TTCT - Trong thảm họa tràn dầu vịnh Mexico, tìm cách hạn chế thông tin, đánh giá thấp mức độ thiệt hại, phản ứng chậm trễ... BP đã hứng chịu hậu quả nặng nề. Còn Chính phủ Hoa Kỳ đã phản ứng ra sao? Trong vụ tràn dầu vịnh Mexico, BP phải đối diện đến hai cuộc khủng hoảng: tràn dầu và niềm tin -CBS News Tổ chức phi chính phủ Oceana (Hoa Kỳ) với sứ mệnh bảo vệ và phục hồi các đại dương hồi tháng 4 đã công bố báo cáo Thời điểm để hành động: 6 năm sau vụ Deepwater Horizon, kết luận những tác động đến hệ sinh thái đại dương do thảm họa này gồm thiệt hại cho ngành thủy sản ước tính khoảng 8,7 tỉ USD đến năm 2020, mất 22.000 việc làm; khoảng 50.000 người tham gia dọn dẹp dầu tràn đã bị tiếp xúc với hóa chất gây tổn hại nghiêm trọng mô phổi; công nhân dọn dẹp, vợ chồng của họ và ngay cả cư dân vùng vịnh bị ảnh hưởng gián tiếp bởi vụ tràn dầu cũng bị tăng lo âu và trầm cảm mà có thể mất một thập kỷ hoặc nhiều hơn để phục hồi tâm lý; khoảng 800.000 con chim bị chết; môi trường sống của các loài quý hiếm như cá heo, rùa biển bị đe dọa dẫn đến giảm tỉ lệ sinh sản; tổn thất các rạn san hô... Hiệp hội Du lịch Hoa Kỳ ước tính tổn thất cho ngành du lịch do thảm họa Deepwater Horizon khoảng 23 tỉ USD trong vòng 3 năm. Oceana cho biết các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để hiểu rõ quy mô tàn phá của thảm họa đối với động vật, thủy sản và sức khỏe con người, đồng thời nhấn mạnh rằng những hậu quả thảm khốc có thể xảy ra ở bất kỳ khu vực nào của Hoa Kỳ, nơi các hoạt động dầu khí đang diễn ra, đặc biệt là những hoạt động này đang di chuyển vào những vùng nước sâu hơn và nguy hiểm hơn. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã công bố mức án phạt trị giá 20,8 tỉ USD đối với BP vì sự liên quan trực tiếp đến thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon, trong đó gồm 5,5 tỉ USD án phạt dân sự do vi phạm Đạo luật nước sạch, số còn lại dùng để chi trả cho công tác khôi phục hệ sinh thái và bồi thường thiệt hại kinh tế cho năm bang vùng vịnh bị ảnh hưởng. Phản ứng của chính phủ Hoa Kỳ Do mức độ nghiêm trọng của vụ tràn dầu, sự phức tạp của những nỗ lực ứng cứu, các tác động tiềm năng đến sức khỏe cộng đồng và môi trường, thảm họa này cần có những hoạt động điều phối và hợp tác bất thường giữa các cơ quan liên bang và các bang, chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội và BP. Cơ quan đầu tiên của Hoa Kỳ tham gia ứng cứu sự cố từ những giây phút đầu tiên là Lực lượng tuần duyên. Đô đốc Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ được chỉ định làm chỉ huy trưởng cứu nạn quốc gia. Lực lượng tuần duyên Hoa Kỳ là cơ quan điều hành Trung tâm Phản ứng quốc gia (NRC), đầu mối liên lạc duy nhất thuộc Chính phủ Hoa Kỳ để báo cáo về tất cả các sự kiện ô nhiễm môi trường như tràn dầu trên biển, phóng xạ hay chất hóa học thoát ra môi trường, chất ô nhiễm gây hậu quả cho hệ sinh thái... ở bất cứ nơi đâu trên nội địa Hoa Kỳ hay các lãnh thổ của Hoa Kỳ. Trong vòng một tháng rưỡi, Tổng thống Obama đã thực hiện bốn chuyến thị sát đến Louisiana, Mississippi, Alabama và Florida gặp gỡ ngư dân và Lực lượng tuần duyên, kiểm tra hoạt động làm sạch bờ biển... và làm việc với lãnh đạo BP, yêu cầu BP thiết lập quỹ tài chính ứng cứu dầu tràn trị giá 20 tỉ USD. Ông đã có những bài phát biểu chia sẻ thiệt hại của người dân trong vùng bị ảnh hưởng, cập nhật tình hình ứng phó sự cố, đưa ra kế hoạch hành động để làm sạch dầu cũng như nhân sự được bổ nhiệm phụ trách hoạt động ứng phó và phục hồi môi trường, cung cấp thông tin về hỗ trợ người dân và phục hồi hoạt động kinh tế... Đến ngày 15-6-2010, Tổng thống Obama đã có bài phát biểu chính thức về thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon tại phòng Bầu dục của Nhà Trắng, trong đó ông đã cho biết kế hoạch hành động sắp tới để làm sạch dầu, các hoạt động thông tin hỗ trợ người dân và những gì sẽ thực hiện để ngăn ngừa thảm họa tương tự xảy ra. Tổng thống Obama nhấn mạnh “chúng ta buộc BP phải chi trả cho tất cả thiệt hại mà họ gây ra”, theo dõi chặt chẽ để đảm bảo rằng BP sẽ thực hiện các cam kết và xử lý khiếu nại của người dân một cách nhanh chóng, công bằng và kết luận: “Một trong những bài học chúng ta đã học được từ vụ tràn dầu này là chúng ta cần phải có những quy định tốt hơn, những tiêu chuẩn an toàn hơn và chế tài tốt hơn khi thực hiện khoan dầu ngoài khơi”. Để minh bạch thông tin liên quan đến những thiệt hại do thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon và quy trình bồi thường cho người dân và doanh nghiêp, Chính phủ Hoa Kỳ đã thiết lập một chuyên trang trên website của Nhà Trắng (www.whitehouse.gov/deepwater-bp-oil-spill), tại đây cung cấp thông tin chi tiết, các số điện thoại cần liên hệ và đường link về vai trò của các cơ quan chịu trách nhiệm ứng phó và xử lý thảm họa tràn dầu, thông tin cập nhật về an toàn không khí, thực phẩm và nguồn nước. Ngoài ra, website riêng RestoreTheGulf.gov cũng được thiết lập làm cổng thông tin điện tử chính thức của liên bang về ứng phó và phục hồi thảm họa tràn dầu Deepwater Horizon, cung cấp thông tin chi tiết về các hoạt động ứng phó, hiện trạng đang thực hiện, tin tức cập nhật, hướng dẫn yêu cầu bồi thường và các hỗ trợ khác, đường dẫn đến các cơ quan địa phương, bang và liên bang, đồng thời thiết lập chuyên trang trên các trang mạng xã hội Facebook, Twitter, Flickr, YouTube để giao tiếp hiệu quả đến mọi người quan tâm. Sai lầm của BP và bài học gì? BP phải xử lý đồng thời hai cuộc khủng hoảng xảy ra: thảm họa tràn dầu quy mô lớn và tổn hại về thương hiệu. Giữa lúc “nước sôi lửa bỏng” khi mà nỗ lực bịt giếng dầu còn chưa thành công và dầu tiếp tục tràn ra vịnh Mexico, giám đốc điều hành BP Tony Hayward đã sai lầm khi trả lời phỏng vấn tờ báo The Guardian ngày 14-5-2010: “Vịnh Mexico là một đại dương rất rộng lớn. Số lượng dầu đang chảy vào đó rất nhỏ so với tổng lượng nước”, sau đó vài ngày lại phát biểu với các phóng viên: “Tôi nghĩ rằng tác động môi trường của thảm họa này dường như rất, rất nhỏ”. Vì những phát ngôn sai lầm này, ông Tony Hayward đã bị thay thế bởi Robert Dudley. Trong bài báo “Quản lý khủng hoảng: các bài học từ vụ tràn dầu BP Deepwater Horizon” do hai tác giả Mohamed Mejri và Daniel De Wolf đăng trên tạp chí Business Management and Strategy năm 2013, các tác giả cho rằng BP phạm ít nhất bốn sai lầm trong xử lý khủng hoảng, đó là: phản ứng chậm trễ để khắc phục hậu quả khi sự cố xảy ra, đánh giá quá thấp mức độ thiệt hại, giám đốc điều hành Tony Hayward kém năng lực giao tiếp truyền thông và BP đã bằng mọi phương tiện để hạn chế hoặc trì hoãn các luồng thông tin đến công chúng, bao gồm cả việc các phóng viên bị cấm hoặc bị hạn chế tiếp cận thông tin. Việc BP đã chi ra 50 triệu USD để quảng cáo trên các báo The New York Times, The Wall Street Journal, USA Today và The Washington Post nhằm cải thiện hình ảnh khi thảm họa tràn dầu vẫn đang tiếp diễn và hàng nghìn người dân Mỹ đang điêu đứng cũng là một sai lầm. BP thậm chí còn dùng photoshop chỉnh sửa nhiều ảnh và đăng lên website của họ như là những hình ảnh mới từ các nỗ lực ứng phó dầu tràn, nhưng chỉ vài ngày sau BP phải chính thức thừa nhận sự thật và ngưng việc này sau khi bị phát hiện và bị lên án rộng rãi bởi các chuyên gia truyền thông cũng như dư luận. Để sửa chữa những tổn hại về thương hiệu, BP đã thực hiện một chiến dịch truyền thông, bao gồm lời xin lỗi của giám đốc điều hành Tony Hayward và nhận toàn bộ trách nhiệm trong việc làm sạch vịnh Mexico. Gần một năm sau khi thảm họa xảy ra, BP công bố báo cáo phát triển bền vững đầu tiên của mình sau thảm họa. Trong lời mở đầu, chủ tịch Robert Dudley thừa nhận rằng công ty đã xin lỗi vì những gì đã xảy ra, hứa hẹn cải tiến và xác nhận rằng an toàn đã trở thành ưu tiên số một của họ. Sau đó, BP tổ chức các cuộc hội thảo với các bên liên quan có ảnh hưởng trên thế giới (tại London, Washington D.C, New Orleans và Rio de Janeiro) để đối thoại nhằm tìm ra những mong đợi của các bên liên quan trong báo cáo phát triển bền vững của BP. Cũng hai tác giả Mohamed Mejri và Daniel De Wolf trong bài báo trên đưa ra bốn bài học về xử lý khủng hoảng nhìn từ góc độ quản lý, đó là: (1) Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) và quản lý khủng hoảng là những khái niệm có quan hệ trực tiếp với nhau; (2) Trong giai đoạn khủng hoảng, những phản ứng ban đầu có ảnh hưởng rất lớn đến hình ảnh và thương hiệu của doanh nghiệp (hoặc tổ chức); (3) Doanh nghiệp (hoặc tổ chức) phải xem các bên liên quan như là những đối tác hữu hiệu để quản lý khủng hoảng; và (4) Khủng hoảng còn đóng vai trò là lực lượng đổi mới tiềm năng của tổ chức. Các doanh nghiệp, các tổ chức sau đó nên học từ khủng hoảng để ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tiếp theo và có được những sự chuẩn bị khi sự cố xảy ra.■ Tags: Khủng hoảng
Giám đốc Xuyên Việt Oil bị đề nghị 30 năm tù TUYẾT MAI 25/11/2024 Sáng 25-11, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP.HCM đã luận tội với 15 bị cáo trong vụ án xảy ra tại Xuyên Việt Oil và các đơn vị liên quan.
Đang giao lưu trực tuyến: Những điểm mới về chuyển tuyến, chi trả bảo hiểm y tế TUỔI TRẺ ONLINE 25/11/2024 Dự kiến đầu tuần tới Quốc hội sẽ xem xét dự luật Bảo hiểm y tế sửa đổi với nhiều điểm mới như khám, chữa bệnh tại nhà được bảo hiểm chi trả...
Mạo danh shipper giao hàng lừa đảo ngày càng tinh vi CÔNG TRUNG 25/11/2024 Lừa đảo từ việc mạo danh shipper ngày càng tinh vi, khiến khách hàng lúng túng và rơi vào vòng xoáy mất tiền mà không hề hay biết.
Máy bay Nga bốc cháy dữ dội tại sân bay Thổ Nhĩ Kỳ THANH BÌNH 25/11/2024 Động cơ của chiếc máy bay chở khách do Nga sản xuất đã bốc cháy dữ dội sau khi hạ cánh tại sân bay Antalya, miền nam Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 24-11.