Thời của ông bà đã tới!

PHAN BẢO 01/03/2023 10:26 GMT+7

TTCT - Tuổi thọ trung bình tăng trong khi số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ giảm. Nếu tiếp diễn, hai xu hướng nhân khẩu học lớn này sẽ mở ra một giai đoạn mới, với số ông bà sẽ nhiều hơn số cháu.

Minh họa trong quyển “I Really Want to See you, Grandma" (Cháu thật sự muốn gặp bà) xuất bản năm 1979 của tác giả Taro Gomi (Nhật Bản).

Minh họa trong quyển “I Really Want to See you, Grandma" (Cháu thật sự muốn gặp bà) xuất bản năm 1979 của tác giả Taro Gomi (Nhật Bản).

Nhưng đó là tin tốt hay tin xấu?

Có bao nhiêu ông bà trên thế giới?

Tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh (life expectancy at birth) toàn cầu đã tăng từ 51 năm 1960 lên 72, trong khi tổng tỉ suất sinh trong cùng giai đoạn giảm một nửa, từ 5 con/phụ nữ xuống còn 2,4, theo Liên Hiệp Quốc.

Dựa trên các số liệu này và một số dữ liệu nhân khẩu học khác, Diego Alburez-Gutiérrez (Viện Nghiên cứu nhân khẩu học Max Planck, Đức) đã lập mô hình và ước tính được số lượng ông bà theo từng năm, từ 1960 đến hiện tại và dự báo đến 2050, ở gần 190 quốc gia, theo đặt hàng của tờ The Economist.

Cụ thể, trong nghiên cứu "Có bao nhiêu ông bà trên thế giới" (D. Alburez-Gutierrez, 2023), tác giả ước tính hiện có 1,5 tỉ ông bà trên thế giới. Năm 1960, con số này chỉ là nửa tỉ. Xét về cơ cấu dân số, trong cùng thời kỳ nêu trên, tỉ lệ người già đã tăng từ 17% lên 20%; ngược lại, tỉ lệ ông bà so với trẻ em dưới 15 tuổi đang tăng lên đều đặn, từ 0,46 năm 1960 lên 0,8 năm 2022.

Alburez-Gutiérrez dự đoán đến năm 2050, tỉ lệ trên sẽ tăng lên hơn 1. Khi đó thế giới sẽ có 2,1 tỉ ông bà, chiếm 22% nhân loại, và số lượng ông bà sẽ nhỉnh hơn một chút so với những người dưới 15 tuổi.

Tuy nhiên, dự đoán trên không áp dụng cho tất cả 196 nước trên toàn cầu, do đặc điểm dân số cao tuổi rất khác nhau theo từng quốc gia. Tỉ lệ người già ở Bulgaria là 29%, trong khi ở Burundi, chỉ có 10% dân số thuộc nhóm người cao tuổi. Độ tuổi trung bình của ông bà cũng dao động khá lớn, từ 53 ở Uganda đến 72 ở Nhật Bản.

Theo số liệu đầy đủ do Alburez-Gutiérrez cung cấp cho Tuổi Trẻ Cuối Tuần, năm 1960 Việt Nam có 5,02 triệu người có cháu nội ngoại (15,59% dân số), đến năm 2022 tăng lên 20,32 triệu ông bà (20,77% dân số). 

Theo kết quả tổng điều tra dân số năm 2019, Việt Nam có xấp xỉ 24 triệu trẻ em dưới 15 tuổi, nếu dùng con số ông bà theo Alburez-Gutiérrez năm 2020 là 19,74 triệu, thì tỉ lệ ông bà/cháu nước ta là 0,8, bằng mức trung bình thế giới theo ước tính của chuyên gia này.

Nhưng tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Để biết được tầm ảnh hưởng của thế hệ ông bà lên con cái và cháu của họ, chỉ cần xem chuyện gì đang xảy ra ở nơi thiếu vắng ông bà. Như Senegal chẳng hạn.

Nhờ có bà

Mặc dù mức sinh của Senegal đã giảm từ 7,3 trẻ sơ sinh trên một phụ nữ vào năm 1980 xuống còn 4,5, số lượng trẻ em dưới 15 tuổi vẫn nhiều hơn ông bà. Cụ thể, ở đất nước Tây Phi này cứ mỗi ông hoặc bà có đến 3,5 đứa cháu.

Nếu hỏi Amy Diallo có mấy cháu, cụ bà 84 tuổi phải ngẫm một hồi lâu mới đưa ra câu trả lời chính xác: tất thảy 30. Là thành viên lớn tuổi nhất trong gia đình, cụ Amy đòi hỏi sự tôn trọng và ở chiều ngược lại, bà răn dạy những thế hệ sau giữ gìn đạo đức và truyền thống.

Ngoài việc truyền lại truyền thống, những ông bà như cụ Amy còn là cánh tay đắc lực giúp ích cho các con và cháu của họ, theo The Economist. Dù chưa từng ra ngoài làm việc, cụ Amy đã tạo điều kiện để con cái làm được điều đó. Bà giúp Ndeye - một trong những cô con gái của bà - chăm tám đứa con trong lúc cô đi làm văn phòng.

Tuy nhiên, với tất cả tình yêu thương và nghĩa vụ của mình, rõ ràng bà Amy có muốn trông nom tất cả 30 đứa cháu cũng lực bất tòng tâm. Không may mắn như Ndeye, nhiều con gái và cháu gái của cụ Amy chưa bao giờ ra ngoài làm việc mà chỉ quanh quẩn nội trợ trong gia đình. Đây là xu hướng phổ biến ở Senegal: chỉ 1/3 phụ nữ trong độ tuổi lao động được đi làm hoặc có ý định tìm việc. Nếu càng có nhiều ông bà giúp các bậc cha mẹ trẻ chăm nom cháu như bà Amy, chắc chắn tỉ lệ phụ nữ đi làm sẽ tăng lên.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Ở đất nước Gambia láng giềng, nơi GDP trên đầu người năm 2021 chỉ gần bằng một nửa Senegal (772 USD so với 1.636 USD, theo World Bank), sự hiện diện của ông bà còn giúp giải quyết những vấn đề hết sức căn bản hơn là tỉ lệ phụ nữ tham gia lao động.

Một nghiên cứu ở nông thôn Gambia cho thấy nếu một đứa trẻ có bàn tay chăm sóc của người bà, khả năng chúng sống sót đến năm 2 tuổi tăng lên đáng kể. Ở các quốc gia khác vùng hạ Sahara, những trẻ sống với ông hoặc bà có tỉ lệ được đi học cao hơn khoảng 15% và 38% so với trẻ không có ông bà.

Ở những nơi giàu có hơn, mức sinh đã giảm nhiều hơn so với ở châu Phi. Ví dụ, một phụ nữ Mexico điển hình chỉ có hai con, giảm từ tỉ suất gần bảy con vào năm 1960. Tỉ lệ ông bà trên trẻ em ở Mexico cao gấp 3 lần so với Senegal. Do đó, ông bà người Mexico có nhiều thời gian hơn để chiều chuộng từng đứa cháu.

Chẳng hạn như trường hợp của Irma Aguilar Verduzco. Sống với con gái và hai cháu tên Rodrigo và Fernanda, bà Irma nấu ăn, đưa hai cháu đến trường và đọc sách cho chúng nghe. Vì vậy mà kể từ khi lên 3, Rodrigo, nay đã 16 tuổi, vẫn luôn thích uống một tách cà phê và ngồi trò chuyện với bà ngoại. Fernanda, hiện 12 tuổi, thì vẫn thích ngủ cùng bà. Trong khi đó, cô con gái của Irma làm quản lý 12 tiếng mỗi ngày tại dự án đường sắt Maya Train. Là một người mẹ đơn thân, cô con gái thừa nhận rằng cô "không thể làm được gì" nếu không có sự giúp đỡ của bà Irma.

Những người bà như Irma là nguồn lực chăm sóc chính cho trẻ nhỏ thiếu sự trông nom của cha mẹ ở Mexico, đặc biệt là kể từ khi đại dịch COVID-19 buộc nhiều nhà trẻ đóng cửa. Họ trông nom gần 40% số trẻ em dưới 6 tuổi.

Ngân hàng Phát triển Liên Mỹ, chuyên hỗ trợ tài chính cho khu vực Mỹ Latin và vùng Caribê, ước tính mỗi một người bà mất đi làm giảm 27% khả năng con gái bà được tham gia lực lượng lao động và giảm 53% thu nhập của người con gái. Không có nghiên cứu tương tự về ảnh hưởng của bà nội và chuyện đi làm của các ông bố.

Ở những thành phố lớn của Trung Quốc, các gia đình thường có đầy đủ bốn ông bà, hai cha mẹ trẻ và chỉ một đứa cháu. Những người bà lại thường nghỉ hưu vào độ tuổi 50. Vì vậy, không gì thích hợp hơn là gửi con nhỏ đến cho ông bà chăm vào các ngày làm việc và thăm chúng vào cuối tuần. Từ đó, dễ hiểu vì sao tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ Trung Quốc là 62%, còn cao hơn cả Mỹ.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Nếu ông bà được lựa chọn

Tùy nền văn hóa, việc để ông bà chăm cháu cũng có một số mặt kém tích cực.

Các nghiên cứu khác từ Mỹ, Anh, Trung Quốc và Nhật Bản cho thấy rằng một đứa trẻ sống gần ông bà có nhiều khả năng bị béo phì hơn, mặc dù vẫn chưa rõ điều này là do sự chiều chuộng của ông bà hay các yếu tố khác.

Ở Trung Quốc, phụ huynh ở các thành thị lo ngại sự quan tâm quá mức của ông bà có thể làm những đứa trẻ kém tự lập, trong khi những trẻ sống ở nông thôn có xu hướng chậm phát triển nhận thức, một phần do ông bà ở đó không biết chữ và ít trò chuyện với cháu.

Mặt khác, sống với ông bà không phải lúc nào cũng dễ dàng. Họ có thể có những ý tưởng lỗi thời hoặc đòi hỏi quá nhiều sự tôn trọng. Ở Ấn Độ, nơi các cặp vợ chồng có truyền thống sống với cha mẹ chồng và phim ảnh phần lớn xoay quanh bất hòa mẹ chồng - nàng dâu, một nghiên cứu về phụ nữ nông thôn vào năm 2018 cho thấy họ có rất ít tự do. Chỉ 12% được phép đi thăm bạn bè hoặc người thân một mình, nói chi đến đi làm.

Đứng ở góc độ ông bà mà nói, chăm sóc cháu quả có lợi ích, ví dụ như giúp giảm trầm cảm và cô đơn nhưng mọi thứ đều không thể tuyệt đối, nhất là khi thanh thiếu niên không phải lúc nào cũng dễ bảo.

Một nghiên cứu ở Singapore trên các gia đình chủ yếu là người gốc Hoa cho thấy nhiều người trông cháu vì nghĩa vụ hơn là vì họ thích điều đó. Nhiều người cảm thấy khó chăm cháu hơn khi họ già đi.

Chính bà Irma ở Mexico phải thừa nhận rằng bà muốn đi du lịch nhiều hơn khi các cháu của bà ngày càng độc lập hơn. Còn chuyên gia Dan Wang của Hang Seng Bank cho rằng rất ít bậc cha mẹ thuộc tầng lớp trung lưu Trung Quốc ngày nay có ý định chăm sóc cháu của họ trong vài thập niên tới.

Thôi thì mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Nhưng nhận định sau của Helena Paues, một phụ nữ Thụy Điển, đáng để lưu tâm: "Trẻ con cần nhiều người lớn xung quanh hơn chỉ có cha mẹ chúng".■

Ở Mỹ, nơi không thiếu các dịch vụ giúp phụ nữ vừa chăm sóc con cái vừa làm việc, nhiều bậc cha mẹ vẫn nhờ ông bà hỗ trợ. Lương hưu cho phép ông bà ở Mỹ không phải làm việc và có thời gian chăm sóc cháu. Theo một cuộc khảo sát, 50% trẻ nhỏ, 35% trẻ ở độ tuổi tiểu học và 20% thanh thiếu niên ở Mỹ ở nhà ông bà mỗi tuần. Dữ liệu điều tra dân số Mỹ cũng cho thấy sống trong phạm vi 40km gần nhà bà làm tăng tỉ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ đã kết hôn và có con nhỏ lên 4-10 điểm phần trăm. Số liệu chính thức năm 2017 ở Mỹ cho biết có khoảng 70 triệu ông bà, khớp với ước tính của Alburez-Gutiérrez.
Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận