TTCT - Mong sao IMO xong lại tiếp tục được giải tiếp những vấn đề khó. Và dù mong ước chưa là sự thật do trình độ đặt đầu bài còn kém thì với tinh thần IMO, chúng ta phải săn tìm những vấn đề khó... Tôi may mắn sinh ra trong gia đình mà sự học được bố mẹ và cả gia đình chú ý từ ngày đầu tiên. Quà tặng của tôi luôn là những cuốn sách mới, tấm gương của tôi là những người bác, người cậu đã học thành tài. Vì thế không ngạc nhiên khi mục tiêu học phổ thông của tôi là thi toán và thi toán, điều mà em trai tôi cũng duy trì triệt để. Kết quả hai anh em đều kiếm được hai cái huy chương bạc IMO (Nguyễn Trung Tú, huy chương bạc IMO 1999 - chú thích của BTV). Bây giờ anh em tôi đều không nhớ hai cái huy chương này treo ở đâu nữa, nhưng chắc chắn không có ở nhà bố mẹ tôi, ông bà cũng không để những thành tích này hiển hiện quá nhiều tại gia đình. Bởi chúng tôi luôn ý thức được rằng: thi IMO thì tốt, nhưng sau đó thì làm gì nữa? Biết ơn và may mắn Ngay khi thi xong làm trọn vẹn năm bài và biết chắc được giải, tôi đã tách đoàn đi dạo một vòng Đại học York tại Toronto. Lúc đó, tôi cảm thấy trút bỏ được một gánh nặng rất lớn: đó là cảm giác đã không phụ công bố mẹ. Nhưng cũng từ lúc đó, tôi thấy lờ mờ một trách nhiệm khác nổi lên. Tôi cảm thấy ngoài những lo lắng của bố mẹ, gia đình, hình như tôi đã mắc nợ rất nhiều sự cổ vũ tiếp sức của bạn bè, của thầy giáo, của xã hội. Đến giờ tôi vẫn nhớ như in, nhóm bạn thân của tôi tại cấp III đã vui mừng như thế nào khi biết tin tôi được vào đội tuyển, ánh mắt chia vui của các bạn nữ học cùng tôi từ cấp II lên cấp III, rồi rất nhiều bạn khác trong lớp như Đắc Phương, người ngồi cạnh đã giúp tôi qua hầu hết các môn xã hội. Tôi nhớ đến sự ân cần của thầy Điều khi tôi nhập học vào khối, của thầy Hòe chủ nhiệm lớp luôn biết hết mà bỏ qua cái sự ngỗ nghịch của “đầu gấu Hải Phòng”, hay hình ảnh của thầy Mậu khi thầy nhất quyết không nhận tiền học thêm của bố tôi đưa (theo giá thông lệ thì mỗi giờ học ngày đó bằng nửa tháng lương của bố tôi lúc đó), nụ cười nhẹ của thầy Phất dù luôn chỉ cho tôi điểm 7 hình nhưng mắt thầy vui lắm khi tôi chỉ giải hình bằng hình sơ cấp dù thầy dạy phương pháp hình cao cấp an toàn hơn, và đương nhiên, của thầy Nguyên - người từ lớp 9 tôi đã thầm coi như người bạn lớn luôn đồng hành với tôi..., và của rất nhiều người thầy, người bạn khác. Những tình cảm đó hình như đã giúp hình thành trong tôi một giọng nói vẫn thường vang lên khi tôi gặp khó khăn hay ngay cả khi tôi có được những thành tựu: “Tôi may mắn nên tôi phải sống và làm việc cho xứng đáng với sự may mắn đó”. Không may mắn sao được khi ở gia đình, tôi được chăm sóc chỉ để học tốt, ở trường thì suốt từ cấp II, cấp III tôi đã có học bổng, được học trong những môi trường học tập tốt nhất, được du học bằng học bổng, ra đời về nước thì được nhận thu nhập cao hơn. Chọn một lối đi Tuy nhiên, tôi không chọn con đường hàn lâm, không vào hệ thống chính trị (dù tôi từng ở trong Trung ương Đoàn), không vào nhà nước (dù nhận được lời mời của Thứ trưởng Chu Hảo về Bộ KH-CN khi tôi chưa tới 30 tuổi), mà chọn phát huy ngành nghề được học - khoa học máy tính - thông qua việc lập doanh nghiệp và bươn chải. Chính con đường này đã cho tôi những bầm giập lên xuống, tôi bị bội ước và phá sản hơn một lần, nhưng cũng có những lúc đạt những thành tựu đáng kể. Chính những lúc này giọng nói trong tôi lại vang lên to nhất: “Tôi phải sống và làm việc cho xứng đáng”. Lao lực 10 năm vừa qua để mong có được sự phát triển ổn định, tôi dường như đã quen và đã quên dần, nhưng tại bữa ăn trưa trong hội thảo STEM với giáo dục phổ thông hôm thứ ba 25-7, tiếng nói đó lại vang lên không phải chỉ trong tôi mà qua một người thầy ngồi đối diện tôi, thầy Hồ Sĩ Đàm. Được nghe, được hiểu những khó khăn thầy phải vượt qua chỉ để làm một việc thật là đương nhiên, là “Chương trình cần dành thời gian đủ lớn cho môn tin học”, cộng với việc trước đó được nghe thầy Đỗ Đức Thái chia sẻ về bất cập của giáo dục (như trăn trở việc môn toán bị cắt đi chỉ vì xã hội nghĩ con mình đang học nặng - đây là hiệu ứng rất xấu của truyền thông, các bạn nhà báo ạ), tôi thấy việc mình làm có vẻ như chưa thấm vào đâu, chưa đáng gì, con đường còn dài và gian nan lắm. IMO và quá trình luyện tập toán học là một nền tảng tốt để tôi học được cách giải các bài toán khó, dù cách giải toán đó không áp dụng được nhiều trong thực tiễn. Nhưng chính quá trình giải toán đó tạo cho tôi thói quen không sợ việc khó. Vì thế, vấn đề còn lại là chọn bài toán khó nào để giải mà thôi. Những IMO, những người học toán cũng như những người học tập trau dồi hết mình trong các môn học khác, kể cả các môn thể thao, nghệ thuật đều có phẩm chất “không sợ khó”. Điều này, theo tôi, là quý giá trong bối cảnh đất nước đầy rẫy các vấn đề nan giải. Vì vậy, sẽ là rất may mắn nếu những người này được tiếp tục đương đầu với những việc khó. Tôi nghĩ việc không giao việc khó cho những người này là một vấn đề lớn của xã hội, ngược lại việc chọn sai “bài toán khó” cũng là vấn đề của những người này. Trong nghiên cứu của chúng tôi về mô hình phát triển của Singapore, thông qua những chuyên gia cố vấn hàng đầu của Singapore thì phẩm chất số 1 của người Singapore là không sợ khó, hiện nay nó được nâng lên thành một yêu cầu của giáo dục, dưới bóng khái niệm thời thượng là “complex problem solving skill” (kỹ năng giải quyết vấn đề phức tạp). Một người bạn già của tôi nói thực ra đấy là xui bọn trẻ dám đương đầu với việc khó, quan trọng nhất là giải quyết được khâu khó nhất được nhấn mạnh trong kỹ năng này, đó là: đặt đầu bài sao khó cho đúng - “vấn đề lớn nhất của đặt đầu bài đúng là đầu bài phải hàm chứa nghịch lý”. Tìm hiểu về phát triển của Israel, Đài Loan cũng đưa ra kết quả tương tự. Vì vậy, mong sao IMO xong lại tiếp tục được giải tiếp những vấn đề khó. Và dù mong ước chưa là sự thật do trình độ đặt đầu bài còn kém thì với tinh thần IMO, chúng ta phải săn tìm những vấn đề khó... Chỉ có điều khác là lần này dù có giải trọn vẹn, xuất sắc thì cũng sẽ không có huy chương nào cả. ■ Tags: Giải thưởngToán họcHọc toánIMO
50 năm Hiệp định Hòa bình Paris: Ký ức lịch sử của một người phiên dịch ĐINH THÚY NGA 27/01/2023 3890 từ
Lần đầu tiên chọn giám đốc bệnh viện qua thi tuyển: Để nghĩ xa hơn một vùng an toàn HOÀNG LỘC - K.YÊN 23/01/2023 1609 từ
Dịch vụ y tế theo yêu cầu: "Khám giáo sư" và chuyện viện phí đúng, đủ L.ANH - X. MAI - D.LIỄU 23/01/2023 1751 từ
Sử gia Pierre Brocheux: Thực dân hóa là vấn đề các sử gia phải giải quyết NGUYỄN QUANG DIỆU 23/01/2023 3018 từ
Bị khởi tố vì không cứu người gặp tai nạn LÊ MINH - TUYẾT MAI 01/02/2023 Viện Kiểm sát huyện Can Lộc, Hà Tĩnh đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với Nguyễn Thị Hằng (32 tuổi, ngụ tại Mỹ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) về hành vi "không cứu giúp người đang ở trong tình trạng nguy hiểm".
Truy thăng quân hàm cho phi công Trần Ngọc Duy HÀ THANH - NAM TRẦN 01/02/2023 Bộ Quốc phòng đã ký quyết định truy thăng quân hàm sĩ quan trước thời hạn đối với phi công Trần Ngọc Duy hy sinh trong thực hiện nhiệm vụ huấn luyện chiến đấu.
Tin tức thế giới 1-2: Mỹ chuyển vũ khí tầm xa cho Ukraine; Pháp cho thêm 12 pháo Caesar TRẦN PHƯƠNG 01/02/2023 Mỹ sẵn sàng gói hỗ trợ vũ khí tầm xa cho Ukraine; Ukraine tổ chức thượng đỉnh với Liên minh châu Âu (EU) tại Kiev.
Mời bạn tìm hiểu cách tặng sao và đăng ký Tuổi Trẻ Sao TUỔI TRẺ ONLINE 01/02/2023 Sau một thời gian để bạn đọc trải nghiệm miễn phí phiên bản không quảng cáo hiển thị với nhiều tính năng, Tuổi Trẻ Sao chính thức vận hành từ hôm nay 1-2-2023.
Ông Putin tuyên bố 'bị lừa hoài' nên mới đánh Ukraine NHẬT ĐĂNG 18/01/2023 Chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine được phát động nhằm chấm dứt cuộc chiến tại miền đông Ukraine, sau thời gian dài Matxcơva bị lừa liên tục, theo Tổng thống Nga Vladimir Putin.