​Tiến sĩ lịch sử mỹ thuật Ildegarda E. Scheidegger: “Các bạn nên tiếp xúc mỹ thuật đương đại thế giới nhiều hơn”

QUANG THI 21/05/2015 02:05 GMT+7

TTCT - Sau khi đến TP.HCM đầu năm 2015 trong khuôn khổ chuyến đi tìm hiểu mỹ thuật Đông Nam Á, bà Ildegarda E. Scheidegger, tiến sĩ lịch sử mỹ thuật người Thụy Sĩ (*), đã dành cho TTCT một cuộc trao đổi. Bà nói:


Bà Ildegarda E. Scheidegger - Ảnh: Trần Tiến Dũng

Tôi có may mắn được gặp gỡ và trao đổi với hiệu trưởng Trường ĐH Mỹ thuật TP.HCM, giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, chủ tịch Hội Mỹ thuật, các gallery, họa sĩ... Nhìn chung, những yếu tố căn bản như đào tạo, kỹ năng họa sĩ... đều tốt.

Tuy nhiên, sáng tác của các họa sĩ VN vẫn ở giai đoạn hiện đại, họ vẫn đang kết nối với nền hội họa của thế kỷ 20. Dù vậy, tôi cảm thấy điều này cũng có thú vị riêng, ví dụ thể loại tranh sơn mài mà tôi có ấn tượng.

Còn những đặc điểm nào mà bà có thể thấy, thưa bà?

- Đó là vấn đề ngân sách. Bảo tàng không có không gian trưng bày đủ lớn nên nhiều tranh chỉ được cất trong kho. Trong một nền mỹ thuật đương đại, sự hợp tác quốc tế rất quan trọng. Vì không đủ ngân sách nên các bạn không thể ra bên ngoài hoặc tổ chức những sự kiện đủ lớn để mời họ đến.

Các bạn nên ra ngoài, tiếp xúc với các trào lưu mỹ thuật đương đại của thế giới nhiều hơn. Nhiều họa sĩ nói với tôi rằng họ cũng muốn đi, muốn tìm hiểu... nhưng không phải ai cũng có điều kiện.

Nếu các họa sĩ VN chạy theo trào lưu đương đại vốn là thế mạnh của mỹ thuật phương Tây, bà nghĩ họ có thể tạo lập được vị trí của mình?

- Nguyên tắc thành công của một họa sĩ đương đại bất kỳ đâu cũng vậy, là phải có những tác phẩm tốt, tạo dấu ấn, nổi bật các đề tài xã hội đương đại... Nó đòi hỏi người họa sĩ một ý chí mạnh mẽ, kiên trì, và quan trọng là phải có sự hỗ trợ của curator (giám tuyển), nhà sưu tập, gallery, các giải thưởng...

Người họa sĩ phải tạo ra một phong cách, một nhãn hiệu có thể nhận biết bất cứ ở đâu. Nếu có quyết tâm sẽ làm được thôi, bởi vì mỹ thuật đương đại là những vấn đề của xã hội ở đâu cũng có. Tôi muốn nói với các họa sĩ trẻ là khi ra môi trường mỹ thuật bên ngoài, bạn phải phát triển khả năng theo hướng của mình. Chỉ cách đó mới tạo nên phong cách riêng.

Mỹ thuật không đơn giản là chuyện họa sĩ tạo ra tác phẩm, mà có sự liên hệ của nhiều yếu tố như curator, nhà sưu tập, gallery, nhà đấu giá...

- Tất nhiên! Bạn không thể tạo ra tác phẩm rồi tự khen nó mà cần được người xung quanh đánh giá khách quan. Điều quan trọng của một họa sĩ là có một curator giỏi nghề, những nhà sưu tập có tâm. Các họa sĩ phải ra ngoài để tiếp xúc với trào lưu mỹ thuật bên ngoài, hoặc mời curator giỏi của thế giới đến giúp.

NGUYỄN HÙNG SƠN – Tin. 2018. Sơn dầu 

 Một curator giỏi thì ngoài kiến thức uyên thâm về mỹ thuật thế giới còn phải am hiểu mỹ thuật địa phương. E rằng sẽ không mấy curator thế giới am hiểu mỹ thuật VN...

- Trong trường hợp này luôn có yếu tố rủi ro. Ngay cả ở phương Tây cũng vậy. Qua curator, có người lập tức nổi tiếng, nhưng cũng có người phải kiên trì nhiều năm thì sự thành công mới gọi tên. Theo kinh nghiệm của tôi, không phải có tác phẩm tốt là có thể thành công, mà còn có may mắn nữa. Ít nhất các họa sĩ VN phải làm việc đến một mức đủ cảm thấy có thể tự tin giới thiệu ra bên ngoài.

Có ý kiến cho rằng việc đẩy giá tranh ở các sàn đấu giá có thể làm hại đến các họa sĩ. Từng làm việc ở sàn đấu giá Sotheby’s Thụy Sĩ, bà có chia sẻ quan điểm này?

- Tôi nghĩ rằng đây cũng là một rủi ro rất lớn vì nhà đấu giá chỉ thuần bán tranh để lấy lợi nhuận. Nếu tranh vọt lên giá quá cao do chiến thuật đấu giá thì sẽ không bền vững, còn nếu tranh rớt giá mà họ vẫn bán thì có thể sẽ gây đảo điên cho những họa sĩ có sự nghiệp đang lên. Những nhà sưu tập chân chính vì lòng yêu tranh sẽ có trách nhiệm với họa sĩ hơn.

Họ sẽ giữ tranh để thưởng thức, thỉnh thoảng có thể cho bảo tàng, các cơ quan văn hóa... mượn triển lãm để công chúng có thể thưởng thức. Nếu vì lý do nào đó cần bán thì họ cũng thường bán lại cho phòng tranh nơi họ mua để tranh được bán lại. Điều này không gây rủi ro cho họa sĩ.

Tiếc thay ở nhiều nơi, nhất là khu vực châu Á, nhiều người sưu tập xem tranh như hàng hóa để đầu tư kiếm lời, dẫn đến việc họ chỉ mua tranh theo thị trường hay tên tuổi của họa sĩ mà không vì giá trị thực của tác phẩm.

TRƯƠNG TÂN – Váy cưới. 1995 

 Trở lại chuyến khảo sát ở TP.HCM, bà có tìm thấy hướng tiếp cận nào đó đối với mỹ thuật VN hay chưa?

- Tôi có gặp một chủ gallery. Anh ta quan tâm đến việc bán tranh kiếm tiền hơn là hỗ trợ các họa sĩ, trong khi làm triển lãm thì vai trò của anh ta gần như một curator rồi, anh ta nên có trách nhiệm giới thiệu họa sĩ ra bên ngoài. Điều đó khiến tôi thất vọng. Nhưng tôi đã đến đây rồi, đã thấy rồi thì tôi nghĩ mình phải có trách nhiệm.

Trong tương lai, tôi muốn làm điều gì đó hỗ trợ VN trong việc giao lưu. Tôi sẽ về nói chuyện với bạn tôi, một curator nổi tiếng ở Thụy Sĩ, và mời anh ấy qua giúp các bạn.         

 Bà Ildegarda E. Scheidegger am hiểu mỹ thuật Đông Á bằng kinh nghiệm sáu năm sống tại Nhật Bản. Năm 2010, bà là giám đốc phụ trách mảng mỹ thuật châu Á của nhà đấu giá Sotheby’s Thụy Sĩ, đồng thời là giám đốc Công ty tư vấn mỹ thuật Steinfels danh tiếng tại Zurich. 

Bà đồng thời là một curator, một nhà xuất bản mỹ thuật tự do với nhiều đầu sách về mỹ thuật, và là nhà quản lý của các họa sĩ. 

 

 

 

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận