"Trợ giúp kinh tế" kiểu Trung Quốc

MINH NHIÊN  (TỔNG HỢP) 22/07/2014 03:07 GMT+7

TTCT - Sự phát triển của Trung Quốc về hướng bá quyền lộ rõ không chỉ trong lĩnh vực địa chính trị.

The Economist

Báo giới quốc tế đã lưu ý đến “sự trỗi dậy hòa bình” của Bắc Kinh trong địa hạt kinh tế mà nóng nhất là việc thúc đẩy thành lập Ngân hàng Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cuối năm 2014, cho dù tại khu vực này đã và đang hoạt động một Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB).

Lần đầu tiên, quyết định thành lập AIIB đã được ông Tập Cận Bình giới thiệu trong Hội nghị thượng đỉnh hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương ở Bali (Indonesia) hồi tháng 10-2013. Theo ông Tập, đây là một giải pháp để khắc phục khoảng cách khá lớn giữa nhu cầu xây dựng cơ sở hạ tầng của khu vực với khả năng đáp ứng vốn của các định chế tài chính khu vực, chủ yếu là ADB.

Và giống như “Học thuyết an ninh mới” mà Bắc Kinh giới thiệu tại Hội nghị các biện pháp xây dựng lòng tin châu Á (CICA) ở Thượng Hải hồi tháng 5-2014 là “an ninh châu Á phải do người châu Á đảm trách”, thì với AIIB, Trung Quốc sẽ đóng vai trò lãnh đạo trong hỗ trợ phát triển hạ tầng các nước châu Á.

Như theo Thứ trưởng ngoại giao Trung Quốc Cheng Guoping (Trình Quốc Bình), kế hoạch của Trung Quốc là AIIB sẽ có “bản sắc châu Á dẫn đầu” và “không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước”.

Trong một trả lời cho Hãng Bloomberg hôm 12-5 (1), Zhao Jianglin (Triệu Giang Lâm) thuộc Viện quốc gia chiến lược quốc tế của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Trung Quốc giải thích: “Vì sức mạnh kinh tế gia tăng nên việc Trung Quốc đóng một vai trò lớn hơn trong khu vực và hỗ trợ các nước khác nhiều hơn là chuyện tự nhiên. Giờ thì Trung Quốc có khả năng phô diễn đồng tiền thực của mình”.

Nhu cầu cấp thiết

Bản tin Bloomberg này cũng dẫn lời Bộ trưởng tài chính Trung Quốc Lou Jiwei (Lâu Kế Vĩ) tại một cuộc họp của ADB cho biết trong khi năng lực của ADB không thể đáp ứng hết nhu cầu cấp thiết của châu Á trong lĩnh vực hạ tầng, thì như lời họ Lâu khoe: “Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đang cho những dự án hạ tầng thương mại châu Á vay với quy mô lớn hơn cả ADB và Ngân hàng Thế giới (WB) cộng lại, mà điều đó đã diễn ra suốt 20 năm qua”.

Trong một cuộc làm việc ở Astana (Kazakhstan), giám đốc ADB Takehiko Nakao cũng thừa nhận ADB chỉ có thể cho vay 13 tỉ USD trong năm tài chính mới cho các dự án hạ tầng, trong khi nhu cầu của châu Á cần tới 8.000 tỉ USD trong thập niên tới.

Đến nay, việc thành lập AIIB đang được tăng tốc, với những cuộc làm việc của các quan chức Trung Quốc với các nước châu Á - Thái Bình Dương trong vài tháng qua. Theo trang web trợ giúp phát triển Devex, Trung Quốc đã tiếp cận Hàn Quốc, Malaysia và Nhật Bản, trong khi Mông Cổ khẳng định sẽ tham gia AIIB bằng việc ký kết bản ghi nhớ tháng 4-2014 (2).

Tuy nhiên, có thể nói phản ứng của đa số các nước là dè dặt. Phó giám đốc phụ trách hợp tác tài chính của Bộ Tài chính và chiến lược Hàn Quốc Kayoung Hong nói Hàn Quốc chưa biết sẽ tham gia AIIB hay không, và hiện chưa có thỏa thuận chính thức gì với Bắc Kinh dù cho biết Seoul “đang cân nhắc đề nghị này”.

Một chuyên gia Nhật giấu tên cũng cho biết Tokyo đã nhận được lời mời và giải thích của Trung Quốc về lý do thành lập AIIB, và Tokyo đang “phân tích tình hình”. Cũng theo ông Hong, dự kiến cuối tháng 7 này sẽ diễn ra vòng làm việc thứ tư về việc xúc tiến thành lập AIIB.

Còn theo tờ Thời Báo Tài Chính (Anh), đến nay đã có 22 quốc gia, trong đó có những nước giàu có ở Trung Đông mà Bắc Kinh gọi là “các nước Tây Á” bày tỏ quan tâm tới ngân hàng này.

Dự án của Trung Quốc, theo đánh giá của không ít chuyên gia và các nhà ngoại giao, là một thách thức cho ADB. Có trụ sở ở Manila, ADB được thành lập từ đề nghị của Nhật, ra đời năm 1966 với mục tiêu hỗ trợ châu Á giảm nghèo và phát triển kinh tế. Nhật và Mỹ là hai cổ đông lớn nhất trong 67 thành viên (Nhật có 15,7% và Mỹ có 15,6% vốn; với 26% quyền biểu quyết. Chức chủ tịch ADB vì thế luôn do người Nhật nắm).

Trong khi đó, Trung Quốc góp 5,5% cổ phần, mặc dù kinh tế nước này đã qua mặt Nhật năm 2010 để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Nếu thật sự Trung Quốc quan tâm tới các láng giềng nghèo châu Á thì việc nước này nên làm, theo nhà báo Zachary Keck viết trong bài báo “Trung Quốc phát triển theo hướng bá quyền” trên The Diplomat (3), là “gia tăng phần đóng góp cho ADB và bằng cách đó tăng cường vai trò của mình trong trật tự hiện có, thay vì dựng nên một trật tự mới”. Nhưng Trung Quốc đã chọn cách sau. Vì sao?

Thống lĩnh kinh tế

Sau khi giàu lên thời gian qua, Bắc Kinh đã yêu cầu tiếng nói lớn hơn trong các định chế thế giới như WB, ADB nhưng những thay đổi theo mong muốn của Bắc Kinh trong các định chế này “quá chậm chạp”, trong khi có quá nhiều lợi ích ở châu Á nên Bắc Kinh quyết định “sẽ vẫn tiến lên phía trước kể cả khi không ai tham gia”, như Thời Báo Tài Chính dẫn lời một nhân vật giấu tên có chân trong việc thành lập AIIB cho biết.

Oliver Rui, giáo sư tài chính kế toán của Trường doanh thương châu Âu ở Thượng Hải (Trung Quốc), không ngần ngại nói thẳng: “Trung Quốc muốn đóng một vai trò chủ chốt hơn trong những tổ chức kiểu thế này, nên cách tốt nhất là tự đứng ra thành lập tổ chức đó. Đây là một cách để đối trọng với Nhật và Mỹ”.

Hay như ông Qi Jianguo (Tề Kiến Quốc), giám đốc Viện các nghiên cứu châu Á - Thái Bình Dương thuộc Quỹ Trung Quốc nghiên cứu quốc tế, khẳng định: “ADB do Nhật dẫn đầu, WB do người Mỹ lãnh đạo, còn AIIB chủ yếu sẽ do Trung Quốc nắm”. Qi Jianguo từng là phó chủ tịch ADB, đang được giao trọng trách thành lập AIIB.

Tác giả Zachary Keck nhận định AIIB chẳng qua là một hướng bá quyền khác, một biểu hiện kinh tế của “học thuyết an ninh mới”. Nếu trong lĩnh vực an ninh, Bắc Kinh phản đối việc kết khối đồng minh ở châu Á, đẩy Mỹ ra khỏi đây nhằm bảo đảm tính bá chủ khu vực thì AIIB được Bắc Kinh dựng lên để qua mặt Mỹ, Nhật ở châu Á, bảo đảm sự thống lĩnh kinh tế của mình.

Theo giải thích của Erica Downs ở Viện Brookings (Washington, Mỹ): “Dấu chân bành trướng của Trung Quốc sẽ được coi là ít đe dọa tới các nước khác nếu dự án của các công ty Trung Quốc được tài trợ bởi AIIB thay vì Ngân hàng Phát triển Trung Quốc hay Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc”.

Tuần san The Economist chỉ ra tính hai mặt trong dự án AIIB, mà tờ báo này gọi thẳng việc nền kinh tế lớn thứ hai thế giới bỏ 6 tỉ USD (bằng GDP của Lào) “để chen chân vào, tự mình đầu tư và xây dựng tuyến đường sắt từ Côn Minh tới Vientiane, chẳng khác nào một kiểu chủ nghĩa thuộc địa” (4). Tiếp theo, AIIB sẽ giúp Trung Quốc gia tăng “quyền lực mềm” ở những nước họ tham gia xây dựng hạ tầng.

Ngại gì?

Ông Kayoung Hong cho biết trong các quan ngại của Seoul có vấn đề quản trị, vốn và quan hệ quốc tế. Đặc biệt, về năng lực quản trị của Trung Quốc, không ít vấn đề đặt ra liên quan đến việc Trung Quốc đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, sử dụng lao động và giám sát, chưa được giải quyết.

Tương tự, một chuyên gia Nhật giấu tên nêu vấn đề mấu chốt hơn: “Chúng tôi tự hỏi liệu có cần thêm AIIB trong khi ADB đã đóng vai trò trung tâm trong phát triển hạ tầng khu vực”. Tờ Thời Báo Tài Chính cũng nhắc lại việc các công ty Trung Quốc từng bị chỉ trích làm ăn cẩu thả, quản trị kém trong các dự án ở châu Á, châu Phi và Mỹ Latin.

Không phải ngẫu nhiên mà các chuyên gia phát triển tỏ vẻ nghi ngờ ý định thật sự của Bắc Kinh trong việc “giúp đỡ” châu Phi, lên tới 84,71 tỉ USD trong một thập niên qua, theo AidData. Không ít người tin rằng Trung Quốc thật sự chỉ muốn thâu tóm tài nguyên thiên nhiên và tìm thị trường tiêu dùng cho hàng giá rẻ của Trung Quốc (5).

Ấn Độ cũng đã được Bắc Kinh mời tham gia dự án AIIB, nhưng New Delhi vẫn chưa quyết định vì như tờ The Hindu tiết lộ, New Delhi cho rằng Bắc Kinh có những hàm ý địa chính trị trong lời mời này và Ấn Độ cần cân nhắc cái giá phải trả nếu tham gia AIIB so với việc tham gia Tổ chức hợp tác Thượng Hải (SCO), một tổ chức mà từ lâu Ấn Độ là quan sát viên cùng với Pakistan và Iran.

“Thiện ý” của Bắc Kinh trong việc “hỗ trợ phát triển hạ tầng” các láng giềng nghèo mà không gây tác động chính trị hoặc can dự vì thế vẫn khó thuyết phục. The Diplomat chỉ rõ: “Trung Quốc can dự vào xây dựng hạ tầng trên khắp vùng châu Á rộng lớn để buộc chặt các láng giềng nhỏ vào việc làm ăn với Trung Quốc. Và như từng thấy trong những cuộc tranh cãi lãnh thổ với Nhật, Philippines, Trung Quốc sẵn sàng khai thác sự lệ thuộc kinh tế của các nước khác để buộc họ làm theo những mệnh lệnh chính trị của Bắc Kinh”.

Theo báo cáo mới nhất năm 2013, tổng vốn của ADB hiện là 174 tỉ USD, mức độ tín nhiệm theo xếp hạng của Standard Poor’s là AAA (cao nhất), trong khi độ tín nhiệm của Chính phủ Trung Quốc là AA-. AIIB có vốn khởi điểm bằng 2/3 ADB (lúc đầu Trung Quốc tuyên bố đầu tư khoảng 50 tỉ USD, nhưng đến tháng 6-2014 đã tăng gấp đôi vốn khởi điểm lên tới 100 tỉ USD). Dự kiến AIIB đi vào hoạt động đầu năm 2015.

Tại sao nền kinh tế hùng mạnh của Trung Quốc vẫn chưa thể mua được “quyền lực mềm” cho nước này? Theo bài báo ký tên Banyan của The Economist, Trung Quốc chưa thuyết phục được châu Á vì nhiều lý do: Trung Quốc đã từng sử dụng thương mại như một vũ khí chính trị (đình chỉ xuất khẩu đất hiếm sang Nhật khi nổ ra cuộc tranh chấp quanh đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư).

Các dự án xây dựng của Trung Quốc không khỏi làm các nước liên quan lo âu khi thường kéo theo nhân công Trung Quốc sống trong những khu vực biệt lập. Những dự án này cũng gây lo ngại về một ”chiến lược lớn” Bắc Kinh có thể ngấm ngầm theo đuổi.

Chẳng hạn, với chuỗi các cảng Ấn Độ Dương mà Trung Quốc đang tham gia xây dựng (cảng Kyaukpyu ở Myanmar, Hambantota ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan và Chittagong ở Bangladesh), không ít người nghi ngại chiến lược khép các cảng này trong vòng ảnh hưởng Trung Quốc.

(1): bloomberg.com/news/2014-05-11/china-s-50-billion-asia-bank-snubs-japan-india-in-power-push.html

(2): devex.com/news/japan-south-korea-invited-to-china-s-aiib-83836

(3): thediplomat.com/2014/06/chinas-growing-hegemonic-bent/

(4): economist.com/blogs/analects/2013/10/asian-infrastructure-bank-1

(5): devex.com/news/is-the-time-ripe-for-china-s-own-aid-agency-83373

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận