Thiết bị dạy học cũng cần thay đổi

NGUYỄN TRUNG NGUYÊN 26/11/2013 03:11 GMT+7

TTCT - Hiện nay, thiết bị dạy học trong nhà trường chưa đáp ứng việc phục vụ giảng dạy của giáo viên. Chưa nói đến số lượng còn thiếu, mà cả chất lượng thiết bị cũng cần xem lại.

Phóng to
Thực hành, thực nghiệm tốt sẽ giúp học sinh hiểu rõ hơn môn học mà các em đang theo đuổi - Ảnh: Như Hùng

Mười năm trước, các trường được trang bị một số la bàn để dạy về phương hướng ở môn địa lý. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu thì nỗi thất vọng ập đến ngay: do kim chỉ hướng bắc - nam trên la bàn bị ráp ngược nên khi dạy, giáo viên luôn nhắc nhở các em phải hiểu ngược lại.

Không rõ lỗi từ nhà sản xuất hay từ việc kiểm định. Nhiều thầy cô gặp khó khăn khi lý thuyết và sử dụng thiết bị thực tế ngược nhau như vậy. Tiếc là sau nhiều lần kiến nghị, những mẫu la bàn này không được thu hồi và cũng không cấp mới mẫu nào khác nên khi cần thiết, người dạy phải tự tìm từ những nguồn khác.

La bàn dạy môn địa lý thiết kế hai màu đỏ - xanh, la bàn sử dụng trong môn vật lý thì hai màu đỏ - trắng. Dù sử dụng màu nào cũng phù hợp, nhưng thống nhất trong nhà trường có lẽ sẽ hay hơn, người dạy không phải mất thời gian giải thích cho học sinh.

Vật lý là môn khoa học thực nghiệm, thế mà nhiệt kế không chính xác, lò xo tính lực tác động thiếu độ đàn hồi làm người dạy thiếu tin tưởng vào thiết bị. Độ chính xác thay đổi bất chợt không như dự tính, dù giáo viên đã cẩn thận thao tác trước. Cán bộ phụ trách thiết bị giải thích rằng sai số là do thiết bị tính ở điều kiện chuẩn về áp suất, độ cao, nhiệt độ nên số liệu sẽ không khớp với lý thuyết bài học.

Ví dụ, thiết bị bộ nguồn ổn áp khi đo chỉ số vôn thường bị lệch khi so trên mặt kim đồng hồ với bảng công tắc. Lỗi này được giải thích do nhà sản xuất công nghệ lắp ráp chưa chính xác.

Thầy cô dạy môn hóa lại lo lắng vì chất lượng hóa chất được cung cấp không như thông tin trên bao bì. Việc thầy trò hoảng hốt trong giờ thực hành thí nghiệm vì hóa chất gây nổ, tạo khói... đã xảy ra cũng chưa được kết luận là do chất lượng hay do khâu bảo quản của người quản lý.

Chỉ biết các trường đều bố trí người phụ trách phòng thí nghiệm đủ chuẩn chuyên môn và thầy cô bắt buộc phải thao tác đôi lần trước khi dạy. Những trường hợp này, trường thường không báo cáo về trên, xem đây là những sai sót kỹ thuật ở tỉ lệ thấp phải chấp nhận.

Ở các môn khoa học xã hội như sử, văn, việc thiếu tranh ảnh là bình thường. Không rõ để tiết kiệm hay do trình độ hạn chế của bộ phận chuyên môn mà việc xuất hiện hàng chục tấm ảnh trên cùng một thiết bị là phổ biến hiện nay, gây khó khăn cho học sinh khi cần quan sát một tư liệu liên quan đến bài học. Chưa kể vì dồn hết trên một diện tích giới hạn nên kích thước ảnh lớn nhỏ không đều, ảnh in màu xen lẫn ảnh trắng đen làm rối mắt học sinh.

Ngoài ra, nhiều ảnh không cùng một chủ đề dễ làm học sinh phân tâm qua chủ đề khác. Vấn đề biển đảo và chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa chưa có các tư liệu mà báo chí đã thông tin như bản đồ ở các thế kỷ trước, lễ khao lề thế lính Trường Sa... Môn giáo dục công dân hầu như không có tranh ảnh phục vụ học tập, ngoại trừ các mẩu chuyện đọc có ở sách giáo khoa.

Một điều đáng lưu ý là tranh ảnh trong sách giáo khoa chưa đạt giá trị cao về mặt mỹ thuật. Ví dụ sách giáo khoa công dân 9 toàn bộ ảnh chỉ là trắng đen trên nền giấy chất lượng thấp. Về nội dung trên các bản đồ lịch sử, do in trắng đen nên chỉ sử dụng màu xanh dương để chỉ quân ta, còn màu đen để chỉ quân giặc.

Còn trên bản đồ treo tường thì màu đỏ để chỉ quân ta, màu đen chỉ quân giặc. Vì vậy khi kết hợp giữa sách giáo khoa và xem bản đồ treo tường, học sinh cũng gặp lúng túng. Kích thước bản đồ treo tường cũng không thống nhất, có tấm quá lớn khiến học sinh chỉ quan sát được nửa phía trên. Qua thực tế, nhiều thầy cô nhận thấy kích thước cỡ A0 là hợp lý nhất cho giảng dạy, nhưng có quá ít bản đồ như thế.

Ngành giáo dục luôn kêu gọi đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, nhưng việc đổi mới thiết bị chưa được quan tâm nhiều. Phòng dạy tin học vẫn sử dụng máy tính đã qua năm bảy năm. Học sinh chưa có cơ hội ngồi trước màn hình LCD, dù ngành y tế đã có khuyến cáo nên thay đổi màn hình cũ bằng loại LCD để tránh các bệnh về mắt cho học sinh.

Bên cạnh đó, nhiều phòng nghe nhìn phục vụ học ngoại ngữ trị giá vài trăm triệu đồng sau khi được đầu tư cũng chưa phát huy tác dụng vì các lỗi kỹ thuật cần chuyên viên giải quyết, mà điều này nằm ngoài tầm tay của trường về chuyên môn cũng như kinh phí.

Thiết bị trong nhà trường được cung cấp đầy đủ với chất lượng cao chắc chắn sẽ giúp nâng cao chất lượng dạy và học hơn nữa.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận