Có hay không bù chéo giá điện?

NGUYỄN VẠN PHÚ 20/05/2019 21:05 GMT+7

Một trong những vấn đề của ngành điện thường được nêu ra mỗi khi dư luận dậy sóng vì giá điện tăng là chuyện bù chéo, được hiểu theo nghĩa ngành điện bán điện giá cao cho sinh hoạt, lấy tiền thu được để bù đắp, trợ giá cho điện sản xuất vốn được tính giá rẻ hơn nhiều. Có thật thế không?

Ảnh: Philly.com
Ảnh: Philly.com

Theo biểu giá hiện nay của Điện lực Việt Nam công bố, đúng là giá điện sản xuất thấp hơn giá điện sinh hoạt. Ví dụ giờ bình thường, giá điện cho các ngành sản xuất (cấp điện áp từ 110kV trở lên) là 1.434 đồng/kWh, trong khi giá điện sinh hoạt bậc rẻ nhất cũng đã là 1.549 đồng/kWh (còn bậc cao nhất lên đến 2.701 đồng/kWh).

Còn theo phát biểu của các chuyên gia dùng giá đã chuyển sang đôla để so sánh thì hiện nay (năm 2019) “các ngành sản xuất đang được bù giá điện khi mới chỉ chịu mức giá khoảng 6,8 cent/kWh, trong khi giá điện sinh hoạt khoảng 8,7 cent/kWh và các ngành khác là 10 cent/kWh”. Trước đó, năm 2012, có đại biểu Quốc hội phát biểu “ngành điện phải bù chéo cho ngành ximăng, ngành thép là 2.547 tỉ đồng. Trong đó liên doanh có vốn đầu tư nước ngoài cho sản xuất thép là 506 tỉ đồng”.

Tuy nhiên, nhìn ra các nước khác, hầu như ngành điện nước nào cũng có tình trạng giá điện bán cho sản xuất rẻ hơn giá điện bán cho sinh hoạt hộ gia đình.

Ví dụ giá điện bình quân cho hộ gia đình ở Toronto (Canada) là 13,24 cent/kWh năm 2018, trong khi giá điện bán cho sản xuất chỉ ở mức 10,66 cent/kWh. Vùng New England ở Mỹ giá điện bình quân vào tháng 2-2019 là 21,2 cent/kWh cho hộ gia đình; 13,69 cent/kWh cho sản xuất.

Theo trang web của U.S. Energy Information Administration, giá điện thường cao hơn cho hộ gia đình bởi chi phí truyền tải điện đến tay họ cao hơn; các cơ sở sản xuất mua điện nhiều, không cần hạ điện áp nên hiệu quả cao hơn, điện không bị thất thoát... Nói chung điện bán cho sản xuất gần với giá bán sỉ nên thấp hơn.

Trang này cũng cung cấp số liệu năm 2018, giá điện bình quân trong năm ở Mỹ là 10,58 cent/kWh, trong đó giá điện cho hộ gia đình là 12,89 cent/kWh; cho thương mại là 10,66 cent/kWh; cho sản xuất công nghiệp là 6,93 cent/kWh và cho vận tải là 9,77 cent/kWh.

Thế nhưng ở đây có một thực tế cần lưu ý: giá điện cho sản xuất ở Việt Nam còn quá rẻ nên là một trong những yếu tố hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, đặc biệt là các nhà đầu tư sử dụng nhiều điện như sản xuất ximăng, sắt, thép. So với các nước ASEAN, giá điện cho sản xuất ở Việt Nam thấp hơn giá điện của Thái Lan, Singapore, Philippines.

Theo một nghiên cứu của TS Phạm Duy Hiển công bố trên tạp chí Energy Policy, cường độ điện năng (electricity intensity), một chỉ số đo lường hiệu suất sử dụng điện trong kinh tế, của Việt Nam là rất cao, cao hơn hẳn các nước khác trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Nói nôm na, cường độ điện năng đo lường mức độ cần bao nhiêu kWh điện để tạo ra 1 đôla GDP, chỉ số này càng cao chứng tỏ hiệu suất sử dụng điện càng thấp.

Hay nhìn ở góc độ khác, cường độ điện năng Việt Nam cao như thế chứng tỏ nền kinh tế có nhiều ngành sản xuất công nghiệp thâm dụng điện năng như sản xuất sắt, thép, ximăng, chứ không phải là nhiều ngành dịch vụ hay ứng dụng công nghệ thông tin.

Số liệu năm 2014 cho thấy 53% điện năng là dành cho sản xuất; điện cho sinh hoạt chỉ chiếm 30%. Vì thế, để giải quyết các vấn đề của ngành điện, cần chú ý nhiều hơn đến giá điện bán cho sản xuất chứ không chỉ nhắm vào điện sinh hoạt.

Trong bối cảnh các tổ chức quốc tế như Ngân hàng Thế giới từng khuyến cáo Việt Nam phải dần chấm dứt bán điện dưới giá thu hồi vốn, có thể bắt đầu bằng cách định lại giá điện bán cho sản xuất. Nếu giá điện bán cho người dân ở mức thấp, nhất là có sự trợ giá của Chính phủ thì chắc chắn giá điện bán cho sản xuất còn thấp hơn mức này, không thể nào cao hơn giá thành.

Có thể bắt đầu cải tổ lại cơ cấu giá điện bằng cách xem lại giá bán cho sản xuất, không để doanh nghiệp thâm dụng điện tận dụng cơ hội giá điện rẻ nhảy vào đầu tư và gây áp lực lên tiêu thụ điện năng. Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới cũng khẳng định cải tổ giá điện cho khu vực sản xuất không ảnh hưởng nhiều lên hoạt động sản xuất cho xuất khẩu. Chỉ khi chúng ta thu hút đầu tư nước ngoài không phải bằng lao động rẻ và giá điện rẻ, mà bằng các yếu tố khác thì dòng vốn đầu tư đó mới bền vững.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận