Kashmir: Từ tự trị tới giới nghiêm

LOAN PHƯƠNG 25/08/2019 18:08 GMT+7

TTCT - Việc Ấn Độ rút lại quy chế tự trị cho vùng Kashmir mà họ kiểm soát đã khiến Pakistan tuyên bố sẽ khởi kiện ra Tòa án Công lý quốc tế (ICJ), theo The Indian Times ngày 21-8. Căng thẳng và xung đột một lần nữa có nguy cơ bùng lên ở vùng đất nhạy cảm Nam Á này, khi mà ở trong nước Ấn Độ đang có một chính quyền dân tộc chủ nghĩa được lòng dân.

An ninh được siết chặt ở Kashmir, đường phố hầu như không bóng người, ngoài lực lượng an ninh Ấn Độ. Ảnh: Washington Post
An ninh được siết chặt ở Kashmir, đường phố hầu như không bóng người, ngoài lực lượng an ninh Ấn Độ. Ảnh: Washington Post

 

Trước đó, Pakistan đã đáp trả quyết định đó bằng cách cắt các tuyến thương mại và vận tải xuyên Kashmir, vùng lãnh thổ cả hai nước tuyên bố chủ quyền toàn bộ nhưng mỗi bên kiểm soát một phần, cũng như trục xuất đại sứ Ấn Độ ở Islamabad.

“Chúng tôi đã quyết định đưa vụ Kashmir ra ICJ - Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Shah Mehmood Qureshi nói trên truyền hình hôm 20-8, theo The Indian Times - Quyết định này được chúng tôi đưa ra sau khi đã cân nhắc mọi khía cạnh pháp lý”.

Ông Qureshi giải thích thêm rằng vụ kiện sẽ tập trung vào những cáo buộc Ấn Độ vi phạm nhân quyền ở vùng Kashmir đa số Hồi giáo, điều mà Delhi trước sau vẫn phủ nhận. Phán quyết của ICJ, nếu không được cả hai bên đồng ý trước là có hiệu lực pháp lý, sẽ chỉ có giá trị tham khảo.

Đã có đổ máu

Kashmir là vùng lãnh thổ thuộc dãy Himalaya tranh chấp giữa Ấn Độ và Pakistan gần như ngay sau khi hai nước tuyên bố độc lập. Mỗi quốc gia kiểm soát một phần, và vùng bên phía Ấn Độ - Jammu và Kashmir, cùng Ladakh - từng có quy chế tự trị đặc biệt.

Tuy nhiên, quy chế đó giờ bị chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bãi bỏ. Chính quyền của ông Modi cũng chia vùng ra làm hai đơn vị hành chính chịu sự cai quản trực tiếp từ Delhi: Jammu và Kashmir, và Ladakh. Quyết định sẽ có hiệu lực từ ngày 31-10-2019.

Đã dự đoán trước những phản ứng trái chiều, chính quyền Modi đồng thời mở một chiến dịch phong tỏa thông tin liên lạc và an ninh nghiêm ngặt ở vùng Kashmir mà Ấn Độ kiểm soát, khi toàn bộ dịch vụ điện thoại, Internet và truyền hình đã bị cắt suốt hai tuần qua.

Dẫu vậy, các cuộc biểu tình, đôi khi biến thành bạo động, vẫn diễn ra. Hãng tin Mỹ AP nói ít nhất 2.300 người, chủ yếu là nam thanh niên trẻ tuổi, bị bắt giữ trong các cuộc biểu tình. Cũng đã có đổ máu ở vùng ranh giới thực tế.

Lực lượng an ninh Pakistan nói phía Ấn Độ đã “nổ súng dù không bị khiêu khích”, giết chết 3 binh sĩ và 2 thường dân Pakistan. Pakistan nói họ đã bắn trả, giết chết 5 binh sĩ Ấn Độ nhưng phía Ấn Độ nói họ không có thương vong.

Ông Modi đã lựa chọn thời điểm rất có tính toán để tuyên bố quyết định hạ cấp hành chính với Kashmir: trong bài phát biểu ngày 15-8, nhân lễ độc lập ở Ấn Độ. “Quyết định này sẽ hoàn thành những hi vọng và mong ước của người dân Jammu và Kashmir.

Trách nhiệm của chúng ta là phải chắp cánh cho những giấc mơ đó” - ông Modi nói, bổ sung thêm rằng động thái này sẽ giúp bảo đảm quyền của phụ nữ và các cộng đồng thiểu số văn hóa khác cũng như thề sẽ khôi phục “vinh quang quá khứ” của Kashmir.

Tuy nhiên, sau các mỹ từ ông cũng đã nói thẳng mục đích thật sự của quyết định: vị thế của Kashmir - tự trị về chính trị và cấm người không phải dân bản xứ mua đất hay làm việc trong lĩnh vực công - đã tiếp sức cho chủ nghĩa ly khai.

Ông cũng nói các quy định này bất công với phụ nữ Kashmir vì họ sẽ bị tước quyền thừa kế nếu kết hôn với người không phải bản xứ. “Cách quản trị cũ với Jammu, Kashmir và Ladakh khuyến khích tham nhũng, gia đình trị và bất công với phụ nữ, trẻ em, những người giai cấp thấp, các cộng đồng bộ lạc”.

Đi kèm với điều chỉnh hành chính, luật mới sẽ cho phép tự do mua bán đất đai ở Kashmir, điều mà một số người Kashmir chống đối sợ là sẽ làm thay đổi văn hóa và nhân khẩu học trong vùng. Một số người chỉ trích, theo AP, thậm chí còn so sánh động thái này với việc Israel xây các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine.

Ảnh: Yahoo Finance
Ảnh: Yahoo Finance

 

Phân cấp hành chính

Trước quyết định vừa rồi, Kashmir là một bang (federal state) của Ấn Độ, đồng nghĩa người dân ở đó có quyền bầu cử ra chính quyền của riêng mình để cai quản những vấn đề nội bộ, và với gần 70% trong tổng dân số 12,5 triệu người (thống kê năm 2011) là người Hồi giáo, dễ hiểu là xu hướng ly khai đôi khi thắng thế ở vùng đất này. Việc biến Kashmir từ một bang thành một lãnh thổ liên bang (union territory), vì thế không chỉ là một quyết định hành chính thuần túy.

Ấn Độ, với diện tích rộng như một “tiểu lục địa” và dân số gần 1,4 tỉ người, có hai phân cấp hành chính cho địa phương. 29 bang có quyền tự trị rộng rãi, bầu cử nghị viện riêng và có chính quyền cai quản các vấn đề địa phương.

Trong khi đó, bảy lãnh thổ liên bang là những vùng chịu sự quản trị trực tiếp từ Delhi. Từ ngày 31-10 tới, số bang sẽ chỉ còn lại 28, trong khi số vùng lãnh thổ liên bang sẽ tăng lên thành 9 với hai vùng mới từ khu vực Kashmir do Ấn Độ cai quản: Jammu và Kashmir, và Ladakh.

Chín vùng đó lại gồm hai kiểu khác nhau: những lãnh thổ liên bang không có cơ quan lập pháp (Ladakh sẽ nằm trong số này) và ba lãnh thổ liên bang có cơ quan lập pháp: thủ đô Delhi, Puducherry và (dự kiến) Jammu và Kashmir.

Hiến pháp Ấn Độ, với điều 370, từng đảm bảo cơ sở cho mối quan hệ phức tạp giữa Kashmir và chính quyền trung ương trong 70 năm qua. Điều khoản đó cho phép vùng đất này tự trị rộng rãi: có hiến pháp riêng, một lá cờ riêng và tự do lập pháp.

Các vấn đề ngoại giao, quốc phòng và thông tin liên lạc là phận sự của chính quyền trung ương. Kết quả là Kashmir có thể đưa ra quy định riêng về quy chế thường trú, quyền sở hữu bất động sản và các quyền cơ bản.

Ông Modi và Đảng Dân tộc Hindu của ông Bharatiya Janata Party (BJP) đã chống điều 370 này một thời gian dài và hủy bỏ điều đó là một yếu tố quan trọng trong cương lĩnh tranh cử của BJP năm 2019. Sau khi thắng cử với khoảng cách lớn ở cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 4 và tháng 5 vừa qua, ông Modi đã lập tức hành động.

Những người chỉ trích nói quyết định đó chỉ là hỏa mù để chính quyền đánh lạc hướng khi mà kinh tế Ấn Độ đang tăng trưởng chậm chạp. Nhiều người Kashmir thì tin rằng BJP muốn thay đổi đặc điểm nhân khẩu học của vùng này bằng cách thúc đẩy di dân theo đạo Hindu từ các vùng khác của Ấn Độ sang. Thay đổi cũng đồng nghĩa hiến pháp riêng của Kashmir sẽ vô hiệu và tất cả luật pháp được ban hành ở Ấn Độ đương nhiên có hiệu lực ở Kashmir.

Chính quyền có vẻ cũng đã thực hiện giải pháp chia để trị, khi phân vùng này thành hai lãnh thổ liên bang nhỏ hơn. Một vùng là Jammu (đa số Hindu) và Kashmir (đa số Hồi giáo), còn vùng kia là Ladakh (đa số Phật giáo, gần hơn về văn hóa và lịch sử với Tây Tạng, có dân số chỉ khoảng 60.000 người).

Hiện trạng ở Kashmir cũng khiến quyết định này mang tính “chớp thời cơ” rõ rệt. Theo hiến pháp Ấn Độ, điều 370 chỉ có thể được chỉnh sửa với sự đồng ý của “chính quyền bang”. Nhưng đã không có một chính quyền bang ở Jammu và Kashmir được hơn một năm rồi.

Tháng 6-2018, Ấn Độ đưa vùng này vào sự cai quản của chính quyền trung ương sau khi chính quyền bang của thủ hiến Mehbooba Mufti trở thành thiểu số, rồi nghị viện bang bị giải tán không lâu sau đó. Delhi nói họ hoàn toàn có quyền thực hiện các thay đổi và từng có các quyết định tương tự từ chính quyền liên bang trong quá khứ.

Ngay cả các chuyên gia luật cũng không thể nhất trí về chuyện này. ANI dẫn lời chuyên gia hiến pháp Ấn Độ Subhash Kashyap nói sắc lệnh “vững vàng hợp hiến” và “không có sai sót gì về pháp lý và luật hiến pháp”.

Tuy nhiên, một chuyên gia khác, AG Noorani, nói với BBC tiếng Hindi rằng đó là một quyết định “bất hợp pháp” và có thể bị khởi kiện ở tòa tối cao. Các đảng đối lập cũng đã tìm cách lên tiếng nhưng Kashmir là một vấn đề chính trị và cảm xúc với nhiều người dân Ấn Độ hơn là một vấn đề pháp lý, và tất cả những ai phản đối rất dễ đứng trước nguy cơ bị coi là chống lại đất nước.■

Khi vương quốc Jammu và Kashmir gia nhập liên bang Ấn Độ vào tháng 10-1947, họ không có nhiều lựa chọn. Các tay súng do Pakistan ủng hộ đang tràn vào và chỉ Ấn Độ mới giúp họ đẩy lui được lực lượng xâm chiếm. Điều an ủi là Kashmir được hứa quyền tự trị rất rộng rãi. Sự tự trị đó đã giảm dần theo năm tháng.

Những năm 1950, những chính trị gia đòi ly khai thường xuyên bị chính quyền liên bang bỏ tù. Chính quyền trung ương can thiệp vào một cuộc bầu cử năm 1987 cũng đã làm dấy lên bạo động do Pakistan kích động. Giờ thì các nhà hoạt động chính trị ở Kashmir bị bắt giữ, 30.000 binh sĩ Ấn Độ đã được đưa tới để duy trì trị an, trong bối cảnh cơ quan lập pháp của bang này đã bị giải tán hơn một năm trước.

Dân địa phương đã chán ngán cảnh rối ren: trong cuộc tổng tuyển cử năm nay, chỉ 30% cử tri Kashmir đi bỏ phiếu ở thủ phủ Srinagar, con số chỉ là 14% so với mức bình quân cả nước 62%.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận