TTCT - “Tiếng Anh ba rọi”vừa trở thành chủ đề bình luận của cư dân mạng khi theo dõi một chương trình truyền hình thực tế về… nấu ăn trên truyền hình. Khán giả biết đến những nhân vật nói tiếng Việt pha tiếng Anh trong chương trình hoặc sống thường xuyên ở nước ngoài, hoặc từng ở nước ngoài nhiều năm hoặc chưa thấy “yếu tố nước ngoài” nào. Dẫu mỗi câu chỉ chứa dăm ba từ tiếng Anh hoặc có một vế bằng tiếng Anh hoàn toàn, song để giúp khán giả hiểu hết câu, nhà sản xuất chương trình phải làm phụ đề tiếng Việt phần lớn câu hoặc cả câu. Song cũng có lúc người biên tập chương trình “quên” dịch nên rất có thể khiến những khán giả không biết tiếng Anh, hoặc biết nhưng không nghe ra từ được chêm ấy phải “lợn cợn” khi thưởng thức món ăn tinh thần. Một chi tiết khác không biết nên vui hay buồn là một số thí sinh sau khi “đệm” một từ bằng tiếng Anh lại có thể nói đúng từ ấy bằng tiếng Việt ngay sau đó. Xin ví dụ một phần thi khiến khán giả bội thực “tiếng Anh ba rọi” của một cô gái trẻ ở TP.HCM: “Nước đục thường người ta nấu với cream hoặc nước dừa” (cream: kem), “Chương trình này mà về Việt Nam thì I must join” (em phải tham gia), “Em dùng dầu dừa để chiên tôm thì cái mùi nó sẽ thơm và fresh hơn” (fresh: tươi), “I got the apron” (Em đã giành được tạp dề)... Hay trong một phần thi khác, khán giả phải nghe những câu thoại “song ngữ” rất ngộ: “Có lửa nóng enough không?” (enough: đủ), “I need to nóng enough” (tạm dịch: tôi cần lửa đủ nóng), “Thêm water, lỏng hơn một chút xíu” (water: nước), “very tốt” (very: rất), “Honestly mẹ em còn khó tính hơn” (honestly: thành thật)… Khi nhiều gia đình Việt vẫn còn nếp sinh hoạt nhiều thế hệ cùng ngồi trước một màn hình tivi, cùng thưởng thức - bình luận về một chương trình nào đó thì những câu thoại Việt không ra Việt, Anh không ra Anh và những dòng phụ đề tiếng Việt nhảy tưng bừng trên màn hình rất có thể khiến người xem có cảm giác như đang xem kênh nước ngoài thay vì một cuộc thi dành cho người Việt, do người Việt sản xuất, phát trên một đài truyền hình Việt. Trên sóng truyền hình, khi phần lớn công chúng quen với tiếng Việt phổ thông thì cách sử dụng ngôn ngữ hỗn tạp ấy là một lựa chọn không phù hợp. Trong câu chuyện xem chương trình Việt phải đọc phụ đề tiếng Việt trên, không thể không nhắc đến vai trò của nhà sản xuất chương trình. Trong khi phần lớn khán giả đều hiểu truyền hình thực tế vẫn “đậm đà” yếu tố sắp đặt, diễn xuất, việc nhà sản xuất không tìm ra giải pháp để hạn chế tới mức thấp nhất sự xuất hiện “tiếng Anh ba rọi” là vấn đề rất cần xem lại. Tags: Truyền hình thực tế
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Tin tức thế giới 22-11: Nga sẽ bắn thêm tên lửa Oreshnik; Triều Tiên cảnh báo chiến tranh hạt nhân BÌNH AN 22/11/2024 Nga đã dùng tên lửa đạn đạo siêu vượt âm tầm trung để đánh Ukraine; Ông Matt Gaetz rút khỏi đề cử bộ trưởng tư pháp Mỹ;
Xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu quả tại TP.HCM: Giải pháp thiết thực cho giai đoạn mới CẨM NƯƠNG 22/11/2024 TP.HCM tổ chức hội thảo trọng điểm, tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tinh gọn bộ máy, hướng tới kỷ nguyên mới quản lý hiệu quả và phát triển bền vững.
Yoga vì sức khỏe, nào phải 'phông bạt' với đời THU HƯƠNG 22/11/2024 Dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một nữ du khách 37 tuổi, người Hà Nội, đã có động tác yoga phản cảm tại Cung điện Gyeongbokgung - Hàn Quốc.
Lập lờ sữa và nước uống từ sữa DƯƠNG LIỄU 22/11/2024 Sữa tươi, sữa hạt, sữa trái cây... với hàng trăm thương hiệu, chủng loại trên thị trường khiến người tiêu dùng hoa mắt. Loại nào mới đáp ứng nhu cầu khuyến nghị về dinh dưỡng?