Thi thế nào?

HÀ HUY KHOÁI 07/09/2013 05:09 GMT+7

TTCT - Câu hỏi “thi thế nào” góp phần quan trọng trả lời cho câu “học thế nào”. Ít nhất thì điều này cũng đúng ở Việt Nam.

Vấn đề “bỏ hay giữ các kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học” đang được dư luận quan tâm. Nhiều nhân vật khả kính đã có ý kiến về vấn đề này. Gần đây nhất là hai bài của GS Ngô Bảo Châu và GS Nguyễn Tiến Dũng.

Thú thật là tôi chỉ nhìn cái “tít” chứ không đọc hai bài đó. Không phải vì lười như thường lệ, mà vì chăm. Tôi biết đó là hai giáo sư có những suy nghĩ sâu sắc và lý luận chặt chẽ. Đọc họ thế nào suy nghĩ của mình cũng bị ảnh hưởng, thậm chí vì lười nên sẽ không nghĩ gì thêm! Bởi thế nên nghĩ thế nào cứ viết thế đã.

Tôi không phải là thầy giáo hay người làm giáo dục “chuyên nghiệp”. Vậy nên không có ý nói một cách “toàn diện”, “chặt chẽ”. Chỉ là vài ý tưởng vụn vặt thôi. Mà thật ra chỉ có một ý. Đó là làm thế nào để bảo đảm “công bằng xã hội” trong học và thi.

Theo tôi thì tư chất của con người phân phối đều trong các vùng miền. Khó có thể nói người Hà Nội “nói chung” thông minh hơn người Hà Giang. Vậy nhưng chất lượng học sinh ở hai nơi hoàn toàn khác nhau. Chắc ai cũng thừa nhận lý do chủ yếu là điều kiện sống, điều kiện học hành.

Một số giáo viên Hà Giang nói với tôi: “Đồi Ngô thật ra là chuyện nhỏ. Ở chỗ họ, có trường khi thi tốt nghiệp THPT thầy không những phải bày hộ trò, mà còn phải vẽ hộ cái đường tròn. Nếu để cho trò loay hoay tự vẽ thì khi cái compa gần kết thúc vòng là lại chệch đi, phải xin thêm tờ giấy khác!”.

Đừng nghĩ các thầy cô ở đó “tiêu cực”. Họ không những không nhận đồng tiền nào của học sinh, mà nhiều khi còn phải bỏ tiền túi giúp các em thêm. Vấn đề là nếu không làm thế, có thể cả trường không em nào đỗ tốt nghiệp. Mà sau đó chắc chắn sẽ không em nào đi học nữa. Nên nếu thực hiện nghiêm túc “hai không” thì sẽ thêm cái “không” thứ ba là vùng cao không còn cái chữ! Rồi sẽ lấy ai làm việc ở các vùng sâu vùng xa?

Vậy thì phải làm thế nào để kỳ thi ở đó vẫn nghiêm túc mà học sinh vẫn đỗ tốt nghiệp? Thiết nghĩ khi điều kiện đã không “chung” thì không nên có kỳ thi tốt nghiệp với bài thi chung. Chắc chắn các em ở Hà Giang cần những kiến thức bảo vệ rừng hơn là “khảo sát và vẽ đồ thị hàm số”. Vậy thì hãy thi cái gì đó về rừng. Tôi chắc các em không đến nỗi phải nhờ thầy cô, và không đến nỗi phải bỏ học mà kỳ thi vẫn có thể tiến hành rất nghiêm túc.

Muốn vậy phải có những đề thi thích hợp với từng vùng. Có thể là từng tỉnh, có thể là một số tỉnh chung nhau. Nhưng đừng dùng chung đề thi để rồi có thêm cái “chung” nữa là thi “không nghiêm túc”. Có nơi không nghiêm túc vì tiêu cực, nhưng có nơi họ buộc phải “không nghiêm túc” vì không thể làm khác.

Với kỳ thi đại học, chúng ta có chính sách “ưu tiên”. Vùng khó khăn được cộng điểm. Nhưng một khi học sinh ở vùng khó khăn có trình độ quá thấp so với đề thi chung rồi thì việc cộng điểm ít có ý nghĩa. Lại trở về cái “tiên đề” mà tôi rất tin là “nói chung tư chất được phân phối đều” để thử tìm một giải pháp thật sự công bằng. Công bằng theo nghĩa: người có tư chất ngang nhau thì được tạo điều kiện học ngang nhau.

Nếu được quyết định, tôi sẽ đưa ra phương thức sau: Trong tổng số chỉ tiêu vào đại học dành 20% để lấy theo số điểm từ cao xuống thấp. 80% còn lại được chia đều theo tỉ lệ học sinh các tỉnh. Ở mỗi tỉnh sẽ lấy điểm từ cao xuống thấp. Nếu tỉnh nào muốn bảo đảm sự công bằng trong tỉnh mình do điều kiện vùng miền thì có thể lặp lại cách làm tương tự cho tỉnh mình.

Làm như vậy các em giỏi ở các thành phố lớn không bị thiệt mà bảo đảm công bằng xã hội hơn cách làm hiện nay. Nếu lo các em ở địa phương kém (rõ ràng là chỉ về trình độ tạm thời chứ không phải về tư chất) thì có thể mở những lớp bồi dưỡng (dự bị) cho các em.

Hình như cách làm tương tự cũng đã được dùng khi “tuyển” các nghị sĩ. Cũng chưa thấy ai lo các nghị sĩ có trình độ chênh lệch nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận