Tiểu luận của Alessandro Baricco: Mất đi thứ gì đó hoặc một ai đó

ALESSANDRO BARICCO 16/06/2024 11:03 GMT+7

TTCT - "Thứ gì được đánh giá quá cao?". Mất mát thứ gì đó, ta đối diện ra sao?

Một trò chơi có thể lôi kéo đông đảo mọi tầng lớp, một câu hỏi có thể dẫn ra những cuộc tranh cãi liên tu bất tận trên thế giới, đó là: "Thứ gì được đánh giá quá cao?".

Arnaldo Greco, nhà báo và tác giả truyền hình Ý, đã làm một cuộc thăm dò về chủ đề nói trên. Arnaldo Greco tuyển chọn và giới thiệu trong một tuyển tập các truyện ngắn, các bài tiểu luận, màn thoại kịch… của các nhà văn đương đại của nước Ý.

Mỗi người một phong cách riêng, đa dạng bởi sự thông thái, nghiêm túc, hài hước, chút xíu ngông cuồng, các nhà trí thức đã đưa ra một danh mục dài, từ các món quà tặng, các chuyến du lịch, núi non, ẩm thực Ý, bế tắc của nhà văn, mối tình đầu, nam giới, những lời khiêu khích, việc say rượu, làm việc hiệu quả…

Alessandro Baricco

Alessandro Baricco

Suy cho cùng, trong một thế giới đa dạng, đa chiều, tất cả mọi thứ đều có thể được đánh giá quá cao. Để tránh một sự gãy đổ không cần thiết, thiết lập một quân bình nội tại, con người cần có một sự cởi mở của trí, sự khoan nhượng của tâm và trên hết là chút hài hước trước hết thảy mọi vấn đề.

Và có nên bớt ít thời gian trong ngày, trong đời để dành ngắm một cọng cỏ, một bông hoa, chăm sóc một cái cây, một mảnh vườn? Phải chăng đây lại là một đánh giá quá cao cái vấn đề trở về gần gũi với thiên nhiên?

MẤT ĐI THỨ GÌ ĐÓ HOẶC MỘT AI ĐÓ?

Chắc chắn rằng thật không hề dễ chịu. Nhưng nếu tôi nghĩ về thứ tôi đã thấy làm phức tạp đời sống nhân loại theo một cách thức đặc biệt hung bạo và xuẩn ngốc, tôi nhận thức rõ cái xu hướng gán một mức độ rất nghiêm trọng vào những hoàn cảnh trong đó, do sơ suất cá nhân, do sự can thiệp của ngẫu nhiên hoặc ý tưởng của người khác, người ta thấy mình phải từ bỏ một thứ gì đó, hoặc thậm chí là một ai đó.

Ở đó, thứ dường như xảy ra là một bộ phận ít nhiều gánh tải trọng của một tòa nhà mà con người tìm được nơi trú ẩn biến mất, chỉ trong nay mai, gây ảnh hưởng đến một sự ổn định mà người ta đã mong muốn hoàn tất.

Và ta đã thoáng nhìn thấy điều quá đáng của sự việc. Bởi vì, như chúng ta biết rằng không có sự ổn định nào là ổn định, không có chốn trú ẩn nào là đủ, cho dù đã kết thúc, đã thành hiện thực. Luôn luôn là những công trình đang xây dựng, những hệ thống tạm thời, đến mức nhiều người có một sự tin chắc là sắp đặt một mái che trên đầu, ít ra vào ban đêm, thuộc về lối kể chuyện điêu luyện hằng ngày hơn là thực tế của các sự việc xảy ra.

Vậy thì cần phải hiểu rằng trong một bối cảnh bấp bênh rõ ràng như thế, sự mất mát về sự vật và con người không thể diễn giải gì hơn ngoài một sự điều chỉnh quân bình giữa những người khác, trong mọi trường hợp là sự sạt lở của một bức tường chưa bao giờ được thực sự xây dựng, tóm lại là một yêu cầu thiết kế lại một hệ thống phức tạp luôn luôn chuyển đổi.

Trái lại.

Và trái lại, nhân loại có khuynh hướng bám chấp vào những gì đang rời đi, trong sự tin chắc điên rồ rằng những gì họ đang mất đi chính là điều không thể nào thiếu được cho sự sống còn của họ.

Vài khi, cho dù chỉ bởi một khoảng thời gian ngắn, thậm chí một túi xách bị đánh cắp, hoặc mười lăm phút mất đi để xếp hàng chờ đợi, người ta cũng tiếp nhận, một cách thật huyền thoại, ngang bằng cái tầm vóc của một mất mát sinh tử.

Nỗi kinh hoàng khi thấy thứ gì đó bị tước đoạt đi rất là bản năng. Làm phức tạp nó, cực đoan hóa nó, tôn sùng sự sở hữu vốn là một hiện tượng lịch sử, một sự nặng nề (*) về ý thức hệ, nhưng không phải vì vậy mà kém khó khăn để đối mặt.

Cái ý tưởng sở hữu một cái gì đó, thậm chí sở hữu một ai đó, theo sát chúng ta, tự thân nó đã là điên rồ, kết án chúng ta vào một công việc canh chừng thường xuyên và điên cuồng giám sát. Chúng ta sống bằng sự hiện diện của những chiếc két sắt, súng phòng không, hệ thống báo động và những chiếc cầu rút.

Do thế, thay vì sống bên cạnh các sự vật và những con người, chúng ta biến chúng thành sở hữu của mình, cho nên có một điểm không thể quay lại, tình thế xảy ra như sau: sự hiện hữu đầy lo lắng mà chúng ta bị buộc phải lấp đầy bằng những tháng ngày của mình. Kẻ nào sở hữu, kẻ đó sẽ bị trấn lột.

Như chúng ta biết, hậu quả của xu hướng đánh giá cao sự mất mát sự vật hay con người thật là khủng khiếp. Nó kéo dài hàng năm trong những ngày tháng của con người.

Vô số trường hợp đời sống hằng ngày bị biến đổi bởi cú sốc do một mất mát mà quy mô của sự mất mát dường như không có tầm quan trọng lớn lao. Giống như cái chết của một người thân có thể biến chuyển thành một bản kết án suốt cả cuộc đời, việc mất đi một cơ hội làm ăn, hoặc một sự vinh danh, hoặc một cuộc tranh đua có thể kéo dài như một bóng đen trùm lên tất cả những đời sống xung quanh, trong nhiều năm.

Nếu ta nhìn vào bên trong những nỗi bất hạnh nào đó đang hủy hoại toàn bộ gia đình, ta sẽ dễ dàng tìm thấy cái ngớ ngẩn của một cơ hội mất đi đã lâu lắm, hoặc sự phẫn nộ về một thứ biến mất do tình cờ hoặc từ một ý đồ xấu xa của những kẻ khác.

Thật đau lòng khi nghĩ rằng bao thứ ánh sáng và bao nhiêu cuộc sống người ta có thể tạo dựng được nếu người ta có được cái khả năng, vào cái thời điểm xác định đó, thả cho mọi thứ đi qua, thay vì đánh giá quá cao một cách bi thảm cái ảnh hưởng của việc họ bị bỏ rơi.

Người ta sẽ nói rằng xử lý một mất mát hoặc một tang chế, hoặc một mất cắp không phải là một điều đơn giản và nói chung người ta không chọn cách phản ứng trước cú giật đã cướp đi của ta một đời sống, một tài sản, một tình yêu: người ta đau đớn mà thôi. Người ta nổi loạn vì nó. Vì nó người ta trả thù.

Nhưng rồi không đúng như thế. Cái khả năng buông bỏ mọi vật và con người bắt đầu từ đằng xa, là một cách thức để đứng trong thế giới và là điều mà ta có thể rèn luyện được trong mọi việc ta làm. Không phải nó lạ lẫm với ta, nó chỉ xa cách ta về khía cạnh văn hóa.

Nhưng nó thuộc về ta và nếu như ta tránh đi việc đầu hàng vô điều kiện với sự sợ hãi, ta sẽ có thể tìm thấy lại trong những dịch chuyển tự nhiên nhất của tâm hồn. Có một sự nhẹ nhàng bản năng ở bên trong ta hoặc ít ra nó đã có trước khi ta được giáo dục để tranh đấu với nó.

Một cách tương tự, hoàn toàn không ngoài tầm tay chúng ta, cái khả năng tìm kiếm sự kiên định không ẩn nấp trong sự vật và con người giữa nơi ta sống (và ta ảo tưởng rằng sở hữu được) mà trong một vùng kín đáo riêng tư của những gì ta cảm nhận, như một hòn đảo, như một lỗ rốn, như một dòng suối, luôn hiện hữu trước khi có bất kỳ mảnh nhọn nào của thế giới và sống sót, chưa hề bị cắt trước bất kỳ sự biến mất nào của nó.

Cần phải có niềm tin vào cái căn phòng bí mật này của ta và không ngừng tìm kiếm nó, ở bên trong chính mình. Ít nhiều ta tìm thấy nơi đời sống nội tâm gặp gỡ hơi thở của cơ thể, cái luồng ký ức không thể sờ tới, một tình yêu khác thường cho chính mình và một sự bình tĩnh lạ lùng. Nơi đó, không có sự mất mát nào là tai họa. Trong giới hạn nào đó, ngay cả những mất mát của đời sống.

Tôi cần phải thêm vào một ghi chú gây tranh cãi. Trong nhóm những sự vật và con người bị mất đi, tất nhiên cần phải ghi nhận bằng một nét đặc biệt những thứ mất đi do một sự bất công. Chúng có rất nhiều.

Sẽ là có một thứ luật lệ, hoặc ít ra là một tập tục, hay ít ra một quy tắc hợp lý và kẻ nào đó đã vi phạm nó, lấy đi của ta thứ gì đó hoặc một ai đó. Nó làm cho chúng ta cay đắng bực tức vì nó thêm vào trong nỗi đớn đau của sự mất mát cái cảm giác bất công không thể dung hòa nổi. Thế là một hiện tượng nổi loạn hợp pháp bùng ra.

Và nếu như ai đó chưa hiểu những hậu quả khốc liệt ấy, có thể đọc Michael Kohlaas của Kleist (*) hoặc xem lại căn nguyên của bất kỳ cuộc chiến tranh nào. Cho dù nói ra điều này thật có vẻ khó chịu và nguy hiểm, khuynh hướng đánh giá quá cao giá trị của bất công và nghiêng về thần tượng hóa công lý tạo ra những đau khổ vô cùng to lớn giữa nhân loại đến mức thật chính đáng khi đặt câu hỏi liệu một cách hành xử mềm mại hơn trên sự việc lại chẳng tạo ra, trong một giới hạn chừng mực và kéo dài, một thế giới đáng sống hơn, êm ái hơn và cuối cùng hết, một thế giới thật sự?■

(Liên Hương dịch từ tuyển tập Tôm hùm, rượu champagne, picnic và những thứ khác được đánh giá quá cao, NXB Enaudi 2023, Arnaldo Greco tuyển chọn và giới thiệu)

Chú thích:

(*) Nguyên văn "tara" biểu đạt về nghĩa bóng nghĩa là một sức nặng, thứ áp bức, ngăn cản con người có những suy nghĩ tự do.

(*) Michael Kohlhaas là tên một truyện dài nổi tiếng của nhà văn người Đức Heinrich von Kleist, được xuất bản phần đầu năm 1808 trên tạp chí Phöbus, phiên bản hoàn chỉnh vào năm 1810 trong tập đầu tiên của Erzählungen (Những câu chuyện). Lấy cảm hứng từ một tình tiết lịch sử xảy ra vào thế kỷ 16, truyện kể lại cuộc đấu tranh kiên quyết để giành lại công lý của một người buôn ngựa - nạn nhân của sự lạm dụng của một lãnh chúa địa phương. Trong suốt cuộc đời mình, Franz Kafka chỉ xuất hiện và đọc sách hai lần trước công chúng, trong đó một lần là để đọc một số đoạn của Michael Kohlhaas)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận