"Tiểu thuyết quan trường" bán chạy

(THEO QUẢNG CHÂU NHẬT BÁO) 08/12/2011 00:12 GMT+7

TTCT - Những năm gần đây, nhiều nhà văn Trung Quốc than khó xuất bản sách, nhưng tiểu thuyết quan trường (TTQT) lại thuộc trường hợp ngoại lệ, được độc giả đón nhận nồng nhiệt.

Phóng to
Đệ nhất tác giả văn học quan trường Vương Dược Văn ký tên tặng sách - Ảnh: BaiDu

Trong vòng 10 năm qua, Trung Quốc xuất bản hơn 1.000 TTQT. 10 năm qua cũng là 10 năm nước này đang vào giai đoạn phát triển vượt bậc, cùng lúc những vấn đề tiêu cực xuất hiện ngày càng nghiêm trọng: tố cáo tập thể, tiêu cực tập thể, thất thoát tài sản khi cải cách doanh nghiệp nhà nước, khiếu kiện, tai nạn hầm mỏ, bất công trong tư pháp... những vấn đề tiêu cực trong 10 năm qua đều trở thành đề tài của TTQT.

Thực tế, TTQT đã xuất hiện ở Trung Quốc cách nay hơn 10 năm. Cuốn TTQT đầu tiên xuất hiện vào năm 1999 của Vương Dược Văn mang tên Quốc họa. Vương Dược Văn nghiễm nhiên trở thành đệ nhất tác giả văn học quan trường Trung Quốc. Sau đó là hàng loạt tác phẩm TTQT như Lựa chọn, Cán bộ nhà nước (nhà văn Trương Bình), Ông trời trên cao (nhà văn Lục Thiên Minh), Nhân gian chính đạo (nhà văn Chu Mai Sâm), Thương Lãng chi thủy (nhà văn Diêm Chân), Vận quan (nhà văn Tiêu Nhân Phúc)... Khái niệm TTQT chính thức xuất hiện ở nước này.

Quan chức sáng tác

Theo thống kê, trong năm 2010 nhà sách trực tuyến Dangdang.com cung cấp hơn 158 đầu sách TTQT, tăng 70% so với năm 2009. Cuối tháng 11 vừa qua, trên diễn đàn về TTQT 2011 tại Bắc Kinh, nhà văn Hồng Phóng cho rằng trong Giải thưởng văn học Mao Thuẫn cần có giải riêng cho thể loại TTQT, vì đây là đề tài gần gũi với độc giả. Tuy nhiên, diễn đàn cũng cho rằng TTQT trong năm 2011 bắt đầu có dấu hiệu đi xuống, khi đề tài và cách diễn đạt của nhiều tác phẩm khá giống nhau, cần có một cuộc đột phá, tìm hướng đi mới.

Nếu như trước đây TTQT đều do các nhà văn chuyên nghiệp viết nên thì thời gian gần đây nhiều quan chức đương nhiệm cũng tham gia đội ngũ sáng tác TTQT.

Từ năm 2010 đến nay, các tác phẩm như Nhật ký Hầu Vệ Đông, U sa, Lĩnh hội quan nhỏ, Đường quan... đều do quan chức sáng tác. Quan chức xuất bản sách trở thành hiện tượng văn hóa đáng quan tâm nhất trong năm 2010. Trong danh sách bình chọn nhà văn giàu nhất trong năm 2010 của Trung Quốc, tác giả Tiểu Kiều Lão Thụ, một cục phó của thành phố Trùng Khánh với phí bản quyền quyển Nhật ký Hầu Vệ Đông lên đến 1.900.000 NDT, đứng thứ 22 trong danh sách.

Quyển Lĩnh hội quan nhỏ của tác giả Vương Kính Thụy, phó thị trưởng thành phố Dương Tuyền, tỉnh Sơn Tây, tái bản lần 7 trong năm 2010 và vẫn bán chạy. Nhà văn hóa Dư Thu Vũ ghi lời tựa cho sách đã viết: “Đây là một tác phẩm rất lạ, được sáng tác bởi một người không có điều kiện viết sách nhất, trong một môi trường không thích hợp viết sách nhất”.

Tuy các tác phẩm quan trường có thể trở thành sách bán chạy, nhưng những nhà văn là quan chức đương nhiệm thường khá kín tiếng. Thậm chí như Tiểu Kiều Lão Thụ đến nay vẫn không công khai thân phận. Ông cho biết lãnh đạo, đồng nghiệp đều không biết ông đang viết văn, nếu biết nhất định sẽ nhìn ông bằng con mắt khác, công việc của ông không hề liên quan gì đến viết lách.

Đọc để... làm quan, thăng và giữ chức!

Theo điều tra của tạp chí Quyết Sách cuối năm 2009, độc giả TTQT là cán bộ công chức cơ quan nhà nước chiếm 30,5%, nhân viên doanh nghiệp chiếm 27,1%, nhân viên đơn vị hành chính sự nghiệp chiếm 20,3%. 59,3% cho biết chọn TTQT vì muốn biết hiện trạng chốn quan trường, 48,8% cho biết quan tâm những tiêu cực bị vạch trần. 14,4% cho rằng những người mới vào quan trường có thể thông qua loại tiểu thuyết này để tìm hiểu môi trường mới, “học hỏi kiến thức” cần thiết.

Một nhà sách trực tuyến còn bình chọn 12 tác phẩm TTQT cần đọc trong chốn quan trường, như sách cho người mới làm quan, sách để thăng chức, sách để giữ chức, sách để bảo vệ bản thân...

Lý giải vì sao tiểu thuyết quan trường trở thành sách bán chạy, nhà văn Lục Thiên Minh cho rằng quan trường ảnh hưởng cuộc sống người dân Trung Quốc hơn 2.000 năm nay, có mối liên hệ lớn đến cuộc sống của mỗi con người. Ngày nay, khi người dân sống trong thời kỳ thông tin về chính quyền không được công khai, thì việc thông qua loại hình tiểu thuyết này để vạch trần bí mật quan trường trở thành lựa chọn cho những ai muốn tìm hiểu cuộc sống, công việc của quan chức.

Thiếu tính văn học

Tác phẩm Đường quan của Khương Tống Phúc - nguyên phó thị trưởng thành phố Lâm Tương, tỉnh Hồ Nam - hé mở những quy định ngầm như: khi lãnh đạo ký tên theo chiều ngang có ý là “để đó tính sau”, nếu ký theo chiều dọc là “nhất định sẽ làm”, nếu đằng sau chữ đồng ý là dấu chấm tròn đen có nghĩa sẽ “toàn tâm toàn ý để làm”, nếu chỉ khoanh tròn thì phải hiểu là... “100% không được làm”!

Mặc dù được độc giả đón nhận, nhưng giới phê bình văn học lại không quan tâm đến loại hình văn học mới này. Nhà phê bình văn học Bạch Diệp cho rằng TTQT không phải là tên gọi của một đề tài văn học, chỉ là một tên gọi dùng để phân loại khi tiêu thụ sách.

Ông thừa nhận những tác phẩm chống tiêu cực trước đây từng mang đến làn gió mới cho nền văn học Trung Quốc, lột tả sự liêm chính, dũng khí của thời đại, khiến người đọc suy ngẫm, không ngừng phấn đấu vươn lên. Còn hiện nay, nhiều TTQT chỉ là hư cấu, chạy theo trào lưu, chưa phản ánh được đạo lý qua nội dung truyện, thiếu tính phê phán, tự kiểm.

Thực tế độc giả chỉ quan tâm, chạy theo giá trị công cụ của TTQT, chứ không phải giá trị thẩm mỹ của tiểu thuyết văn học. Điều đó có nghĩa khi độc giả xem TTQT như sách giáo khoa quan trường thì tiếc thay đó chỉ là quan trường hư cấu. Nhà văn của loại TTQT Vương Dược Văn từng nói rất sợ độc giả nhầm lẫn, xem tác phẩm của ông như là bảo bối quan trường. Mà nếu đúng như vậy, ông hi vọng “một ngày nào đó sẽ không còn ai đọc TTQT, đó chính là ngày chốn quan trường Trung Quốc thật sự liêm chính, công bằng văn minh!”.

Còn hiện nay, theo Huaqingzx, cuốn TTQT bán chạy nhất là Thủ trưởng số 2 của nhà văn Huỳnh Hiểu Dương phát hành tháng 5-2011. Trong một tháng sách tái bản sáu lần, phát hành 100.000 quyển, số lượt đọc trên mạng hơn 30 triệu.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận