Khi người lớn chơi xấu

NGUYỄN VẠN PHÚ 13/04/2018 01:04 GMT+7

TTCT - Ai mà ngờ được rằng, có những nhà báo làm ở các tờ báo, đài truyền hình lớn, những chính trị gia lão luyện lại đi nói xấu, đưa tin thất thiệt về các học sinh cấp III vừa sống sót sau một cuộc xả súng làm chết nhiều học sinh khác? Những người lớn chơi xấu này đang nhận lấy điều gì?

Ảnh

Chiều 14-2-2018, lại một vụ xả súng diễn ra ở Mỹ, lần này tại Trường trung học Marjory Stoneman Douglas, bang Florida, 14 học sinh và 3 giáo viên thiệt mạng, hàng chục học sinh khác bị trọng thương.

Nhưng khác các thảm kịch tương tự trước đó, khi các nạn nhân sống sót chỉ biết thắp nến cầu nguyện trong đau thương, lần này các học sinh Trường Marjory Stoneman Douglas đã đứng dậy cùng nhau tổ chức các cuộc tuần hành phản đối chính sách mua bán sử dụng súng dễ dãi ở Mỹ. Họ đã thổi bùng một phong trào “bãi khóa”, “Tuần hành vì sinh mạng chúng ta” (March for Our Lives) khắp nước Mỹ.

Nổi bật là Emma Gonzalez, 18 tuổi, học sinh lớp 12 Trường Marjory Stoneman Douglas. Ba ngày sau vụ thảm sát, Emma có bài phát biểu dài 11 phút, xúc động và dữ dội.

Nếu những gì mà chính phủ và tổng thống của chúng ta có thể làm là gửi lời chia buồn sâu sắc thì đã đến lúc các nạn nhân tạo ra các thay đổi mà chúng ta muốn thấy” - Emma mở đầu và lần lượt đưa ra các lý do để yêu cầu cần có những đạo luật kiểm soát súng chặt chẽ. Em lên án những chính trị gia nhận tiền từ Hiệp hội Súng quốc gia (NRA), kể cả Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Suốt bài phát biểu, biển người nghe đã đồng thanh cùng Emma hét vang sau mỗi lời lên án các biện minh phe ủng hộ súng đưa ra: “We call bullshit!” (chỉ là lời nói xạo, đúng là nói tào lao): Các chính trị gia ngồi trong tháp ngà lưỡng viện, nhận tài trợ của NRA rồi bảo chúng tôi rằng không thể làm gì để ngăn ngừa thảm họa như thế này - chúng tôi bảo: Tào lao!; Họ nói luật súng nghiêm ngặt hơn không giảm bạo lực dùng súng - chúng tôi bảo: Tào lao!...).

Bài phát biểu lan rộng trên không gian mạng, làm tỉ lệ người chống đối chính sách sở hữu súng dễ dãi tăng vọt.

Sau đó, tại cuộc tuần hành “March for Our Lives” ngày 24-3, Emma lại có bài phát biểu dài 6 phút 20 giây nhưng em chỉ dành 2 phút để tưởng nhớ các nạn nhân thiệt mạng. 4 phút dài còn lại, Emma im lặng nhìn vào khoảng không trước mặt, một sự im lặng nặng nề trước hàng ngàn người cũng lặng thinh. 6 phút 20 giây chính là khoảng thời gian kẻ sát nhân ra tay bắn giết ở trường em trước khi ung dung hòa vào dòng người di tản khỏi trường, bỏ trốn. 4 phút im lặng là một thông điệp chính trị do một người trẻ tuổi gửi cho nước Mỹ.

Emma Gonzalez đã trở thành gương mặt đại diện cho giới trẻ Mỹ, với lời khẳng định các em hết chịu nổi sự tráo trở của chính trị, hết chịu nổi văn hóa vận động hành lang để giới buôn súng vẫn ung dung kiếm tiền trên cái chết và giới chính trị gia vẫn lớn tiếng tranh luận về quyền sở hữu súng.

Và thế là thành chuyện

Ứng cử viên Đảng Cộng hòa vào Quốc hội của bang Maine, Leslie Gibson, người đang cầm chắc chiến thắng, gọi em là “kẻ đồng tính đầu trọc”. Vài ngày sau, dưới áp lực dư luận, Gibson phải tuyên bố từ bỏ cuộc tranh cử. Những tay ủng hộ súng đạn cực đoan tung hàng loạt tin giả về Emma, chỉnh sửa một video quay cảnh Emma xé toang một tấm bia bắn súng thành video em xé toạc bản Hiến pháp Mỹ.

Thư ký một nghị sĩ bang Florida viết thư cho báo, nói rằng các em trong hình đăng báo không phải là học sinh Trường Marjory Stoneman Douglas, mấy giờ sau tay thư ký này bị sa thải. Cộng tác viên CNN và đồng thời là cựu nghị sĩ Cộng hòa Jack Kingston cho rằng các học sinh biểu tình được tỉ phú George Soros trả tiền, giật dây.

Nổi lên trong các thuyết âm mưu này là một video trên YouTube cho rằng David Hogg, một học sinh Trường Marjory Stoneman Douglas, hoạt động trong phong trào chống súng đạn nhiệt tình không kém Emma Gonzalez, chỉ là một diễn viên đóng giả làm học sinh. Có lẽ lý do là bởi David vận động những cuộc diễn thuyết khắp nước Mỹ để bắt các chính trị gia chịu trách nhiệm cho quan điểm của họ về chính sách súng đạn.

Cuộc bầu cử 2018 sắp đến sẽ bị tác động mạnh bởi những phong trào vận động như thế. Các trang web của giới nhà báo cánh hữu liên tục tấn công David, cáo buộc cậu đủ chuyện không có thật mà sau đó, chính họ phải đính chính...

Rồi xuất hiện một nhân vật chơi dại. Laura Ingraham, một nhà báo của Fox News lên Twitter, viết giễu cợt việc David Hogg “than vãn” bị 4 trường đại học từ chối mặc dù điểm tổng kết cao (SAT 1.270 điểm và GPA 4.2).

Đáp lại, David tổng hợp danh sách 12 nhà quảng cáo đang tài trợ cho chương trình của Laura và kêu gọi 600.000 người đang theo dõi cậu trên Twitter liên lạc với các công ty này, thuyết phục họ chấm dứt quảng cáo với Fox News.

Thế là lần lượt, hết nhà quảng cáo này đến nhãn hàng khác tuyên bố hủy hợp đồng quảng cáo. Laura lên tiếng xin lỗi nhưng cũng không ngăn được làn sóng hủy hợp đồng quảng cáo này, cuối cùng cô ta phải xin nghỉ một thời gian. David Hogg mới tròn 17 tuổi.

Chuyện người lớn đi nói xấu bọn trẻ như thế chỉ nói lên một điều: lập luận của phe ủng hộ súng đã cạn kiệt, họ không còn lý lẽ nào để thuyết phục đám đông nên quay qua dùng các chiêu thức bá đạo. Như câu chuyện cổ tích Hoàng đế cởi truồng của Andersen, những người lớn đang chơi xấu chính là những cận thần không muốn làm mếch lòng vua.

Nước Mỹ cần các học sinh cấp III còn rất non trẻ giận dữ thốt lên: “Thôi, đủ rồi!”, để sực tỉnh và hiểu tự do súng đạn ắt sẽ dẫn tới thảm sát bằng súng. ■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận