Tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc cho ai?

KHƯƠNG XUÂN 01/01/2023 11:41 GMT+7

TTCT - Hàng ngàn tỉ đồng đã được ngân sách nhà nước bỏ ra để tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc từ địa phương đến trung ương ở 65 tỉnh, thành, ngành.

Tổ chức Đại hội thể thao toàn quốc cho ai? - Ảnh 1.

Khán đài không một bóng người ở một nội dung thi điền kinh. Ảnh: Khương Xuân

Đại hội thể thao toàn quốc được tổ chức lần đầu tiên vào năm 1985, chu kỳ tổ chức bốn năm một lần. Mục đích của đại hội là nhằm tổng kết, đánh giá chu kỳ đầu tư và phát triển của thể thao trong nước. Qua đó tuyển chọn VĐV cho các đội tuyển quốc gia, hoạch định chính sách phát triển thể thao Việt Nam trong tương lai.

Theo ông Đặng Hà Việt - tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 là đại hội lớn nhất trong lịch sử thể thao Việt Nam.

To nhất, lộn xộn nhất

Quả đúng vậy, Đại hội 2022 diễn ra từ ngày 9 đến 21-12-2022 tại tỉnh Quảng Ninh và 10 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Đại hội có sự góp mặt của hơn 17.000 người, gồm khoảng 10.000 VĐV, 2.500 trọng tài, 2.100 HLV, gần 1.500 nhân viên phục vụ…

Có 65 đoàn thể thao trên cả nước tham dự: 63 tỉnh, thành và hai ngành Công an, Quân đội. Điều đáng nói, Đại hội thể thao toàn quốc lần thứ 9 năm 2022 lập kỷ lục tổ chức đến 43 môn thi với 941 nội dung. Chưa bao giờ trong lịch sử có một kỳ đại hội thể thao nhiều môn và nội dung thi đấu như vậy.

Trước khi tổ chức Đại hội toàn quốc, toàn bộ hơn 10.000 xã/phường, hơn 700 huyện/thị trấn ở 65 tỉnh/thành, ngành trên cả nước đã tổ chức đại hội thể thao các cấp. Đại hội diễn ra ở đâu thì cơ quan hành chính cấp đó chi tiền tổ chức.

Chưa có thống kê chính thức nhưng số tiền đấy có thể lên tới hàng ngàn tỉ đồng. Riêng chi phí tổ chức Đại hội toàn quốc 2022 được Chính phủ cấp thẳng cho Bộ VH-TT&DL là 45 tỉ đồng. Đó là chưa kể chi phí ăn ở, di chuyển, tham dự đại hội của 65 đoàn thể thao, và chủ nhà Quảng Ninh lo chi phí cho lễ khai mạc…

Ngày 9-12, Đại hội thể thao toàn quốc 2022 khai mạc, nhưng thực tế từ tháng 11, nhiều bộ môn của đại hội đã tranh tài. Tuy nhiên, thật oái oăm là đến ngày 25-8, Bộ VH-TT&DL mới ban hành điều lệ quy định môn, nội dung nào được thi đấu tại đại hội.

Việc này lẽ ra phải được tiến hành trước đó tối thiểu một năm hoặc tốt nhất là bốn năm để các địa phương có kế hoạch tuyển chọn, đào tạo, tập huấn VĐV.

Trao đổi với Tuổi Trẻ Cuối Tuần, phó giám đốc Sở VH-TT&DL một tỉnh cho biết: "Để có một VĐV tham dự một hạng cân, một môn nào đó, chúng tôi cần tối thiểu một năm để chuẩn bị về chuyên môn. 

Suốt năm 2021, các tỉnh mòn mỏi chờ điều lệ Đại hội thể thao toàn quốc để chuẩn bị. Đơn giản một VĐV thi đấu hạng 60kg mà điều lệ công bố chỉ có hạng 55kg thì cũng cần nhiều tháng để ép cân, đâu phải cứ ngày một ngày hai là được".

Ban hành điều lệ muộn, lỏng lẻo khiến tình trạng mua bán, chuyển nhượng VĐV của các địa phương tại Đại hội 9 diễn ra bát nháo. Theo quy định của ban tổ chức thì VĐV chỉ cần có hợp đồng từ ngày 1-9-2022 với đơn vị là sẽ được thi đấu. Thế nên có VĐV một năm đăng ký thi đấu cho ba đơn vị khác nhau!

Tại nhà thi đấu Hải Phòng, VĐV kickboxing Hà Thế Anh (Thái Bình) sau khi nhận kết quả thua Bùi Duy Chí Thành (Nghệ An) đã khóc hết nước mắt. Thế Anh khóc vì anh chơi áp đảo đối thủ cả ba hiệp, nhưng sau đó nhận kết quả thua mà không biết kêu ai.

Thậm chí có VĐV đã lên sàn đấu, sức khỏe tốt như võ sĩ Đặng Y Bon (muay Thái, đơn vị Quân đội) nhưng bất ngờ được thông báo HLV không cho thi, vì anh không đủ sức khỏe. Sau đó Đặng Y Bon đã lên Facebook cá nhân và truyền thông tố anh bị ép không được thi đấu để VĐV địa phương khác giành thành tích.

Nhiều trận đấu tranh huy chương ở các môn võ, thậm chí bóng bàn, đã bị hủy bởi một trong hai VĐV "quyết thua cuộc". Ví dụ, 9/17 trận đấu của môn muay Thái không thể tổ chức trong ngày 20-12. Cũng có đến 9/27 trận đấu trong ngày thi chung kết của môn boxing không diễn ra vì các VĐV bỏ cuộc với lý do không ai hiểu nổi.

Những khán đài trống vắng

Các quan chức thể thao cứ bảo đại hội là ngày hội lớn nhất của thể thao Việt Nam, bốn năm mới diễn ra một lần, nên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng.

Thế nhưng ngay cả trong các cuộc thi đấu đỉnh cao, hấp dẫn ở những môn trọng điểm như điền kinh, bơi, thể dục, bóng chuyền… vẫn gần như vắng bóng hoàn toàn người hâm mộ. Các VĐV nỗ lực thi đấu dưới sân, cổ vũ họ trên khán đài chỉ có HLV và một vài đồng đội.

Sân Mỹ Đình - nơi chứng kiến các cuộc thi đấu đỉnh cao của điền kinh suốt nhiều ngày đại hội - tuyệt nhiên chẳng có ai đến cổ vũ. 

Mãi đến tận ngày cuối cùng hôm 18-12, khi nội dung marathon diễn ra, mới có khoảng vài chục người hâm mộ là những VĐV phong trào đến xem và cổ vũ. 

Dù vậy, người hâm mộ chưa kịp vui vì thành tích phá kỷ lục marathon nữ của VĐV Lê Thị Tuyết (Phú Yên), đã vội ngao ngán vì công tác tổ chức quá luộm thuộm, nghiệp dư và luôn nghe ca cẩm từ các quan chức là "thiếu kinh phí"!

Ông Mai Bá Hùng, phó giám đốc Sở VH-TT TP.HCM, nói Đại hội thể thao toàn quốc rất cần và phải duy trì, nhưng phải thay đổi cách làm để nó thực sự ý nghĩa, hấp dẫn như đúng tinh thần của ngày hội thể thao đỉnh cao Việt Nam.■

Học thể thao Trung Quốc…

Đại hội thể thao toàn quốc của Trung Quốc cũng được tổ chức bốn năm một lần, và có quy mô khoảng 10.000 VĐV tham dự mỗi kỳ đại hội. Trong khoảng 10 năm trở lại đây, kỳ đại hội này cũng bị đặt dấu chấm hỏi về tính hiệu quả. Tranh cãi dấy lên trước Đại hội lần thứ 12 diễn ra tại Liêu Ninh khi Li Na - VĐV quần vợt lừng danh thế giới của Trung Quốc - nói tới vấn nạn bệnh thành tích trong cuốn tự truyện của cô.

Theo lời tay vợt từng giành 2 Grand Slam, cô bị một quan chức tỉnh nhà lôi kéo dự đại hội toàn quốc dù chưa bình phục chấn thương. Vị này nói với cô: "Thứ hạng thế giới của cô không quan trọng bằng chức vô địch ở đại hội toàn quốc". Những chia sẻ của Li Na khiến truyền thông Trung Quốc nhắc lại nhiều bê bối liên quan đến đại hội toàn quốc, mà đáng nói nhất là bệnh thành tích của các quan chức địa phương, dẫn đến tình trạng cố gắng tận dụng quan hệ để "thuê", "mượn" VĐV về cho tỉnh nhà cùng những nghi án thiên vị, hối lộ trọng tài…

Tờ China Daily từng viết: "Đây vốn là sân chơi dành cho các VĐV, nhưng rồi lại trở thành cuộc tranh đấu giữa các quan chức. Họ đã làm biến dạng kỳ đại hội thể thao". Giáo sư Yang Ma của Đại học Thượng Hải cũng từng nhấn mạnh bệnh thành tích ở đại hội toàn quốc làm lệch lạc nền thể thao Trung Quốc.

H.ĐĂNG

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận