TTCT - Ngày thứ bảy cuối tuần, từ 8g sáng các chủ gian hàng lục tục mang sản phẩm đến: rau củ quả, mật ong, bánh ngọt, trứng gà, thịt gà, hoa khô, nước hoa quả, sữa và các sản phẩm từ sữa... Hầu hết những nông sản này đều là hàng địa phương thu hút nhiều người nội trợ gia đình chuộng tiêu dùng an toàn. Phóng to Anh Jean Baptise (người Pháp) giới thiệu sản phẩm rau củ của trang trại trên Tuyên Quang - Ảnh: Hoàng Điệp “Lúc đầu chúng tôi chỉ bán các sản phẩm về gà như gà thịt nuôi thả ở Sóc Sơn, trứng gà... Nhưng sau này nhiều khách đến mua và nhu cầu lớn hơn hẳn nên thêm nhiều thực phẩm tươi sống được đặt hàng từ những cơ sở nuôi trồng đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - chị Lê Thị Phương, phụ trách chợ phiên, cho biết. Nhiệt tình giới thiệu sản phẩm Việt Chàng thanh niên người Pháp Jean Baptise hào hứng giới thiệu cho khách hàng số rau củ nhiệt đới tươi rói trên bàn. Hằng tuần, anh và nhóm bạn thuộc Tổ chức Green Vietnam mang khoảng 40kg trái cây các loại đến chợ phiên để bán. “Chúng tôi có một trang trại trồng rau củ ở xã Bình Xa, tỉnh Tuyên Quang theo một quy trình rất nghiêm ngặt, hoàn toàn đảm bảo về chất lượng. Và bạn biết không, thậm chí các bạn Việt Nam còn đến mua nhiều hơn cả khách nước ngoài đấy!” - Jean cười lớn. Giá cả hàng hóa ở đây đắt hơn so với nơi khác, nhưng chính cảm giác an tâm ở chất lượng sản phẩm đã khiến nhiều khách hàng chọn chợ phiên hồ Tây như một điểm đến quen thuộc. Chị Sachiko Takasugi, người Nhật, cho biết trong bốn năm ở Việt Nam, chị chỉ dám mua hàng siêu thị và bây giờ thì thêm chợ phiên này. Sachiko giải thích: “Tôi không dám mua hàng ở ngoài vì sợ rau củ có hóa chất bảo quản. Tôi đặc biệt thích rau xanh ở đây vì chúng rất tươi ngon. Rau củ quả ở Nhật chẳng bao giờ có giá rẻ như ở đây cả”. Phóng to Chủ gian hàng mật ong và rượu ngô Hà Giang giới thiệu sản phẩm với khách lần đầu đến chợ - Ảnh: Hoàng Điệp Cơ hội để gặp gỡ trao đổi Không chỉ là một nơi mua bán, chợ phiên hồ Tây đang dần trở thành điểm hẹn thư giãn cuối tuần đối với nhiều người nước ngoài. Những cặp vợ chồng dẫn theo con nhỏ đến đây ăn bánh crepe (một kiểu bánh xèo Pháp có thể ăn ngọt hoặc mặn tùy theo lựa chọn nhưn), mua hoa tươi và ngắm hàng quán. Những vị khách Tây thong dong đi xe đạp tạt vào chợ, mua ít rau xanh đựng trong túi giấy rồi lại thong thả đạp về. Khác với nhiều phiên chợ khác, chợ phiên hồ Tây rất sạch, kẻ bán người mua đều trật tự và lịch sự. Thay vì những tiếng mặc cả, tranh cãi thì ở đây người ta thấy những nụ cười, lời cảm ơn và những cái bắt tay thật nồng ấm giữa người bán và người mua, và giữa những khách hàng ít có dịp gặp nhau trong tuần làm việc bận rộn. Lúc 10g sáng, chị Mayu Ino dẫn một đoàn sinh viên người Nhật chuyên ngành nông nghiệp đi chợ phiên. Trong khi chị đứng lại thuyết trình về các gian hàng sản phẩm của người Việt, sinh viên chăm chú ghi chép thông tin. Có hơn 10 năm gắn bó với Hà Nội, chị Mayu khá rành chuyện thị trường ở đây. Chị chia sẻ: “Vấn đề an toàn thực phẩm ở Việt Nam, bạn biết đấy, đúng là rất đáng báo động. Người nông dân vất vả trồng ra rau quả, nhưng khi đến tay người tiêu dùng nó lại bị đội giá lên quá cao, tất cả lợi nhuận đều vào tay thương lái hết. Thế nên để đảm bảo ngày công và tăng lợi nhuận, một số người đã đưa hóa chất, chất kích thích vào trồng cấy và chăn nuôi”. Cũng như nhiều người Việt Nam khác, chị Mayu có nhu cầu được sử dụng sản phẩm sạch và an toàn. “Nhưng tự người nông dân Việt Nam không làm được điều đó, họ không thể tự giới thiệu sản phẩm để bán đến tận tay người tiêu dùng. Phải có một tổ chức, đơn vị uy tín giới thiệu sản phẩm và bán hàng cho họ” - chị phân tích. Lý do chị Mayu đưa sinh viên Nhật Bản đến chợ phiên là để giới thiệu các mô hình sản xuất, nuôi trồng thực phẩm an toàn của người Việt Nam. “Ở Nhật Bản, một người nông dân có thể tự trồng rau, tự đưa sản phẩm của mình đến các siêu thị hoặc giới thiệu sản phẩm đến người tiêu dùng một cách hoàn toàn tự nhiên. Ở đây, họ phải mang đến chợ và thông qua chợ phiên này để giới thiệu sản phẩm đến cả khách trong và ngoài nước. Đây chính là điểm khác biệt và khó khăn trong việc bán sản phẩm của người nông dân Việt Nam”. Phóng to Cả khách Tây lẫn khách ta cùng mua rau hữu cơ an toàn - Ảnh: Hoàng Điệp Vì một thị trường thực phẩm an toàn Chị Lê Thị Phương cho biết ông Patrice Gautier, giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi thú y châu Á, mong muốn tạo ra phiên chợ giống như chợ phiên ở quê hương miền Nam nước Pháp. Và ông đã xây dựng thành công những điểm bán đầu tiên như vậy ở Thái Lan. Sau Việt Nam rất có thể là một số quốc gia khác nữa. Chị Hoa, một nhân viên bán hàng ở đây, cho biết lúc đầu chợ phiên mở ra chủ yếu bán hàng cho người nước ngoài, nhưng dần dần số lượng người Việt đông hẳn lên giúp phiên chợ ngày càng được nhiều người biết đến. Mấy tháng gần đây, chợ phiên mở thêm một cửa hàng phục vụ thực phẩm tất cả các ngày trong tuần. “Chủ yếu là thực phẩm có nguồn gốc Việt Nam được ưa chuộng thôi, một số hàng có nguồn gốc từ nước ngoài như bánh kẹo, đồ hộp thì bán hơi chậm” - một nhân viên bán hàng nói. Chiều thứ năm 20-9, rất nhiều người đến mua thực phẩm. Nhiều mặt hàng được chế biến hợp vệ sinh đang chờ họ: vịt Gò Công, gà chăn thả tại trang trại Sóc Sơn, rau hữu cơ, sữa, phômai Mộc Châu, patê gan, nước ép trái cây, gạo thơm, mứt... Chị Helen (Hà Lan), một khách hàng thường xuyên của chợ phiên, đánh giá: “Phômai Mộc Châu khá hợp khẩu vị của gia đình tôi, ngon không kém các loại phômai nhập khẩu”. Sau cuộc gọi điện thoại đặt hàng, chị Một Sâm đã nhận nửa ký gan gà được làm sạch và bỏ vào túi hút chân không. Chị giải thích: “Người Việt chúng ta không hay ăn gan gà, nhưng người nước ngoài mua gan để làm patê. Vì gan gà không nhiều nên thường phải đặt trước. Người bán ở đây có thể hướng dẫn bạn cách chế biến món gan nướng rất ngon, bọn trẻ nhà tôi rất thích”. Bên ngoài cửa vào khoảng sân rộng của chợ phiên, một tấm biển vừa được treo lên: Món mới, thịt bò Mông. Chị Phương cho biết: “Món này được bán lần đầu tiên vào ngày 22-9. Từ trước buổi bán hàng đầu tiên đó, chúng tôi đã dán tờ rơi ở trước cổng, rất nhiều khách muốn các mặt hàng phải phong phú hơn. Để đảm bảo uy tín và chất lượng, tất cả sản phẩm đều phải đạt quy chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm và được kiểm tra nghiêm ngặt. Chính đội ngũ kiểm soát của Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi thú y châu Á sẽ đảm nhiệm việc này. Và đương nhiên, bằng uy tín của những cửa hàng bên Thái Lan và sự tồn tại suốt hai năm qua, chúng tôi hoàn toàn tự tin vào bản thân mình cũng như không thể phụ lòng tin của những khách hàng đã yêu quý chúng tôi, nhất là người Việt”. Được Công ty cổ phần Dịch vụ chăn nuôi thú y châu Á (ASVELIS) thành lập từ năm 2010 nhằm giới thiệu nguồn thực phẩm sạch từ Việt Nam cho những người nước ngoài đang sinh sống tại Hà Nội, chợ phiên cuối tuần nhóm họp từ 8g-12g thứ bảy hằng tuần tại ngõ Tô Ngọc Vân, Tây Hồ, Hà Nội. Chợ chủ yếu bán các mặt hàng sạch của Việt Nam được sản xuất từ các trang trại, doanh nghiệp trong cả nước như: mật ong, rượu ngô, thịt bò, thịt gà, trứng, sữa, rau củ quả, đồ hộp, nước hoa quả, mứt... Công ty ASVELIS cũng đang tính mở thêm mô hình chợ như vậy tại TP.HCM. Tags: Thị trườngChợ phiênHồ TâySản phẩm ViệtThực phẩm an toàn
Để việc 'giải quyết thủ tục hành chính phi địa giới' đi vào thực chất Nguyễn Đức Lam (Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông IPS) 11/10/2024 1863 từ
Trung tâm phục vụ hành chính công: Vượt qua các thách thức của mô hình TS NGUYỄN SĨ DŨNG 10/10/2024 2062 từ
Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM: Metro 1 chạy trong năm 2024 là mục tiêu phải làm được CHÂU TUẤN 12/10/2024 Tân Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM khẳng định mục tiêu không thể thay đổi này trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ Online.
Chi tiết về giá điện sau khi tăng giá NGỌC AN 12/10/2024 Bộ Công Thương ban hành quyết định về giá bán điện, là cơ cấu biểu giá điện cho khách hàng sau khi EVN tăng giá bán lẻ điện bình quân lên 2.103,11 đồng.
Luật Nhà giáo: Nâng thu nhập, vị thế người thầy VĨNH HÀ 12/10/2024 Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đã chia sẻ về những điểm mới đặt ra ở dự thảo Luật Nhà giáo, trong đó có nội dung đang gây tranh cãi.
Hà Nội: Chấn chỉnh tình trạng sử dụng điện thoại trong lớp tùy tiện VĨNH HÀ 12/10/2024 Sở GD-ĐT Hà Nội vừa yêu cầu các nhà trường chấn chỉnh tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong lớp không phục vụ cho việc học tập.