Thích nghi

TIỂU PHẨM XUÂN GIANG 18/05/2010 11:05 GMT+7

TTCT - Lẽ ra tiết dạy hôm ấy đã thành công tốt đẹp. Tôi cảm nhận rất rõ vẻ hài lòng của đoàn thanh tra cấp trên và ban giám hiệu, khi chỉ còn khoảng năm phút nữa là hết giờ. Mọi rắc rối phát sinh từ năm phút dư thừa đó.

Phóng to

Như một hiệp đá bóng, một tiết học ở bậc phổ thông cũng kéo dài 45 phút. Bình thường có xê xích chút đỉnh cũng không thành vấn đề gì, nhưng khi có cấp trên dự giờ thì thời khắc phải tuân thủ tuyệt đối. Các giáo viên đều biết rằng nếu bài học kết thúc vào đúng phút thứ 45 chắc chắn bạn sẽ được đánh giá rất cao về thái độ nghiêm túc trong giảng dạy.

Do đó, tiết dạy của tôi đã được ban giám hiệu duyệt đi duyệt lại nhiều lần. Tuy lần nào cũng tròm trèm 45 phút nhưng đến khi tổng duyệt, thầy thể dục vẫn được mời vào dự để bấm giờ cho chính xác.

Mọi việc tiến hành suôn sẻ cho đến khi tôi chuẩn bị kết thúc thì mới phát hiện còn hơn năm phút nữa mới hết giờ! Và cũng như trong bóng đá, không ai lại kết thúc hiệp đấu sớm bao giờ.

Có thể do tập dượt quá nhuần nhuyễn nên khi vận hành mọi sự trơn tru hơn, hoặc...?! Nhưng bây giờ không phải là lúc truy tìm nguyên nhân. Bằng mọi giá, tôi phải cho lớp tiếp tục hoạt động để tiêu thụ hết năm phút dư thừa này một cách hợp lý nhất.

Đối với một giáo viên lão luyện, điều này không phải khó. Tôi đằng hắng một tiếng, hai chân đứng nghiêm, hai tay xoa vào nhau, gương mặt tươi cười và cất giọng vô cùng biểu cảm:

- Nói tóm lại, khi điều kiện sống thay đổi, con người hình thành thói quen mới và ức chế dần thói quen cũ để thích nghi. Nhờ đó, mọi vật mới tồn tại và phát triển... Các em hãy cho một ví dụ cụ thể để minh họa điều này.

Cả lớp bỗng im phăng phắc, hoàn toàn khác với thái độ sôi nổi lúc nãy. Điều này dễ hiểu, vì đây là câu hỏi phát sinh không nằm trong kế hoạch. Tôi nhanh nhảu gợi ý:

- Các em đừng nghĩ những gì xa xôi. Hãy nhớ lại xem điều kiện sống của gia đình các em dạo này có gì thay đổi không? Chẳng hạn thu nhập tăng giảm gì đó... Mạnh dạn lên!

Có lẽ lời kêu gọi của tôi quá khẩn thiết nên bọn học sinh bắt đầu lao xao, đùn đẩy. Cuối cùng, như mọi khi, lớp trưởng lại miễn cưỡng đứng lên:

- Dạ... lúc trước nhà em ăn cơm có rau, có thịt... Bây giờ... bố em mới được tăng lương...

Đột nhiên nó ngắc ngứ, tôi vội mớm ý:

- Tốt, rất tốt! Vậy bây giờ nhà em sẽ ăn gì nhiều hơn để phù hợp với đồng lương mới?

- Dạ... nhiều rau hơn ạ!

Tất nhiên đó không phải là đáp án được mong đợi. Tôi làm lơ, bẻ lái:

- Còn ai có ví dụ khác không?

Đã quá quen với cách học mẫu, bọn học trò lao xao giơ tay. Khổ nỗi, xoay tới xoay lui cũng chỉ “Lúc trước em ăn cái này... Mấy bữa rày em ăn cái khác”. Năm phút đã gần hết! Đến lúc phải đưa ra một ví dụ xác đáng và có tính giáo dục cao để chốt lại bài. Tôi đập mạnh cây thước xuống bàn để vãn hồi trật tự. Biện pháp này tuy không được chính thống lắm nhưng luôn cho hiệu quả tức thì.

- Tất cả chú ý! Khi chạy xe, gặp đèn đỏ ta làm gì?

Cả lớp đồng thanh:

- Dừng lại!

- Rất tốt! Thầy biết một bạn trẻ có thói quen xấu là hay chạy xe vượt đèn đỏ.

Tôi cố tình dừng một lúc để gợi tính tò mò của học trò. Quả nhiên chúng sụp bẫy ngay:

- Rồi sao nữa ạ?

- Cậu ta bị thổi phạt rất nhiều lần...

- Rồi sao nữa ạ?

- Nên đã hình thành được thói quen dừng xe khi có đèn đỏ và quên dần đi tật vượt ẩu, để thích nghi...

Lũ học trò hào hứng hỏi tới:

- Rồi sao nữa thầy?

Lần này đến phiên tôi sụp cái bẫy của chính mình. Đây là câu hỏi không hề mong đợi nên tôi lúng túng một lúc và cuối cùng, thở dài. Biết sao được! Khi vào nghề, tôi đã thề không bao giờ nói dối học trò:

- Một hôm, gặp đèn đỏ, cậu ta đã thích nghi nên dừng lại! Khổ nỗi, chiếc xe tải phía sau lại chưa kịp... thích nghi!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận