Giáo dục tư nhân và vấn nạn bỏ học đại học

DAVID KIRP (CHRONICAL) 20/08/2019 22:08 GMT+7

TTCT- Ở Mỹ, 40% sinh viên vào đại học mà không tốt nghiệp. Không ai phải chịu trách nhiệm. Không ai tính toán hết các tổn thất xã hội. Đó là những mặt trái không tránh khỏi của một nền giáo dục “tự do hóa”, chỉ nhắm tới lợi nhuận.

??
 

 

Người ta coi việc trả tiền cho giáo dục đại học (ĐH) tương tự như mua tấm vé để bước vào giai cấp trung lưu ở Mỹ. Điều này đúng đối với những người lấy được một tấm bằng. Thu nhập cả đời của người có bằng cử nhân nhiều hơn gần 1 triệu USD so với người chỉ có bằng trung học, và khoảng cách này càng lớn khi ngày càng nhiều ông chủ đòi hỏi người làm thuê phải có trình độ ĐH.

Khi hiệu trưởng chỉ nghĩ tới đầu vào

Nhưng luận điểm khẳng định rằng trường ĐH là động lực tạo ra những chuyển dịch xã hội chỉ là lời quảng cáo dối trá với 34 triệu người Mỹ trên 25 tuổi, tức hơn 10% dân số cả nước Mỹ - những người đã học một số tín chỉ bậc ĐH nhưng bỏ học trước khi lấy được bằng.

Nhiều người trong đó còn trở nên nghèo túng hơn nếu so với việc không vào ĐH. Tuy họ kiếm được tiền nhiều hơn chút ít so với những người chỉ học hết phổ thông, họ đồng thời mang một núi nợ trên vai vì học phí mà không thể kiếm được việc làm tốt hơn để trả món nợ đó.

Những người bỏ học dễ bị thất nghiệp gấp đôi so với những người có bằng cấp, và khả năng không trả nổi nợ học phí cao gấp 4 lần. Điều này khiến xếp hạng tín dụng của họ thấp, càng thu hẹp hơn nữa cơ hội sự nghiệp.

The American Institutes for Research tính rằng cái giá phải trả của việc bỏ dù chỉ một năm học thôi (đo bằng thu nhập mất đi) trong cả xã hội Mỹ là 3,8 tỉ USD. Nhưng tiền bạc chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện.

Giáo dục bậc ĐH cho người ta vốn liếng trí tuệ để làm những công việc đòi hỏi kỹ năng cao cùng nguồn vốn xã hội để tạo lập quan hệ, xây dựng mạng lưới kết nối - những thứ sẽ dẫn đến thành công.

Các nghiên cứu cho thấy bắt đầu từ sự chênh lệch trong giáo dục sẽ dẫn tới chênh lệch về thu nhập, sở hữu nhà, kết hôn cho tới nghỉ hưu. Trình độ giáo dục thật sự là lằn ranh phân chia tác động tới cách người dân Mỹ đi bỏ phiếu bầu, tới khu vực mà họ chọn để sinh sống, và sự chuyển dịch về mặt địa lý của họ.

Theo Trung tâm Nghiên cứu sinh viên quốc gia Mỹ, không đầy 60% sinh viên tốt nghiệp được trong 6 năm. Hoa Kỳ xếp hạng 19/28 nước giàu và khá thuộc Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD). Càng đào sâu những con số, bức tranh càng hiện rõ.

Ở trường công, số sinh viên lấy được bằng chiếm hơn nửa tổng số sinh viên nhập học. Ở trường tư vì lợi nhuận, con số này là khoảng 1/4. Nếu những trường này bị buộc phải tuân thủ tiêu chuẩn học thuật như trường công thì ước tính sẽ có đến 85% sinh viên không thể tốt nghiệp.

Có những sinh viên bỏ học vì không đóng nổi tiền học, cũng có những người khác thấy trường ĐH không thích hợp với họ, nhưng rất nhiều người bỏ học vì nhà trường không mang tới những gì họ cần. Việc 40% sinh viên không bao giờ lấy được bằng là một sự thật bẩn thỉu ít nhiều bí mật, một trách nhiệm không ai nhận và rất ít được chú ý.

Trong một nghiên cứu năm 2011, Richard Arum và Josipa Roksa khảo sát hơn 2.300 sinh viên và phát hiện rằng cảm nhận không hài lòng với trường ĐH và thái độ không quan tâm tới các giáo sư là rất phổ biến. Sinh viên ngày nay học ít hơn nhiều so với sinh viên thời 1960.

Thật ngạc nhiên là các trường ĐH dường như không thèm quan tâm. Ưu tiên số 1 của hiệu trưởng là lôi kéo thêm được sinh viên mới để thu học phí. Các giáo sư thì lại càng chỉ lo việc của họ mà thôi. Không ai phải chịu trách nhiệm về tình trạng đáng buồn này.

Ngày càng nhiều tiểu bang gắn số tiền Nhà nước tài trợ cho các trường công với tỉ lệ sinh viên tốt nghiệp. Tuy cách tạo áp lực này đang hấp dẫn giới chính trị, những công cụ kiểu như thế có thể gây tác dụng ngược. Nó khiến sinh viên nghèo càng khó được nhận vào trường vì họ trở thành một khoản đặt cược tồi đối với trường ĐH.

Báo cáo của Century Foundation cho biết tập trung hoàn toàn vào đầu ra sẽ làm tăng thêm cách biệt giữa những người “có tất cả” và những người “không có gì cả”, trong khi vẫn không đạt được mục tiêu tăng số người hoàn thành việc học.

Các trường không phải đến nỗi bất lực, nhưng nhiều trường đã chọn cách phủi tay. Các nhà quản lý và giảng viên bám chặt lấy cái bè “tiêu chuẩn cao và kỳ vọng thấp” cho rằng những sinh viên này đơn giản đã có cơ hội và để mất cơ hội đó. Chấm hết.

Hãy để người nghèo có cơ hội

Sinh viên nhà nghèo được lợi nhiều nhất khi lấy được tấm bằng ĐH. Kinh tế gia của Trường Stanford Raj Chetty và các đồng nghiệp ở Opportunity Insights đã xác định một nhóm các ĐH đang làm rất tốt việc thúc đẩy sự dịch chuyển kinh tế, làm bệ phóng cho sinh viên con nhà nghèo bước vào giai cấp trung lưu.

Nhưng các trường này là những ngoại lệ thực sự. Năm 2017, theo thống kê của Viện nghiên cứu Pell thuộc Đại học Pennsylvania, sinh viên từ các gia đình thuộc nhóm 25% thu nhập cao nhất có khả năng lấy được bằng cử nhân trước tuổi 24 nhiều hơn 4,8 lần so với sinh viên từ các gia đình thuộc nhóm 25% thấp nhất. Giáo dục ĐH dường như không chỉ duy trì sự cách biệt giai tầng xã hội mà còn mở rộng nó thêm!

Khoảng 1/3 sinh viên là người đầu tiên trong gia đình vào được ĐH. Không như những bạn học thuộc giới trung lưu, họ chẳng có ai để chia sẻ hay hỏi ý kiến về những cú sốc của cuộc đời sinh viên.

Quỹ The Education Trust nêu tên 18 trường ở đó sinh viên da đen, vốn cũng là nhóm nhân khẩu học có thu nhập thấp ở Mỹ, tốt nghiệp với tỉ lệ cao hơn nhiều so với những trường cùng đẳng cấp. Ví dụ, điểm SAT của sinh viên ĐH California ở Riverside cũng ngang bằng ĐH Illinois ở Chicago, nhưng sinh viên da đen ở Riverside tốt nghiệp ít hơn 30% so với ở Chicago.

Vấn đề sinh viên bỏ học có thể giải quyết trong vòng một nốt nhạc nếu bằng cấp được trao cho mọi sinh viên đi học đủ 4 năm. Đó là một đề xuất ngược ngạo so với quan niệm thông thường, nhưng tôi từng nghe giáo sư một trường công lớn đề xuất như thế với đồng nghiệp.

Vì sinh viên gốc Latin và da đen sống trong hoàn cảnh dễ tổn thương và dễ rơi vào thất bại, vị giáo sư cho rằng chỉ cần có mặt trong lớp, họ đã đáng được cho điểm khá rồi.

Giải pháp cho cuộc khủng hoảng bỏ học không nhất thiết phải hoành tráng. Cần quảng bá tốt hơn thông tin về những trường tinh hoa mà sinh viên giỏi nhà nghèo không biết là họ có thể được nhận, để giúp họ có lựa chọn tốt hơn. Cũng có thể dùng tin nhắn để “tiếp sức đến trường” cho các sinh viên tương lai. Phân tích dữ liệu thì giúp dự đoán sinh viên năm nhất nào cần được giúp đỡ.

Việc chia sẻ kinh nghiệm có thể giúp sinh viên cảm thấy họ thực sự là một phần của ngôi trường, củng cố tâm thế trưởng thành, giúp họ mạnh mẽ hơn trước những khó khăn và bỡ ngỡ của đời sinh viên.

Về học thuật, việc cải thiện những kỹ năng cơ bản: toán, đọc hiểu và viết - những điểm yếu của hàng triệu sinh viên - sẽ làm giảm đáng kể tỉ lệ thi rớt.

Trong những chuyến thăm các trường, tôi đã hỏi sinh viên tại sao họ nhiệt tình với trường. Tôi đã nghe đi nghe lại một câu trả lời giống nhau: họ có thể coi nhà trường là một chỗ dựa.

Ảnh: Straits Times
Ảnh: Straits Times

 

Sự gắn bó với ngôi trường và người đứng đầu

Trong hơn nửa thế kỷ, Viện Nghiên cứu giáo dục ĐH của ĐH California ở Los Angeles đã khảo sát hơn 15 triệu sinh viên ở 1.900 trường ĐH và rút ra kết luận: “Sinh viên càng gắn bó với những người khác trong trường về học thuật hay quan hệ xã hội thì càng nhiều khả năng họ sẽ không bỏ học giữa chừng”.

Nói vắn tắt, sinh viên càng tin tưởng rằng mình là một phần của nhà trường thì họ càng học hành tốt hơn. Điều ngược lại cũng đúng: “Không có sự gắn bó này, bị cô lập về mặt xã hội, và kết quả kéo theo là sự cô đơn, thường sẽ dẫn đến việc bỏ học”, theo nghiên cứu đã dẫn.

Để tạo ra sự gắn bó đó nơi sinh viên, lãnh đạo nhà trường phải có can đảm hành động, cũng như đủ tài năng để xây dựng một tầm nhìn thuyết phục, truyền cảm hứng, một ý thức về sự cấp thiết phải hành động trong cả trường. Những người lãnh đạo như thế hiện nay đang rất thiếu.

Hiệu trưởng các ĐH nói chung không nổi tiếng nhờ can đảm. Họ giỏi hùng biện để đánh bóng thành công của sinh viên, biết dùng những từ thời thượng, khởi động những dự án thí điểm thiếu cân nhắc, hay thu thập cả núi thông tin mà chẳng dùng tới, nhưng hiếm khi nào thấy họ nói tới “tạo ra sự gắn bó của sinh viên với nhà trường”.

Đúng là các vị hiệu trưởng ĐH có bao nhiêu là mối quan tâm cạnh tranh nhau về thứ tự ưu tiên: vận động tài trợ, các vấn đề chính sách chung, lấy lòng các mạnh thường quân, xử lý khủng hoảng… và hiếm khi vấn đề sinh viên bỏ học trở thành ưu tiên hàng đầu.

Khi tôi hỏi Timothy M. Renick, một viên chức chính phủ được bổ nhiệm để tư vấn và điều phối chính sách ở bang Georgia, liệu có phải sức ì của các trường là nguyên nhân khiến nhiều trường không giải quyết vấn đề sinh viên bỏ học, ông trả lời: “Còn hơn cả sức ì, đó là vấn đề về cấu trúc. Tôi đã đến thăm nhiều trường. Họ mời tôi vì họ thấy những thay đổi được thực hiện ở Georgia và muốn thành công tương tự.

Nhưng khi tôi đến và giải thích với họ…, tôi nghe họ nói là họ sẽ chẳng bao giờ làm được thế vì cấp lãnh đạo của họ sẽ không ủng hộ, mà cấp lãnh đạo này thì được sự hỗ trợ của hội đồng trường. Chẳng hạn khi tôi nói về việc bỏ bớt bài giảng môn toán và tăng cường dạy học tương tác, thì họ nói hội đồng giảng viên sẽ không bao giờ chống lại trưởng bộ môn toán để những thay đổi này diễn ra”.

Bởi thế trừ khi lãnh đạo ĐH tha thiết mong muốn và sẵn sàng chấp nhận thử thách, trừ khi họ coi thành công của sinh viên không phải là một vụ làm ăn may rủi mà là một mệnh lệnh đạo đức, thì vấn đề bỏ học giữa chừng sẽ không được giải quyết.

Văn hóa tổ chức của một trường ĐH - những giá trị mọi người cùng chia sẻ, lịch sử và đặc điểm nhận dạng riêng của trường - đem lại một sức mạnh đáng kể. Túi tiền của các trường sẽ ảnh hưởng tới việc họ có thể làm được và không làm được gì.

Tuy một số trường mà đầu vào ngặt nghèo như Amherst và Vassar đã thể hiện quan điểm là họ sẽ nhận nhiều hơn sinh viên nhà nghèo và thuộc tầng lớp lao động, những nỗ lực ấy chỉ như muối bỏ biển. Trong số trường tinh hoa, họ vẫn là hàng hiếm.

Một thực tế nghe như chuyện đùa: tại 38 ĐH tinh hoa, bao gồm 5 trường Ivy League (Dartmouth, Princeton, Yale, Penn và Brown), tỉ lệ sinh viên xuất thân trong gia đình có thu nhập nằm trong số 1% giàu nhất nước Mỹ chiếm tới hơn 60% tổng số sinh viên!

Trong khi đó, những trường công lớn có tính chất đại chúng đang đào tạo gần 80% tổng số sinh viên cả nước cũng là nơi vấn đề bỏ học giữa chừng nghiêm trọng nhất. Một số trường đã có những phản ứng đáng khâm phục.

Đại học Central Florida, một trong những trường công lớn nhất cả nước, có thể coi là trường tốt nhất ít được biết tới nhất. Hàng xóm của trường này, Valencia College, được Viện Aspen đánh giá là trường cao đẳng cộng đồng tốt nhất nước Mỹ. Rồi còn có Đại học California ở Long Beach, trường có số đơn ứng thí nhiều gấp đôi so với Harvard.

Một mẫu số chung: các trường này thiết kế chiến lược phù hợp với hoàn cảnh của họ, kể cả những ý tưởng cây nhà lá vườn. Mỗi trường chọn một cách tiếp cận ít nhiều khác nhau để gắn kết với sinh viên, và những khác biệt này - với chủ đề chung là đẩy mạnh cảm giác gắn bó, thuộc về nhà trường nơi sinh viên - là điều chúng ta nên tập trung chú ý. ■

Người dịch: Phạm Thị Ly

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận