TTCT - Không cần nhìn bóng tà huy lộng lẫy qua tàn lá phượng vĩ này, không cần thoáng rùng mình vì gió chiều, không cần nhìn trời xanh sâu thăm thẳm kia, không cần thấy bồng bềnh trong chiều đang dâng ngập đây mà vẫn biết rằng thu đã về. Chỉ cần nghe tiếng bước mà biết chân con gái có chiều vội vàng cuống quýt, mà biết thu về. Tranh Lá thu của Iuliana Barbu. Hôm nay nhìn tờ lịch, biết trời vừa sang thu. Ông Lưu Trọng Lư viết bài thơ Tiếng thu năm 1939 rất hay, nhiều người biết. Tôi không dây mơ rễ má gì với nhà thơ, chỉ là người đồng tông. Có nhiều sự trùng hợp làm tôi nhớ đến cha tôi, tựa hồ như nghe vọng lên từ trong mình một tiếng thu vậy, vì hoài cảm nên viết ra đây, mượn một chữ làm tựa. Ông thân tôi sinh ngày nào tháng nào tôi chẳng rõ, và tôi đồ rằng chính ông sinh thời cũng chẳng nhớ. Những năm đầu thế kỷ trước, người Việt Nam sinh ra chỉ ghi nhớ năm Thìn hay năm Ngọ gì đó để tính tuổi đi học, làm nhà, thành gia thất cùng những sự trọng khác, thế nhưng lại ghi nhớ rõ ngày giờ mất để gia đình lo việc cúng giỗ. Chuyện này là thường. Nhưng với tôi không thường ở chỗ, ông mất vào mùa thu, kỳ lạ hơn: ngày ông mất đúng tiết lập thu. Sài Gòn chỉ hai mùa mưa - nắng, bạn không thể nghe thấy tiếng thu, hơi thu như ở xứ Bắc. Giống như nhiều người, tôi cũng yêu mùa thu, mùa thu Việt Nam. Cũng dễ yêu thôi, bởi thu đẹp và buồn. Bởi có rất nhiều bài thơ, bài nhạc hay về mùa thu mà ta có thể nhớ; bởi mỗi độ thu về, cái tiết trời hanh hao, se se lạnh lại xui lòng bâng khuâng, như xao xuyến về nỗi chết. Tôi nhớ lan man. Những năm tám mấy, Việt Nam mới “mở cửa”, nhộn nhạo lắm, người khôn của khó. Tôi tốt nghiệp đại học, thất nghiệp như lẽ đương nhiên. Buồn chán quá, tôi chui vào ký túc xá Đại học Bách khoa Hà Nội ở với thằng bạn vẫn còn là sinh viên, đúng một năm trời. Vào một buổi chiều tháng Mười, trên cái giường tầng bằng sắt ở ký túc xá, tôi ngồi đọc sách, kế bên là thằng bạn (gầy yếu, nom khổ hạnh) nằm trùm chăn kín đầu. Nó đang ốm. Bỗng nó thò đầu ra khỏi chăn bảo tôi: “Thu rồi!”. Tôi phì cười, tưởng nó đang nóng đầu, nói sảng. Nó mới bảo: “Tao nghe nhiều tiếng chân con gái ngoài hành lang, tao biết mùa thu về, năm nào chả vậy”. Thì ra, tiếng guốc dép khua ngoài kia là của tụi con gái các trường đại học khác như Sư phạm, Ngoại ngữ, Tổng hợp hay gì gì đó sang thăm lũ con trai Bách khoa. Nó cười hí hí: “Không chịu nổi đâu, năm nào cũng vậy!”, đoạn, lại trùm chăn kín đầu. Tôi bỏ sách, nhảy phịch xuống đất, mở cửa, thong thả bước ra hành lang. Không phải ngó trộm bọn con gái đâu (coi vậy, chứ tôi con nhà gia giáo), đứng hút thuốc thôi. À, đây là giai đoạn tôi bắt đầu bập vào thuốc lá, rồi nghiện đến bây giờ. Tôi phì phèo điếu thuốc, suy nghĩ rồi đâm ra nể thằng bạn. Tưởng đâu một thằng con trai học cơ khí như nó, chỉ biết đến logics và máy móc khô khan, ai dè. Nó trùm chăn trong đó, còng queo như con chó ốm, không cần nhìn bóng tà huy lộng lẫy qua tàn lá phượng vĩ này, không cần thoáng rùng mình vì gió chiều, không cần nhìn trời xanh sâu thăm thẳm kia, không cần thấy bồng bềnh trong chiều đang dâng ngập đây mà vẫn biết rằng thu đã về. Chỉ cần nghe tiếng bước mà biết chân con gái có chiều vội vàng cuống quýt, mà biết thu về. Có phải nó nhìn bằng con mắt bên trong, nhìn sâu vào lòng mình, mà thấy được lòng người - hối hả tìm đến yêu đương khi lá thu đang tàn úa? Chà, thằng bạn tôi tài quá, và chiều thu huy hoàng quá! Bỏ thằng bạn ốm với mớ chân cẳng của nó, tôi xuống đường, chui vào một quán cóc; không ăn gì, chỉ mua một chai rượu nhỏ, nhấm nháp cho hết buổi chiều ấy. Tôi cô độc, nhưng không buồn (ít ra là không thấy buồn lắm). Hồi đó, tôi đang đọc J.W. Goethe, thấy ông ấy nói đại ý: không cần chờ chết mới lên được thiên đường, ngay khi còn sống cũng có hai cánh cửa đón bạn vào thiên đường trên mặt đất, ấy là rượu và đàn bà. Tôi còn trẻ, tôi ngoại đạo và có lẽ không phải người tốt lắm, tôi không quan tâm cánh cửa cuối cùng. Trong lúc cánh cửa thứ hai khi đóng khi mở thì cánh cửa thứ nhất luôn chỉ khép hờ, cứ đẩy mà vào (miễn là có vài đồng trong túi). Tin Goethe, tôi gieo mình vào hai nơi đó và lúc bước ra kết quả thế nào thì bạn đoán đúng rồi đấy - thiên đường còn ở rất xa, trong tôi toàn sầu muộn. Nếu tìm một loài hoa biểu trưng cho mùa thu thì người ta thường hay chọn hoa cúc như một truyền thống với ảnh hưởng không ít của người Tàu. Vài chục năm trước, người ta, nhất là người Hà Nội, tự dưng phát cuồng lên với hoa sữa, chắc có phần do nhạc Phú Quang. Bây giờ chán rồi, nhiều nơi chặt bỏ vì nhân dân nhức đầu không ngủ được. Tôi rất hãi mùi hoa sữa này. Tôi thích hoàng lan. Những cây hoàng lan cổ thụ trồng trong vườn hay ngoài đường phố có thể cao tầm hai chục thước, cành đâm ngang và cong võng xuống, tán rộng, hương ngát đi rất xa, thơm ngọt và bình dị. Người ta hay dùng hoa hoàng lan để cúng Phật, cúng ông bà tổ tiên. Ở thế kỷ trước, gái quê đi chơi buổi tối còn cài hoa thơm lên tóc. Ngày nay con gái làm vậy chắc tưởng bị điên. Mà đúng, người điên, bất kể thời nào, rất thường cài hoa lên tóc. Có sao đâu nhỉ, tôn thờ mùi hương, tôn thờ vẻ đẹp thì có gì sai hay thấp kém? Hay là người cười mới chính là kẻ điên? Rối não quá, thôi bỏ đi. Hoàng lan cùng một số ít loài hoa khác, lúc chín mới thơm. Cũng lạ, hoa mà “chín”, như quả vậy. (Nhiều thứ muốn chín, ta phải đun phải nấu, với hoa trái thì chỉ cần làm một việc đơn giản, tưởng dễ mà khó: chờ đợi). Còn non, nó xanh lục, nhạt hơn màu lá, sau ửng vàng là bắt đầu chín, biết lén lan hương đi xa. Mãn khai, cánh hoa vàng như màu cam, như màu trăng đêm rằm, nổi bật trên nền lá xanh. Chớ dại trèo cây hái hoa, cành giòn lắm, khối kẻ què chân hay bỏ mạng rồi. Cành thấp lấy sào, cành cao quá người ta phải dùng thang, đôi khi dùng tre làm như giàn giáo vậy, để leo mà hái. Về mặt kinh tế, tai nạn hay mất mạng vì chút tiền mọn bán hoa là không đáng, nhưng nếu kẻ nào dám chết, theo nghĩa nào đó, vì mùi hương hoàng lan trong đêm mãn nguyệt hẳn cũng cam lòng. Lại nói hương hoa, có lần ngồi đọc sách buổi chiều ngoài hiên, tôi thoáng nhận ra hương hoa hồng lẫn vào vài loại hoa khác tôi trồng, ẩn hiện chập chờn trong gió nhẹ, lúc gần lúc xa, không phân biệt ra loại nào nữa. Bỗng nhớ câu hát rất sến: “Ôi tình yêu, tôi sợ tình yêu, vì tình yêu là hương hoa...”. Tay nhạc sĩ này không vừa đâu, hắn tóm trúng cái bản chất quan trọng nhất của tình yêu và cũng là của hương hoa: không thể nắm bắt được, vì vậy, không sở hữu được. Nguy hiểm và ma quái, khi có khi không, lúc nồng lúc thoảng, mơ mơ hồ hồ, mà sao nỗi đau lại thật. Như thiết như tha, như trác như ma, mà tim người đâu cứng như xương, sừng, gỗ, đá để có thể tạo tác thành một vật tinh xảo, sáng ngời và đẹp đẽ. Nó chỉ biết rung lên, chảy máu, đau và có thể chết. Nói chung, đừng tin các nhà thơ, kể cả đại thi hào - hạng người bịp bợm và vô trách nhiệm nhất tôi từng biết. Nói vậy, nhưng tôi vẫn trồng hoa, còn đặt cho con tên một loài hoa, những mong nó xinh đẹp và thơm thảo. Ngại, rồi lại nghiện. Đỗ Phủ nói “nhân sinh thất thập cổ lai hi” là đúng với thời của ông ấy. Nay người ta thọ hơn nhiều nên tuổi bảy mươi là bình thường thôi. Tính vậy, nhẽ mình cũng đến độ thu tàn, sắp sang đông - mùa cuối của một kiếp nhân sinh bốn mùa. Có người bạn hỏi tôi hạnh phúc hay không? Hỏi gì khó thế! Việt Nam đứng hạng 94/156 quốc gia hạnh phúc hay hạng 5 thế giới về chỉ số hạnh phúc quỷ quái gì đó. Nếu bạn tin vào điều đó, khả năng tôi hạnh phúc là rất cao. Hà Nội, Sài Gòn người đi như mắc cửi, chạy xe va chạm suốt, hầu như toàn với những tay lái hạnh phúc. Một người hạnh phúc cũng có thể (không cố ý) khiến bạn mất mạng, hãy cảnh giác! Nhưng hạnh phúc là cái gì mới được chứ? Tìm kiếm định nghĩa trên Google cho ra con số hàng chục triệu. Bạn thử đọc xem, tôi còn ít thời gian quá. Người ta bảo sống là để mưu cầu (tôi hiểu là truy lùng) hạnh phúc, mà hạnh phúc có sơ sơ vài chục triệu nhân dạng thế thì làm sao bắt được đây? Thôi, khó quá bỏ đi. Thứ dễ hơn như niềm vui, nỗi buồn chẳng hạn, thì tôi biết. Niềm vui lâu lâu có ghé thăm, nỗi buồn thì như người nhà, nhẵn mặt. Thu đang về, lại sắp tới ngày giỗ cha tôi. Hồi bé, tôi ghét và sợ ông, bởi ông dữ đòn. Ông ít nói chuyện với tôi mà thường “giao tiếp” bằng roi, một bó to, vót sẵn. Lớn lên tôi không còn sợ và cũng không ghét ông nữa. Tôi thương ông, nhưng cũng chẳng chuyện trò gì mấy. Đi xa lâu ngày về uống rượu và đánh cờ tướng với ông, hàng giờ liền trong im lặng. Trong những lúc đó, tôi vẫn hay nghĩ rằng có thể bố chẳng hiểu gì về tôi ngoài “biết” những thông tin sơ sài mà chính tôi hay người nhà nói ra. Nhưng còn tôi, liệu tôi có thật sự hiểu ông không? Về già, ông đằm lại, chỉ thích uống rượu, đánh cờ và cười thật hiền. Ông mê rượu, uống lai rai cả ngày và tôi tò mò xem ông nghĩ gì trong im lặng. Làm sao ta chắc rằng ta hiểu một người, dù là thân thích như cha mình ngoài một điều: ông ưa say sưa? Tôi hay đọc sách, và sống cũng đủ lâu nên có lúc tin rằng mình biết khá nhiều về lòng người. Liệu có thật thế không? Trừ vài ngày con trẻ múa lân, đánh trống ếch và chơi đèn ông sao ra thì thu, về cơ bản, là một mùa buồn. Cái đẹp thường buồn. Thu muộn, tức cuối thu, lại càng buồn. Thu muộn cũng là nỗi sầu muộn mùa thu, của đất trời và của cả một kiếp sống. Xuân đến để triển nở, thu đến để tàn phai. ■ Tags: Mùa thuThủy lợiHSV2 Swift
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Bộ Chính trị kỷ luật cảnh cáo ông Vương Đình Huệ THEO WEBSITE ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM 21/11/2024 Ngày 20-11, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã xem xét, thi hành kỷ luật tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm, khuyết điểm.
Quy định 'gỡ vướng' đất công xen kẹt sẽ cứu được hàng trăm dự án ÁI NHÂN 21/11/2024 Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM được phân công chủ trì xây dựng quy định giao, cho thuê đất công xen kẹt sẽ gỡ cho hàng trăm dự án vướng đất này.
Metro số 1 chạy chính thức ngày 22-12 CHÂU TUẤN 21/11/2024 Những công việc còn lại của dự án đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên (metro số 1) đang được các bên liên quan tập trung hoàn thiện. Dự kiến ngày 22-12, tuyến tàu điện này sẽ 'lăn bánh' chạy thương mại.
Phát hiện gần 150 bộ hài cốt giữa trung tâm Hà Nội khi cải tạo hệ thống thoát nước PHẠM TUẤN 21/11/2024 Trong quá trình cải tạo hệ thống thoát nước trên phố Tây Sơn (Đống Đa, Hà Nội), các công nhân đã phát hiện gần 150 bộ hài cốt có độ sâu gần 1 mét so với mặt đường.