​Thuê tôi đi

ĐÔN LAI 19/08/2014 01:08 GMT+7

TTCT - Một chàng trai mới đây đã phát động chiến dịch cá nhân tên là “Thuê tôi đi”. Cậu sẵn sàng làm mọi thứ, với giá 200.000 đồng/giờ, có thể lên đến tối đa là tám giờ.

Tranh: Lê Thiết Cương
Tranh: Lê Thiết Cương

Có một truyện dân gian thời đại lưu truyền trên mạng: khi có ứng viên đến xin việc, hãng đồ nội thất IKEA của Thụy Điển bày ra một đám mảnh ghép lổn nhổn của một cái ghế trong phòng phỏng vấn cùng đinh ốc và tuôcnơvít. Ứng viên bước vào, người phỏng vấn chỉ đống vật liệu đó thản nhiên bảo: “Anh ngồi đi”.

Hãy tưởng tượng là cùng cái hãng đấy, nhưng ứng viên bước vào chỉ mặt người phỏng vấn nói: “Thuê tôi đi”. Nhà tuyển dụng chắc sẽ cun cút đứng dậy, lắp cái ghế cho ứng viên ngồi?

Đấy là chuyện (hình như) đã diễn ra ở cuộc thi tuyển công chức tại Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) mới đây. Sau khi phát hiện sai phạm, người ta cũng đồng thời phát hiện một loạt con cháu cán bộ trong ngành trúng tuyển. Một thí sinh kể trên báo: “Tôi thấy người ta mặc sức chép”.

Thôi thì con dại cái mang, bây giờ con trẻ không tự lắp được cái ghế mà ngồi thì các bậc phụ huynh phải tìm cách mà lo. Nhưng kịch bản về việc nhà tuyển dụng lắp cho ứng viên cái ghế còn là lạc quan.

Hãy cứ tưởng tượng những người trúng tuyển, mà thực chất không phải bằng năng lực ấy, chỉ đôi mươi năm nữa lại ở vị trí nhà tuyển dụng. Lúc ấy thì từ tuyển dụng viên đến ứng viên chỉ có ngồi đất mà nói chuyện với nhau!

“Thôi ghế làm gì cho mệt, cứ ngồi thế này cho thoải mái. Cháu con ai?”. Hãng nội thất của chúng ta tạo ra sản phẩm gì lúc ấy thì có trời mới biết.

Bên ngoài cổng hãng đồ nội thất, một cậu trai trẻ đang tay quai tay búa, gò những cái ghế gỗ thô kệch và cho thuê để khách qua đường lấy chỗ nghỉ chân. “Thuê tôi đi” - cậu hô to.

“Có mỗi ghế thôi à?” - một du khách hỏi. “Không, tôi có thể đóng bàn, đóng tủ, tôi làm gì cũng được miễn là lương thiện. Ghế tôi đóng chắc lắm - cậu thanh niên trả lời và nói - Thuê tôi đi”.

Người ta sẽ chỉ tay vào hãng đồ nội thất và bảo: “Này, ở trong đấy người ta bán hàng chính hãng còn chẳng ăn ai, chẳng lý do gì tôi phải thuê cậu”. Chàng trai trẻ thế là dẹp tiệm. 

Đấy cũng là chuyện ở ngoài đời thật. Một chàng trai mới đây đã phát động chiến dịch cá nhân tên là “Thuê tôi đi”. Cậu sẵn sàng làm mọi thứ, với giá 200.000 đồng/giờ, có thể lên đến tối đa là tám giờ.

Cậu biết chụp ảnh, biết dạy chơi cờ, dạy võ, có thể làm vệ sĩ, khuân vác, rửa bát, lau nhà, huấn luyện chó... Tiền kiếm được cậu muốn dùng để tổ chức trung thu cho trẻ em ở Bến Tre. Cậu ta giải tán chương trình của mình sau vài ngày, sau hàng đống lời gièm pha.

Nhưng mà vấn đề ở đây là niềm tin vào những cuộc tuyển dụng, niềm tin vào câu “Thuê tôi đi” hay chính xác hơn là niềm tin vào chân giá trị của lao động trong xã hội ta chẳng còn bao nhiêu.

Rất khó tin vào hiệu quả lao động của một chàng trai tự rao mình trên mạng như thế. Bởi vì tin vào hiệu quả lao động của bất kỳ ai bây giờ cũng... chết. Sự tự nguyện lao động, ý thức về trách nhiệm trong lao động là thứ xa xỉ đến mức không ai còn dám tin vào nó nữa.

Chính ra bây giờ con em các anh trong ngành, bước vào hùng hổ chỉ mặt nhà tuyển dụng: “Thuê tôi đê” còn có cơ sở để mà tin tưởng. Thôi thì bố mẹ các cháu cũng có tiền hoặc có quyền, giá trị tạo ra cho nhà tuyển dụng có khi còn chắc chắn hơn là tuyển một cậu đứng ngoài phố vào rồi chẳng biết có làm ăn được gì hay không.

Xã hội cuối cùng vẫn phải vận hành và phát triển bằng lao động. Nhưng sự tự nguyện và mong muốn cống hiến thì cứ nhạt nhẽo dần. Bởi vì người ta có cố đến mấy thì họ cũng biết rằng có đến hàng triệu người ngoài kia nói ra câu “Thuê tôi đi” có sức nặng hơn mình.

Một sức nặng phi lý của những mối quan hệ, của sự bất công. Hàng triệu người, bởi có vị quan chức từng thống kê cảm tính rằng có đến 50% công chức nhà nước “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

Cuối cùng thì lao động để tạo ra giá trị tốt đẹp như cái anh vừa chơi cờ vừa đánh võ kia trở thành thứ không tưởng. Người ta chỉ còn lao động để chống đối thôi. Chống đối lại cái đói cái nghèo của bản thân mình, chống đối lại đòi hỏi của nhà tuyển dụng, lao động để đảm bảo một mức sống vật chất và tinh thần bình bình nào đó.

Mong muốn dùng lao động vươn lên những gì tốt đẹp hơn thành của cực hiếm.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận