Không thể để mất tiếp rừng tự nhiên

TTCT-Độ ổn định địa chất của các vùng sườn dốc phổ biến như miền Trung được xác định bởi điều kiện “địa chất, độ dốc, và độ ẩm” bên trong lớp vỏ phong hóa. Khi các sườn dốc mất ổn định do lượng mưa lớn, thay đổi mực nước, xói mòn dòng chảy, thay đổi nước ngầm, động đất, xáo trộn do hoạt động của con người…, sẽ gây ra nguy cơ sạt lở đất.

Những vùng rừng tự nhiên ít ỏi còn lại ở Đakrông, Quảng Trị. Ảnh: Quốc Nam

Cao nguyên miền Trung Việt Nam rất nhiều sườn dốc, biến thiên từ vài độ đến trên 40 độ. Độ dốc lớn là yếu tố thúc đẩy tiến trình trượt đất, nhất là nền địa chất ở các sườn dốc bị ảnh hưởng bởi đới đứt gãy, các cấu trúc khối đá bị biến đổi và lớp đất bề mặt bị phong hóa mạnh. Địa chất khu vực cao nguyên miền Trung phức tạp và có nhiều đới đứt gãy kiểu này, chuyển động khối cấu trúc dọc và đứt gãy trong tân kiến tạo diễn ra khá mạnh và phân dị phức tạp, đặc biệt là các đới đứt gãy đang hoạt động có nhiều phương giao cắt với nhau, thúc đẩy các tai biến địa chất như nứt đất kèm theo sụt lún và trượt đất. Một số loại đá gốc bên dưới dễ bị phong hóa hóa học làm suy yếu lớp nền và tạo ra các đường dẫn dòng chảy cho nước dưới bề mặt hội tụ ở các khu vực quan trọng và gây trượt.

Phần lớn vùng đồi núi cao nguyên và lưu vực sông trong vùng đều đã trải qua quá trình phong hóa khá lâu, làm biến đổi tính chất đá ở lớp mặt của đất. Lớp vỏ phong hóa dày ở những sườn dốc nhiều đá tản granit phân bố rời rạc tạo thành những khối đất bở rời, gắn kết yếu, là yếu tố tạo ra khả năng gây trượt đất càng cao.

Thêm vào đó, vùng này có lượng mưa và cường độ mưa hằng năm khá cao, kéo dài khi có bão. Vài tỉnh có năm lượng mưa vượt qua 3.000mm/năm, thậm chí đến 3.700 đến 4.100mm/năm, như Huế năm 2016 và 2017. Mưa lớn là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra lở đất, với rủi ro đặc biệt ở các sườn dốc nằm trên đới đứt gãy. Sạt lở đất không những xảy ra trong khi mưa mà cả sau đó do khối đất vẫn còn bão hòa nước. Mực nước ngầm dâng cao do tích nước các hồ chứa, hoặc mực nước sông suối dâng cao khi mưa lớn sẽ gây xói mòn và lở đất ở chân dốc.

Từ những hiểu biết cơ bản về nguy cơ sạt lở ở miền Trung đấy, chúng ta nhất thiết phải nói tới vai trò của rừng tự nhiên. Khoa học đã khẳng định vai trò quan trọng của cây và rừng trong việc tăng cường cho nguồn nước ngầm ở tầng sâu, giảm tốc độ dòng chảy trên bề mặt, ngăn chặn xói mòn và sạt lở đất. Các mạng lưới hệ thống rễ sâu của cây rừng giúp kết chặt các thành phần đất và đá lại với nhau trong lớp vỏ phong hóa và có thể liên kết với lớp đá mẹ bên dưới. Hệ thống rễ sâu này, đặc biệt ở sườn dốc và nhất là chân dốc, giúp đất đá sườn dốc ổn định. Rễ cây còn hút nước và thoát hơi nước từ tán lá, làm độ bão hòa nước trong đất giảm nhanh sau khi mưa, giống một máy bơm hút và phun sương tự nhiên rất lợi hại.

Trước đây, rừng tự nhiên bao phủ rộng ở khu vực cao nguyên miền Trung, giúp hạn chế đáng kể sạt lở đất, lũ quét xảy ra trong mùa mưa. Nhưng rồi suốt nhiều thập kỷ, diện tích rừng tự nhiên suy giảm nghiêm trọng do nhiều nguyên nhân. Một nguyên nhân chủ yếu là rừng được chuyển đổi sang trồng cây công nghiệp lâu năm và cây hằng năm vài thập kỷ qua, trong đó diện tích trồng cao su gia tăng khá nhiều. Đôi khi, thuật ngữ “rừng cao su” được sử dụng để biện minh cho việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên ở một số địa phương.

Khi các cánh rừng bị mất đi, sự xói mòn đất xảy ra khá mạnh làm hiện ra các tản đá granit mồ côi mà ta thường thấy ở các sườn dốc và chúng có thể trượt xuống khi nền đất bị bão hòa nước. Một khi hệ thống rễ cây không còn, nền đất ở các sườn dốc chứa vật liệu bở rời sẽ gia tăng trọng lượng khi mưa, tạo thành khối trượt nguy hiểm.

Việc phục hồi rừng cũng đã được thực hiện, nhưng diện tích thật sự được trồng và chất lượng rừng vẫn còn là vấn đề, ngay cả khái niệm về rừng. Hệ sinh thái ở những khu vực trồng rừng mới không thể như những cánh rừng tự nhiên hiện diện hàng trăm năm với đa dạng loài thực vật và các cấu trúc tầng tán tự nhiên có hệ thống rễ sâu giúp ổn định đất. Một số loài cây được dùng để phục hồi rừng như nhóm keo lai (Acacia) không thể giống rừng tự nhiên.

Cuối cùng, rất nhiều công trình thủy điện với quy mô khác nhau đã được xây dựng trên các thung lũng và dòng chảy ở vùng cao nguyên miền Trung. Hệ quả là một diện tích rừng tự nhiên đáng kể đã mất đi và hiện tượng xói lở phía sau đập diễn ra. Hầu hết diện tích rừng bị mất lớn hơn thiết kế hồ chứa của thủy điện do tác động vùng đệm và khả năng tiếp cận để khai thác rừng bất hợp pháp. Mỗi công trình đều được thực hiện đánh giá tác động môi trường trước khi dự án được phê duyệt, nhưng việc đánh giá chưa toàn diện các vấn đề tác động đến môi trường tự nhiên và con người, đôi khi đáng ngờ về mặt khoa học, thậm chí là sự trung thực.

Tóm lại, điều kiện tự nhiên khu vực cao nguyên miền Trung Việt Nam hình thành những cảnh quan hùng vĩ vô cùng đẹp. Các hệ sinh thái rừng đa dạng sinh học cao độ. Tuy nhiên, do các điều kiện tự nhiên như địa chất, địa hình và thời tiết, nhiều khu vực rất nhạy cảm với tác động từ con người. Các sự cố về sạt lở đất, chùi bùn, lũ quét là hệ quả của những tác động như phá rừng, xây hồ chứa và đường giao thông ở những nơi có nền địa chất yếu, nằm trên đới đứt gãy. Những thay đổi về khí hậu trong tương lai được dự báo sẽ ngày càng cực đoan, tiềm ẩn nhiều rủi ro lớn cho khu vực miền Trung. Nếu những cánh rừng tự nhiên tiếp tục mất đi, các công trình xây dựng cứ mãi xâm phạm thì chúng ta sẽ còn nhận những hậu quả nghiêm trọng hơn trong tương lai.■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận