Thư Montpellier trước ngày Olympic

THƯ UYỂN 26/07/2024 08:17 GMT+7

TTCT - Miền nam nước Pháp. Thành phố Montpellier. Hồ bơi Antigone. Khu tắm tráng.

Thư Montpellier trước ngày Olympic- Ảnh 1.

Hai chị em Maryna Aleksiiva và Vladyslava Aleksiiva của đội Ukraine tranh tài trong trận chung kết kỹ thuật đôi tại Giải vô địch bơi nghệ thuật nữ ở Montpellier (Pháp) ngày 5-5-2023. Ảnh: AFP

Miền nam nước Pháp. Thành phố Montpellier. Hồ bơi Antigone. Khu tắm tráng.

Dưới vòi sen, cô gái đang đứng. Cô cao hơn mét tám, da trắng sáng, mắt xanh ngọc. Bộ đồ bơi thể thao một mảnh cô mặc ôm sát người, tôn lên dáng vẻ thon gọn và khỏe khoắn. Nét người và trang phục như thế chỉ có thể là dân chuyên bơi. Nhưng dân bơi thường có một bờ vai ngang rộng và săn chắc. Còn cô gái kia thanh mảnh như một người mẫu.

Ngoại hình nổi bật gây chú ý, hành động của cô gái cũng khác lạ. Dưới vòi, cô cúi người xuống một chút cho nước chảy xuống lưng. Đây là khu tráng người trước khi xuống hồ và tắm lại sau khi rời hồ.

Cô ở đó cả tiếng. Tôi thấy cô lúc vào hồ và khi rời hồ. Cô ở đó cả tuần. Tôi thấy cô chủ nhật, thứ hai, thứ tư và hôm nay thứ sáu. Hôm nay có khác hơn vì cô có bạn. Một mắt xanh da trắng khác, cũng xinh, cũng cao, cũng trẻ, cũng sáng ngời. Cả hai đều xả nước vào lưng trong tư thế kỳ lạ. Lần này không ai lướt điện thoại, hai người chuyện trò rôm rả với nhau. 

Đứng xa, tôi không biết các cô trao đổi gì, nhưng hôm nay, tôi cho phép mình ngắm các cô kỹ hơn. Và khi quan sát đến nón bơi, tôi vỡ ra các cô là ai.

Hai cô đội nón bơi giống nhau. Nón trắng, góc phải vẽ một hình chữ nhật nhỏ - trên xanh, dưới vàng. Cờ Ukraine.

✿ ✿ ✿

Từ hai tuần nay, khách bơi chúng tôi được thông báo ở quầy vé rằng hồ đang được chia đôi. 25m cho khách, 25m cho đội tuyển. Chưa cần hỏi, nhân viên sẽ tự động (và tự hào) nói là dành cho tuyển bơi nghệ thuật Ukraine tập luyện chuẩn bị cho Thế vận hội.

Montpellier là một thành phố gần biển Địa Trung Hải rực nắng. Theo lời tự giới thiệu ghi trên mọi áp phích quảng bá, Montpellier tuy nhỏ xíu, nhưng là thành phố thể thao số 1 nước Pháp. Họ mạnh từ thể thao thành tích cao - rất nhiều đội bóng của Montpellier vô địch Pháp và châu Âu; đến các cơ sở thể thao đạt chuẩn Olympic - như hồ bơi Antigone nơi đội Ukraine đang tập huấn. Và trên hết, là độ chịu chơi của chính quyền thành phố.

Mở ngoặc bàn về sự máu lửa này chắc tốn cả tuần. Nhưng ngắn gọn là Montpellier không từ một cuộc vui nào. Thời gian đầu tháng 5, theo thông lệ, thành phố dồn toàn lực cho festival quốc tế các môn mạo hiểm - FISE. Nhưng năm nay, chủ nhật vừa xong festival, thứ hai họ lại tưng bừng tổ chức một sự kiện hoành tráng khác: rước đuốc Olympic. 

Hôm đó, gần như cả thành phố được nghỉ để tham gia cuộc vui đến đêm khuya. Từ tờ mờ sáng, bên ly cà phê và bánh croissant, người ta râm ran bàn về ngọn đuốc. Trưa, 13h, quảng trường trung tâm rất đông người đã đến sớm giành chỗ đẹp. 14h, quanh cung đường ngọn đuốc chạy qua đã chật đến độ không thể chen vào. Tất cả để chuẩn bị cho nửa tiếng sự kiện bắt đầu tận lúc 16h.

Biển người như vậy, dĩ nhiên không phải ai cũng thấy được ngọn lửa thiêng. Đa phần dân chúng phải theo dõi qua màn hình cỡ đại. Trên màn hình, người ta thấy ông thị trưởng - một người đàn ông to cao râu tóc bờm xờm vui vẻ đáng yêu, nhìn giống danh hài hơn là chính trị gia - hồ hởi nhắc nhớ, năm nay Montpellier sẽ chơi lớn, sẽ tưng bừng đón luôn cả lửa Paralympic. Thường chỉ nơi đăng cai mới đủ lực đón hai lần đuốc.

Tinh thần thể thao ngút trời như vậy, nên chuyện Montpellier đỡ đầu cho nhiều đội tham gia Thế vận hội Paris kỳ này không có gì lạ. Có đến 25 đội tuyển đã chọn thành phố biển ấm áp này làm nơi tập huấn, trong đó có đội bơi nghệ thuật Ukraine.

✿ ✿ ✿

"Thị trưởng nào chẳng ca ngợi đóng góp của thành phố mình vào Olympic, nhất là những thành phố nhỏ", Valentin - bạn học của tôi - cười nói với tôi như vậy khi tôi kể những chuyện trên. 

Mươi ngày sau, chúng tôi rời miền nam đến Lyon ở trung tâm nước Pháp thăm gia đình Valentin. "Ở Montpellier chỉ là những đội nhỏ. Kể chuyện hội quân thì phải kể chuyện mấy đội lớn nghe mới đã. Ví dụ như đội bóng rổ Mỹ", Valentin tiếp.

Đúng là nghe đến "dream team" USA thì chuyện xôm hơn hẳn. Đội Mỹ chọn Tourcoing, một thành phố thậm chí còn ít tiếng tăm hơn Montpellier. Họ tập huấn trong nhà thi đấu của hãng thể thao Decathlon (đã có mặt ở Việt Nam). 

Đó là một nhà khu phức hợp thể thao, có sân thi đấu, sân cho đội chuyên nghiệp và nhiều hơn cả là sân cho người dân bình thường thuê chơi. Từ ngày đội Mỹ vào tập, ngày nào cũng có hàng ngàn người - từ dân chơi bóng đến người hiếu kỳ, và cả nhân viên Decathlon - bu đen bu đỏ xem Lebron James và Stephen Curry ném rổ.

Kể được những chuyện sau cánh gà hấp dẫn như vậy chỉ có thể là Valentin bạn tôi, một dân đam mê thể thao thứ thiệt. Và với dân đam mê thì một giải nhỏ tổ chức ở quê nhà thôi cũng mang lại sự hào hứng, chứ đừng nói đến Thế vận hội. "Mày thấy Carole vợ tao không - Valentin kể - Cả năm không xem nổi một bản tin thể thao, mà nghe Olympic về làng là chủ động lên mạng đặt vé cho cả nhà đi xem thi đấu".

Đặt vé lên Paris xem à? Chà, vợ chồng bay cũng chịu chơi quá ha. Kinh đô ánh sáng ngày thường giá cả đã gấp rưỡi nơi khác; có giải lớn, giá phải tăng gấp đôi gấp ba.

Dù Paris là nơi đăng cai, nhưng một số môn được tổ chức ở những nơi khác. Bóng đá sẽ tổ chức rải rác ở các thành phố lớn, trong đó có Lyon; đua thuyền ở Marseille; bóng ném ở Lille. Môn lướt ván lại không diễn ra ở Pháp, mà ở một hòn đảo gần Việt Nam - đảo Tahiti thuộc Pháp. Cho nên, có thể nói là ai cũng được nếm một phần miếng bánh.

Vậy là dân Pháp phấn khởi đón Thế vận hội? - Tôi hỏi. Đa phần, bạn tôi trả lời. Dĩ nhiên, vẫn có một số thành phần trong xã hội lên tiếng chống. Họ cho rằng Olympic là một gánh nặng quá lớn lên môi trường. 

Kỳ này là lần đầu tiên trong lịch sử giải đấu được khai mạc trên mặt nước - trên sông Seine. Để đạt được tham vọng đó, người ta phải đổ rất nhiều tiền và hóa chất để xử lý nước sông. Điều này, khỏi phải nói, ai cũng biết là gây hại cho hệ sinh thái dưới lòng sông.

Cũng không ít phản đối về việc quy hoạch một vùng đất xây làng vận động viên, vì vùng đất này vốn là nơi ở của dân nhập cư nghèo... "Mày biết mà, dân Pháp nhìn đâu cũng ra vấn đề", Valentin nói. Có một câu nói rất đúng là người Pháp sống trên thiên đường nhưng họ cứ nghĩ mình sống dưới địa ngục.

Cũng có một nhận xét vận vào trường hợp này đúng không kém, là người Pháp rất thích hội hè. Cho nên, đa phần mọi người đều vui vẻ đón nhận kỳ Thế vận hội này, Valentin kết luận.

Thư Montpellier trước ngày Olympic- Ảnh 2.

Hồ bơi Antigone ở Montpellier. Ảnh: montpellier3m.fr

✿ ✿ ✿

Cái vui vẻ đón Olympic ấy có thể nhìn thấy ở khắp chốn. Tìm đâu xa, ngay ở hồ bơi tôi đang bơi thôi.

Đón các tiên nữ Đông Âu, hồ bơi hiện đại Antigone đã đóng cửa vài ngày để lắp đặt một bờ tường ngăn hồ làm hai. Theo lời ông giám đốc hồ, chuyện này không dễ như nhìn từ ngoài vào, mà tốn kém lắm. Nhưng để tính sao cho vẹn mọi đường - vừa đón được đoàn, vừa không làm gián đoạn nhịp thể dục thể thao của nhân dân - thành phố có tiếc chi.

Bị chia nửa hồ, khách bơi cũng không thấy phiền lòng, mà còn ra chiều đắc ý. Đâu phải ngày nào cũng được bơi chung cùng đội tuyển. Nói bơi chung chứ thật ra không thấy gì mấy. Vì hồ đã ngăn, nên khi sải tay hết 25m là đụng cái bờ tường. Muốn thấy thì phải rời hồ hoặc rõ nhất là nhìn từ trên khán đài xuống. Và từ góc ấy, cả tuần nay, người đi bơi có dịp nán lại dự khán các màn biểu diễn nghệ thuật của những thiên thần tóc vàng.

Các bà các cô xuýt xoa, ôi, người gì mà đẹp quá, ôi sao mà có thể nhảy đều như vậy, ôi lộn san tô như thế thì người tôi chắc gãy làm đôi mất. Các anh các chú thì ít bộc lộ cảm xúc. Lâu lâu gật đầu thán phục, lâu lâu liếc nhìn nhau và thi thoảng - thường là khi cô vơ đét được toàn đội nâng lên từ đáy hồ - họ trao nhau những cái nhìn hiểu ý.

Tôi thì hơi thất vọng, tự trách không hiểu sao mình không nhận ra sớm hơn. Những nàng tiên lạ lẫm dưới vòi sen khu tắm tráng kia là những tuyển thủ Ukraine. Hai cô hẳn đang thực hiện một bài xả cơ dưới tia nước ấm. Có thể là do tôi không nghĩ mình có dịp gần với vận động viên Olympic đến thế.

✿ ✿ ✿

Tắm tráng xong, tôi thay đồ ra về. Hồ Antigone được thiết kế để lối ra ngang tầm với khán đài, nên ra cửa rồi vẫn có thể ngoái lại nhìn xuống hồ.

Hôm nay, các tiên cá Ukraine biểu diễn đều hơn nhiều so với cách đây một tuần. Họ bắt đầu thực hiện những động tác khó hơn, như điệu ballet ngược - các cô gái trầm mình thẳng đứng, đầu hướng xuống đáy, chân hướng lên trời, rồi từ từ di chuyển như các vũ công ballet.

Qua cửa kính, thấy những đôi chân duỗi thẳng tăm tắp và xoay vần nhịp nhàng trên mặt nước, tôi có cảm giác đang chứng kiến điệu vũ của một đàn thiên nga.

Còn vài ngày nữa là đến Thế vận hội Paris 2024.

Bơi nghệ thuật ra đời từ đầu thế kỷ XX ở Mỹ, với tên gọi trong hơn một trăm năm là "synchronised swimming", trực dịch tiếng Việt là "bơi phối hợp". Có thể là vì điểm quan trọng nhất được chấm là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các vận động viên. Đến năm 2017, môn này được đổi tên chính thức thành "artistic swimming", trực dịch là "bơi nghệ thuật".

Bơi nghệ thuật chính thức ra mắt tại Thế vận hội Los Angeles 1984. Paris 2024 lần này sẽ là lần đầu tiên trong lịch sử, nam giới được tham gia thi đấu, nhưng chỉ trong nội dung đồng đội. Nội dung đôi vẫn chỉ dành cho nữ.

Ban đầu, Mỹ và Canada là hai cường quốc bơi nghệ thuật. Họ dành được hơn nửa số huy chương ở các nội dung. Nhưng từ Sydney 2000 đến nay, Nga từ từ lấn lướt để trở thành số 1 môn này. Tính đến hiện tại, Mỹ và Canada đã thắng 8 huy chương vàng, còn Nga đoạt 12.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận