Tình yêu

GISELA WIDMER (THỤY SĨ) 10/04/2018 22:04 GMT+7

TTCT - Nói chung mọi người thường hiểu tình yêu là thế: vẫn người đàn ông ấy, người đàn bà ấy, đơn giản là ở một thời điểm khác trong cuộc đời thì hầu như không để ý đến nhau, lúc khác thì người này lại tin chắc đã đợi người kia đằng đẵng nửa cuộc đời, chứ không phải ai khác.

Gisela Widmer (Thụy Sĩ), sinh 1958, sáng tác văn học và sâu khấu, viết báo
Gisela Widmer (Thụy Sĩ), sinh 1958, sáng tác văn học và sâu khấu, viết báo

Nếu hôm nay là ngày cuối cùng mà tôi còn viết được... Ta đang nói đến thiên truyện cuối cùng. Tôi tin là tất cả những người viết lách đều giữ trong mình thiên truyện cuối cùng, nhưng họ không bao giờ dám viết ra. Vì sợ. Sợ chết. 

Tôi cũng thế. Tôi, Elizabeth von der Lippe. Chẳng có gì quan trọng nữa cả. Chỉ còn những dòng cuối cùng này thôi. Vì nó nói về tình yêu. Vì trong cuộc đời không có gì quan trọng hơn, và trên thế gian này chẳng có lầm lạc nào trầm trọng hơn. Tôi chép truyện này ra giấy với hi vọng là ít nhất một người trẻ tuổi, một cô gái trẻ duy nhất nào đó, không chỉ đọc, mà còn hiểu nó, và qua đó không sống phí một phần đời của mình.

Để cô gái trẻ ấy đỡ uổng chút thời gian đời mình cho cái mà cô ta cho là tình yêu, như tôi từng phí phạm nửa đời, thay vì hiểu đó là thời gian yêu. Tôi là một bà lão rồi. 72 tuổi. Và do đó tôi sẽ chấp nhận rủi ro bị các cô gái trẻ nói: “Ôi, con xin cụ!”.

Song ngay cả khi tất cả các cô gái trẻ sau khi đọc truyện này và thốt lên: “Ôi, con xin cụ!” thì tôi cũng chẳng chạnh lòng, vì tôi thực sự là một cụ già. Và tôi sẽ đáp: “Bà sẵn sàng chịu xấu mặt, các con ạ!”. Và dù rất sợ Thần Chết bị tôi thách thức bằng truyện này, tôi vẫn sẽ thản nhiên nói với Thần Chết: “Ta sẵn sàng chết đây!”. Thật đấy, cái chết không khiến tôi sợ nữa, nếu chỉ nhờ truyện cuối cùng này của tôi mà một cô gái trẻ duy nhất nào đó không sống phí một quãng đời của mình.

Tôi kể lại y nguyên như mọi sự đã diễn ra. Với mọi cảm xúc của hồi ấy, tức là với mọi lầm lạc của hồi ấy. Và chấp nhận nguy cơ biến mình thành trò cười. Vì tôi chép từ nhật ký ra. Từ bấy đến giờ đã 37 năm trôi qua, và hầu hết những gì xảy ra trong cuộc sống thì bị lãng quên cùng năm tháng.

Thậm chí hôm nay tôi chỉ nhớ những sự kiện được miêu tả trong nhật ký. Đôi khi toàn chuyện vặt vãnh. Ăn một bữa ngon đứt lưỡi ở chỗ Emilio, mì xoắn với nấm hương. Nhìn lại, tôi không hiểu tại sao mình viết mấy thứ đó vào nhật ký. Chắc là hôm ấy chẳng có gì đặc biệt, ít nhất là không đáng nhớ.

Hầu như ngày nào cũng thế cả. Liên quan đến hôm nay, tôi lại cho là may mắn vì ngày nào cũng ghi nhật ký, và ghi tỉ mỉ, cả những chuyện trời ơi đất hỡi. Tất nhiên người ta nhớ những chuyện lớn trong cuộc đời, chẳng ai nhớ vô số chi tiết vụn vặt, để rồi ngộ ra những chi tiết ấy hợp lại thành chuyện lớn!

Và những lầm lạc, những éo le thực sự, chúng ẩn chính trong các chi tiết đấy ạ! May thay, giờ tôi có thể đọc lại chúng trong nhật ký như minh chứng cho luận cứ của mình.

Ngày ấy tôi không còn trẻ nữa. Nhưng cũng chưa già. 35 tuổi. Tôi phụ trách mục du lịch của một tờ báo phụ nữ và hay phải xê dịch. Đi khắp nơi. Tôi cũng chỉ làm việc đó mấy năm, vì sau này không chịu nổi cảnh nay đây mai đó mà chẳng đến đâu cho ngọn ngành. Thêm nữa là tôi còn thừa kế được ít tiền và không phải kiếm ăn bằng viết báo nữa. Tôi trở thành nhà văn. Không lừng danh nhưng cũng chẳng lẹt đẹt, song đó lại là chuyện khác.

Chuyến đi mà tôi muốn thuật lại đã đưa tôi tới Ấn Độ, theo lời mời của Cục Du lịch Ấn Độ. Tôi đi một mình. Đến Bombay mới nhập bọn cùng những nhà báo khác, sáu hay tám người, cũng được mời đến từ nhiều nước châu Âu. Thế là lại phải đi cùng mấy người ẩm ương mười hôm liền.

Tôi cũng quên họ là ai. Chỉ nhớ một người. Rudi. Khi gặp nhau lần đầu và tự giới thiệu ở sảnh khách sạn Taj, tôi biết ngay là chúng tôi sẽ ngủ với nhau trong chuyến đi này. Rudi trẻ hơn tôi đôi chút. Nhưng cũng đã vào cái tuổi để mường tượng ra, thậm chí biết là tuổi thanh xuân quá ngắn. Và nó sắp qua. Và đã thấy tiếc nuối.

Đó là lần đầu tôi tới Ấn Độ. Cũng là lần cuối. Xứ này làm tôi ghê sợ ngay từ phút đầu. Chỉ riêng chuyến taxi từ sân bay về khách sạn... Trời nóng như thiêu, mặc dù tôi hạ cánh lúc nửa đêm. Không khí luẩn quẩn mùi chất thải. Không phải giở nhật ký, tôi vẫn nhớ rõ mùi hôi hám đó.

Hồi đó có chừng 5 triệu người sống ở Bombay. Hôm nay nghe nói đã đến 18 triệu. Không thể tưởng tượng nổi. Và ngày đó đã có hàng ngàn, hàng vạn người nằm ngủ cạnh đường, và giữa họ là vô số chuột cống chạy nhảy. Cũng không rõ những người ấy ngủ hay chết rồi.

Tôi còn nhớ đã hỏi người lái taxi, tại sao không ai diệt chuột. Anh ta không nói gì, chỉ trả lời tôi bằng ánh mắt phẫn nộ trong gương chiếu hậu. Mấy hôm sau, ở một trong vô số đền chùa mà chúng tôi phải đến tham quan, tôi được biết chuột kéo xe cho thần Ganesha. Ôi đức tin ngây thơ của người Hindu gửi gắm tới các vị thần đầu voi và bầy chuột thiêng! Tôi thấy lòng tin đó thật kỳ cục. Nhưng đó lại là chuyện khác.

Nửa tiếng sau taxi đỗ trước khách sạn Taj. Đồng thau, cẩm thạch, hàng cột đồ sộ, sự giàu có hoành tráng. Từ phòng tôi có thể nhìn đến Khải hoàn môn Gateway of India do người Anh xây. Phía sau đó là biển. Đêm đã sập xuống, tôi nhìn ra biển rộng và... chỉ muốn trở về châu Âu ngay tắp lự.

Nhưng tôi phải đi chuyến này và viết về Ấn Độ. Riêng ý nghĩ đó vào những giờ phút đầu tiên trên đất Ấn Độ đã làm tôi phát điên. Tôi không thể viết trên tờ báo phụ nữ một phóng sự du lịch mà trong đó có câu: “Ấn Độ không đáng đặt chân tới”. Chưa bao giờ tôi đọc được một câu như thế, mặc dù có nhiều nước thực sự không đáng đặt chân đến. Trong đó có Ấn Độ.

Theo ý tôi. Nhưng ta không định chuyện trò về Ấn Độ, mà về Rudi. Như đã nói, chúng tôi gặp nhau lần đầu vào buổi sáng hôm sau ở sảnh khách sạn Taj. Rudi người Hamburg, cũng là phóng viên du lịch của một tuần báo Đức. Anh đã đến quá nhiều những nước mà anh không hề muốn đến, anh cũng ngán nay đây mai đó mà chẳng biết được nơi nào cho thấu đáo. Có thể vì thế mà chúng tôi hiểu nhau ngay khi tiếp xúc ở Taj, có thể vì thế mà cả hai nhận ra ngay chuyến đi này là chuyến đi của hai chúng tôi và chỉ ngẫu nhiên diễn ra ở Ấn Độ mà thôi.

Ngay tối đầu tiên chúng tôi phát hiện ra là đã gặp nhau trước đó mấy năm ở một hội nghị truyền thông do một công ty du lịch Đức tổ chức, nhưng không để tâm. Sau vài hôm thì còn nhớ là hồi ấy cả hai chúng tôi đều có gia đình yên ấm. Lúc đi Ấn Độ cả hai chúng tôi đều độc thân.

Nói chung mọi người thường hiểu tình yêu là thế: vẫn người đàn ông ấy, người đàn bà ấy, đơn giản là ở một thời điểm khác trong cuộc đời thì hầu như không để ý đến nhau, lúc khác thì người này lại tin chắc đã đợi người kia đằng đẵng nửa cuộc đời, chứ không phải ai khác.

“Bombay, 21-3: Mệt muốn chết. Trong đoàn có một người tên là Rudi. Biết đâu mình vẫn còn may mắn trong cuộc đời này. May mắn bền vững. Những gì mình viết trước đây nửa năm là sai. Ngược lại mới đúng: mình khao khát yêu, dù biết không biết tình yêu là gì. Nhưng có lẽ bây giờ sẽ biết”. Tôi xin lỗi đã viết những dòng trên và những dòng còn tiếp theo. Ngày ấy tôi 35. Cho đến lúc đó tôi đã bị tổn thương nhiều lần và cũng làm người khác tổn thương, mặc dù vậy tôi không từ bỏ hi vọng. Hồi đó tôi thực sự tin vào tình yêu.

Hôm đầu chúng tôi phải tham quan Bombay. Dĩ nhiên lên xe buýt chúng tôi ngồi cạnh nhau. Chúng tôi sẽ ngủ với nhau. Nhưng không phải lúc này. Cũng không giữa chừng câu chuyện. Không, đến cuối cơ, trong khoảnh khắc hạ màn tráng lệ - mà cũng sẽ là một khởi đầu.

Tôi còn nhớ rõ những dò dẫm, đánh hơi và cảm nhận. Như một trò chơi trì hoãn, vun đắp và tiên đoán, đầy những cái không nói ra lời, khi thì một ánh nhìn, lúc một va chạm tình cờ, và rồi dần dần, càng lúc Rudi càng hay tìm đến tay tôi khi hai người ngồi cạnh nhau.

Anh lần tới tay tôi và làm một chuyện mà rõ ràng nhiều người đàn ông trước anh và mấy người sau anh không hề biết: Rudi cầm tay tôi, ấn ngón cái và ngón trỏ vào những điểm thực ra cũng chẳng khác gì các điểm nào đó trong lòng bàn tay tôi, nhưng khi Rudi ấn lên mấy điểm đó thì như có dòng điện chạy xuyên qua người tôi, và tôi biết, làm tình với anh sẽ độc nhất vô nhị! Ở tuổi này của tôi!

Nhưng nếu chỉ có thế thôi thì cũng vớ vẩn. Anh còn là người thông minh và biết kể chuyện hay. Thú vị. Hài hước. Còn hôm ở ngôi đền Taj Mahal nữa. Tôi biết là nghe rất sến, nhưng lúc đó Rudi ngồi xuống ghế băng và tôi quan sát anh từ bên cạnh, xem cách anh ngắm ngôi đền, ngắm khúc hoan ca tạc vào cẩm thạch dâng cho tình yêu. Và tôi có cảm giác Rudi buồn vô hạn.

Chúa ơi, ngày ấy chúng tôi trẻ! Cả tôi nữa, tôi nghĩ thế. Rudi ngồi đó trong cái quần xanh lam bó khít, áo sơmi vải bông mềm Ấn Độ, cổ đeo dây chuyền có biểu tượng hòa bình, tóc dài, kính râm kiểu John Lennon và điếu thuốc lá nơi khóe miệng. Một chàng trai của cuối thập kỷ 1960. Con gái hôm nay sẽ không bao giờ mê một người như thế.

Khi chúng tôi rốt cuộc quay về khách sạn thì còn một tiếng nữa mới đến lúc tắt nắng. Chúng tôi đi tắm và thay đồ. Tôi vận chiếc áo dài mùa hạ, tôi nhớ thế, màu sáng và nhẹ bỗng, dài đến mắt cá chân, không có đồ lót bên dưới. Gió đùa rỡn với chiếc áo dài. Tôi cũng đùa rỡn với chiếc áo dài. Và với Rudi. Anh đùa rỡn với tóc tôi trong gió, và với tôi, trong khi chúng tôi đi dạo dọc bờ nước. Bãi cát dài vô tận, hầu như không bóng người.

Một lúc sau Rudi ngồi xuống cát, tôi đi tiếp về hướng mặt trời lặn, đỏ như máu, soi xuyên áo dài của tôi, dĩ nhiên, tôi biết chứ, nhưng tôi đẹp, tôi muốn vẻ đẹp ấy hiển hiện, cho Rudi. Lúc tôi quay lại và ngồi xuống cạnh Rudi, anh nói: “Em đẹp lắm”. Không có hoàng hôn. Mặt trời lặn và trời tối ngay. “Đi thôi!” - Rudi nói.

Chúng tôi rời bãi biển, về ngồi ở ngoài hiên. Cả hai muốn đợi thêm chút nữa, để sự bùng nổ, để lễ hội pháo hoa bị dồn nén thêm. Nói cho cùng, chúng tôi đã đợi mười hôm, và từ mười hôm chúng tôi biết cái gì sẽ đến. Và chúng tôi không vào phòng ngay. Tôi không muốn kể thêm nữa.

Bây giờ tôi là một bà cụ 72 tuổi. Riêng mấy dòng nhật ký đã là hơi quá rồi. Chỉ một câu thế này thôi: chúng tôi yêu nhau, nữa và thêm nữa, cho đến kiệt sức vào lúc ban mai, nằm bên nhau mà không chạm nhau, nhìn trân trối lên quạt trần, cho đến khi Rudi lên tiếng: “Anh chưa từng yêu như thế”. “Em muốn ở bên anh” - tôi đáp. Rudi gật đầu: “Ừ!”. Đó là cái đẹp của đàn ông cuối thập kỷ 1960, chưa biết thế nào là tính đúng đắn chính trị (politically correct).

Thế nhé, cô gái trẻ ơi, truyện này tôi viết cho cô mà. Rồi sao nữa? Cô đặt cuốn sách xuống đi, năm phút, và hãy đoán mọi việc tiếp tục ra sao. Sai rồi. Buổi sáng chúng tôi yêu nhau lần nữa, lần này ở phòng Rudi, hấp tấp và mãnh liệt, trước khi vội vã gói đồ đạc và cùng cả đoàn ra phi trường. Máy bay trễ, sẩm tối mới đến Bombay.

Chủ nhà tổ chức bữa tối chia tay, ai cũng phải tham gia. Không còn dịp một mình với Rudi trước khi anh bay chuyến nửa đêm về Frankfurt. Còn tôi về Genève. Chúng tôi vào phòng đợi. Hầu như không nói với nhau câu nào. Ở thời điểm đó cũng không có gì để nói thêm. Tất nhiên chúng tôi sẽ gặp lại. Nhanh thôi. Chúng tôi không để ý đến các đồng nghiệp khác cũng ngồi quanh đó đợi chuyến về Rome hay Amsterdam hay London.

Rudi và tôi ngồi trong góc phòng, nắm chặt tay nhau. Phút chia tay, dù chỉ tạm thời, thật khủng khiếp. Chuyến đi Frankfurt của Air India được gọi trên loa. “Mình sẽ gặp nhau lại. Sắp rồi. Ở Hamburg” - Rudi nói và đứng dậy, ôm tôi, áp mặt vào tóc tôi, vào cổ tôi. Tôi khóc. Không muốn để anh đi. Tôi tưởng những giọt nước mắt liên quan tới cuộc phân ly. Tôi tưởng thế. “Đừng khóc! - Rudi nói - Và đừng vẫy theo anh. Kẻo anh cũng khóc mất”. Anh đút bao thuốc lá vào túi quần, vắt áo khoác lên vai và đi, không một lần ngoảnh lại.

Mấy năm sau chuyến đi Ấn Độ, khi Rudi và tôi đã ai đi đường nấy, khi tôi đã có những mối quan hệ đến và đi, tôi vẫn nhớ Rudi, có lẽ vì anh là người tình số một trong số tất cả những người tình. Cũng có thể ngày đó tôi đang ở đỉnh cao của cuộc đời.

Tôi ngồi im, nhắm mắt, và chợt nghĩ: “Chỉ là hormone thôi mà”. Này, cô gái trẻ ơi, tôi không định làm cô thất vọng. Không muốn cô vỡ mộng. Cô hãy tận hưởng mọi xúc cảm, mọi hồi hộp xáo động tâm can, hãy tận hưởng từng khoảnh khắc của tình yêu. Nhưng đừng ngạc nhiên khi một ngày nào đó cô sẽ già như tôi bây giờ, và khi cô tự hỏi tình yêu là gì, khi cô phải tự thú với mình rằng cô vẫn chưa hiểu tình yêu là gì: tất cả những gì bất chợt lướt ngang đường cô đi, chỉ là vật lý và hóa học.

Minh họa: Ry Nguyễn
Minh họa: Ry Nguyễn

 

Tình yêu cần nhiều hơn thế. Có lẽ cô sẽ nói, tôi đúng là một cụ già. Quả thật tôi không thể nói cho cô biết tình yêu là gì. Nhưng tôi có thể kể cho cô nghe một chuyện khác nhé: Trước đây năm năm, ở tuổi 67, tôi làm quen ông G., ông ấy 75 tuổi. Lúc đó thì không liên quan gì đến tình dục nữa. Cô có hình dung ra không? Không à? Ừ, chúng tôi thương nhau, cho đến khi nảy nở tình yêu, hoặc cái gì đó mà tôi chưa từng trải nghiệm trước đó.

Hai năm sau chồng tôi bất ngờ qua đời, một sáng sớm ông ấy không tỉnh dậy nữa. Ông ấy không có con cái, chỉ có vài người họ hàng xa. Thế là tôi phải lo mọi giấy tờ hậu sự. Khi mở ngăn kéo của ông, tôi thấy một phong bì đề tên tôi, “Elizabeth von der Lippe”:

Elizabeth yêu,

Tôi thử viết cho bà một lá thư (tôi không giỏi viết như bà), tính ra đến giờ mình đã biết nhau một năm rưỡi. Số mệnh tuyệt vời đã đưa chúng ta lại với nhau, và đã tạo ra một thứ mà tôi không hề dám hi vọng, không hề dám mơ ước, vì trong mắt tôi thì sống thiếu hi vọng còn dễ hơn chết với hi vọng bất thành (bà nên đọc câu này lần nữa: tôi mất bao công sức mới viết ra được đấy).

Ừ, lúc tôi gặp bà lần đầu, tôi thấy như mình rốt cuộc, rốt cuộc đã tìm được một thứ mà tôi từng đi tìm cả đời. Ý tôi là, tôi và bà là hai người già! Nhưng mọi vẻ ngoài không quan trọng. Chỉ tiếng cười của bà, tiếng cười khùng khục của bà như từ trong bụng ra, vẻ thanh thoát của bà, sự hào sảng của bà, ồ, tôi nói linh tinh quá!

Tôi định nói là, lần đầu tiên trong đời tôi có cảm tưởng rằng cuối cùng chẳng có gì quan trọng hơn là sự HIỆN DIỆN thuần túy, trong trường hợp của tôi là HIỆN DIỆN bên bà, không hề tự tư tự lợi, không hề tìm sự khẳng định, thậm chí chẳng màng đến tình yêu.

Ý tôi là: Tôi tin chắc, mặc dù bà không hề nói ra mồm, nhưng đúng thế đấy, tôi biết là bà chỉ muốn mọi tốt lành cho tôi, và ngược lại thì bà cũng có thể tin vào điều đó ở tôi. Chỉ muốn tốt cho người khác: cái hay ở đây là ở tuổi tôi và bà chẳng còn gì làm ta sao nhãng đi cái cốt lõi đó. Tôi chỉ muốn, và đó là lý do biên lá thư này, tôi chỉ muốn nói ra một nhận thức quá đỗi muộn mằn - rằng nó chính là cốt lõi của tình yêu - tôi chỉ muốn tốt cho một người, cho bà, mà không hề tự tư tự lợi.

Với nhận thức đó, tôi muốn cùng bà ngày càng trẻ ra và cuối cùng chúng mình sẽ trở thành một đôi uyên ương tuyệt vời, và nhờ nhận ra điều đó mà đôi uyên ương này sẽ tránh được mọi cảm xúc trái nẻo, tránh được mọi lầm lạc vốn dĩ vẫn đè nặng gần như suốt cuộc đời tôi và bà trong khi mải mốt đi tìm tình yêu. Tôi sung sướng với ý nghĩ cùng bà trẻ lại, nhưng cũng buồn vô hạn, vì tôi biết điều đó không thể.

Mặc dù vậy: người ta không thể nghĩ ra cái gì lớn lao hơn và đẹp hơn là được trẻ lại cùng một người mà người ta chỉ muốn làm điều tốt cho họ. Giá mà được thế thì tình yêu đã có cơ hội sớm hơn. Elizabeth yêu nhất đời tôi, khi bà đọc thư này thì tôi đã chết, vì bà nếu không thì bà đã chẳng lục vào giấy tờ của tôi bao giờ. Bà đừng buồn nhé. Hãy vui vì chúng ta đã tìm được nhau chứ. Dù là quá muộn, tôi công nhận.

Nhưng sớm hơn nữa thì chắc gì tôi và bà đã trải nghiệm được cái lớn lao như đã từng. Bà sẽ phải mở tiếp vài ngăn kéo nữa và tìm thấy nhiều lá thư, cả thư tình và ảnh của các phụ nữ khác. Bà cứ đọc nhé - cho vui! Nhưng xong rồi thì xin bà hãy vứt hết đi. Chỉ có bà mới quan trọng. Từ khi có bà tôi mới hiểu.

Yêu/ G. của bà■

Lê Quang

(dịch từ nguyên bản tiếng Đức “Liebesgrund”)

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận