Nhìn vào dòng du khách Việt: Sức mua nội địa và sức mạnh nội tại

NGUYỄN THANH TÙNG (*) 24/05/2020 23:05 GMT+7

TTCT - Khủng hoảng do đại dịch ập tới, ngành du lịch “từ đỉnh cao về vực sâu”, khách nội địa đang tỏa sáng như các cứu tinh. Nhưng câu chuyện của ngành du lịch còn dài rộng hơn thế...

Pù Luông (Thanh Hóa), một điểm hấp dẫn của du lịch trong nước mà H. chọn để thay cho tour Hàn Quốc nhân kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ mình. Ảnh: NTT
Pù Luông (Thanh Hóa), một điểm hấp dẫn của du lịch trong nước mà H. chọn để thay cho tour Hàn Quốc nhân kỷ niệm ngày cưới của cha mẹ mình. Ảnh: NTT

H. làm việc tại một ngân hàng nước ngoài. Ba mẹ cậu sẽ kỷ niệm 40 năm ngày cưới vào năm 2020 này. H. quyết định tặng bố mẹ món quà là chuyến du lịch Hàn Quốc. Ngay trước tết, chuyến đi đã được đặt. Cả nhà khấp khởi chờ ngày món quà trở thành hiện thực…

Nhưng kết cục đúng vào ngày trọng đại đó (tháng 5-2020), H. cùng ba mẹ và gia đình nhỏ của mình tạm hài lòng với chuyến đi ba ngày lên Pù Luông, nơi có phong cảnh thiên nhiên hữu tình với ruộng bậc thang ngút tầm mắt. Họ vẫn còn may mắn là chuyến đi có thể tổ chức được, bằng không sẽ chỉ là bữa tiệc nho nhỏ ấm cúng trong gia đình.

“Từ đỉnh cao về vực sâu”

Dịch COVID-19 đã đi vào lịch sử ngành du lịch nước nhà và để lại những chấn thương sâu sắc. Toàn bộ các công ty inbound đón khách quốc tế, khách sạn, các thành phố chuyên tập trung đón khách nước ngoài như Nha Trang với Trung Quốc, Phú Quốc với Nga, Đà Nẵng với Hàn Quốc đang tê liệt và chuyển sang trạng thái “ngủ đông” dài hạn.

Khủng hoảng ập tới bất ngờ làm tất cả không kịp trở tay, chỉ sau một đêm “từ đỉnh cao về vực sâu” (from Hero to Zero). Nhiều ông chủ, nhà quản lý cấp cao bối rối, không biết phải làm gì. Việc làm bị cắt giảm hàng loạt, các khách sạn thi nhau đóng cửa, thậm chí tuyên bố phá sản, ngưng trả nợ. Rất nhiều doanh nghiệp đã xác định trở về vạch đích, khởi nghiệp từ đầu.

Lúc này, cứu tinh duy nhất cho ngành công nghiệp không khói là du khách nội địa.

Thống kê về khách du lịch Việt Nam không tệ. Năm 2018 có khoảng 80 triệu khách du lịch nội địa cùng hơn 9 triệu khách Việt Nam đi nước ngoài. Con số này gấp 4 lần số lượng khách quốc tế tới Việt Nam.

Mức chi tiêu của khách du lịch nội địa đạt khoảng 1,3 triệu đồng/ngày, nếu đi nước ngoài thì cao hơn nhiều. Điểm đến truyền thống như các nước trong khối ASEAN đã trở nên nhàm chán. Người Việt Nam sẵn sàng đi xa hơn, thăm các nước phát triển và chịu chi hơn.

Chỉ riêng năm 2019 có hơn 550.000 người Việt Nam tới Hàn Quốc, đứng đầu ASEAN, thậm chí lọt vào top 5 các nước gửi khách tới Hàn Quốc. Cơ quan xúc tiến du lịch Hàn Quốc coi Việt Nam là thị trường trọng điểm, họ mở văn phòng đại diện tại Việt Nam và thường xuyên tổ chức các hoạt động xúc tiến, mời các đoàn FAM (tìm hiểu, làm quen, tiếp thị) và giới truyền thông tới thăm, viết bài giới thiệu về đất nước Hàn Quốc.

Nhưng trong báo cáo của Tổng cục Du lịch Việt Nam, số liệu thống kê về khách du lịch nội địa là khá hạn chế. Thành tích được ghi nhận luôn luôn là số lượng khách quốc tế tới Việt Nam, tỉ lệ tăng trưởng, mức chi tiêu, trong khi khách nội địa chỉ gói gọn trong vài con số đơn giản. Nước láng giềng Trung Quốc lại có cách đặt vấn đề hoàn toàn ngược lại.

Báo cáo hằng năm đều đưa ra các phân tích chi tiết khách du lịch Trung Quốc đi nước ngoài, dù Trung Quốc có nhiều thắng cảnh bậc nhất thế giới, thu hút số lượng khách quốc tế không hề nhỏ. Con số khách khổng lồ này được sử dụng làm đòn bẩy và gây sức ép với các quốc gia đang dựa vào nguồn khách Trung Quốc, như một công cụ điều tiết quan hệ tầm quốc gia.

Có thể nói các chỉ số về khách du lịch nội địa lại phản ánh chính xác sự phát triển kinh tế của một quốc gia cũng như tạo ra nhiều thuận lợi trong việc xuất khẩu văn hóa, đặc biệt là “sức mạnh” của quốc gia đó ra thế giới.

Ảnh:
 

Phía trước chưa phải bầu trời

Dù quyết định đóng cửa đất nước, dừng cấp visa cho mọi quốc tịch và hủy toàn bộ các đường bay quốc tế đã gây ra cú sốc lớn cho ngành du lịch inbound, không thể không ghi nhận hiệu quả trong công tác phòng chống dịch bệnh của Chính phủ.

Đầu tháng 4, khi ngành du lịch còn đầy bi quan và tính tới việc sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn ít nhất hết quý 2 thì chỉ hai tuần sau đó, các tín hiệu từ tích cực tới rất tích cực dồn dập tới, đỉnh điểm là kỳ nghỉ lễ 30-4, khi dòng thác khách du lịch ngập tràn các điểm tham quan. Khi đó, lại xuất hiện câu trả lời nhẫn nại của lễ tân: Xin lỗi quý khách, chúng tôi hôm đó hết phòng!

Sự lạc quan tiếp tục lan truyền sang tháng 5, khi các thông tin tốt lành về kiểm soát dịch bệnh vẫn tràn về. Sau hai tháng sống trong căng thẳng, đặc biệt là gần ba tuần cách ly, như chiếc lò xo nén chặt và chỉ chờ cơ hội bung bật, các nhà cung cấp dịch vụ du lịch đã không bỏ lỡ thời cơ.

Nhiều chương trình ưu đãi khủng liên tiếp được tung ra. Khách Việt Nam ngỡ ngàng, những gói dịch vụ trước đây phải giới có tiền mới có thể sử dụng thì giờ đây nhiều người dễ dàng ở một khách sạn 5 sao, hay nhấm nháp ly rượu vang trên những du thuyền sang trọng tại vịnh Hạ Long.

Để kích thích dòng tiền đổ vào du lịch, các chương trình mua voucher giá rẻ và có trị giá dài (lên tới 5 năm) liên tiếp được tung ra. Khách thì được món giá hời, nhà cung cấp có thêm nguồn tài chính để hoạch định các kế hoạch tiếp theo.

Không khí lạc quan đang tăng. Nhiều đơn vị du lịch đã hồ hởi nghĩ tới một kịch bản phục hồi sớm, có thể là quý 3, quý 4. Đã nhúc nhích những toan tính tái đầu tư và tái tuyển dụng lao động.

Nhưng mọi chuyện sẽ không dễ dàng như vậy. Việc nhiều nền kinh tế lớn nước ngoài phải chật vật đối phó với bệnh dịch cũng như khả năng vận chuyển hàng hóa xuyên lục địa vẫn hạn chế đã tạo nên sự giảm sút nghiêm trọng về nhu cầu đối với các sản phẩm tiêu dùng, điều mà nền công nghiệp Việt Nam đang có thế mạnh.

Các nhà máy đã bắt đầu giãn công, giảm giờ làm, có nghĩa là giảm lương. Hiệu ứng domino chưa lan truyền, nhưng được các chuyên gia kinh tế dự báo tới sớm trong vài tháng nữa. Đâu đó đã xuất hiện sự thận trọng trong chi tiêu, rất hiếm các gói sản phẩm nghỉ dưỡng trên 10 triệu đồng được tung ra, mà phổ biến là dưới 5 triệu.

Các gia đình lựa chọn các cung đường ngắn ngày gần nhà, cố gắng tự lái xe, vừa an toàn vừa tiết kiệm chi phí. Điều này khác biệt hoàn toàn với hè 2019, khi họ luôn sẵn sàng bỏ ra 20-30 triệu đồng cho kỳ nghỉ của gia đình.

Sự thiếu hụt bất ngờ và nghiêm trọng của kế hoạch dự tính hơn 20 triệu khách quốc tế trong năm 2020 đã làm vỡ quy luật cung cầu. Các khách sạn trước đây chỉ tập trung vào dòng khách quốc tế, giờ ào ạt tấn công thị trường nội địa. Lượng cung quá lớn này đã ngay lập tức phản ánh vào giá bán.

Các nhà cung cấp đua nhau giảm giá, rất nhiều sản phẩm đã tiệm cận, thậm chí dưới giá thành. Không thể tưởng tượng một du thuyền hạng sang ở Hạ Long sẵn sàng bán mức giá 2 triệu đồng cho tour trọn gói gồm một đêm ngủ, ba bữa ăn buffet đẳng cấp, bao gồm luôn cả vé thắng cảnh vốn khá đắt đỏ.

Nhiều đơn vị đặt ra phương châm hoạt động để trả lương cho nhân viên cũng như không để sản phẩm nằm yên và xuống cấp. Nhiều nơi có thể nói đã mài tài sản ra để mà tồn tại.

Một đất nước khi tới đủ tầm sẽ sử dụng chính sức mua nội địa làm sức mạnh nội tại của mình, giảm lệ thuộc vào xuất khẩu. Đó chính là con đường Mỹ đã chọn và bây giờ Trung Quốc đang muốn làm theo. Việt Nam, với tâm thế là đất nước đang phát triển, không thể một sớm một chiều đạt được thành tựu này.

Nhưng nếu như có thể, sự bắt đầu bứt phá bằng ngành du lịch dịch vụ, lấy khách nội địa làm trọng tâm, hoặc chí ít đối trọng cân bằng với khách nước ngoài, để từ đó đưa ra các chính sách phù hợp, thúc đẩy chi tiêu nội địa, nâng cao hành vi văn hóa ứng xử của du khách trong và ngoài nước sẽ là tiền đề rất tốt cho các ngành kinh tế khác đi theo.■

(*) Giám đốc Threeland Travel.

Nỗi lo hè 2020

Giai đoạn nghỉ dài từ tết của các khối học sinh là cú bồi cuối cùng cho lượng cầu du lịch trong mùa hè, mùa cao điểm của ngành du lịch nội địa trong năm. Để bù đắp thời gian đã mất, chương trình học sẽ xuyên suốt mùa hè và chỉ nghỉ khoảng vài ba tuần, rút cạn quỹ thời gian cho các hoạt động du lịch gia đình hằng năm.

Du khách vẫn muốn đi du lịch, nhưng chỉ có thể sắp xếp vào cuối tuần. Bóng ma no dồn đói góp và mất cân đối lượng khách, câu chuyện của nhiều năm trước xuất hiện trở lại, cuối tuần thì chỉ nhấc điện thoại để từ chối khách, đầu tuần cả khách sạn lại ngồi nhìn nhau.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận