Tìm về một Hà Nội xưa

THU HÀ 10/10/2011 21:10 GMT+7

TTCT - “Quyết định trao cho Đoàn Bắc cái đĩa CD chứa 5.000 bức ảnh quý giá sau khi đã lưu giữ nó ba năm đến với tôi khá đột ngột.

Không phải là một dự án nằm trong đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội - nơi có những phần lễ thật “đại”, thật hoành tráng, tiêu tiền tỉ, mà có khi chỉ tạo ra một Hà Nội giả cổ, nham nhở và lòe loẹt, anh kiến trúc sư nghèo đó, không một cắc từ các dự án “nghìn năm”, chỉ với sự hỗ trợ của những người giàu tâm huyết đã tổ chức được một triển lãm cho ngót 2.000 tấm ảnh cổ, để mọi người thấy lại diện mạo và hồn Hà Nội cổ đích thực”.

Phóng to
Hồ Gươm khi chưa có tháp Rùa

Nhà giáo ưu tú Vũ Thế Khôi - người xuất thân trong gia đình khoa bảng nhiều đời (ông là con trai cụ Vũ Đình Hòe, hậu duệ của cụ đốc học Vũ Tông Phan) - đã tâm sự như vậy về quyết định trao kho tư liệu ảnh cổ khổng lồ về Đông Dương mà ông thu thập được từ Trung tâm lưu trữ Aix-en Provence (Pháp) cho kiến trúc sư trẻ Đoàn Bắc.

Không chỉ riêng ông, hàng chục người bạn của VN từ nhiều nước trên thế giới đã cùng thực hiện hành động đẹp đẽ đó khi biết về công việc mà Bắc đang làm. Từ rất nhiều nguồn khác nhau: xin cho, tặng biếu, trao đổi, cả mua bán, đến giờ này Đoàn Bắc đang sở hữu kho tư liệu ảnh cổ khổng lồ lên đến gần 7.000 tấm. Và phần lớn trong số đó (hơn 4.000) là ảnh về Hà Nội cổ.

Những tấm hình đen trắng kể lại và minh chứng cho những câu chuyện dường như khó tin về một Hà Nội định hình và biến đổi qua những thời khắc lịch sử khó khăn, thấm đẫm mất mát, đau thương mà kiên cường của những lớp người Hà Nội.

Nhiều tấm ảnh vô cùng lạ: hồ Gươm khi chưa có tháp Rùa, xây dựng khu Đấu Xảo... Đặc biệt là cảnh đóng móng trụ cầu Long Biên với những dụng cụ hình quả chuông khổng lồ úp ngược mà sách vở ghi chép với những chi tiết thảm khốc: toàn bộ những mố đá, trụ cầu được thi công bằng phương pháp giếng chìm hơi ép.

Phóng to

Đóng móng trụ cầu Long Biên với những dụng cụ hình quả chuông khổng lồ

Phóng to
Xây dựng khu Đấu Xảo
Phóng to
Chợ Đồng Xuân

Những phu thợ người Việt phải ngồi vào trong những “chuông sắt” đưa sâu xuống lòng sông để đào múc đất đá chuyển lên, trong một thời gian vừa khít với lượng dưỡng khí trong lòng chuông. Khí áp đã khiến nhiều người chảy máu mũi, máu tai mà chết.

Thứ bảy đầu tiên của tháng 10, tại cà phê sách Lollybooks (Hà Nội) đã có buổi thuyết trình đầu tiên về “Khu phố Tây ở Hà Nội” với hơn 300 bức ảnh như vậy. Thứ bảy tiếp theo sẽ là chủ đề “Thăng Long ngũ trấn - đền Ngọc Sơn”. Những nỗ lực ấy của Đoàn Bắc để quảng bá về chiều sâu lịch sử, văn hóa của Hà Nội đang được nhiều kiến trúc sư, nhà sử học, nhà Hà Nội học và giới trẻ ủng hộ.

Mới đây, Đoàn Bắc vui mừng thông báo đang đàm phán với một nhà tài trợ để tiến hành số hóa và đưa toàn bộ số ảnh này lên một trang mạng riêng để ai cũng có thể vào xem và trả khoản tiền nhỏ nếu muốn tải về.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận