Kết nối kinh tế để xuống thang căng thẳng

NAM MINH 27/07/2020 20:07 GMT+7

TTCT - Trong bối cảnh căng thẳng chính trị đang gia tăng ở mức độ toàn cầu khi hai siêu cường Trung - Mỹ liên tục lời qua tiếng lại và thương mại quốc tế chững lại cả vì đại dịch COVID-19 lẫn các chính sách bảo hộ, việc gia tăng kết nối kinh tế liệu có thể mở ra hi vọng củng cố cho hòa bình?


Các tuyến đường sắt trong đề án BRI dự kiến sẽ nối Côn Minh với Singapore, đi xuyên qua Đông Nam Á lục địa. Ảnh: Bangkok Post
Các tuyến đường sắt trong đề án BRI dự kiến sẽ nối Côn Minh với Singapore, đi xuyên qua Đông Nam Á lục địa. Ảnh: Bangkok Post

Khi đại dịch COVID-19 đã được kiểm soát phần nào ở châu Á, Trung Quốc bắt đầu nối lại việc triển khai dồn dập các khoản đầu tư mới và thúc đẩy các hiệp định thương mại tự do ở khu vực, cũng là để góp phần phục hồi nền kinh tế của chính nước này. Xu hướng đó lợi và hại gì cho Việt Nam, và cần phải nhìn nhận nó như thế nào?

Sự gia tăng kết nối

Mới đây, Campuchia đã thành lập ủy ban liên bộ để thực hiện dự án cao tốc Phnom Penh - Bavet, kết nối đến cửa khẩu Mộc Bài của Việt Nam. Tuyến cao tốc này sẽ giúp tăng cường kết nối giữa Việt Nam - Campuchia khi gắn kết vào dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài mà phía Việt Nam đang chuẩn bị xây dựng.

Đáng chú ý, số tiền để đầu tư vào dự án cao tốc Phnom Penh- Bavet do Tập đoàn China Railway International Co Ltd (Công ty Đường sắt quốc tế, Trung Quốc) tài trợ theo hình thức BOT.

Trên mảng năng lượng, mới đây Công ty Risen Energy (Công ty năng lượng Đông Phương Nhật Thăng, Trung Quốc) cho biết đã ký được hợp đồng cung cấp dịch vụ EPC cho một dự án điện mặt trời có quy mô công suất hàng trăm MW tại Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước, Việt Nam).

Đây là một trong những dự án EPC do tư nhân tài trợ lớn nhất thế giới, giúp công ty này cải thiện khả năng cạnh tranh tại thị trường Việt Nam sau khi dự án được hòa vào lưới điện thành công.

Risen Energy là một trong những công ty năng lượng mới nổi thời gian gần đây với mạng lưới phủ sóng khắp khu vực. Đáng chú ý, kết quả kinh doanh khả quan Risen Energy thu được trong các năm qua phần nhiều là bám theo Sáng kiến Vành đai và con đường (BRI) của Chính phủ Trung Quốc, bao gồm các dự án năng lượng trúng thầu quan trọng tại Nepal, Bangladesh, Kazakhstan và Malaysia.

Có thể thấy sau khi tình trạng dịch bệnh đã được khống chế phần nào, các doanh nghiệp Trung Quốc càng có lý do đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội đầu tư ở nước ngoài, trong khi chính phủ nước này cũng nỗ lực trấn an các đối tác về tương lai của đề án BRI. Tất nhiên, những thay đổi là không thể tránh khỏi khi COVID-19 đã làm đảo lộn cách thức thế giới vận hành.

Theo các nhà phân tích, đã bảy năm sau khi nhà lãnh đạo Tập Cận Bình công bố tầm nhìn về một con đường tơ lụa hiện đại nối liền các lục địa, tương lai của du lịch và thương mại hiện vẫn không chắc chắn. Trung Quốc thậm chí có thể phải thu hẹp các đề án đầy tham vọng trước đó để tập trung cho các khoản đầu tư an toàn hơn.

Tháng 11-2019, Tân Hoa xã cho biết ASEAN và Trung Quốc đã cam kết sẽ tích hợp các kế hoạch phát triển hạ tầng với nhau để tăng cường kết nối, theo một tuyên bố chung từ thượng đỉnh ASEAN - Trung Quốc lần thứ 22 tại Bangkok, Thái Lan.

Tuyên bố chung này, tựa đề “Tích hợp quy hoạch tổng thể kết nối ASEAN 2025” (MPAC) tập trung vào năm lĩnh vực: hạ tầng, cách tân kỹ thuật số, kho vận thông suốt, đơn giản thủ tục, và sự cơ động của nguồn nhân lực, sẽ bao gồm trong đó các dự án của BRI ở khu vực.

Hồi tháng 3, những thanh ray đầu tiên cho phần đầu dài 414km của tuyến đường sắt xuyên Lào đã được lắp đặt. Dự án này có mức đầu tư 6 tỉ đôla và dự kiến hoạt động từ năm 2022, nằm trong hệ thống BRI dự kiến sẽ kết nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, tới tận cực nam của Đông Nam Á lục địa: cảng Singapore.

Tuy nhiên, tình hình từ tháng 11-2019 tới giờ đã có nhiều thay đổi. “Các dự án sẽ làm tăng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc, nhưng chỉ ở mức hạn chế. Nhiều nước Đông Nam Á vẫn rất lo ngại các mục tiêu của Trung Quốc”, Murray Hiebert, nghiên cứu viên cấp cao thuộc Chương trình Đông Nam Á của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế tại Washington, bình luận.

Ông cũng nói tranh chấp ở Biển Đông và các đập nước của Trung Quốc trên sông Mekong gây ra hạn hán ở hạ nguồn sẽ còn cản trở bất cứ sự hợp tác kinh tế bền vững nào. Ngay cả với Lào, một nước không có tranh chấp gì với Trung Quốc, BRI cũng đi kèm những rủi ro: Chính phủ Lào đã vay 1,5 tỉ đôla từ Trung Quốc trong khoản vốn đối ứng 30% họ phải góp vào dự án đường sắt.

Cũng trong khu vực, Thái Lan và Malaysia, dễ hiểu, đã tỏ ra thận trọng hơn nhiều với các dự án hạ tầng do Trung Quốc khởi xướng. Tuyến đường sắt từ Lào sang Bangkok hiện đã hoãn lại vì những quan ngại về vấn đề chi phí.

Malaysia cũng lùi thời hạn phần dự án đường sắt nối Thái Lan với Kuala Lumpur gần một năm và chỉ bắt đầu chấp thuận lại vào tháng 4-2019 sau khi thuyết phục Trung Quốc giảm 1/3 khoản chi phí dự kiến ban đầu 20 tỉ đôla.

Đi kèm hạ tầng cứng, một mục tiêu khác hiệu quả hơn mà Trung Quốc và các quốc gia khác trong khu vực châu Á đang hướng tới là mô hình thương mại tự do mới nhằm tạo động lực tăng trưởng cho dòng chảy thương mại vốn bị tàn phá nặng nề bởi COVID-19.

Ở đó, một trong những hiệp định được kỳ vọng nhất là Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP). Với tư cách Chủ tịch ASEAN năm 2020, thời gian qua Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên và sáu đối tác (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc, và New Zealand) nhằm thúc đẩy các cuộc đàm phán RCEP. Hiện các quốc gia trong khối đang quyết tâm sẽ chính thức ký được RCEP tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ tư vào tháng 11 năm nay.

Nhìn ra khỏi những bất đồng chính trị

Có thể thấy việc Trung Quốc và khu vực châu Á đang nỗ lực triển khai các công cụ để tạo lực đẩy cho nền kinh tế hậu đại dịch ít nhiều sẽ mang đến tác động tích cực cho Việt Nam, quốc gia ở vị trí trung tâm ASEAN hiện nay.

Theo tờ The Economist, Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế có thể tăng trưởng trong năm nay, đồng nghĩa Việt Nam có cơ hội trở thành điểm đến ưa thích cho đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Theo Bộ Kế hoạch và đầu tư, tính đến ngày 20-6, tổng vốn cấp mới và điều chỉnh tăng vốn của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã đạt 15,67 tỉ đôla, bằng khoảng 85% so với cùng kỳ năm ngoái. Những đặc điểm lôi kéo giới đầu tư toàn cầu của Việt Nam là một nền kinh tế phát triển nhanh, làn sóng đô thị hóa mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng cải thiện và tầng lớp trung lưu mở rộng.

The Economist cho rằng chiến lược phát triển kinh tế của Việt Nam khá giống Trung Quốc trước đây: thu hút nhiều vốn FDI, tăng trưởng xuất khẩu, rồi từng bước leo lên chuỗi giá trị từ dệt may đến công nghệ. Việt Nam đồng thời cũng dễ gặp phải những trục trặc giống Trung Quốc, bao gồm tham nhũng và nợ xấu.

COVID-19 và nguy cơ xung đột địa chính trị Trung - Mỹ trong ngắn hạn cũng đã khiến dòng vốn đầu tư tìm đến Việt Nam nhiều hơn. Mới đây, Tổ chức Xúc tiến mậu dịch Nhật Bản (Jetro) đã công bố danh sách 30 doanh nghiệp nước này (trên tổng số hơn 100 công ty đăng ký dự án đa dạng hóa chuỗi cung ứng) được nhận trợ cấp của chính phủ để chuyển hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Thái Lan, Lào; 15 trong số đó chuyển hoạt động sang Việt Nam.

Đa số công ty được trợ cấp để sang Việt Nam thuộc lĩnh vực sản xuất thiết bị y tế. Bên cạnh đó, có một số doanh nghiệp sản xuất liên quan đến chất bán dẫn, linh kiện điện thoại, máy điều hòa hay module điện. “Một xu hướng sau đại dịch ở Việt Nam sẽ là một sự tăng tốc của chiến lược “Trung Quốc + 1”.

Các nhà sản xuất sẽ tìm cách đa dạng hóa các trung tâm sản xuất của họ” - ông Craig Martin, chủ tịch Quỹ đầu tư Dynam Capital Limited, dự báo. Giới đầu tư cũng hi vọng làn sóng FDI lần này sẽ tạo ra sự thay đổi về chất. “Làn sóng FDI đổ vào Việt Nam lần này sẽ tạo ra ảnh hưởng lên nền kinh tế lớn hơn những dòng chảy FDI trước đó” - ông Don Lam, CEO của Quỹ Vina Capital, nhận định.

Lần trước, FDI vào Việt Nam trong thời kỳ sau Đổi mới chủ yếu được thúc đẩy bởi lao động giá rẻ, trong khi lần này là sự chỉnh dòng sản xuất rời Trung Quốc, bao gồm của cả chính các công ty Trung Quốc.

Trong năm 2019, vốn FDI đăng ký từ Trung Quốc đã tăng 17% so với năm trước, cao hơn rất nhiều so với mức tăng chung là 7,2%, và là mức tăng cao nhất trong số các đối tác đầu tư lớn của Việt Nam (Hong Kong tăng 9,1%, Singapore 6,4%, Hàn Quốc 3,7%, và Nhật Bản 2,1%).

Dù vậy, thách thức để hấp thu tốt dòng vốn đầu tư lần này là lớn hơn nhiều so với dòng vốn trước đó. Theo Viện nghiên cứu Carnegie Endowment for International Peace, lực lượng lao động của Việt Nam chỉ bằng 7% so với Trung Quốc và chuỗi giá trị xuất khẩu của Việt Nam vẫn bao gồm nhiều hàng hóa trung gian từ Trung Quốc và Hàn Quốc, tức phần lớn lợi nhuận từ sự tăng trưởng vẫn rơi vào tay nước ngoài hơn là công ty trong nước. 

Để thay đổi điều đó và thực sự đón nhận cơ hội sẽ cần một nhãn quan chưa từng thấy ở những người quản trị quốc gia.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận