Thị trường streaming ở Việt Nam: Sân chơi còn rộng

TỊNH ANH 13/12/2019 23:12 GMT+7

TTCT - Cách đây hơn 5 năm, việc một người không muốn bỏ tiền xem một bộ phim bom tấn đang chiếu rạp mà “chờ trên mạng có” đồng nghĩa với chờ coi trên các trang phim lậu. Ngày nay, khi VOD có bản quyền không còn quá xa lạ ở VN, câu chuyện đã khác.

 

Netflix và AppleTV+ là 2 trong số các dịch vụ streaming nước ngoài hiện đã có tại Việt Nam. Ảnh: ft.com
Netflix và AppleTV+ là 2 trong số các dịch vụ streaming nước ngoài hiện đã có tại Việt Nam. Ảnh: ft.com

Thị trường dịch vụ VOD có thu phí để xem phim Hollywood, phim Việt, và phim từ các thị trường quen thuộc khác (Trung, Thái, Nhật, Hàn) tại VN còn khá non trẻ và những nhà cung cấp tham gia thị trường này không ít thì nhiều đều có chung một mục tiêu khó nhằn: thay đổi thói quen và hành vi của khán giả.

Nếu không bỏ tiền mua vé ra rạp thì cũng chấp nhận sử dụng các dịch vụ premium (có tính phí), giống như các trang nhạc trực tuyến trong nước đã bắt đầu thu phí, theo mô hình của những Apple Music hay Spotify.

Thị trường còn rộng

Tháng 1-2016, Netflix chính thức thông báo mở rộng đến hàng loạt quốc gia, trong đó có VN, và gần như cùng lúc, Fim+, thành viên của Công ty sản xuất phim Galaxy (Thiên Ngân), cũng ra mắt khách hàng trong nước. Cũng trong năm 2016, một tay chơi nội địa khác tham gia thị trường là DANET (thuộc Công ty TNHH Hãng phim Việt và được điều hành bởi BHD).

Hiện nay, ngoài 3 cái tên kể trên, thị trường xem video theo yêu cầu ở VN còn có những cái tên như Apple TV+, Clip TV (Công ty truyền thông Mega) và MyTV của VNPT. Nếu Netflix hay Apple TV+ là thuần SVOD thì các sản phẩm của VN ngoài đa nền tảng (chạy trên web, app di động, app trên smart TV và Android TV box) còn đa dịch vụ - vừa có SVOD lẫn TVOD, một số có cả AVOD (nội dung miễn phí kèm quảng cáo) như DANET hay truyền hình Internet như Clip TV và MyTV.

Việc một nhà cung cấp vừa có dịch vụ thuê bao trọn gói vừa cho thuê phim (trong vòng 48 giờ với giá từ 20.000 - 50.000 đồng/phim) là để thu hút người xem với các sản phẩm mới ra rạp. Vậy có hay không cuộc chiến streaming ở VN?

Theo bà Trương Nguyễn Thu Hà - giám đốc điều hành Fim+, Mỹ và VN là hai thị trường hoàn toàn khác nhau và vì thế câu chuyện giữa các nền tảng VOD có tính phí cũng rất khác nhau.

Trao đổi với TTCT, bà Hà cho biết độ thâm nhập thị trường của các dịch vụ VOD có tính phí ở Mỹ đến năm ngoái đã là 70%, năm nay là hơn 70%. Trong khi đó, theo số liệu của Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, độ thâm nhập thị trường của các dịch vụ này ở VN rất thấp, đều dưới 10% và chỉ tập trung ở các thành phố lớn.

“Khi một thị trường đã trưởng thành, khi có một tay chơi mới nhảy vào thì cách duy nhất để có khách hàng là lấy bớt thị phần của các dịch vụ cũ, vì hầu như người Mỹ cũng đang là thuê bao của ít nhất là một dịch vụ streaming.

Trong khi đó, thị trường VN theo hình dung của Fim+ là thị trường còn rất rộng, các dịch vụ mới không cần lấy thị phần của hãng khác để tăng thị phần của mình. Vì thế nếu nói “streaming war” là không đúng với trường hợp VN, hiện giờ vẫn đang là giai đoạn khai phá thị trường để chờ bùng nổ” - bà Hà nói.

Nếu ở Mỹ, các tay chơi mới liên tục nhảy vào chia lại miếng bánh thuê bao VOD, thì tại VN, bà Hà cho rằng càng có nhiều nhà cung cấp dịch vụ càng tốt. “Hiện mới có vài triệu người đang dùng dịch vụ VOD có trả phí, so với một thị trường 100 triệu người thì con số này hoàn toàn không đáng kể.

Càng có nhiều nhà cung cấp, khả năng nhiều người biết đến dịch vụ này sẽ nhiều hơn và cơ hội phát triển càng nhanh. Tóm lại, thị trường ở VN chưa có cạnh tranh khốc liệt, vẫn còn trong giai đoạn khai phá và định hướng, giúp khách hàng làm quen với sản phẩm” - bà chia sẻ.

Một dịch vụ trong nước khác là DANET đánh giá thị trường VOD tại VN còn rất mới và đang phát triển nóng trong khoảng 2 năm trở lại, vì số lượng nhà cung cấp dịch vụ cả nội địa lẫn nước ngoài ngày càng tăng, trong khi thế giới phim lậu khổng lồ vẫn còn tồn tại.

“DANET cũng như nhiều đơn vị kinh doanh khác đều nhận định đây là thời điểm để giới thiệu và tập cho người dùng làm quen (với dịch vụ VOD có trả phí) - ông Đình Vũ, đại diện truyền thông của BHD, cho biết - Vì người dùng Internet tại VN quá quen với các nội dung không bản quyền, miễn phí nên việc thay đổi thói quen đó cần rất nhiều thời gian, nhưng đây là lúc để tiếp cận người dùng, từ đó sẽ giữ chân họ đến với sản phẩm của mình”.

Lợi thế am hiểu địa phương

Dễ thấy các dịch vụ trong nước có lợi thế so với đối thủ nước ngoài là am hiểu thị hiếu người Việt, từ đó có thể nắm bắt được xu hướng thị trường, xây dựng nội dung cho người Việt nhanh nhạy hơn. Ngoài ra, kho phim điện ảnh Việt (vốn trước đây rất khó tìm vì các phim ít ra DVD, thành ra khó có bản online) cũng là vũ khí cạnh tranh hiệu quả của các dịch vụ trong nước.

Theo đại diện Fim+, Netflix khai sinh từ Mỹ và vì thế dễ thành công ở “quê nhà” và các nước nói tiếng Anh, song lại gặp vấn đề về thị hiếu ở các thị trường khác như Thái hay VN. Chẳng hạn, các series đình đám của Netflix như House of Cards hay Stranger Things rất thành công ở Mỹ, Úc và Anh, nhưng người châu Á không nói tiếng Anh lại thích phim khác. “Ở VN phim trên Netflix thành công nhất là 1 bộ phim Hàn” - bà Hà nói.

Netflix hiểu rõ điều này và bắt đầu đẩy mạnh quá trình địa phương hóa dịch vụ cho người dùng Việt, mà ví dụ gần nhất là việc ra mắt giao diện tiếng Việt và chuyến thăm VN của CEO Reed Hastings hồi tháng trước.

“Việc ra mắt giao diện tiếng Việt thể hiện cam kết của chúng tôi mang dịch vụ gần hơn đến người dùng ở các thị trường chúng tôi hiện diện. Chúng tôi dành hơn hàng ngàn giờ để lồng tiếng và phụ đề tiếng Việt cho các chương trình dành cho thiếu nhi, truyền hình, phim ảnh nhằm mang lại cho người xem trải nghiệm tốt nhất mà vẫn giữ được tính thú vị nguyên bản của câu chuyện” - đại diện Netflix trao đổi với TTCT qua email.

Hồi tháng 8, ông Kuek Yu-Chuang, giám đốc điều hành Netflix khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã thăm VN và bày tỏ mong muốn ký kết biên bản ghi nhớ với Bộ Thông tin và truyền thông về việc mua các bộ phim VN để chiếu trên nền tảng Netflix cũng như hợp tác cùng xuất khẩu phim VN ra các thị trường nước ngoài. Khi làm việc với Chính phủ VN, Hastings cũng cho biết Netfix muốn sản xuất tại VN.

Những bước đi mới này cho thấy dịch vụ VOD ở VN không thể chỉ dựa vào lợi thế “quân ta hiểu quân mình”. Thực tế, Fim+ cũng đã hé lộ kế hoạch tự sản xuất phim, trong khi DANET tiên phong trong việc làm “simulcast” - mua bản quyền, biên tập biên dịch, kiểm duyệt và phát sóng gần như cùng thời điểm với các đài truyền hình Trung Quốc, Hàn Quốc.

“Chiến lược này bắt đầu được thực hiện từ năm 2017 và giờ đây rất nhiều đơn vị khác cũng đã và đang đi theo hướng này để đem về rất nhiều những nội dung chính thống cho khán giả sớm nhất có thể” - đại diện DANET cho biết.

Các dịch vụ VOD có trả tiền ở VN cho phép xem phim chiếu rạp hoàn toàn hợp pháp. -Ảnh: The New York Times
Các dịch vụ VOD có trả tiền ở VN cho phép xem phim chiếu rạp hoàn toàn hợp pháp. -Ảnh: The New York Times

Cuộc chiến phim lậu

Các dịch vụ streaming ở VN có thể sẽ không phải “đấu” nhau để giành thị phần, mà có cùng chung đối thủ là các trang phim lậu. Bà Trương Nguyễn Thu Hà cho biết cần phải thừa nhận phim lậu là vấn nạn toàn cầu, không thể một ngày mà dẹp bỏ được. Kể cả ở Mỹ, châu Âu, hay các thị trường châu Á như Hàn Quốc, luôn luôn sẽ có những trang web lậu, nhưng vì sao tại các quốc gia đó dịch vụ VOD lại vẫn thành công?

Đơn giản vì chất lượng giữa dịch vụ có trả tiền và dịch vụ “chùa” là rất khác biệt. Trang phim lậu thiếu ổn định, hôm nay rao có phim mới, ngày mai đã gỡ ngay vì dính bản quyền. Các phim mới ra rạp thường chỉ có bản chất lượng kém trên mạng (bản quay trộm), phụ đề không chuẩn. Dịch vụ phim bản quyền sẽ giải quyết được hết các vấn đề trên.

“Các trang phim lậu dĩ nhiên luôn luôn tồn tại, và cuộc chiến giữa chúng và các trang VOD có thu phí vẫn sẽ song song tồn tại nhưng tôi tin tưởng chắc chắn các dịch vụ có bản quyền sẽ ngày một lớn lên. Cuộc chiến với phim lậu là một trở ngại nhưng không phải là trở ngại lớn nhất” - bà Hà nói.

Đại diện DANET lại chia sẻ băn khoăn về việc thị trường vừa tồn tại cả các đơn vị chính thống (có pháp nhân, đăng ký kinh doanh và chịu quản lý bởi các cơ quan chức năng) lẫn các đơn vị nước ngoài cung cấp dịch vụ bản quyền vào VN mà không chịu quản lý của pháp luật nước sở tại và các trang phim lậu.

Để “chơi đúng luật”, các nhà cung cấp vừa phải bỏ chi phí lớn để mua bản quyền nội dung về phát sóng, vừa phải tuân thủ nghiêm ngặt các nội dung về kiểm duyệt tại VN và theo sát các quy định rất chặt của các chủ phim, nhất là các đơn vị Hollywood, trong khi đó các trang phim lậu thì cung cấp miễn phí và không bị ràng buộc gì cả.

“Ví dụ như bộ phim bom tấn Avengers: Endgame chỉ được phép lên hệ thống 90 ngày và bắt buộc phải kinh doanh theo hình thức TVOD (thuê phim) chỉ trong 48 tiếng (...) nhưng nếu mình vi phạm kể cả cách marketing hoặc quảng bá, ngay lập tức studio sẽ tuýt còi và có thể dừng hợp tác” - ông Đình Vũ nói.■

Khảo sát Nielsen Global Video-on-Demand (thăm dò ý kiến hơn 30.000 người tại 61 quốc gia) công bố hồi tháng 3-2016 cho biết tại VN, hơn 9 trong 10 người Việt (91%) cho biết họ có xem các chương trình VOD, ở mọi thể loại và thời lượng, con số này ở khu vực Đông Nam Á là 76%.

Tại VN, hầu hết khán giả người Việt (91%) đều nói rằng họ xem chương trình VOD với mọi thể loại và họ xem trên nhiều thiết bị khác nhau từ TV đến máy vi tính và cả các thiết bị di động, và gần 7 trong 10 người Việt nói rằng họ xem VOD ít nhất 1 lần mỗi ngày. 90% người Việt được hỏi cho biết họ sử dụng dịch vụ chương trình VOD để xem phim, kế đến là xem các chương trình truyền hình (56%).

Fim+ ước đoán thị trường VOD ở VN năm 2019 trị giá khoảng 10 triệu USD và cho biết dịch vụ của mình chiếm 70% thị phần. “Vì thị trường còn sơ khởi nên tôi tin chưa có dịch vụ VOD nào hoàn vốn, tất cả vẫn đang chịu lỗ để phát triển thị trường. Tại thời điểm này, khai phá thị trường là quan trọng nhất” - bà Hà nói.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận