Tôi học để không sợ hãi

NHÃ VĂN (HOA KỲ) 16/08/2011 20:08 GMT+7

TTCT - Tôi là một du học sinh chuyên ngành xã hội học. Mỗi khi trả lời về ngành học của mình, câu hỏi tiếp theo tôi nhận được luôn là “Học ngành đó rồi sau này cháu làm gì?”.

LTS: Ngoài các ý kiến nói có rất nhiều lối vào đời, TTCT giới thiệu bài viết của một du học sinh Việt Nam tại Mỹ, đề cập khía cạnh khác từ câu chuyện “Tôi không qua nổi kỳ thi này”. Đó là ý nghĩa của sự học.

Tôi như con búp bê được lập trình
Đâu chỉ có một con đường

Phóng to
Minh họa: Vũ Đình Giang

Thời gian đầu tôi cố gắng đưa ra định nghĩa và những ví dụ cụ thể cho ngành học này. Càng về sau tôi càng thấy không muốn nói nhiều đến nó nữa, vì bao giờ kết luận tôi nhận được cũng là những cảnh báo, nào là ngành học này thiếu thực tiễn, tiền lương không cao, không đảm bảo cho tương lai.

Nhiều người hỏi sao tôi không chọn ngành y, dược, hay kinh doanh? Nhiều người ái ngại cho cha mẹ tôi vì bỏ tiền đầu tư vào một con đường quá bấp bênh. Nhiều người đưa ra ví dụ về những “cảm tử quân” chọn một ngành vất vơ rồi cuối cùng phải học đại học lại từ đầu để giúp tôi “tỉnh ngộ”.

Trước đây, ở Việt Nam, tôi là học sinh chuyên văn. Trong tâm lý chung của nhiều người, học sinh chuyên văn chỉ giỏi “mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây” (*) chứ không thông minh, nhanh nhẹn như chuyên toán, hay linh hoạt năng nổ như chuyên Anh, và về lâu dài thì ngành văn không thể đem lại công việc chất lượng hay tương lai ổn định được.

Trước những định kiến như thế, tôi không ngạc nhiên khi biết lớp chuyên văn của mình vào ngày thi đại học chỉ có một bạn tiếp tục học ngành văn, còn tất cả những bạn khác tẻ theo các con đường kinh tế, ngân hàng, y dược, mặc dù đó không hẳn là những ngành các bạn yêu thích.

Chọn lựa của tôi

Trở lại với ngành học của mình, tôi nghĩ mình có cả một mối duyên với nó. Trước đó, tôi không có khái niệm gì về ngành học này. Vào mùa đầu tiên đăng ký lớp tại trường đại học ở Mỹ, tôi đã chọn một lớp xã hội học vì thời khóa biểu môn học khá thích hợp với giờ giấc của tôi, và vì... tôi chưa nghe về môn học này ở Việt Nam.

Tôi không ngờ một lựa chọn vô tình như thế có thể thay đổi cả con đường học của mình sau đó. Mặc dù những kiến thức trong lớp này rất phức tạp, tôi có thể nắm bắt chúng vô cùng dễ dàng, song song với niềm thích thú. Tôi nghĩ về những điều mình học vào mọi lúc mọi nơi, vì ngành học này liên kết với đời sống xã hội. Tôi luôn tìm được, nhìn thấy được, cảm nhận được những lý thuyết trong sách và đưa chúng vào thực tiễn.

“Có nhiều nỗi sợ trên thế gian này, như sợ không được chấp nhận, sợ bị chê cười, sợ phụ lòng những người mình yêu thương. Nhưng học vấn và sự hiểu biết có thể đem lại niềm tin vào bản thân, vào năng lực của mình, và cả lòng kiêu hãnh. Vì vậy tôi tin rằng một con người chỉ thật sự đang “học” khi anh ta cảm nhận được sự say mê toàn vẹn và hạnh phúc viên mãn trên đường tìm kiếm tri thức”.

Những mùa sau đó, tôi dành thời gian học thêm những lớp xã hội học còn lại trong khoa. Thời gian rảnh rỗi, tôi thường ghé qua văn phòng của cô giáo để thảo luận về những ý tưởng, những câu hỏi tôi đặt ra trong đầu. Mỗi khi được bày tỏ quan điểm và suy nghĩ của mình, tôi cảm thấy niềm đam mê rõ rệt hơn, và những ý nghĩa của cuộc sống trở nên trọn vẹn hơn. Tôi cảm thấy mình có thể trở thành một con người khác, năng động hơn, tự do hơn, mỗi khi bàn về xã hội học.

Trước đây cũng như nhiều du học sinh châu Á khác, tôi rất trầm lặng, ít nói, ngại tham gia các thảo luận trong lớp, phần vì cảm thấy mình không đủ giỏi, phần vì thiếu tự tin vào trình độ ngoại ngữ của mình. Nhưng nguồn cảm hứng dành cho môn học này khiến tôi tự thay đổi mình, tự tạo thêm cho mình cơ hội.

Vào năm thứ hai, cô giáo dạy xã hội học nói với tôi về việc làm trợ giảng cho những lớp cô dạy. Đối với tôi, đây là một thử thách rất lớn. Nhưng khi tự thử thách bản thân mình, tôi cũng có cơ hội nhìn thấy rất nhiều khía cạnh con người mình mà trước giờ tôi chưa biết. Khi đề nghị giúp đỡ những sinh viên khác, tôi cũng học được rất nhiều điều từ họ khiến tôi trưởng thành hơn, chín chắn hơn. Cuối năm đó, tôi nhận được học bổng dành riêng cho sinh viên theo ngành xã hội học của trường.

Sau những trải nghiệm rất đáng nhớ với ngành xã hội học, tôi đã không còn bận tâm nhiều đến lời nhận xét của những người xung quanh nữa. Đối với tôi, việc xác định ngành học nào thích hợp không phải ở tiền lương sau này mình có, mà là trong khoảng thời gian căng thẳng nhất của con đường học vấn, liệu tôi có còn muốn gắn bó với nó không? Liệu tôi có sẵn sàng hi sinh những thú vui khác để tập trung năng lượng vào nó? Liệu nó có đáng để tôi phải bỏ đi tuổi trẻ và sẵn sàng giải quyết những vất vả, nhọc nhằn mà nó đem lại?

Trước đây, tôi từng buồn khi người ta nói cha mẹ tôi tốn kém đầu tư vào tôi mà kết quả không có gì hứa hẹn. Bây giờ tôi nhận ra kết quả thật sự sẽ chẳng ra gì nếu những đồng tiền gia đình bỏ ra khiến tôi không hạnh phúc với những gì mình có, khiến tôi chán ghét, thậm chí căm thù những gì mình học, khiến tôi mất đi tuổi trẻ mà không tìm thấy một ước vọng hay ý nghĩa nào. Đó là sự tốn kém trí tuệ và tâm cảm của cả một đời người mà không tiền bạc nào có thể bù đắp được.

Đừng định giá cho ước mơ

Mỗi khi nghĩ về tương lai, tôi cũng cảm thấy rất bấp bênh. Nhưng trong sự bấp bênh đó tôi vẫn thấy mãn nguyện và hạnh phúc trọn vẹn. Khi còn là một đứa trẻ, tôi học chăm chỉ vì sợ bị la rầy. Lớn lên dần, tôi đi học vì sợ thua kém bạn bè, sợ cha mẹ thất vọng. Giờ đây, tôi nhận ra mình học để tự giải thoát cho mình khỏi những định kiến.

Tôi nhận ra học vấn chính là con đường duy nhất giúp tôi cảm thấy tự do, khi chính những hiểu biết giúp tôi tự tạo cho mình một lăng kính để nhìn nhận và thông hiểu xã hội. Tôi nhận ra chính sự học giúp tôi làm chủ cuộc đời mình, không để ý kiến của những người xung quanh làm mình lung lay, nao núng. Học vấn giúp con người ta được làm chính mình mà không sợ hãi.

Có nhiều nỗi sợ trên thế gian này, như sợ không được chấp nhận, sợ bị chê cười, sợ phụ lòng những người mình yêu thương. Nhưng học vấn và sự hiểu biết có thể đem lại niềm tin vào bản thân, vào năng lực của mình và cả lòng kiêu hãnh. Vì vậy tôi tin rằng một con người chỉ thật sự đang “học” khi anh ta cảm nhận được sự say mê toàn vẹn và hạnh phúc viên mãn trên đường tìm kiếm tri thức.

Chỉ tiếc là xã hội ngày nay quá hẹp hòi với ước mơ, và cùng lúc bào mòn con người trong những mê cung của tiền tài, danh vọng. Không có gì đáng ngạc nhiên khi chúng ta có những đứa trẻ biết rõ người khác thích gì hơn chính cả bản thân mình. Chúng ta định giá cho ước mơ, tự cho phép xã hội coi thường một số trong khi đề cao, tâng bốc một số khác.

Hệ thống phân phối việc làm trong xã hội, thiết nghĩ, cũng giống như hệ sinh thái vậy. Những con thú trong rừng dù có con mạnh con yếu, sau cùng chúng đều cần có nhau để tồn tại. Mọi công việc trong xã hội, dù lương thấp hay cao, cũng dựa vào nhau mà sinh sôi phát triển.

Nếu xã hội chúng ta tiếp tục coi thường văn học, chẳng sớm thì muộn chúng ta sẽ nuôi dưỡng một thế hệ thui chột về ngôn ngữ, trơ cạn với cảm xúc. Nếu các bậc cha mẹ tiếp tục nhồi ép con cái phải được thế này thế nọ, chẳng sớm thì muộn họ sẽ thấy mình nuôi dưỡng những cỗ máy biết đi.

Là người Á Đông, tôi ý thức được cái “sĩ diện” mà các bậc cha mẹ hay gặp phải, nhất là trong chuyện học vấn của con cái mình. Nhưng tôi cũng cảm nhận được sự uất ức của những đứa con cố gắng mãi mà không được như kỳ vọng của cha mẹ, không thể đậu vào trường chuyên, lớp chọn.

Như vậy sau cùng, giá trị của một đứa trẻ chỉ nằm ở cái phù hiệu của trường nó hay sao? Như vậy sau cùng một đứa trẻ chỉ được tôn trọng khi trường cho nó điểm 10 hay sao? Một học sinh vào được trường chuyên mà không biết tự chăm sóc cho mình khi bị đẩy ra ngoài đời cũng chỉ là một kẻ khờ dại. Một đứa trẻ đạt điểm 10 mà không lễ độ, nề nếp thì vẫn là một đứa trẻ hư.

Sau cùng thì kết quả của sự học là gì, là một tấm bằng loại ưu hay một con người biết phải trái? Sau cùng chúng ta học để tìm được việc làm hay học để tìm thấy con người mình? Hậu quả của những hiểu biết sai lệch ý nghĩa và chức năng của giáo dục có thể tạo ra một thế hệ lạc lối.

Vì mục tuyển nhân viên luôn yêu cầu bằng đại học

Gia đình tôi là một gia đình nghèo. Anh em tôi sống trong đồng lương giáo viên khiêm tốn của ba và đồng lương công nhân tạm bợ của mẹ. Ba mẹ kỳ vọng nhiều vào sự đổi đời của anh em tôi nhờ học vấn. Sau nhiều năm trầy trật rồi anh tôi cũng vào được đại học. Còn tôi, từ nhỏ đã không hiểu mình. Tôi luôn kỳ vọng ở mình quá cao. Năm 2010 tôi chọn trường đại học kinh tế và tôi đã rớt. Tôi rơi xuống vực thẳm.

Rồi tôi quyết định thi thêm một năm nữa, chọn cho mình một trường vừa sức hơn. Nhưng rồi sau ngày thi toán và lý, tim tôi quặn thắt trước hình ảnh ba đứng chờ với dáng vẻ cực nhọc lâu năm. Tôi biết mình rớt rồi. Cánh cửa đại học có lẽ đã khép lại đối với tôi.

Nhìn những đứa bạn đồng trang lứa rủ nhau vào đại học mà tôi phát buồn. Một phần ghen tị, một phần tủi cho bản thân mình. Trên báo chí, ở mục tuyển nhân viên, tôi luôn thấy cần phải có bằng đại học.

Bởi vậy, tôi không biết liệu có con đường nào tốt nhất cho một đứa như tôi?

__________

(*): Thơ XuânDiệu

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận