Bão châu chấu sa mạc: cuộc chiến có cân sức ?

LÊ MY 20/06/2020 21:06 GMT+7

TTCT - Lịch sử loài người ghi nhận nạn châu chấu đã xảy ra từ thời Ai Cập cổ đại TCN đến “đại dịch” gần nhất vào các năm 1986-1989. Được nhắc đến trong các bộ Kinh Thánh và nhiều thần thoại trên thế giới, “bóng ma” châu chấu vẫn tiếp tục ám ảnh con người ở thời hiện đại.

Châu chấu sa mạc. Ảnh: Getty Images
Châu chấu sa mạc. Ảnh: Getty Images

Châu chấu cần mưa để sinh sản và phát triển, lại rất đông và háu ăn, vì thế chúng là tai họa của loài người. Ngày nay, châu chấu sa mạc đang đe dọa 1/5 diện tích đất trên Trái đất và 1/10 dân số toàn cầu. Hơn 60 quốc gia, trong đó có Việt Nam, có nguy cơ chịu ảnh hưởng của những đàn châu chấu khổng lồ.

Tấn công trực tiếp vào “vựa lúa”

Nông dân ở miền bắc Ấn Độ đang phải mở nhạc thật to và bóp còi xe inh ỏi để xua đuổi hàng triệu con châu chấu sa mạc ra khỏi ruộng đồng. Ở nhiều nơi, bầu trời trở nên u ám giữa ban ngày bởi châu chấu bay đàn đàn lớp lớp phía trên đầu. Giữa đại dịch COVID-19, người Ấn phải tham gia một trận chiến khác để bảo vệ cây lương thực và hoa màu của họ, tức là đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.

Theo một báo cáo gần đây của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên Hiệp Quốc (FAO), trước khi đàn châu chấu hoành hành tại Ấn Độ, chúng đã phá hoại mùa màng ở 13 quốc gia khác. Bọn chúng đã tự do sinh sản ở các khu vực xung đột không được kiểm soát tại Yemen và Somalia. Ấy là chưa kể Yemen, trong tình cảnh bị tàn phá bởi chiến tranh, vốn không còn đủ sức triển khai tiêu diệt châu chấu.

FAO dự đoán hơn 42 triệu người ở những quốc gia này có thể phải đối mặt với “tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng”. Đến cuối tháng 6, một thế hệ châu chấu mới sẽ chui ra khỏi trứng và bước vào giai đoạn đói khát ở miền bắc Kenya và miền nam Ethiopia.

“Trong văn hóa của chúng tôi, châu chấu đến đồng nghĩa với mưa về - Haphi Elema, nông dân ở miền nam Ethiopia, kể trên tờ Washington Post - Nhưng chúng tôi biết rằng nếu chúng ở lại lâu hơn cơn mưa, chúng sẽ ăn sạch mọi thứ và chúng tôi sẽ chết đói”.

Gia đình Elema đã phải dùng súng và đốt vài đám lửa lớn để dọa châu chấu. Nhưng chúng luôn quá đông.

Siêu gây hại

Châu chấu sa mạc khác các loài cào cào khác ở khả năng chuyển từ trạng thái đơn lẻ sang trạng thái bầy đàn. Mặc dù mang tên “sa mạc”, chúng chỉ phát triển mạnh mẽ sau những đợt mưa lớn ở “quê nhà” của chúng - những khu vực khô hạn hoặc bán khô hạn ở châu Phi và Trung Đông.

Châu chấu đẻ 50 - 100 trứng trong một lần sinh sản. Sau vài tuần, trứng nở thành con non chưa có cánh và chúng cần thêm 2 tuần để trưởng thành. Tất cả những bước trên có thể được rút ngắn thần kỳ nếu môi trường sống có độ ẩm cao. Có thể có đến 4 thế hệ châu chấu ra đời trong một năm và chỉ mất vài tháng để các đàn đạt đến số lượng hàng tỉ con.

Ban đầu, châu chấu sa mạc sống đơn lẻ. Nhưng khi mật độ cá thể tăng, chúng tiết ra serotonin (với con người, đây là “hormone hạnh phúc”). Chất này gây nên sự thay đổi hành vi khiến chúng kết thành đàn lớn và bắt đầu di cư tìm nguồn thức ăn lớn hơn. Diện tích di cư của châu chấu sa mạc có thể lên đến 30 triệu km2 ở hơn 60 quốc gia. Nhờ sự nâng đỡ của những cơn gió, chúng có thể bay 150km trong một ngày, thậm chí bay qua Biển Đỏ.

Châu chấu chắc chắn không phải là kẻ kén ăn. Mỗi ngày, chúng có thể nạp vào lượng thức ăn bằng trọng lượng của mình. Chẳng khác nào một miệng ăn khổng lồ, một đàn châu chấu có quy mô cỡ trung có sức ăn bằng 2.500 người chỉ trong một ngày. Một cái cây có thể gãy dưới sức nặng của một đàn châu chấu.

Nạn châu chấu có thể gây nên cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng, bởi gần 10 triệu người ở những vùng bị châu chấu ảnh hưởng vốn đã thiếu ăn do lũ lụt và hạn hán từ trước. “Những xung đột liên quan đến tài nguyên sẽ gia tăng khi người dân di chuyển tới các khu vực còn có cỏ” - Josephine Ekiru, thuộc Quỹ Northern Rangelands ở Kenya, lo lắng.

Virus corona đã góp phần tạo “thế gọng kìm”. Nhiều người muốn bỏ đồng ruộng để kiếm việc làm ở đô thị, giờ đây cũng đành chịu bởi quy định giới nghiêm và hạn chế đi lại ở các quốc gia này.

Không chỉ có con người bị cướp chén cơm. Ở góc độ môi trường, các loài gia súc, côn trùng và động vật hoang dã bản địa cùng chung “chiến tuyến” vì không còn thức ăn và môi trường sinh sống. Sự tấn công của châu chấu tại Kenya lần này được xem là “không còn gì tệ hơn” trong 70 năm qua.

Khi phát hiện một đàn châu chấu di chuyển vào khu Grevy - nơi ngựa vằn sinh sống, các nhà bảo tồn địa phương ngay lập tức lấy nồi niêu xoong chảo hay bất cứ món gì có thể tạo ra tiếng ồn để xua đuổi lũ côn trùng xâm lược.

“Thật khó chịu khi tưởng rằng những cơn mưa và sự hỗ trợ sẽ giúp cộng đồng lên kế hoạch chăn thả (ngựa vằn), vậy mà sự sống còn của những con non giờ có thể bị ảnh hưởng bởi sức hủy diệt của lũ châu chấu” - Belinda Low Mackey, giám đốc điều hành Quỹ bảo tồn ngựa vằn Grevy, phàn nàn.

Thiên thời, địa lợi cho châu chấu

Người ở nơi nhiều năm hạn hán thường phụ thuộc vào viện trợ lương thực, song có mưa nhiều chưa chắc đã là hay. Thật trớ trêu, mùa mưa bất thường và kéo dài năm nay đã giúp giảm bớt phần nào áp lực lên nguồn cung thực phẩm, nhưng cũng tạo ra điều kiện lý tưởng cho lũ châu chấu sinh sản.

Những thảm thực vật tốt tươi sau cơn mưa là thiên đường để châu chấu sa mạc tụ tập, ăn uống, giao phối và đẻ trứng. Thế hệ tiếp theo lại được tận hưởng những đồng cỏ mọng nước và thoải mái phát triển.

Thế nhưng những cơn mưa đến sớm chỉ là phần nổi của tảng băng: khí hậu đang biến chuyển theo hướng có lợi cho loài châu chấu này. Theo Keith Cressman - phụ trách vấn đề châu chấu của FAO, hai cơn bão ở phía tây Ấn Độ Dương vào năm 2018 đã mang lượng mưa “thừa mứa” bất thường đến những vùng vốn khô hạn. Mưa nhiều đến mức một số hồ nước được hình thành trong lòng sa mạc tại bán đảo Ả Rập.

Nếu năm 2018 là một năm bão táp thì năm 2019 còn “ẩm ướt” hơn thế nữa. Mưa trên diện rộng, liên tục ở khu vực Sừng châu Phi từ tháng 10 đến tháng 12 nhiều gấp 4 lần lượng mưa bình thường ở những năm trước. Tất cả trở thành điều kiện thuận lợi để cỏ cây nảy nở và châu chấu sinh sôi.

Dịch châu chấu hiện nay, theo một số chuyên gia, có thể là điềm báo cho một tương lai khắc nghiệt hơn do tình trạng lưỡng cực Ấn Độ Dương - Indian Ocean Dipole (IOD), khiến nhiệt độ mặt biển ấm hơn ở phía tây và lạnh hơn ở phía đông.

Các nghiên cứu gần đây cho thấy IOD có thể phổ biến hơn trong tình trạng nóng lên toàn cầu. Không chỉ gây ra lượng mưa lớn ở Đông Phi với 8 cơn bão ngoài khơi vào năm ngoái, IOD còn liên quan đến tình trạng khô hạn ở Úc, làm trầm trọng hơn các vụ cháy rừng ở nước này.

“Vũ khí” diệt châu chấu

Trong cuộc chiến chống lại bọn châu chấu, khả năng dự đoán và chuẩn bị là chìa khóa. Tại Ấn Độ, tốc độ và hướng gió là chỉ dấu sớm để biết các đàn châu chấu đã “bành trướng” đến đâu ở những điều kiện môi trường nhất định. Các nhà khoa học thuộc Tổ chức Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (Mỹ) đã hợp tác với Keith Cressman để phát triển một ứng dụng có thể dự báo gió sẽ thổi lũ châu chấu bay đi đâu.

Nhưng nạn dịch lần này đã qua mắt được các mạng lưới theo dõi trên. “Không ai biết chuyện gì đang xảy ra vì đó (điểm xuất phát của châu chấu) là một trong những nơi hẻo lánh nhất trên hành tinh này” - Cressman nói trên tạp chí Wired.

Để chiến thắng, ta không còn cách nào ngoài tiêu diệt chúng. “Vũ khí” đã và đang được sử dụng rộng rãi là các loại thuốc diệt côn trùng phun theo phương pháp Ultra Low Volume (ULV), nghĩa là phun hạt siêu nhỏ. Tuy nhiên, các chuyên gia cũng lo ngại nếu các hóa chất này không được phun đúng cách, cả các loài côn trùng có lợi như ong, bướm cũng sẽ bị vạ lây. Đấy là chưa kể tác động đến môi trường và sức khỏe con người.

Thiên địch và bẫy, lưới được xem là an toàn hơn. Người dân ở nhiều vùng còn chế biến châu chấu thành thức ăn vì chúng khá giàu protein. Thế nhưng do chúng thật đông đúc và di chuyển liên tục, các cách làm vừa kể không có hiệu quả đáng kể.

Một số nhà nghiên cứu đang đặt hi vọng vào loại vi nấm Metarhizium acridum vốn nhắm vào bọn châu chấu. Tuy nhiên, phải cần điều kiện môi trường thích hợp và khoảng 14 ngày để loại nấm này phát huy tác dụng hủy diệt.■


Châu chấu xâm nhập Ấn Độ từ bang Rajasthan hôm 13-5 và nhanh chóng trở thành cuộc tấn công khủng khiếp nhất trong 27 năm qua, và sự tàn phá của chúng được dự báo sẽ nghiêm trọng hơn trong thời gian tới. May mắn là người dân đã kịp thu hoạch vụ mùa xuân, nhưng loài côn trùng này có thể khiến bọn gia súc mất ăn vì đồng cỏ bỗng biến thành bãi hoang cằn cỗi.

Bay theo những cơn gió mùa, các “binh đoàn châu chấu” gây ra trung bình 10 vụ tấn công lớn nhỏ tại Ấn Độ hằng năm. Chỉ tính riêng bang Gujarat, vào tháng 12 năm ngoái, châu chấu đã phá hủy hơn 25.000ha hoa màu (tương đương diện tích huyện Bình Chánh của TP.HCM).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận