Tìm lối ra cho "làng di sản"

MINH TỰ 04/04/2004 03:04 GMT+7

TTCN - Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên – Huế) đã trở nên “nổi tiếng” sau khi Hội Kiến trúc sư VN tiến hành một chương trình nghiên cứu công phu về nó. Ngày 30-3 có cuộc hội thảo khoa học về ngôi làng cổ này.

Phóng to
TTCN - Làng cổ Phước Tích (Thừa Thiên – Huế) đã trở nên “nổi tiếng” sau khi Hội Kiến trúc sư VN tiến hành một chương trình nghiên cứu công phu về nó. Ngày 30-3 có cuộc hội thảo khoa học về ngôi làng cổ này.

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, Phước Tích hội tụ được trọn vẹn các yếu tố đặc trưng của một ngôi làng Việt ở Bắc Trung bộ, từ lịch sử (làng lập năm 1470, dưới thời vua Lê Thánh Tông), cảnh quan thiên nhiên, cấu trúc không gian, kiến trúc nhà ở, cho đến hệ thống tín ngưỡng, nghề truyền thống, lối sống... Trong đó nổi trội là “bộ sưu tập nhà gỗ (tuổi từ 100 - 200 năm) có một không hai” và “cấu trúc không gian làng chưa bị xê dịch, biến dạng”.

Từ đó, KTS Kính đề xuất: tiến hành tổng điều tra tài sản văn hóa của Phước Tích, nghiên cứu và khảo sát toàn diện, chi tiết để xây dựng hồ sơ khoa học; thiết lập cơ sở pháp lý trình các cấp chính quyền công nhận Phước Tích là “làng di sản” (một khái niệm chưa có trong Luật di sản văn hóa).

“Làng di sản chứ không phải làng di tích, vì di tích thì phải được bảo tồn nguyên vẹn, bảo vệ nghiêm ngặt, thế mà Phước Tích là một cơ thể sống, cảnh quan thiên nhiên và những ngôi nhà cổ ấy phải tiếp tục sống với những cư dân mới trong một thời đại mới với những nhu cầu của cuộc sống mới. Phước Tích không phải như Hoàng thành, lăng tẩm ở Huế, vậy nên liệt Phước Tích vào diện di tích là bịt chặt con đường phát triển của nó”- KTS Hoàng Đạo Kính khẳng định.

Khi được “chính danh” như thế, Phước Tích sẽ tìm cách bảo tồn những giá trị bằng “nguồn vốn di sản” của chính nó thông qua con đường du lịch.

Hầu như các nhà nghiên cứu Phước Tích đều đồng tình với con đường ra của làng di sản này là du lịch, song cũng không ít người e ngại đó cũng rất có thể là “con đường hủy diệt”. Như ý kiến của TS Nguyễn Hồng Kiên (Viện Bảo tồn di sản – Bộ Văn hóa - thông tin): “Tôi rất sợ ngành du lịch sẽ biến nó thành một ngôi làng du lịch ngay. Còn giao bộ phận quản lý di sản của ngành văn hóa thì sẽ không đủ tiền để lo... ”.

Hoặc PGS Nguyễn Văn Thịnh (Đại học KHXH&NV Hà Nội) tha thiết: “Tôi thấy lo cho Phước Tích quá, cứ sợ nó sẽ bị đào hồ, làm đường mới như đã thấy ở Côn Sơn…”. Chung qui vẫn là những nỗi lo cố hữu, do thực tế giữa việc bảo tồn và khai thác vốn di sản văn hóa quí giá từ Bắc chí Nam vẫn cứ mâu thuẫn nhau, thậm chí tiêu diệt lẫn nhau.

Nhưng du lịch sẽ là xu hướng không thể chống lại được của Phước Tích, bởi sau khi ngôi làng ấy được “phát hiện” hầu như lúc nào cũng có du khách về tham quan làng. Không nên vội vã với Phước Tích, nhưng không thể không làm gì - đó là điều mà từ dân làng cho đến du khách yêu mến ngôi làng cổ ấy đang mong muốn. Chỉ có một điều không hề thừa khi phải nhắc lại: cái gì của Phước Tích hãy trả lại cho Phước Tích, nhưng cái gì không phải của nó xin hãy đừng đưa vào trong tế bào làng vốn vẫn còn rất thuần khiết ấy!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận