TTCT - 1. Những năm đầu 1980, tôi là học sinh cấp II trường huyện. Gia đình tôi ngày đó nghèo nhất thôn, thôn lại nghèo nhất xã, xã nghèo nhất huyện, huyện nghèo nhất tỉnh. Minh họa: Bích Khoa Vì nghèo mà tôi thành học sinh cá biệt. Mỗi ngày tôi đạp xe đến trường gần mười cây số. Trời nắng, đường đi học đầy ổ gà ổ voi, trời mưa thì lầy lội. Chiếc xe đạp duy nhất cho cả nhà tàn tạ, hư hết bộ phận này đến bộ phận kia. Trật sên (xích) liên tục vì quá mòn, phải nghỉ học. Sửa xong sên vài hôm thì tuột líp, phải nghỉ học. Sửa xong líp vài hôm thì nổ lốp, phải nghỉ học. Cứ xoay vần như thế. Quần áo đi học chỉ hai bộ gối đầu, gặp lúc bộ cũ rách, chưa may bộ mới thì chỉ còn một bộ, nếu giặt chưa khô phải nghỉ học. Cứ một bộ mặc hoài, mắc cỡ cũng nghỉ học. Tôi nghỉ học quá nhiều nhưng chưa vượt quá quy định. Tôi nghỉ học nhưng biết lo bài vở nên điểm số chẳng đến nỗi phải ở lại lớp. Tuần nào, tôi đi ngang phòng giáo vụ đều thấy tên mình, và một vài bạn khác, là học sinh cá biệt. Đã có quy định học sinh được phép nghỉ học dưới 45 ngày trong một năm học, hiện nay cũng vậy, sao coi tôi là học sinh cá biệt, tôi không phục. Tôi chỉ nghĩ ôi sao mà nhà tôi nghèo dữ, nghèo đâu phải tội? 2. Cuối năm lớp 12, học bạ và bằng tốt nghiệp của tôi bị ghi đạo đức trung bình. Hồi đó đạo đức trung bình là tội to, xin đi học các trường trung cấp không được. Bí quá, năm sau tôi thi đại học sư phạm, đậu. Không hiểu là may mắn hay trường không quan tâm chuyện đạo đức trung bình, tôi vô đại học, học ngon lành. Trong lớp sư phạm của tôi không có ai đạo đức trung bình cả. Tôi chỉ mỗi tội nghỉ học nhiều mà thành học sinh cá biệt. Nhưng tôi cũng “cảm ơn” vì mình là học sinh cá biệt, buộc phải thi đại học, giờ mới thành giáo viên dạy toán mấy chục năm nay. Đôi khi nhà trường thích sự rập khuôn, thích công bằng kiểu trại lính, muốn được dễ dàng trong quản lý... mà một số học sinh bị nhìn dưới góc độ cá biệt. Nếu nền giáo dục hướng đến từng cá nhân (1) thì không còn ai bị gọi là cá biệt nữa. Thuyết hiện sinh (existentialism), một thành tố của triết lý giáo dục Mỹ (2), cũng khuyến khích người học đề cao tính cá biệt và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Tôi thật tình không muốn xem/gọi những học sinh cá biệt là cá biệt. 3. Nếu học sinh cá biệt vì không thực hiện đầy đủ bổn phận của mình thì bằng góc nhìn ấy, cha mẹ học sinh chưa làm tròn trách nhiệm, ví dụ chưa quan tâm đúng mức đến con cái, cũng phải gọi là phụ huynh cá biệt. Hai mệnh đề trên có thể lập thành mệnh đề kéo theo, rằng hầu hết học sinh cá biệt đều có phụ huynh cá biệt, tất nhiên không phải phụ huynh nào cũng nhận ra mình chưa làm tròn bổn phận. Tôi nghĩ học sinh cá biệt nào cũng đều có nguyên do đằng sau. Quả nhiên khi đến nhà tìm hiểu đều tìm ra nguyên nhân để các em thành học sinh cá biệt. Tôi xin điểm vài trường hợp (ngoài lý do học phí chất chồng mấy tháng chưa đóng, đi học trong trạng thái ngày mai có thể nghỉ khiến những học sinh nghèo rất dễ trở thành cá biệt): Đến nhà một học sinh cá biệt, nhà tôn, cửa nẻo trống lổng. Bà nội của học sinh lưng còng, chống gậy, nói: “Cha nó đi bắt rắn mối rồi”. Hỏi thêm thì biết ông ta bắt rắn mối về nhậu. Ông ta là phụ huynh cá biệt. Đến nhà một học sinh cá biệt khác, cha mẹ em cùng tiếp tôi. Mẹ em nói nhiều về gia cảnh, cha em nín thinh. Hồi lâu cha em nói: “Bà nói xong chưa, mấy thuở thầy đến nhà, bà kiếm thứ gì cho thầy nhậu với tui cái”. Hỏi ra thì biết ông này ghiền nhậu, thầy chủ nhiệm đến nhà là cái cớ để nhậu “hợp pháp”. Ông ấy là phụ huynh cá biệt. Một học sinh cá biệt con nhà giàu, được cha mẹ lo lắng quan tâm, tưởng đâu không có lý do gì để em thành học sinh cá biệt nhưng điều tra kỹ thì có. Đó là cha mẹ em khinh người nghèo, coi thường thầy cô giáo trước mặt em, nịnh quá đáng cấp trên, dè bỉu đồng nghiệp. Phụ huynh ấy là phụ huynh cá biệt. Là thầy giáo nhiều năm, tôi đánh giá học sinh cá biệt cao hơn học sinh chây lười. Chuyện học sinh cá biệt gây khó cho giáo viên nào, người ấy phải xem lại bản lĩnh, phải biết giáo dục là cả một nghệ thuật và tối thiểu coi mình đã đem lại hứng thú học tập cho học sinh chưa, đừng tự ái mà làm to chuyện. Nên chăng trong học bạ cần bỏ đi mục đánh giá đạo đức như từng bỏ mục đó trong bằng tốt nghiệp? Vì đây là mấu chốt để giáo viên “tìm ra” học sinh cá biệt. (1): http://vi.wikipedia.org/wiki/Gi%C3%A1o_d%E1%BB%A5c_Vi%E1%BB%87t_Nam_C%E1%BB%99ng_h%C3%B2a (2): http://highered.mheducation.com/sites/0072877723/student_view0/chapter9/index.html Tags: Học sinh
TP.HCM cấm cán bộ dùng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng THẢO LÊ 09/10/2024 Thành ủy TP.HCM cấm cán bộ sử dụng ngân sách đi nước ngoài vì việc riêng hoặc kinh phí do các doanh nghiệp tổ chức và đài thọ.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục kiểm tra, xử lý nghiêm vụ sinh viên ăn cơm canh thừa THÂN HOÀNG 09/10/2024 Phó thủ tướng Lê Thành Long giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì khẩn trương chỉ đạo kiểm tra, xử lý nghiêm các sai phạm liên quan thông tin báo chí nêu sinh viên phản ánh phải ăn cơm canh thừa, có 'dị vật'.
Một học sinh lớp 11 tại TP.HCM mất liên lạc với gia đình TRỌNG NHÂN 09/10/2024 Gia đình không liên lạc được với học sinh này từ ngày 4-10, đến nay là 5 ngày.
Cục nóng máy lạnh bị ngập nước, rò rỉ điện khiến người đàn ông tử vong MINH HÒA 09/10/2024 Cục nóng máy lạnh trên sân thượng bị rò rỉ điện, trời mưa khiến sân thượng ngập nước, người đàn ông lên dọn rác bị điện giật tử vong.