"Tôi muốn quảng bá hình ảnh lương thiện, chính trực cho giới trẻ ngày nay"

CẢNH CHÁNH (CHUYỂN NGỮ) 15/07/2021 17:10 GMT+7

TTCT - Đầu năm nay, bộ phim truyền hình chuyển thể từ tác phẩm Nhân thế gian của nhà văn Lương Hiểu Thanh (đoạt giải văn học Mao Thuẫn lần thứ 10) được bấm máy. Ngày 28-5 vừa qua, vở kịch cùng tên chính thức công diễn tại Bắc Kinh. Tuổi Trẻ Cuối Tuần trích dịch cuộc đối thoại của Đài CCTV với nhà văn Lương Hiểu Thanh.

 
 Nhà văn -Lương Hiểu Thanh

Nhân thế gian, cả trước và sau khi đoạt giải Mao Thuẫn đã thu hút sự quan tâm của rất nhiều công ty điện ảnh, họ cho rằng đây là tác phẩm hấp dẫn có nhiều nhân tố mới để khai thác. Nhưng ông đã từ chối lời đề nghị của rất nhiều công ty, xin hỏi vì sao?

- Một số công ty đến tìm tôi, nhưng khi họ kể về những bộ phim mà họ sản xuất, tôi nghe xong xin hẹn hợp tác lần khác. Một số công ty khác cứ khoe khoang về vị thế công ty, tôi cảm giác như họ không thiếu tiền. Tôi nghĩ là mình phải cẩn thận lựa chọn. Mãi đến khi gặp được đạo diễn Lý Lộ, sau khi gặp một lần, tôi cứ tiếc sao không gặp đạo diễn Lý sớm hơn.

Chủ yếu là chúng tôi có tiếng nói chung về đề tài hiện thực xã hội. Anh ấy có kể về mối quan tâm trong việc xây dựng hình ảnh giai cấp công nhân. Anh ấy tự bỏ tiền mua những tác phẩm miêu tả cuộc sống giai cấp công nhân để đọc, mời nhà biên kịch nổi tiếng Vương Hải Linh cải biên thành tác phẩm điện ảnh.

Ban đầu tôi kiên quyết phản đối chuyển thể thành kịch vì tôi đã hiểu quá rõ những khó khăn khi chuyển thể thành phim. Họ phải sản xuất 50 - 60 tập phim mới có thể chuyển tải hết nội dung cốt truyện, trong khi một vở kịch chỉ có 3 tiếng đồng hồ, tôi không có cách nào tin được là có thể diễn đạt hết nội dung tác phẩm. Nhưng sau đó, tôi gặp vị đạo diễn trẻ, rồi được nghe ý kiến một vị đạo diễn nổi tiếng Trung Quốc bày tỏ quan niệm ủng hộ giới trẻ, cho rằng mặc dù có khó khăn, nhưng cũng nên ủng hộ họ. Tôi thấy mọi người đều có quan niệm như vậy, thì tôi rút lại lời nói trước đó, ủng hộ các bạn trẻ.

Tác phẩm chuyển thể thành kịch khiến tôi rất vui. Vui nhất là lớp trẻ thông qua việc cải biên, dàn dựng vở kịch đã cho thấy họ trưởng thành và có kinh nghiệm hơn, dàn diễn viên trẻ cũng rất chuyên nghiệp. Trung Quốc có câu thành ngữ: Không có dùi kim cang, sao dám hàn sứ vỡ (tức không có bản lĩnh thì không làm nên chuyện). Các bạn ấy muốn diễn, các bạn cho biết sẽ làm hết khả năng của mình. Do đó chúng ta không nên nhìn họ bằng ánh mắt hoài nghi. Tôi thấy giới trẻ rất tự tin, họ cần có cơ hội để thử thách. Chỉ điểm này thôi, cũng đáng để những người già như chúng tôi nhìn nhận họ một cách đúng đắn.

Tôi đã đến trường quay bộ phim và thấy các diễn viên đều rất tuyệt. Có mặt ở phim trường, tôi cảm thấy họ là người rất đáng được tôn trọng, họ rất chuyên nghiệp, khi diễn họ nhập vai rất nhanh, hóa thân hoàn toàn vào nhân vật.

Ông vẫn giữ thói quen viết tay bản thảo của mình, ông không thích dùng Internet?

- Vâng, tôi không dùng Internet. Viết tay có lợi cho việc suy nghĩ, khoảng thời gian dùng viết chì để viết hết một câu cũng vừa đủ thời gian để nghĩ ra câu tiếp theo. Quá trình viết dấu chấm câu và đợi câu tiếp theo không hề gây ra tiếng động, còn đánh máy thì lạch cạch ồn ào.

Bản thảo tác phẩm Nhân thế gian 1.150.000 chữ, gồm ba tập, đều được nhà văn viết tay, với hơn 3.600 trang. Nhà biên tập Lý Chiêu Bình cho biết chữ viết bản thảo tập I rất nắn nót trong từng ô chữ; nhưng đến tập II thì chữ viết phình ra; đến tập III thì chữ viết xiêu vẹo.

Nhà văn Lương Hiểu Thanh cho biết Nhân thế gian là tác phẩm mà ông tốn nhiều công sức nhất trong con đường sáng tác của mình. Ông là người cổ hủ, đến nay vẫn giữ thói quen viết tay. Viết đến tập III, ông phải dùng bút chì viết nguệch ngoạc trên giấy A4, vì lúc ấy bàn tay đã bắt đầu không chịu sự điều khiển. Khi viết tập II, bệnh đau bao tử bắt đầu hành hạ ông, nhưng ông lần lữa không đi khám vì sợ lỡ phát hiện bệnh gì, tác phẩm sẽ khó hoàn thành. Lúc đó, ông chỉ muốn tập trung hết sức lực để hoàn thành tác phẩm.

 
 3 tập của Nhân thế gian

Ông là người theo đuổi cách sống và cách tiếp cận xã hội riêng, nhưng qua trò chuyện, tôi thấy ông rất hiểu giới trẻ nghĩ gì, làm gì. Ông làm điều đó như thế nào: vẫn giữ cách sống của riêng mình, nhưng lại có thể hòa hợp với giới trẻ?

- Cho dù ở lĩnh vực điện ảnh, kịch nói; là đạo diễn hay diễn viên, tôi cho rằng người trẻ trong giới nghệ thuật Trung Quốc đều đã có rất nhiều thành tựu. Cuộc sống quanh tôi có rất nhiều người bạn trẻ tuổi. Những nhân vật trong tác phẩm mấy năm gần đây của tôi đều là người trẻ, vì tôi muốn động viên giới trẻ, muốn bày tỏ sự trân trọng đối với giới trẻ Trung Quốc.

Tôi thuộc thế hệ 8X, cho đến khi làm cha, tôi mới hiểu được nỗi lòng của bố mẹ. Tôi xin trích đoạn tác phẩm Phụ thân của ông mà tôi rất thích: “Cha không còn là người cha khỏe mạnh ngày nào, cũng không còn là người cha đến tuổi về hưu rồi mà tinh thần vẫn minh mẫn với ánh mắt sáng ngời. Cha đã già, cha thật sự đã già rồi, cuộc sống đã biến ông thành một ông cụ đích thực. Mái tóc đen và cứng của ông đã rụng gần hết, những lọn tóc còn lại trên đầu thì đều đã bạc trắng. Bộ râu dài của ông mới đỉnh làm sao, bộ râu bạc xen lẫn sợi vàng, đúng là Lão Hoàng Trung Vũ, chòm râu tung bay trong gió, dài chạm nút áo thứ hai. Chỉ có bộ râu dài giúp ông giữ được vẻ uy nghi của người già. Những nếp nhăn trên khuôn mặt nhiều sương gió, như hiện tượng dư ảnh của những ước nguyện không thành. Cuộc sống đúng là khắc nghiệt làm sao”. Đọc tác phẩm của ông, nhất là khi tôi đã làm cha, luôn khiến tôi nhớ về hình ảnh người cha của mình, hiểu được cảm nhận của cha mình khi vào độ tuổi như ông.

- Sự kiên trì nhẫn nại của thế hệ chúng tôi, giới trẻ ngày nay hoàn toàn không thể mường tượng nổi. Đây cũng là mong ước của tôi khi viết về đề tài này. Tôi muốn thanh niên hiểu rõ bố mẹ, ông bà đã trải qua những gì trong quá khứ. Ngày xưa, một tệ đối với bố mẹ có ý nghĩa như thế nào. Tôi cho rằng quan trọng là sự thấu hiểu, hiểu về bố mẹ, đồng thời là hiểu biết về đất nước. Khi bố mẹ vẫn còn trẻ, hãy yêu thương họ thật nhiều. Điều đáng tiếc nhất trong cuộc đời tôi, chính là sự hối tiếc với bố mẹ. Tôi hầu như chưa bao giờ thấy bố mẹ, nhất là mẹ, cả đời chẳng mấy khi được mặc áo mới; bố mẹ luôn là người làm trước ăn sau; chưa bao giờ thấy họ thật sự hạnh phúc. Chúng tôi luôn nghĩ một ngày nào đó nhất định phải mang lại niềm vui đến cho bố mẹ.

Quá trình sáng tác là quá trình giúp tôi hình thành cách nhìn đối với hiện thực với thời đại. Thanh niên dưới ngòi bút của tôi đều có sức hút nhân cách, họ chính là hình ảnh thanh niên mà tôi thích, là hình mẫu người thanh niên mà lúc trẻ tôi từng theo đuổi, nhưng lại không thực hiện được. Vì vậy tôi muốn quảng bá hình ảnh lương thiện, chính trực cho giới trẻ ngày nay.

Giờ thì tôi hiểu rõ ý nghĩa nhận xét của ông Lý Kính Trạch, phó chủ tịch Hội Nhà văn Trung Quốc, về ông. Ông ấy nói: Bất cứ tác phẩm nào, muốn viết về mâu thuẫn, xung đột, đen tối, muốn thu hút người đọc đều rất dễ dàng. Nhưng viết về những điều tốt đẹp, lan tỏa cái đẹp đến người đọc, nhất là giới trẻ, thì không dễ chút nào.

- Tôi nghĩ ông ấy đang nói về phương châm sáng tác của tôi, sau bao nhiêu năm cầm bút tôi đã tìm được phương châm của mình. Nếu không có định hướng đó, khi sáng tác bạn sẽ luôn thắc mắc sáng tác có ý nghĩa gì? Nếu đến 70 tuổi rồi mà vẫn phải nhờ giải thưởng, phát hành bao nhiêu tác phẩm, có phải đại sư hay không để chứng minh giá trị của mình, thì đúng là đã lãng phí cả cuộc đời.

Nếu tác phẩm của chúng ta thể hiện được quan niệm: tôi rất vui khi nhìn thấy sự thành công, nỗ lực của bạn, tôi đang chú ý đến bạn, đang cổ vũ động viên bạn, thì thật tốt. Tôi hy vọng sẽ có nhiều tác phẩm truyền đạt thông điệp này đến giới trẻ. Như vậy, chỉ số hạnh phúc trong cuộc sống của thế hệ mai sau sẽ ngày càng cao. ■

Nhà văn Lương Hiểu Thanh, sinh năm 1949 ở Cáp Nhĩ Tân (Trung Quốc), trở thành nhà văn đại diện cho dòng văn học thanh niên trí thức Trung Quốc vào đầu những năm 1980 với tác phẩm Đây là mảnh đất thần kỳ; Hôm nay có bão tuyết, Niên đại quay về thành thị; Niên luân; Tri Thanh, Phụ thân; Thiên nhược hữu tình; Tuyết Thần... Trong đó có nhiều tác phẩm đoạt giải văn học toàn quốc. Tác phẩm Nhân thế gian (xuất bản năm 2017) của ông đoạt giải văn học Mao Thuẫn lần thứ 10 của Trung Quốc năm 2019 - một trong ba giải thưởng danh giá nhất Trung Quốc (cùng giải thưởng Lỗ Tấn và giải thưởng Tào Ngu), với số tiền được trao lên tới 500.000 nhân dân tệ (tương đương 1,7 tỉ đồng).

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận