Tiền và sự chính danh

ĐÔNG NAM 03/03/2016 18:03 GMT+7

TTCT - Mơ có tiền đâu phải là tội lỗi, bởi thu nhập có thể nói lên sự “chính danh” của một con người. Tiếp nối câu chuyện “Ám ảnh giàu sang” là góc nhìn khác của hai độc giả (Xem TTCT từ số ra ngày 14-2).

Minh họa: Bích Khoa
Minh họa: Bích Khoa


1 Tiền bạc có thể là một trong những thứ để đánh giá một con người, một số vật chất cũng có giá trị tương tự, đó là lý do vì sao không ai “dám” ăn mặc luộm thuộm khi tham gia một sự kiện danh giá.

Sự phát triển của xã hội về mặt vật chất đã góp phần vào việc “định giá” đó, khi nhìn thấy một người sử dụng đồ hiệu đắt tiền, sở hữu nhiều khối tài sản lớn, thực hiện các chuyến du lịch cao cấp, tiêu xài xa hoa thì phần lớn đều đánh giá đó là người giàu có, ít ai tìm hiểu người đó có khả năng gì, hạnh kiểm thế nào, tính cách hay phẩm chất ra sao.

Điều này dễ làm nảy sinh tâm lý ganh tị, ngưỡng mộ tức thì, cả ước muốn được trở thành như thế để nhận được sự nể phục của người khác.

Khi xã hội thiếu hay yếu các giá trị tinh thần thì người giàu dễ trở thành kẻ hợm mình, còn người nghèo dễ trở thành kẻ ganh tị, thèm khát các giá trị vật chất thuần túy.

Khi xã hội thiếu tính minh bạch hay các biện pháp giám sát - kiểm soát sự bất minh, việc làm giàu bất chính bị thao túng, người giàu dễ trở nên kiêu ngạo vì cho rằng mình đã luồn lách thành công và đứng trên mọi luật lệ; đẩy người nghèo thành những kẻ yếm thế, bất mãn, thiếu tin cậy vào tính công bằng của pháp luật. Việc đánh giá một con người vì thế có thể bị ảnh hưởng, trở nên méo mó hoặc thiếu chính xác.

2 Xã hội Việt Nam thời gian qua đã chính thức thừa nhận sự xuất hiện của nạn tham nhũng, phần lớn nằm trong thành phần có địa vị xã hội hay làm việc ở bộ máy công quyền.

Với đồng lương công chức hiện nay được đánh giá là chỉ vừa đủ sống một cách hạn chế và cần được cải thiện, vẫn tồn tại hiện tượng rất nhiều cán bộ trong hệ thống nhà nước có con du học nước ngoài và sở hữu nhiều bất động sản, trong khi họ hầu như không có thu nhập hay hình thức làm kinh tế nào khác ngoài đồng lương nhà nước (ít ra theo bảng kê khai tài sản của họ).

Các báo cáo đồng thời cũng chỉ ra những yếu kém về mặt quản lý - điều hành - giám sát đã tạo điều kiện cho các hình thức làm giàu bất minh bùng nổ, một thế hệ “nhà giàu mới” ở Việt Nam đã làm dấy lên câu hỏi tương tự khi không ai có thể kết luận họ giàu có vì lý do gì.

Khi xã hội không đảm bảo cho người lao động chân chính một cuộc sống tươm tất và không đủ sức khống chế sự bất minh, thì lẽ tất nhiên tâm lý “tranh thủ” làm giàu bất minh xuất hiện. Và cái vòng đánh giá sai lầm cứ thế mà tiếp diễn.

Khi sự bất minh không bị nghiêm trị thì việc có nhiều tiền là sự xác nhận nhanh nhất giá trị của người giàu. Đó là lý do người ta thích khoe khoang, không chỉ khoe về mình, họ còn khoe giùm cho cả con cái, khoe giúp cả những người có vai vế trong xã hội mà họ quen biết. Tất cả đều nhằm định danh và định giá cho chính bản thân mình.

3 Ở một số quốc gia phát triển, việc “khoe” (đề cập) thu nhập một năm có bao nhiêu có thể nói lên nhiều điều. Trước hết đó là sự tự khẳng định mình, việc trả lương theo bằng cấp hoặc tính chất công việc cho thấy đó là người đã tốt nghiệp đại học hoặc lao động phổ thông, lao động chất xám hay chân tay.

Mà học đại học ở các nước phát triển không dễ, đó là học phí thường phải vay mượn từ nhà nước, là hàng tá tín chỉ phải hoàn thành, là trình độ được khảo sát rất gay go, là khả năng làm việc trải nghiệm thực tế. Sự nghiêm túc trong đào tạo cho ra đời những con người có năng lực lao động thật sự và họ xứng đáng nhận được đồng lương tương ứng.

Trong trường hợp này, đồng lương đã bảo chứng cho họ nhiều mặt như nỗ lực học tập, ý thức cầu tiến, tinh thần sáng tạo, tính kỷ luật, siêng năng lao động, rèn luyện kỹ năng sống, kinh nghiệm làm việc theo nhóm hay độc lập, cả quyết tâm... trả nợ đại học nữa. Việc “khoe” thu nhập ở đây cũng có thể xem là sự tự hào.

Một số người lại không ngần ngại “khoe” thu nhập của mình đã thấp hơn rất nhiều so với trước vì họ chọn sống cho mục đích khác.

Tháng 9-2006, trong buổi nói chuyện với sinh viên Hà Nội, ông Henry Paulson - bộ trưởng tài chính Mỹ - cho biết đã từ bỏ vai trò chủ tịch tập đoàn tài chính ngân hàng nổi tiếng thế giới Goldman Sachs với mức lương 3,8 triệu USD/năm để về làm cho chính phủ với thu nhập chỉ 200.000 USD/năm vì “muốn phụng sự đất nước”. Đồng lương thấp ở đây lại mang giá trị rất cao.

Dân nhập cư vào Mỹ từng được khuyên hãy... mua nhân thân tốt cho mình bằng tiền, đó là hãy vay ít tiền ở ngân hàng, đừng động đến nó rồi trả đúng hẹn với ít lãi phát sinh, điều này giúp “ghi điểm” với chính quyền sở tại trong việc chứng minh mình là người sống có uy tín, kỷ luật, chấp hành pháp luật tốt. Đồng tiền trong trường hợp này đã mang một giá trị “kiểm tra” nhân thân một cách tích cực.

4 Làm thế nào để chúng ta có thể khoe thu nhập của mình với sự tự hào chân chính? Làm thế nào để thu nhập một người có thể nói lên chính danh về con người đó?

Khi một xã hội có nhiều cách để đánh giá một con người, bao gồm cả sự minh bạch về thu nhập thì có khả năng một người sẽ được đánh giá chính xác hơn về nhiều mặt.

Đồng tiền được kiếm ra càng minh bạch thì sự chính danh của người sở hữu nó càng cao, bất kể họ làm việc trong ngành nghề nào, có bằng đại học hay không, làm trong nhà nước hay ngoài tư nhân, lao động trí óc hay tay chân. Đồng tiền chân chính cũng phải đạt giá trị làm người sở hữu thấy tự tin chứ không xấu hổ.

Khi xã hội xử lý được các hình thức tham nhũng và làm giàu bất chính, những kẻ hợm mình sẽ phải dè dặt hơn, những người lao động chân chính sẽ tự hào về bàn tay sạch sẽ của mình, những giá trị ảo ít còn đất sống, những kẻ khoe khoang dễ trở thành lố bịch.

Khi đồng tiền và sự chính danh đồng hành cùng nhau, đồng tiền chắc chắn có giá trị nhất định trong việc đánh giá một con người, theo ý nghĩa họ xứng đáng được như vậy.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận