Thức tỉnh 2021

PHAN XUÂN LOAN 25/12/2020 22:10 GMT+7

TTCT - Một chiều cuối tháng 11-2020, giữa một thời đoạn mà lịch sử Mỹ sẽ ghi nhớ là những ngày cân não kiểm phiếu lại giữa Donald Trump và Joe Biden, vừa bước lên chiếc xe hơi Grab, bác tài đã bắt đầu câu chuyện với tôi về… ông Trump.

Không thể phủ nhận cuộc bầu cử tổng thống Mỹ là đề tài thời sự của năm 2020 trên toàn thế giới, một phần vì tính cách và phương thức lãnh đạo kỳ lạ của ông Trump - người nắm trong tay không chỉ vận mệnh dân Mỹ mà còn cả thế giới liên quan, khiến ông trở thành nhân vật còn “trên cả quan tâm”.

Từ điển Oxford cũng chào thua

2020 là một năm mà lần đầu tiên, từ điển Oxford không thể chọn ra một từ đặc trưng cho nó. Quy mô của những biến động và sự phát triển của ngôn ngữ trong thời gian này khiến Oxford Languages kết luận rằng không thể mô tả 2020 bằng chỉ một từ (khác với những năm trước, chẳng hạn từ của năm 2018 là “toxic” - độc hại, 2019 là “climate emergency” - tình trạng khẩn cấp khí hậu). Thay vào đó, họ công bố một số khái niệm mô tả thời đại COVID-19: “lockdown” (giãn cách toàn xã hội); “shelter-in-place” (ở yên tại chỗ), “circuit breaker” (cắt chuỗi lây nhiễm)…

Không chỉ được xác định bởi nhiều từ, năm 2020 còn sản sinh nhiều từ mới thú vị: “plandemic” (thuyết âm mưu cho rằng COVID-19 đã được lên kế hoạch sẵn, thậm chí có thuyết còn chỉ đích danh tỉ phú Bill Gates mưu toan sản xuất vaccine để “cấy chip” vào nhân loại) hoặc “twindemic” (dịch bệnh kép, ý chỉ cúm mùa lẫn dịch COVID xuất hiện cùng lúc). Tất nhiên, không chỉ tiếng Anh mới xuất hiện từ mới. Chẳng hạn trong tiếng Phần Lan, hàng chục từ mới xuất hiện như: koronatuki (hỗ trợ nhà nước cho các công ty, tổ chức bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh), koronakuri (luật lệ corona), koronalinko (người hay địa điểm lan truyền virus)… Trong tiếng Thụy Điển, giãn cách xã hội gọi là “coronaavstånd”, còn “coronahälsning” là chào hỏi thời corona, tránh tiếp xúc, không bắt tay. Trong tiếng Tây Ban Nha có một từ thú vị “coronial” để chỉ những đứa bé sinh ra thời cách ly.

Trong số các “coronial” có những số phận đắng cay. Chỉ trong vòng một tuần giữa tháng 11, cậu bé Kirey ở Saint Peterburg mất đi ba người thân yêu nhất vì corona: ông, bà ngoại và mẹ - mới 36 tuổi. Em được cứu ra từ trong bụng mẹ, khi bà phải thở máy và những giây tỉnh táo cuối cùng chỉ kịp đặt cho em tên Kirey để tưởng nhớ ông ngoại em. Vừa ra đời đã côi cút, Kirey hẳn là nạn nhân trẻ tuổi nhất của đại dịch.

Nhân loại như thế đã phải đương đầu với dịch bệnh hung hiểm đeo đẳng suốt một năm trường.

Kỷ nguyên toàn cầu hóa đã qua?

Không chỉ virus corona, thế giới 2020 còn chứng kiến lắm bất ngờ. Việc cường quốc số một Hoa Kỳ đánh mất vai trò “người dẫn đường” (rõ nét nhất là chính sách đối phó loạng choạng với COVID-19, còn trước đó là việc rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, Hiệp ước không phát triển vũ khí hạt nhân với Nga, xét lại chính sách trong NATO với các đồng minh…) đã khiến thế giới rã thành từng mảng. Trung Quốc và Nga tích cực gây dựng các khối đồng minh, trong khi EU nói về chính sách tự cường. Những “cường hào” mới xuất hiện, như Thổ Nhĩ Kỳ đang làm mưa làm gió ở Trung Đông.

Những đầu tàu chòng chành khiến năm 2020 còn chứng kiến sự lên tiếng của những nước nhỏ. Trong EU, Ba Lan và Hungary đã dám ra tay chặn việc thông qua ngân sách 1.074 tỉ euro cho giai đoạn 2021-2027 và chương trình 750 tỉ euro phục hồi kinh tế châu Âu vì COVID-19. Warsaw và Budapest yêu cầu phải tách việc phân bổ ngân sách EU khỏi quy tắc “thượng tôn pháp luật” của Brussels, điều mà theo họ chỉ là những lời sáo rỗng, trong khi thực tiễn của cơ chế này là “nô dịch hóa chính trị và định chế”.

2020 còn chứng kiến những đống tro âm ỉ có nguy cơ bị thổi bùng lên thành lò lửa bất an mới, như cuộc chiến Nagorno - Karabakh, di sản của thời Liên Xô, hay những vụ tên lửa bay qua bay lại không ngừng giữa Iran, Mỹ và Israel ở Trung Đông.

Sự phân rã của thế giới lộ rõ hơn trong năm 2020. Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến G20 diễn ra vào những ngày cuối năm khẳng định điều này: dường như không còn cơ chế nào đủ hiệu quả và uy tín để phối hợp nỗ lực giải quyết các vấn đề chung của thế giới. G20 (gồm 19 nước lớn và EU) đại diện cho 90% nền kinh tế, 80% thương mại và 2/3 dân số thế giới, nhưng trục trặc chính là về cơ bản họ không hề có tiếng nói chung. Trong giai đoạn đầy thử thách này, nhiều định chế quốc tế đã cho thấy sự kém hiệu quả của chúng. Ngay cả trước đại dịch, chiến tranh thương mại do Hoa Kỳ khởi xướng đã làm suy yếu WTO đáng kể. Với tốc độ phát triển nhanh chóng của các nền kinh tế châu Á, ảnh hưởng của IMF và WB đã giảm bớt.

Ngày nay, khi nhiều biên giới đã đóng cửa, thương mại tự do nghe chừng ngày một xa vời. Mâu thuẫn xuất hiện trong và giữa cả những trung tâm quyền lực cũ và mới. Căng thẳng ngày càng tăng giữa Hoa Kỳ và EU, giữa EU và Anh, giữa Hoa Kỳ với Nga và Trung Quốc… Trong tình hình này, vai trò của các quốc gia - nhà nước, chứ không phải các cấu trúc quốc tế, đang trở lại. Có lẽ kỷ nguyên hợp tác toàn cầu đã qua, giờ đây sẽ lại trở về cảnh “đèn nhà ai nấy rạng”. ■

Vậy thế giới năm 2021 sẽ ra sao?

The Economist đưa ra 10 dự báo cho năm mới, trong đó “Ngoại giao vaccine” đứng đầu danh mục. Nền ngoại giao này sẽ đồng hành với cuộc chiến trong mỗi nước và giữa các nước về ai sẽ được tiêm vaccine COVID-19, được tiêm thế nào và khi nào. Những vấn đề khác là nỗ lực sửa chữa những “biến chứng mới” trong trật tự kinh tế toàn cầu và kỳ vọng về tân Tổng thống Mỹ Joe Biden trong việc cứu vãn trật tự thế giới dựa trên luật lệ rõ ràng. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc sẽ vẫn tiếp tục. Đặc biệt, kinh doanh ngày càng trở thành một chiến trường địa chính trị, thể hiện qua những sự cố như Huawei và Tiktok.

Năm 2021 cũng được dự báo chứng kiến sự thay đổi hành vi con người dưới tác động của công nghệ. Năm 2020, đại dịch đã đẩy nhanh việc áp dụng nhiều “hành vi công nghệ”, từ hội nghị truyền hình đến mua sắm trực tuyến và làm việc hoặc học tập từ xa. Tiến trình đó sẽ còn nhanh hơn trong năm tới, với tất cả những tiện lợi và nguy cơ của nó.

Trong một bài viết từ đầu đại dịch, nữ nhà văn dân tộc Tatar người Nga Guzel Yakhina cho rằng 2020 là “năm thử thách nguồn dự trữ nhân tính của nhân loại”, bởi nhu cầu của những nền kinh tế đang suy sụp buộc nhiều nước phải dỡ bỏ cách ly và thả con người vào các xí nghiệp, đẩy họ vào rủi ro đe dọa tính mạng một cách có ý thức. (Về cơ bản, đấy chính là bản chất cuộc tranh cãi “miễn dịch cộng đồng” - “giãn cách xã hội” ở những xã hội được coi là tiên tiến nhất). Theo bà Yakhina, văn hóa trong mọi thời điểm không làm gì khác hơn là giáo dục tính người. Ngày nay, nhiệm vụ của nó đã thay đổi đáng ngạc nhiên và trở nên có tính ứng dụng: văn hóa chính là chiếc nạng mà chính trị, kinh tế và y tế dựa vào để bước đi trong những năm tháng tới.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận