vận hội mùa hè Matxcơva 1980 bị nghi ngờ về doping thì tại Thế vận hội mùa đông Sochi 2014 lại là câu chuyện về sự lãng phí. 

Với kinh phí hơn 50 tỉ USD, Sochi 2014 trở thành kỳ đại hội thể thao tốn kém nhất lịch sử, cao hơn cả những kỳ Olympic mùa hè đắt nhất như Bắc Kinh 2008 (44 tỉ USD) hay Tokyo 2020 (28 tỉ USD).

Hàng loạt công trình được dựng lên tại Sochi, bao gồm các nhà thi đấu tối tân, khu làng ở VĐV, công viên Olympic… Nhưng chỉ chừng một năm sau khi Thế vận hội kết thúc, hầu hết trở thành “con voi trắng” - ám chỉ những công trình đắt giá nhưng vô dụng. 

Cả hiệu quả du lịch cũng không được như dân Nga kỳ vọng. Olympic Sochi trở thành một ví dụ điển hình của nạn tham nhũng, lãng phí ở Nga và là biểu tượng để nhiều người dân biểu tình khi muốn chống đối việc tổ chức các đại hội thể thao.

Những cuộc tẩy chay và án đình chỉ vì yếu tố chính trị vừa qua đã giáng thêm những đòn tối hậu nữa vào một nền thể thao vĩ đại với lịch sử trăm năm hùng mạnh.

Hạng trung ở Đông Âu

Trước khi bị FIFA đình chỉ, hy vọng tham dự World Cup 2022 của Nga cũng không có gì chắc chắn. Họ lọt vào vòng play-off nhưng nằm cùng nhánh đấu với Ba Lan, Thụy Điển và CH Czech - cả ba đội đều được đánh giá mạnh hơn. 

Trên bảng xếp hạng FIFA, Nga hiện xếp thứ 35, kém 5 đội tuyển Đông Âu là Croatia, Serbia, Ukraine, Ba Lan và CH Czech. Còn trên bảng xếp hạng giải đấu của UEFA, Giải vô địch quốc gia Nga cũng đang bị Ukraine, Serbia và CH Czech vượt mặt những năm gần đây.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận